Tụ dịch sau nâng mông bằng túi độn

4 năm trước 21

Tụ dịch là một khối dịch tích tụ dưới da có thể xảy ra sau bất kỳ quy trình phẫu thuật thẩm mỹ nào có can thiệp rạch, bóc tác hoặc cắt bỏ mô, bao gồm cả nâng mông bằng túi độn.

Tình trạng này có thể xảy ra vài tuần sau phẫu thuật, nhưng cũng có thể khởi phát muộn sau vài năm, và buộc phải có các biện pháp phòng ngừa cũng như điều trị.

Khối dịch tụ có thể to hoặc bé, thường có thể nhìn, sờ hoặc nhận biết qua da do nó căng phồng lên, nhưng đôi khi cũng cần siêu âm mới phát hiện ra. Tình trạng tụ dịch thường cũng góp phần khiến mông sưng nhiều hơn và đi kèm với các vấn đề như đau nhức, tấy, và cảm giác khó chịu khi chạm vào. Trong nhiều trường hợp bệnh nhân bị tụ dịch còn phát hiện có dịch lỏng trong suốt rỉ ra qua vết mổ. Nếu khối dịch tụ bị nhiễm trùng thì có thể có thêm các triệu chứng khác như sưng đau dữ dội ở vùng phẫu thuật, chảy dịch từ vết mổ, da vùng phẫu thuật có thể tấy, nóng đỏ, thậm chí bệnh nhân có thể bị sốt hoặc ớn lạnh.

2Bệnh nhân bị tụ dịch sau đặt túi độn dưới cân cơ khiến hai mông lệch nhau rõ

Các khối dịch tụ nhỏ ở mông thường có thể tự tiêu đi và không cần can thiệp gì, nhưng những khối to thì sẽ cần chọc hút hoặc dẫn lưu. Trong một số trường hợp nếu không được điều trị chúng có thể bị vôi hóa và tạo thành các u cục cứng gây biến dạng bề mặt mông (mặc dù trường hợp này rất hiếm và chủ yếu xảy ra sau khi loại bỏ túi độn). Các khối dịch tụ to ở trong bao xơ bao bọc túi độn có thể khiến mông bên to bên nhỏ, lệch nhau rõ ràng, chúng chèn ép túi độn khiến túi độn bị lệch khỏi vị trí của nó.

Việc xuất hiện các khối dịch tụ sẽ ảnh hưởng và làm chậm quá trình chữa lành sau phẫu thuật, thậm chí còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như áp xe mông, nhiễm trùng hoặc co thắt bao xơ…

Nguyên nhân gây tụ dịch sau nâng mông bằng túi độn

Mức độ và thời điểm tụ dịch khác nhau ở mỗi người, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, cân nặng, một số tình trạng y tế như tiểu đường và cao huyết áp cũng như những gì được thực hiện trong quá trình phẫu thuật. Trong quy trình nâng mông bằng túi độn, bác sĩ cần rạch và bóc tách tạo khoang chứa để đưa túi độn vào. Việc rạch và bóc tách như vậy sẽ khiến mô và các mạch máu bị tổn thương và chính những mạch máu, mạch bạch huyết này đã rỉ chất lỏng vào không gian trong khoang chứa, tạo nên khối dịch tụ. Ngoài ra cũng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ tụ dịch sau phẫu thuật đó là quá trình thực hiện bóc tách mô mở rộng hoặc gây tổn thương mô, chảy máu quá nhiều.

Có hai loại túi độn mông là túi vỏ nhám và túi vỏ trơn, nhiều nghiên cứu đều kết luận rằng túi vỏ nhám có tỉ lệ tụ dịch khởi phát muộn cao hơn so với túi vỏ trơn. Nguyên nhân được cho là do những chấn thương vi mô từ loại vỏ này tác động vào thành bao xơ bao quanh túi độn. Nguy cơ phát triển khối dịch tụ trong vòng 2 đến 3 năm sau khi đặt túi vỏ nhám lên đến 20% trong khi với túi vỏ trơn nguy cơ thấp hơn rất nhiều.

Cách khắc phục tụ dịch sau nâng mông bằng túi độn

bệnh nhân ở trong phòng PT, tụ dịch làm hai bên mông lệch rõ ràngBệnh nhân trước và sau khi phẫu thuật loại bỏ túi độn và dẫn lưu khối dịch tụ
1Hình a,b,c: bệnh nhân bị dịch tụ sau đặt túi độn mông vỏ nhám, ở dưới cân cơ;
Hình d,e,f: 4 tháng sau phẫu thuật loại bỏ khối dịch và thay bằng cặp túi độn vỏ trơn, size nhỏ hơn, đặt ở vị trí trong cơ. 

Để ngăn ngừa tụ dịch, hầu hết các bác sĩ đều đặt dẫn lưu bên trong khoang chứa ngay sau khi phẫu thuật. Dẫn lưu có thể được đặt trong vài giờ, vài ngày hoặc thậm chí vài tuần tùy vào lượng dịch rỉ ra ở mỗi bệnh nhân. Ngoài ra, bác sĩ cũng yêu cầu bệnh nhân mặc quần nịt, định hình, hoặc sau vài tuần thì có thể yêu thực hiện matxa bạch huyết để tăng lưu thông giúp tống dịch còn sót lại ra. Tất cả những biện pháp này nhìn chung rất hiệu quả để ngăn ngừa dịch tụ, tuy nhiên tình trạng này vẫn có nguy cơ xảy ra sau khi đã loại bỏ dẫn lưu, hoặc thậm chí là sau nhiều năm.

Các khối dịch nhỏ có thể tự biến mất theo thời gian do cơ thể hấp thụ nó, và bệnh nhân sẽ không cần điều trị gì, hoặc có thể chỉ cần kết hợp dùng các loại thuốc giảm đau để giúp giảm cảm giác đau đớn, khó chịu và giúp giảm viêm do dịch tụ gây ra. Trường hợp khối dịch tụ lớn hoặc nghiêm trọng thì sẽ cần dẫn lưu bằng cách dùng kim tiêm hút ra hoặc đặt dẫn lưu.

Nếu trong trường hợp này phát hiện nhiễm trùng thì bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh, tuy nhiên nếu nhiễm trùng nặng, sâu ở trong mông và có thể lan vào đến túi độn thì nguy cơ phải loại bỏ túi là rất cao. Túi độn mới có thể đặt lại sau khi đã xử lý triệt để tình trạng nhiễm trùng và loại bỏ hoàn toàn khối dịch tụ. Trong quy trình đặt lại túi độn, bác sĩ có thể  thay thế bằng cặp túi độn vỏ trơn và nếu trước đó túi được đặt ở trên cơ thì có thể thay đổi xuống vị trí trong cơ để đảm bảo kết quả an toàn và giảm thiểu biến chứng hơn.

Các dấu hiệu tụ dịch cần được chăm sóc y tế ngay lập tức

Nếu phát hiện có khối tụ dịch dai dẳng đi kèm với 1 trong các triệu chứng dưới đây thì bệnh nhân cần được thăm khám ngay:

  • Thấy dịch chảy ra từ vết mổ ngày càng nhiều hơn
  • Dịch chảy ra có màu máu hoặc chuyển màu trắng nhờ
  • Dịch chảy ra có mùi
  • Nhiệt độ cơ thể tăng cao, bị sốt
  • Bị buồn nôn, chóng mặt
  • vùng da xung quanh khối dịch tụ có tình trạng tấy đỏ
  • Sưng phù ngày càng tăng
  • Đau và khó chịu nghiêm trọng
  • Cảm giác vết mổ muốn rách toang ra do căng cứng và sưng nề.

Các biện pháp phòng ngừa tụ dịch sau nâng mông bằng túi độn

Các khối dịch tụ có thể tồn tại dai dẳng làm ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật cũng như giảm chất lượng cuộc sống, do đó tốt nhất nên ngăn chặn nó ngay từ đầu.

Cách tốt nhất để làm điều này là không để có khoang trống ở vùng phẫu thuật. Điều này đòi hỏi bác sĩ phải tạo khoang chứa đặt túi độn vừa vặn, không quá rộng. Tiếp đến là đặt dẫn lưu, băng ép và duy trì matxa thoát dịch. Ngoài ra, bệnh nhân sang ngày thứ 2 cũng nên đứng dậy đi lại để giúp tăng tuần hoàn, lưu thông giúp tống dịch ra.

Chườm ấm cũng là một cách tuyệt vời để giảm nguy cơ tụ dịch. Hiệu quả tăng lưu thông sau chườm ấm sẽ giúp dịch rỉ ra được hấp thụ vào dòng máu nhanh hơn. 

Tóm lại, tụ dịch là nguy cơ có thể gặp phải ở bất kỳ bệnh nhân nào sau phẫu thuật nâng mông bằng túi độn. Áp dụng các biện pháp phòng ngừa ngay từ đầu sẽ giúp tránh tối đa nguy cơ này. Tuy nhiên đây là tình trạng có thể lặp lại, nên mặc dù đã điều trị thì cũng vẫn có thể tái phát, ngay cả khi sau phẫu thuật loại bỏ khối dịch và thay túi độn mới.

Đọc toàn bộ bài viết