Tham vấn y khoa Dr Trường
Đăng bởi Bác Sĩ Heathline vào 16:09 +07 Thứ năm, 07/01/2021
Giai đoạn 4 là giai đoạn cuối của bệnh ung thư buồng trứng. Ở giai đoạn này, ung thư đã lan rộng (di căn) ra ngoài hệ sinh dục và vùng chậu đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Ung thư buồng trứng giai đoạn 4 còn sống được bao lâu?
Các giai đoạn ung thư buồng trứng
Sau khi kết luận ung thư buồng trứng, bác sĩ sẽ cần xác định mức độ tiến triển hay giai đoạn của bệnh. Ung thư buồng trứng tiến triển qua 4 giai đoạn là giai đoạn 1, 2, 3 và 4.
Giai đoạn ung thư được xác định dựa trên những yếu tố dưới đây:
- Kích thước của khối u
- Phạm vi lan rộng của tế bào ung thư (chỉ giới hạn trong buồng trứng hay đã lan ra bên ngoài)
- Nơi mà tế bào ung thư lan ra bên ngoài buồng trứng
Ung thư buồng trứng giai đoạn 4
Giai đoạn 4 là giai đoạn cuối của bệnh ung thư buồng trứng. Ở giai đoạn này, ung thư đã lan rộng (di căn) ra ngoài hệ sinh dục và vùng chậu đến các cơ quan khác trong cơ thể như:
- Gan
- Phổi
- Não
- Da
Ung thư giai đoạn 4 được chia thành hai giai đoạn nhỏ hơn là giai đoạn 4A và giai đoạn 4B.
Ung thư buồng trứng giai đoạn 4A
Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư có trong chất dịch xung quanh phổi. Tình trạng này được gọi là tràn dịch màng phổi ác tính.
Ung thư chưa lan sang các vị trí khác bên ngoài vùng chậu hoặc ổ phúc mạc. Phúc mạc là lớp màng bao phủ toàn bộ mặt trong của thành bụng (phúc mạc thành) và các cơ quan bên trong (phúc mạc tạng).
Ổ phúc mạc là khoảng không gian giữa phúc mạc thành và phúc mạc tạng.
Ung thư buồng trứng giai đoạn 4B
Ở giai đoạn 4B, ung thư đã di căn đến các khu vực bên ngoài ổ phúc mạc như:
- Não
- Da
- Phổi
- Hạch bạch huyết lân cận
Khi được chẩn đoán ung thư buồng trứng giai đoạn cuối, bác sĩ sẽ thảo luận một số điều như sau với người bệnh:
- Kiểm soát các triệu chứng: Ung thư buồng trứng thường không biểu hiện triệu chứng đáng chú ý cho đến khi di căn. Bác sĩ sẽ đưa ra những biện pháp để giảm các triệu chứng bệnh cho đến khi bắt đầu tiếp nhận điều trị.
- Điều trị: Càng bắt đầu điều trị sớm thì tiên lượng sẽ càng khả quan. Phác đồ điều trị sẽ phụ thuộc vào loại ung thư mắc phải và những bộ phận trong cơ thể mà ung thư đã di căn đến.
- Giảm thiểu tác dụng phụ: Mỗi một phương pháp điều trị ung thư đều có đi kèm với một số tác dụng phụ nhất định. Khi đưa ra phác đồ điều trị, bác sĩ sẽ nói rõ về các tác dụng phụ và biến chứng tiềm ẩn của cũng như là những cách để khắc phục, giảm thiểu.
- Thay đổi lối sống: Thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày và thói quen tập thể dục là điều cần thiết trong thời gian điều trị ung thư. Mặc dù việc này sẽ không chữa khỏi được bệnh nhưng sẽ giúp nâng cao sức khỏe để chống chọi với bệnh tật và giảm một số tác dụng phụ của các phương pháp điều trị. Việc thực hiện lối sống lành mạnh còn giúp làm giảm một số yếu tố nguy cơ có thể làm phức tạp thêm quá trình điều trị.
- Đối phó với những thay đổi về tinh thần: Những cảm xúc buồn bã, lo sợ và tuyệt vọng mà người bệnh phải trải qua sau khi bị chẩn đoán ung thư và trong quá trình điều trị sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Do đó, bên cạnh phác đồ điều trị và những biện pháp để khắc phục các tác dụng phụ, bác sĩ sẽ còn đưa ra những lời khuyên để vượt qua cú sốc về tinh thần này.
Điều trị ung thư buồng trứng giai đoạn cuối
Sau khi đã xác định được loại ung thư buồng trứng và giai đoạn bệnh thì bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể. Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh ung thư buồng trứng:
- Phẫu thuật: là phương pháp điều trị chính nhưng không phải ai mắc ung thư buồng trứng cũng cần phải phẫu thuật. Trong những trường hợp cần phẫu thuật thì sẽ phải loại bỏ khối u và thường kèm theo một phần buồng trứng để làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh ung thư. Nhiều trường hợp cần cắt bỏ một hoặc cả hai buồng trứng và thậm chí cắt cả buồng trứng, tử cung cùng với ống dẫn trứng.
- Hóa trị: là phương pháp sử dụng các loại hóa chất để điều trị ung thư. Thuốc hóa trị sẽ đi vào máu và sau đó tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị là phương pháp điều trị rất hiệu quả nhưng đi kèm với nhiều tác dụng phụ và có thể phá hủy cả các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể.
- Liệu pháp hormone: được sử dụng để giảm hoặc ngăn chặn sự sản xuất hormone. Một số hormone giúp cho khối u phát triển và lan rộng. Việc làm giảm nồng độ hormone sẽ giúp ngăn chặn điều này.
- Xạ trị: là phương pháp sử dụng năng lượng phóng xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này thường dành cho những trường hợp ung thư buồng trứng đã di căn ra ngoài phạm vi buồng trứng.
- Liệu pháp nhắm trúng đích: là một phương pháp điều trị mới, có tác dụng nhắm đến và tiêu diệt các tế bào ung thư trong khi không gây tổn hại hoặc chỉ tổn hại mức độ tối thiếu cho các tế bào khỏe mạnh. Thuốc nhắm trúng đích khác với hóa trị ở chỗ là có khả năng tìm các tế bào ung thư và tiêu diệt chúng một cách chính xác. Bằng cách phá hủy các tế bào được nhắm trúng đích, phương pháp này có thể làm chậm tốc độ tiến triển của ung thư.
Tiên lượng ung thư buồng trứng giai đoạn cuối
Ung thư buồng trứng là bệnh khó phát hiện và chẩn đoán ở giai đoạn đầu vì bệnh thường chỉ biểu hiện triệu chứng khi đã tiến triển sang các giai đoạn sau. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society), tỷ lệ sống sau 5 năm ở những phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn 4 là 17%.
Những người phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu có tỷ lệ sống sau 5 năm cao hơn nhiều, lên đến hơn 90% vì lúc này tế bào ung thư vẫn chưa lan rộng, việc điều trị sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn.