Tụ máu sau tạo hình thành bụng

3 năm trước 27

Tụ máu sau tạo hình thành bụng là máu tích tụ ngoài mạch máu, nằm dưới da, cản trở quá trình hồi phục và có tác động xấu đến kết quả thẩm mỹ sau phẫu thuật.

Thông tin chung về tụ máu sau tạo hình thành bụng

Theo định nghĩa tụ máu là tập hợp máu nằm bên ngoài thành mạch, gần vị trí chảy máu, nơi có khoảng trống có thể chứa được lượng máu này. Ổ tụ máu có thể xuất hiện trong một cơ quan nội tạng, một khoảng không gian trong cơ thể hoặc trong mô. Sau tạo hình thành bụng, không gian trống giữa da và cơ thường là nơi xuất hiện tụ máu.

Tụ máu sau tạo hình thành bụng khá thường gặp, thường đứng thứ 2 hoặc 3 trong số những biến chứng nhẹ phổ biến nhất. Các yếu tố gia tăng rủi ro bị tụ máu sau tạo hình thành bụng là:

  • Tiền sử rối loạn đông máu
  • Tuổi tác cao
  • Giới tính nữ
  • Sử dụng các loại thuốc chống đông máu
  • Vận động mạnh

Nguyên nhân gây tụ máu

Trong quá trình làm phẫu thuật, bác sĩ sẽ đốt các mạch máu to để cầm máu, nhưng không thể kiểm soát tình trạng chảy máu của các mao mạch nhỏ li ti. Máu chảy ra từ các mao mạch bị tổn thương. Với số lượng nhỏ, phần máu này sẽ tạo ra những mảng bầm tím trên da. Nếu máu tiếp tục rò rỉ từ mao mạch, thì chúng sẽ tụ lại và tạo thành ổ tụ máu.

Đôi khi, máu tụ đến từ những mạch lớn chưa được kiểm soát hoặc bị bỏ qua trong quá trình làm phẫu thuật. Lúc này ổ tụ máu không ngừng phát triển; bệnh nhân sẽ cần phải quay lại bàn mổ để bác sĩ xác định nguyên nhân chảy máu và bịt kín mạch máu đang bị hở.

Các ổ tụ có thể gồ lên bên trên bề mặt, đôi khi đi kèm với hiện tượng bầm tím tại điểm có tụ máu, có thể đi kèm cảm giác đau. Tuy nhiên ổ tụ máu cũng có thể không biểu hiện gì ra bên ngoài.

Tác hại tiềm tàng

Tụ máu thường được liệt kê vào dạng biến chứng nhẹ, do cơ thể có khả năng tự tiêu hủy phần máu đi lạc này mà không cần can thiệp và không để lại bất kỳ di chứng nào. Tuy nhiên, những ổ tụ lớn có thể trực tiếp gây ra những bất tiện cho bệnh nhân trong quá trình hồi phục, cũng như dẫn đến những vấn đề đáng lo ngại hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả thẩm mỹ của phẫu thuật.

Một số hậu quả mà một ổ tụ máu lớn, không ngừng phát triển có thể gây ra là:

  • Gây đau, khó chịu. Những ổ tụ máu lớn có thể chèn ép lên các tổ chức xung quanh, chèn lên dây thần kinh... gây cảm giác căng tức, khó chịu tại vùng đó. Những cảm giác khó chịu có thể khiến bệnh nhân không thể sinh hoạt bình thường, không thể tìm được tư thế thoải mái... Dẫn đến việc cần loại bỏ ổ tụ để bệnh nhân có thể hồi phục bình thường.
  • Gây hoại tử cho vùng da bên trên, hoặc lớp mỡ xung quanh. Lực ép từ máu tụ có thể làm hạn chế máu chảy đến vạt da và lớp mỡ dưới da xung quanh nó. Đối với vạt da đang ở trong tình trạng được cấp máu kém sau tạo hình thành bụng, điều này có thể gây nguy hiểm lớn và làm tăng nguy cơ bị hoại tử.
  • Tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
  • Ổ tụ lâu dần có thể gây ra sẹo.
  • Bầm tím đi kèm với tụ máu có thể để lại dấu vết trên da, khiến mảng da đó đổi màu sậm hơn vĩnh viễn.
  • Làm phù mô.
  • Kéo dài thời gian hồi phục.

Cách phát hiện tụ máu

Sau tạo hình thành bụng, bệnh nhân có thể để ý tới các dấu hiệu như:

  • Đau mạnh, đau bất thường
  • Bầm tím
  • Nổi ụ, cục cứng, gồ lên tại vùng bị bầm tím

Nhìn chung, tụ máu thường xuất hiện dưới dạng một ụ lồi, đi kèm hiện tượng bầm tím. Nó không có hiệu ứng “bong bóng nước” đặc trưng của các ổ tụ dịch. Mặc dù những dấu hiệu trên khá mơ hồ và có thể là biểu hiện của những biến chứng khác, nhưng chúng có thể cho bạn biết là có gì đó không đúng. Lúc này bạn nên liên lạc với bác sĩ để được kiểm tra cụ thể.

Phương pháp chuẩn xác nhất để xác định ổ tụ máu là siêu âm, cũng như thông qua thăm khám trực tiếp dựa trên chuyên môn của bác sĩ.

Các biện pháp điều trị

Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng xuất huyết (chảy máu) sẽ dừng lại khi có đủ lực chèn ép. Thực ra không cần vội vàng trong việc loại bỏ ổ tụ máu, vì duy trì áp lực bên trong ổ tụ vào giai đoạn đầu là một bước quan trọng để ngăn chảy máu. Một khi tình trạng xuất huyết đã dừng lại và kích cỡ của ổ tụ đã ổn định, thì khi đó các biện pháp điều trị thường hướng tới việc xử lý các triệu chứng.

Đối với những ổ tụ nhỏ, bệnh nhân có thể duy trì lực ép liên tục thông qua việc mặc gen nịt. Qua thời gian, ổ tụ máu sẽ tự tiêu biến một cách tự nhiên và không cần tới các biện pháp can thiệp bên ngoài.

Các ổ tụ vừa và lớn đã ổn định có thể được loại bỏ thông qua biện pháp rút máu tụ bằng ống tiêm đâm qua da. Hút mỡ cũng được cho là một biện pháp an toàn và hiệu quả để loại bỏ tụ máu. Biện pháp này có thể được áp dụng cho các ổ tụ máu thể tích lớn và thường đem lại hiệu quả cao.

Trong trường hợp ổ tụ lớn và không ngừng lan rộng, ám chỉ tình trạng chảy máu không ngừng, thì bệnh nhân cần quay lại bàn mổ. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để xác định vị trí chảy máu và chặn mạch máu bị tổn thương, sau đó dẫn lưu máu khỏi ổ tụ để kiểm soát ổ tụ máu. Ống thoát dịch Hemovac có thể được sử dụng để dẫn lưu máu tụ ra ngoài, trong trường hợp máu tích tụ trở lại trong khoang trống sau phẫu thuật, ống hemovac có tác dụng tương tự như ống dẫn lưu thường đặt sau tạo hình thành bụng.

Các biện pháp ngăn ngừa và hạn chế tụ máu

Trước phẫu thuật

Việc ngăn ngừa tụ máu bắt đầu từ trước khi làm phẫu thuật với các hoạt động:

  • Sàng lọc bệnh nhân
  • Đánh giá nguy cơ rối loạn đông máu
  • Ngừng sử dụng các loại thuốc chống kết dính tiểu cầu: aspirin, dipyridamol,ticlopidin...
  • Ngừng sử dụng các loại thuốc chống đông máu: Apixaban (Eliquis), Dabigatran (Pradaxa), Edoxaban (Savaysa), Fondaparinux (Arixtra), Heparin (Fragmin, Innohep, and Lovenox), Rivaroxaban (Xarelto)...

Quá trình phẫu thuật

Trong quá trình làm phẫu thuật, bác sĩ cần chú ý cầm máu, sau đó đặt ống dẫn lưu để giảm thiểu nguy cơ. Các biện pháp như sử dụng chất trám mô (Tissue sealants), gel tiểu cầu (platelet gel) hay kỹ thuật khâu giảm căng tịnh tiến được cho là sẽ hạn chế hình thành tụ máu, mặc dù vậy mức độ hiệu quả của các biện pháp này vẫn còn là chủ đề tranh cãi trong phẫu thuật thẩm mỹ. Sau phẫu thuật, việc theo dõi liên tục, đi tái khám đúng lịch sẽ giúp bác sĩ phát hiện sớm và can thiệp kịp thời khi có dấu hiệu tụ dịch, tụ máu.

Sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật bệnh nhân nên làm những điều sau để hạn chế khả năng bị tụ máu:

  • Tránh vận động mạnh, mang vác đồ nặng trong giai đoạn đầu. Nhìn chung, những hành động khiến bạn phải vận động vùng bụng quá mức khi bụng chưa hồi phục hoàn toàn có thể gây chảy máu nhiều hơn, khiến chỉ thắt cơ cọ xát vào cơ gây chảy máu...
  • Duy trì mặc gen nịt/băng ép đều đặn. Lực ôm ép vừa phải và liên tục từ gen nịt nhìn chung sẽ giúp kiểm soát không gian trống, hạn chế kích thước của ổ tụ máu... dẫn đến máu tụ tan nhanh hơn.
  • Ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ để giúp cơ thể hồi phục nhanh chóng, giảm nguy cơ bị tụ máu.
  • Tuyệt đối làm theo chỉ dẫn hậu phẫu của bác sĩ.
  • Tránh những loại thuốc làm tăng khả năng chảy máu: aspirin, các thuốc chống viêm không steroid... Hãy trao đổi chi tiết vấn đề này với bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ của bạn.
Đọc toàn bộ bài viết