Tụ dịch là một trong những biến chứng phổ biến nhất sau tạo hình thành bụng, nếu không can thiệp kịp thời có thể để lại hậu quả lâu dài.
Thế nào là tụ dịch?
Tụ dịch sau tạo hình thành bụng là hiện tượng dịch (huyết tương, dịch được truyền vào cơ thể trong quá trình làm phẫu thuật) ứ đọng tại khoảng không gian giữa vạt da và lớp cơ trước khi hai lớp này kịp liền lại với nhau. Có thể ví tụ dịch như một quả bong bóng nước nằm bên dưới da.
Ổ tụ dịch thường mềm và nếu bạn vỗ vào thì có hiện tượng da lùng nhùng, gợn sóng, vì có nước bên dưới. Tuy nhiên, tính chất này chỉ tồn tại ở giai đoạn đầu sau tạo hình thành bụng, khi ổ tụ mới hình thành. Khi ổ tụ đã tồn tại lâu, cơ thể sẽ tạo ra các mô sẹo (nang) bao bọc quanh nó sờ có cảm giác cứng. Ở giai đoạn được bao bọc này, ổ tụ sẽ ở lại vĩnh viễn nếu không can thiệp bằng phẫu thuật.
Ổ tụ dịch không phải lúc nào cũng giống nhau, chúng có thể có kích thước nhỏ, vừa và to. Cơ thể có thể tự xử lý các ổ tụ nhỏ, chỉ cần chờ qua thời gian. Còn các ổ tụ lớn hơn cần được bác sĩ can thiệp.
Cách xác định tụ dịch
Như đã nói ở trên, ổ tụ có tính chất giống bóng nước. Khi tháo băng ép, đứng trước gương, dùng ngón tay vỗ hoặc ấn ấn nhẹ trên da. Nếu da bạn di chuyển dập dềnh như sóng nước, thì tức là bên dưới có dịch. Trong trường hợp có ít dịch tụ, hiện tượng gợn sóng này sẽ không hiện rõ, nhưng bạn vẫn có thể thấy được sự thay đổi trên da, nếu ấn hoặc áp bàn tay vào một bên thì bên kia sẽ nhô lên vì dịch bị dồn sang đó. Nếu ổ tụ quá nhỏ nên không có những dấu hiệu này, thì bạn cũng chẳng cần lo lắng vì cơ thể sẽ tự xử lý được những ổ dịch tụ như thế.
Khi ổ tụ bị đóng nang thì nó sẽ trở thành một điểm gồ cứng, sờ vào là cảm nhận được, có thể đau hoặc không. Cách xác định chính xác nhất chính là thông qua siêu âm để tìm ổ dịch ứ đọng dưới da. Hình ảnh siêu âm sẽ cho biết vị trí, kích cỡ của nang dịch mà bạn đang tìm kiếm một cách dễ dàng.
Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ là người mà bạn nên tin tưởng nhất trong việc chẩn đoán ổ tụ dịch. Hãy đi tái khám đầy đủ để bác sĩ theo dõi quá trình hồi phục của bạn và phát hiện những dấu hiệu bất thường kịp lúc. Nếu bạn nghi ngờ mình bị tụ dịch khi chưa tới lịch tái khám, hãy liên lạc với bác sĩ để được xin lời khuyên và được hướng dẫn.
Tụ dịch có tác hại gì?
Ảnh hưởng lớn nhất của dịch tụ chính là nó ngăn cản hai lớp da và cơ mọc liền lại với nhau sau khi hai lớp này đã bị tách rời trong quá trình làm phẫu thuật. Điều này khiến thời gian hồi phục kéo dài hơn.
Khi phát triển thành tụ dịch đóng trong nang, nó có thể gây biến dạng vùng bụng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thẩm mỹ của ca phẫu thuật. Lúc này phương án duy nhất là phẫu thuật loại bỏ và nó sẽ khiến bệnh nhân có thêm một vết sẹo không mong muốn.
Ổ tụ dịch cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng, khiến quá trình điều trị trở nên phức tạp, kéo dài và khó khăn hơn cho bệnh nhân. Khi bị nhiễm trùng, tụ dịch sẽ kèm theo những biểu hiện như đỏ, sưng, đau, mủ... và cần được điều trị bằng kháng sinh.
Cuối cùng, ổ tụ đôi khi sẽ gây đau, gây khó chịu cho bệnh nhân, gây ảnh hưởng lên tâm trạng của bệnh nhân sau phẫu thuật. Mặc dù phiền toái, nhưng bệnh nhân nên hiểu rằng tụ dịch sẽ khỏi nếu được điều trị đúng cách và kịp thời. Bệnh nhân không nên quá bi quan hay suy nghĩ tiêu cực khi biến chứng này kéo dài. Một thái độ tích cực sẽ giúp bệnh nhân hồi phục tốt hơn.
Nguyên nhân dẫn đến tụ dịch
Bình thường cơ thể có hệ mạch máu và mạch bạch huyết để giúp lưu chuyển dịch thể khắp người. Trong lúc làm tạo hình bụng, hệ thống mạch bạch huyết ở lớp nông dưới da bị cắt đứt và dịch chuyển khỏi vị trí vốn có, khiến cho chức năng của chúng bị gián đoạn. Huyết tương thừa lại trong mô sau quá trình vi tuần hoàn không được dẫn lưu bởi mạch bạch huyết như bình thường, ứ đọng lại trong mô. Một phần chảy vào khoảng trống giữa da và cơ, tích tụ dần tạo thành tụ dịch.
Khi mạch bạch huyết mọc lại, chúng sẽ dẫn lưu dịch này đi, khiến ổ tụ xẹp lại và biến mất. Vậy nên, đa phần bác sĩ chỉ cần rút dịch và ép chặt ổ tụ để ngăn nó phát triển, qua thời gian ổ tụ sẽ được cơ thể xử lý. Nếu mô sẹo đã hình thành bao bọc quanh phần dịch ứ đọng, thì mạch bạch huyết không tiếp cận được và ổ tụ có nang này không thể tự biến mất mà phải cắt bỏ.
Tụ dịch sau tạo hình thành bụng kéo dài bao lâu?
Tụ dịch không có một khung thời gian cụ thể như sưng nề hay bầm tím, bạn sẽ “khỏi” khi không còn dịch ứ đọng và khoang tụ dịch khép lại. Quá trình có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, tùy vào mức độ nghiêm trọng của ca bệnh cụ thể.
Các biện pháp chữa tụ dịch
Những ổ tụ nhỏ thì không cần biện pháp điều trị gì cả, sau khi hệ bạch huyết quay trở lại hoạt động, dịch sẽ được dẫn lưu và ổ tụ sẽ tự động xẹp đi. Đối với thể tích dịch tụ lớn (một số bác sĩ quy định là trên 30 ml, tuy nhiên mỗi bác sĩ có một quy chuẩn riêng), thì sẽ cần một số phương pháp xử lý như:
- Rút dịch bằng ống tiêm. Sau khi rút ống dẫn lưu mà bị tụ dịch, thì bác sĩ có thể áp dụng phương pháp chọc ống tiêm xuyên qua da vào khoang tụ và rút dịch trong suốt ra ngoài. Biện pháp này làm giảm thể tích dịch ứ đọng, hỗ trợ cơ thể tự loại bỏ ổ tụ.
- Tiêm chất xơ cứng. Nếu biện pháp rút dịch vẫn không ngăn được dịch liên tục dồn vào khoang trống, thì việc tiêm chất xơ cứng để chặn dịch tiếp tục dồn lại, đồng thời dẫn lưu dịch tụ sẽ giúp làm xẹp ổ tụ.
- Phẫu thuật cắt bỏ nang bao bọc dịch tụ. Trong trường hợp ổ tụ đã bị bao bọc bởi thanh nang cứng và biện pháp tiêm xơ cứng không có tác dụng, thì phương án cuối cùng là phẫu thuật rạch mổ và cắt bỏ hoàn toàn túi nang và dịch được bao bọc xung quanh.
Với cả ba phương án này, bệnh nhân cần lưu ý sử dụng gen nịt hoặc băng ép đều đặn. Những sản phẩm này liên tục ép hai lớp da và cơ với nhau, hạn chế không gian phát triển của ổ tụ và góp phần giúp cơ thể giải quyết tụ dịch nhanh chóng hơn.
Phương pháp ngăn ngừa và hạn chế tụ dịch
Để tránh nguy cơ bị tụ dịch, đặc biệt là sau các ca tạo hình thành bụng mở rộng, các bác sĩ thường đặt ống dẫn lưu cho bệnh nhân. Đây là một ống tròn, kích thước rất nhỏ, một đầu nằm bên trong cơ thể ở vùng đã làm phẫu thuật, một đầu dẫn ra bên ngoài; đầu nằm bên ngoài cơ thể có thể hở hoặc gắn với một túi để chứa dịch. Dịch ứa ra sẽ liên tục đi theo ống này chảy ra ngoài, không tích lại trong khoang trống để tạo thành ổ tụ dịch.
Ống dẫn lưu thường được đặt trong 2-4 tuần, hoặc cho đến khi lượng dịch chảy ra quá ít (< 25-30ml trong vòng 1-2 ngày). Bác sĩ và bệnh nhân sẽ cùng theo dõi thể tích dịch chảy ra để quyết định khi nào thì rút ống.
Tuy nhiên, một số bác sĩ cho rằng hiệu quả của ống dẫn lưu không tối ưu, và họ phát triển phương pháp khâu giảm căng tích cực để không cần phải sử dụng đến ống dẫn lưu nữa. Biện pháp này còn được gọi là tạo hình thành bụng không đặt ống dẫn lưu. Cụ thể là sau khi kéo vạt da xuống dưới, bác sĩ sẽ dùng chỉ khâu nhiều điểm ở vạt da xuống lớp cơ, thay vì chỉ khâu vết mổ ngang ở bên dưới. Phương pháp này được cho là sẽ cố định vạt da, loại bỏ khoảng trống giữa hai lớp da và cơ, từ đó giảm hẳn nguy cơ bị tụ dịch.
Ngoài ra, băng ép, gen nịt bụng, đồ bó định hình cũng là những công cụ cần thiết trong việc ngăn ngừa và hạn chế tụ dịch. Băng ép, gen nịt giúp hai lớp da và cơ liên tục dính với nhau, tạo điều kiện để chúng liền lại nhanh hơn sau phẫu thuật. Như vậy nó cũng giúp làm giảm khả năng có khoảng trống dưới da để hình thành tụ dịch. Còn khi bệnh nhân đã bị tụ dịch, lực ép của đồ nịt cũng giúp hạn chế sự phát triển của ổ tụ và hỗ trợ làm xẹp ổ tụ.
Những điều bệnh nhân nên làm
- Mặc đồ nịt đều đặn hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc liên tục tháo và mặc lại đồ nịt có thể gia tăng khả năng bị tụ dịch.
- Tránh cách hoạt động làm tách lớp da và cơ. Các động tác vặn mình, vươn vai mạnh có thể khiến lớp da trượt bên trên cơ, khiến chúng khó lành lại với nhau. Tương tự, tránh mát-xa thô bạo, bóp nắn, vằn vò lớp da khi nó chưa kịp lành với cơ.
- Ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ. Hạn chế ăn nhiều muối.
- Làm theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Nếu thấy dấu hiệu bất thường: đỏ, nóng, đau nhiều hơn bình thường... thì lập tức liên lạc với bác sĩ