“Chúng ta phải xây dựng văn hóa mạng cho trong sạch, lành mạnh, phát triển bền vững” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề cập như trên tại hội nghị tổng kết của ngành VH-TT&DL.
Yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ là “phải xây dựng văn hóa mạng cho trong sạch, lành mạnh, phát triển bền vững” được đưa ra trong bối cảnh mạng xã hội (MXH) đã “ăn sâu, bén rễ” vào đại bộ phận người Việt.
Theo We Are Social, số lượng người dùng MXH tại Việt Nam (VN) đến nay là 76 triệu người, chiếm hơn 70% dân số. VN là quốc gia đứng thứ 18 thế giới về tỉ lệ người dân sử dụng Internet và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh thiếu niên chiếm tỉ lệ khá lớn. Thậm chí kết quả của một số điều tra cũng cho thấy một bộ phận người trẻ hiện nay đang bị phụ thuộc vào Internet và MXH.
MXH đã đưa VN đến gần hơn với thế giới và đưa thế giới đến gần hơn với chúng ta. Qua MXH, nhiều câu chuyện đẹp, nhiều ý tưởng hay và nhiều cộng đồng đã được thiết lập để cùng nhau chia sẻ những hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh và vun đắp những điều tử tế...
Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển với tốc độ cao của MXH cũng đặt ra những vấn đề cần phải xử lý, mà câu chuyện cụ thể nhất là những phát ngôn trên MXH, rộng hơn là văn hóa mạng như Thủ tướng đề cập.
Văn hóa mạng ở đây không nằm ở những phát ngôn của từng cá nhân, ở đó còn là những tương tác, những hành động biểu hiện thái độ của mỗi người với một câu chuyện, một con người hay một cộng đồng nào đó.
Một trong những điều khiến cho những phát ngôn lệch chuẩn, những hành vi kém văn minh, thiếu lành mạnh đó là tính ẩn danh của MXH.
Ở trên MXH, vẫn là con người ấy nhưng khi được ẩn vào một đám đông rộng lớn, có người có xu hướng “hung hãn” hơn với con người thực ở ngoài đời...
Môi trường mạng thiếu lành mạnh, trong sạch còn có sự góp sức của một bộ phận người nổi tiếng. Họ có khi là diễn viên, đạo diễn, thậm chí là nhà quản lý. Với sức ảnh hưởng của mình, họ có thể tạo ra được những trào lưu, có thể gây dựng được dư luận khen chê về một vấn đề nào đó từ những fan của mình. Thế nhưng đã có không ít trường hợp người nổi tiếng đánh mất đi giá trị mà mình đã dày công tạo dựng cho sự nghiệp.
Trên MXH hiện nay cũng không khó bắt gặp những “giang hồ mạng”, những người mà được cư dân mạng vẫn tếu táo bông đùa rằng khi mất mạng (mạng Internet) họ cũng sẽ mất địa bàn. Những “giang hồ mạng” với những phát ngôn và hành động đã có một thời khiến cho rất nhiều bạn trẻ thần tượng.
Tại hội nghị ngày 3-1, đề cập đến những thực tế tiêu cực của văn hóa mạng, NSND Xuân Bắc đã thẳng thắn bày tỏ: Nếu chúng ta cứ để tình hình này diễn ra thì không khéo một trong những nét văn hóa của người VN trong tình hình mới là văn hóa phán xét, chụp mũ, a dua... như vậy quá nguy hiểm.
Trên thực tế, chúng ta đã ban hành rất nhiều quy định để điều chỉnh, xử lý những hành vi lệch chuẩn, vi phạm, sai phạm của mọi công dân tham gia vào môi trường này, thậm chí có cả những bộ quy tắc ứng xử riêng cho từng bộ phận. Tuy nhiên, để xây dựng môi trường mạng trong sạch, lành mạnh không gì bằng sự điều chỉnh của mỗi cá nhân.
Môi trường mạng sẽ trở nên lành mạnh, trong sạch khi từng cá nhân dùng mạng lành mạnh và trong sạch trong cả từng cái click chuột của mình.
Ứng xử trên mạng cũng phải có văn hóa
Từ vụ em Đỗ Nhật Nam bị cộng đồng mạng chỉ trích, thậm chí có những hành động cực đoan như chế tranh, chế clip để giễu cợt, nhiều chuyên gia phân tích thêm về văn hóa ứng xử trên mạng.
VIẾT THỊNH