Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ và tỉ lệ mắc đang ngày càng gia tăng, với khoảng 1,7 triệu trường hợp được chẩn đoán mới trên toàn thế giới mỗi năm.
Tỉ lệ sống theo giai đoạn ung thư
Tỉ lệ sống 5 năm là tỉ lệ phần trăm những người còn sống được thêm 5 năm kể từ khi được chẩn đoán ung thư. Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, đối với phụ nữ bị ung thư vú thì tỉ lệ này là 89,7%, bất kể giai đoạn hay loại ung thư vú.
Tuy nhiên, tỉ lệ thực tế có sự chênh lệch lớn tùy theo từng giai đoạn ung thư tại thời điểm chẩn đoán. Ở mỗi giai đoạn, ung thư vú lại có mức độ phát triển và lan rộng khác nhau.
Giai đoạn 0 là giai đoạn tiền ung thư và là giai đoạn có các tế bào không điển hình hoặc bất thường nhưng không phát hiện tế bào ung thư xâm lấn. Giai đoạn 1 là khi khối u còn nhỏ và khu trú ở vú. Giai đoạn 2 là khi kích thước khối u nhỏ hơn 2cm nhưng đã lan đến các hạch bạch huyết, hoặc kích thước từ 2 đến 5cm nhưng chưa lan đến hạch bạch huyết. Ung thư vú giai đoạn 3 gồm có nhiều dạng khác nhau, bao gồm ung thư đã di căn lên da, thành ngực hoặc nhiều hạch bạch huyết trong hoặc gần vú. Giai đoạn 4 là ung thư vú di căn, có nghĩa là bệnh đã lan đến một hoặc nhiều cơ quan trong cơ thể, phổ biến nhất là xương, phổi hoặc gan.
Nói chung, càng sớm được chẩn đoán và điều trị thì cơ hội sống sót lâu dài sẽ càng cao.
NCI báo cáo rằng 61,4% phụ nữ mắc ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn 1. Tại thời điểm này, tỉ lệ sống 5 năm là rất cao: từ 98,8 đến 100%. Đối với những người được chẩn đoán ở giai đoạn 2 thì tỉ lệ này giảm xuống còn 93%. Những phụ nữ được chẩn đoán ở giai đoạn 3 có 72% khả năng sống sót được thêm ít nhất 5 năm còn những người được chẩn đoán ở giai đoạn 4 thì tỉ lệ này chỉ còn 22%.
Tỉ lệ sống theo độ tuổi
Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc ung thư vú càng tăng. Trong số 60.290 phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư vú ở Hoa Kỳ mỗi năm, chỉ có chưa đầy 3% là người dưới 40 tuổi. Độ tuổi trung bình của những người được chẩn đoán ung thư vú là 62 tuổi còn độ tuổi trung bình của những người tử vong do căn bệnh này là 68.
Tỉ lệ sống theo chủng tộc
Chủng tộc cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tỉ lệ sống khi mắc ung thư. Phụ nữ da trắng có nguy cơ mắc ung thư vú cao nhất. Từ năm 2009 đến 2013, 128/100.000 phụ nữ da trắng bị chẩn đoán mắc bệnh. Tuy nhiên, trong nhóm này cũng có sự khác biệt: những phụ nữ da trắng không phải gốc Tây Ban Nha lại có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với phụ nữ da trắng gốc Tây Ban Nha.
Phụ nữ da đen là nhóm có khả năng mắc ung thư vú cao thứ hai (125,2/100.000), tiếp theo sau là phụ nữ khu vực châu Á và Thái Bình Dương (97,3/100.000), gốc Tây Ban Nha (92,4/100.000) và cuối cùng là phụ nữ gốc Châu Mỹ bản địa (81,2/100.000 ).
Tỉ lệ sống sót cũng thay đổi theo chủng tộc. Phụ nữ châu Á có tỉ lệ sống 5 năm cao nhất, ở mức 90,7%. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia Châu Á có tỉ lệ sống khi mắc ung thư vú cao nhất (93%) còn Philipine là quốc gia có tỉ lệ này thấp nhất (89%).
Phụ nữ da trắng không phải gốc Tây Ban Nha có tỉ lệ sống 5 năm cao thứ hai, ở mức 88,8%, tiếp theo là phụ nữ gốc Châu Mỹ bản địa (85,6%), Thái Bình Dương (85,4%) và phụ nữ gốc Tây Ban Nha (83,8%). Mặc dù là nhóm có khả năng mắc ung thư vú cao thứ hai nhưng phụ nữ da đen lại có tỉ lệ sống 5 năm thấp nhất, ở mức 77,5%,.
Tình hình ung thư vú trên toàn thế giới
Theo ước tính vào năm 2012, toàn thế giới có khoảng 1,7 triệu ca ung thư vú được chẩn đoán mới và khoảng 508.000 phụ nữ chết vì căn bệnh này mỗi năm.
Cả tỉ lệ mắc và tỉ lệ sống đều có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng. Phụ nữ ở các nước phát triển thường có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn nhiều so với phụ nữ ở các nước có mức thu nhập trung bình và thấp.
Bắc Mỹ và Tây Âu là hai nơi có khả năng mắc ung thư vú cao nhất, với tỉ lệ hơn 90/100.000 người mắc bệnh. Các quốc gia ở Đông và Trung Phi, cũng như ở Đông và Nam Trung Á, có tỉ lệ mắc thấp nhất, với tỉ lệ chưa đến 20/100.000 người mắc bệnh.
Bắc Mỹ, Scandinavia và các quốc gia như Brazil, Phần Lan và Israel là những nơi có tỉ lệ sống cao nhất. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tỉ lệ sống ở các nước thu nhập trung bình là khoảng 60% còn ở các nước thu nhập thấp là 40%.
Các yếu tố khác ảnh hưởng đến tỉ lệ sống
Tốc độ tiến triển của các loại ung thư vú là không giống nhau. Tỉ lệ sống 5 năm ở những người bị chẩn đoán ung thư vú bộ ba âm tính (Triple negative breast cancer) thường thấp hơn so với các loại ung thư khác. Ung thư vú bộ ba âm tính cũng có khả năng lây lan và tái phát cao hơn, đặc biệt là trong 3 đến 5 năm đầu tiên. Tuy nhiên, sau 5 năm, nguy cơ này lại giảm xuống thấp hơn so với các loại ung thư vú khác. Phụ nữ Mỹ gốc Phi là nhóm có nguy cơ mắc loại ung thư này cao nhất.
Những thay đổi
Nhìn chung, tỉ lệ tử vong do ung thư ở Hoa Kỳ đã giảm đáng kể trong 20 năm trở lại đây và cụ thể là giảm 23% từ năm 1991 đến 2012. Còn nếu tính từ năm 1989 đến 2012 thì tỉ lệ tử vong đã giảm 36%.
Mặt khác, theo ACS thì trong vòng 30 năm qua, tỉ lệ sống 5 năm ở những người mắc ung thư vú đã tăng 21,3%. Vào năm 1975, tỉ lệ sống 5 năm sau khi bị chẩn đoán ung thư vú là 75,2%, nhưng đến năm 2008 thì con số này là 90,6%. Sở dĩ có được sự thay đổi lớn như vậy là nhờ những bước tiến mới trong các công nghệ khám sàng lọc nên có thể phát hiện và điều trị ung thư ngay từ sớm.
Tuy nhiên, tỉ lệ sống nêu trên cũng chỉ là những con số thống kê chung. Ngày nay, các phương pháp chẩn đoán và điều trị ung thư vú đang ngày càng được cải thiện, nâng cao hơn nữa. Ngoài ra, triển vọng sống của mỗi người là không giống nhau vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa.