Hiện nay, sinh mổ là biện pháp sinh nở an toàn được nhiều thai phụ tin tưởng lựa chọn. Tuy nhiên, sau ca mổ, cơ thể người mẹ cần nhiều thời gian để phục hồi hơn so với việc sinh thường thông qua ngã âm đạo. Vậy vết mổ sau sinh bao lâu thì lành? Làm sao để mau lành? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp chi tiết hai thắc mắc trên.
Sinh mổ là hình thức phẫu thuật, trong đó bác sĩ chuyên khoa thực hiện một đường mổ ở bụng dưới và một đường mổ phía trên tử cung sản phụ, sau đó nhẹ nhàng đưa em bé ra ngoài. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định đẻ mổ trong các trường hợp sinh khó, xuất hiện biến chứng hoặc đã từng sinh mổ trước đó. Thế nhưng, ngày nay, vì muốn hạn chế cảm giác đau đớn khi đẻ thường hoặc thích sinh con hợp tuổi, hợp mệnh, nhiều gia đình đã chủ động lựa chọn phương pháp sinh nở này.
Vết mổ sau sinh bao lâu thì lành?
Sau khi sinh mổ, thai phụ buộc phải lưu lại bệnh viện khoảng 3 – 4 ngày để được theo dõi cẩn thận và chăm sóc vết mổ sau sinh chu đáo. Thông thường, bác sĩ chuyên khoa sẽ kê đơn một số loại thuốc giảm đau, kháng viêm. Bạn cần uống 4 lần/ngày trong khoảng 2 tuần liên tục. Hãy thường xuyên trao đổi với bác sĩ về mức độ cơn đau cũng như tình trạng sức khỏe của bản thân để tìm ra liều dùng thuốc phù hợp nhất.
Các chuyên gia cho biết:
- Vết mổ sẽ dần dần khép miệng và khô hẳn sau 7 – 10 ngày.
- Trong tuần thứ 2 – 3, vết thương hình thành sẹo, phồng nhẹ, hơi sưng và nổi mẩn đỏ. Bạn vẫn còn cảm thấy đau đớn khi đụng chạm hay xoay người.
- Vào tuần thứ 6, vết mổ sau sinh liền sẹo, lồi lên và các tế bào bên trong đã hồi phục hoàn toàn.
- Đến khoảng tháng thứ 3 sau ngày vượt cạn, độc giả sẽ không còn cảm thấy đau ngứa khó chịu. Tuy nhiên, những chị em sở hữu cơ địa dữ thường đối mặt với những cơn đau kéo dài tới 6 tháng, thậm chí 1,5 năm. Hơn nữa, nếu bạn mắc phải một số sai lầm trong quá trình chăm sóc thì vết mổ dễ xuất hiện tình trạng mưng mủ, lở loét, nhiễm trùng.
Lời giải đáp của câu hỏi “Vết mổ sau sinh bao lâu thì lành?” phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trên thực tế, nhiều chị em cảm thấy đau đớn dữ dội trong vòng 1 tuần sau khi sinh mổ. Trong khi đó, một số người mẹ lại hoàn toàn tỉnh táo và khỏe mạnh chỉ sau vài ngày nghỉ ngơi.
Bên cạnh đó, thời điểm hết sản dịch sau khi sinh mổ cũng là vấn đề được nhiều người mẹ quan tâm. Theo các chuyên gia, sản dịch sẽ được cơ thể thải hết ra ngoài trong khoảng 20 ngày. Thế nhưng, đối với một số trường hợp, quá trình này có thể kéo dài đến 45 ngày. Việc cơ thể tiết ra sản dịch là hiện tượng vô cùng bình thường. Do đó, chị em không nên quá lo lắng. Mức độ, số lượng và thời gian tiết ra sản dịch của mỗi người phụ thuộc rất lớn vào yếu tố cơ địa cũng như tình trạng sức khỏe cá nhân.
Hướng dẫn chăm sóc sau khi sinh mổ
Sau khi vượt cạn thành công, người mẹ sẽ được chuyển sang phòng hồi sức để được bác sĩ chuyên khoa cùng đội ngũ nhân viên y tế theo dõi sát sao, đồng thời truyền dịch và hướng dẫn sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau. Chế độ chăm sóc sau khi sinh mổ cần đảm bảo vô trùng tuyệt đối. Đây chính là lý do vì sao trong khoảng thời gian đặc biệt này, thân nhân không được vào thăm sản phụ.
Khi đã hồi tỉnh sau cơn mê và có thể cử động tay chân bình thường, chị em sẽ được chuyển ra phòng chăm sóc bình thường. Lúc này, tình hình sức khỏe của thai phụ bắt đầu ổn định, người nhà có thể thoải mái thăm nom, chăm sóc. Để nhanh chóng hồi phục vết thương sau khi sinh mổ, độc giả nên tuân thủ nghiêm túc chế độ chăm sóc khoa học và chặt chẽ dưới đây:
Chăm sóc vết mổ
Trong 24 giờ đầu tiên sau ca mổ, người mẹ cần chú ý đến vết mổ. Nếu bạn cảm thấy đau nhức kèm triệu chứng chóng mặt, hãy thông báo ngay với bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, chị em nên nghỉ ngơi, thư giãn thoải mái, hạn chế vận động mạnh và không sờ chạm vào vết thương. Muốn cơ thể hồi phục nhanh chóng, người đọc hãy vệ sinh vết mổ 2 – 3 lần/ngày. Khi vết thương lành lại, chị em có thể xóa mờ vết sẹo bằng kem bôi hoặc nghệ tươi.
Chế độ ăn uống sau sinh
Sau khi vượt cạn, sức khỏe sản phụ vẫn còn rất yếu và chưa kịp hồi phục. Vì vậy, việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trong thời điểm này là vấn đề vô cùng cần thiết và quan trọng. Thế nhưng, độc giả cần lưu ý, nếu người mẹ ăn uống trong 6 tiếng đầu tiên sau khi sinh, đường ruột dễ bị kích thích, đồng thời, chức năng tiêu hóa tạm thời bị hạn chế.
6 tiếng sau ca mổ, chị em có thể dung nạp các món ăn dễ tiêu, nhẹ nhàng như: súp, cháo, canh, sữa… Trong giai đoạn sau sinh, chế độ dinh dưỡng đa dạng và phong phú có thể cung cấp nguồn năng lượng thiết yếu cũng như đẩy nhanh quá trình hồi phục của cơ thể người mẹ. Vì vậy, sản phụ cần xây dựng cũng như duy trì thói quen ăn uống khoa học, lành mạnh với các loại thực phẩm giàu vitamin, protein, chất sắt.
- Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc chữa lành vết thương và ngăn ngừa hiện tượng viêm nhiễm. Các loại thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: bưởi, cam, dưa hấu, đu đủ, dâu tây…
- Vitamin A có khả năng đảm bảo sự phát triển toàn diện của em bé về mặt thể lực lẫn trí tuệ, nâng cao sức đề kháng và tăng cường khả năng phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn của trẻ. Vitamin A có nhiều trong trái cây, cà rốt, rau xanh và khoai lang.
- Protein hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển của các mô mới. Trứng, thịt, cá, các loại đậu, các loại hạt và chế phẩm từ sữa… là những nguồn protein chất lượng dễ tìm.
- Chất sắt giúp tăng cường hệ miễn dịch, đồng thời kích thích sản xuất tế bào hồng cầu. Nhóm thực phẩm chứa nhiều chất sắt là gan động vật, các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt cá hồi), hoa quả khô, đậu khô và ngũ cốc.
Không chỉ dừng lại ở đó, phụ nữ sau sinh cần bổ sung lượng nước cần thiết (2 – 2,5 lít nước/ngày, tương đương 8 – 10 ly nước/ngày). Thói quen này giúp người mẹ hạn chế nguy cơ mất nước và táo bón sau sinh. Ngoài ra, việc uống sữa, dùng nước ép trái cây, ăn sữa chua ít béo cũng góp phần đáp ứng đầy đủ nguồn canxi thiết yếu cho cơ thể người mẹ và tăng cường tiết sữa cho em bé.
Vận động sau khi sinh mổ
Trong vòng 6 giờ sau khi “thiên thần nhỏ” chào đời, độc giả nên nghỉ ngơi – thư giãn hoàn toàn trong tư thế nằm nghiêng nhằm hạn chế cơn đau và không trực tiếp tác động đến vết thương. Tuy nhiên, bạn vẫn cần cử động chậm rãi hoặc chủ động thay đổi tư thế trên giường khi cảm thấy đau mỏi. Nếu hoàn toàn nằm yên một chỗ, sản phụ dễ mắc phải một số vấn đề hậu sản khó lường.
Trong vòng 24 tiếng sau khi vượt cạn, bạn có thể nhờ người thân hoặc hộ lý giúp đỡ để bước xuống giường thật nhẹ nhàng, đứng yên một lúc hoặc bước từng bước chậm rãi. Bạn nên thực hiện động tác đơn giản này 3 – 4 lần/ngày để trở nên khỏe mạnh hơn.
Sau khoảng vài ngày, chị em có thể đi lại nhẹ nhàng hoặc đứng lên ngồi xuống. 2 – 3 ngày sau khi sinh con, người mẹ nên ra ngoài tắm nắng cùng bé. Bạn tuyệt đối không nằm yên một chỗ quá lâu. Bởi điều này khiến sản dịch bị tồn ứ trong tử cung, không được đào thải hết ra ngoài.
Hơn nữa, việc người mẹ lười vận động khiến nhu động ruột chậm phục hồi, gây ra chứng táo bón sau sinh. Đây cũng là một trong những yếu tố nguy cơ phổ biến dẫn đến hiện tượng đông máu ở chân, tay, hình thành chứng viêm phổi sau phẫu thuật. Chế độ vận động vừa sức, điều độ giúp thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu, rút ngắn thời gian hồi phục cũng như hạn chế nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như dính ruột hay viêm tắc tĩnh mạch.
Dưới đây là 3 bài tập cơ bản hỗ trợ chị em hồi phục sức khỏe nhanh chóng và giảm cân hiệu quả sau khi sinh mổ:
- Hít thở sâu: Người mẹ tập hít thở sâu 2 – 3 hơi liên tục nhằm ngăn ngừa tình trạng tắc nghẽn hô hấp sau sinh.
- Xoay vai: Chị em ngồi thẳng, sau đó xoay vai 15 – 20 lần theo chiều từ trước ra sau và ngược lại để hạn chế các cơn đau mỏi vai gáy.
- Kéo căng cơ thể: Bạn đứng dựa lưng vào tường rồi từ từ giơ hai tay lên cao cho tới khi cơ bụng căng ra, giữ nguyên tư thế trong vòng 10 giây, sau đó dần dần hạ tay xuống, áp dụng 5 – 10 lần/ngày.
Lưu ý: Độc giả cần luyện tập thong thả, nhẹ nhàng để hạn chế tổn thương tối đa. Nếu vết mổ nhiễm trùng, sưng tấy, bạn hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Vệ sinh cơ thể sau sinh
Sau khi sinh con được khoảng 1 – 2 ngày, vì cơ thể vẫn còn tương đối yếu, lượng sản dịch thoát ra ngoài nhiều và vết mổ chưa kịp khép miệng nên bạn không thể tắm gội được ngay. Vài ngày sau, người đọc sẽ cảm thấy cơ thể bứt rứt khó chịu do mồ hôi tích tụ. Đây chính là thời điểm thuận lợi để các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh mẽ.
Dưới sự hướng dẫn và trợ giúp từ y tá, chị em có thể vệ sinh cơ thể bằng cách tắm đứng. Lúc này, miệng cổ tử cung vẫn chưa thể đóng kín. Vì vậy, việc tắm bồn dễ khiến nước bẩn đi thẳng vào tử cung, gây ra hiện tượng viêm nhiễm. Người mẹ có thể sử dụng nước muối pha loãng còn ấm hoặc dung dịch vệ sinh phụ nữ khi vệ sinh tầng sinh môn.
Trong thời gian đầu sau khi sinh con, đầu tóc của sản phụ cũng toát rất nhiều mồ hôi. Nếu không gội sạch kịp thời, tóc sẽ bết dính vào nhau trong nhiều ngày liên tục, từ đó dẫn đến chứng viêm da đầu hoặc viêm nang lông tóc. Sau mỗi 5 – 6 ngày, bạn nên gội đầu bằng nước ấm, sau đó sấy khô tóc ngay lập tức. Thêm vào đó, thói quen chải tóc thường xuyên không chỉ duy trì nếp tóc suôn thẳng, gọn gàng mà còn kích thích quá trình tuần hoàn máu tại da đầu.
Móng tay mọc dài, cáu bẩn là ổ vi khuẩn nguy hiểm. Khi chăm sóc con trẻ, chị em có thể vô tình khiến da bé trầy xước, nhiễm khuẩn. Do đó, người đọc hãy thường xuyên cắt móng tay và giữ gìn đôi tay thơm tho, sạch sẽ.
Nghỉ ngơi sau khi sinh mổ
4 giờ đầu tiên sau khi vượt cạn, cơ thể người mẹ rất suy kiệt, mệt mỏi. Do đó, chế độ nghỉ ngơi hợp lý cần được đặc biệt chú trọng. Các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ sau khi sinh mổ nên ngủ tối thiểu 8 tiếng/ngày. Bởi đây chính là khoảng thời gian quan trọng và cần thiết để cơ thể người mẹ hồi phục dần dần sau 9 tháng thai kỳ.
Bạn nên chủ động nhờ đến sự giúp đỡ của gia đình, người thân để được thư giãn – nghỉ ngơi hoàn toàn sau khi sinh em bé, đồng thời tránh cảm giác căng thẳng, áp lực, lo lắng. Những suy nghĩ tiêu cực, bi quan không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hồi phục sức khỏe mà còn có thể dẫn đến chứng trầm cảm sau sinh phiền toái.
Một số lưu ý giúp vết mổ mau lành
Dẫu đã vượt cạn thành công, thai phụ vẫn dễ dàng gặp phải nhiều biến chứng nghiêm trọng như: sốt, tụ máu vết mổ, viêm vết mổ, nhiễm trùng… Vì vậy, chị em cần tuân thủ triệt để mọi hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời ghi nhớ một số vấn đề sau:
- Tuyệt đối không nằm bất động trên giường liên tục nhiều ngày. Bạn nên chủ động xoay trở thân mình, thay đổi tư thế như nằm ngửa, nằm nghiêng sang trái, nằm nghiêng sang phải. Từ ngày thứ 2 trở đi, sản phụ có thể ngồi dậy và đi lại nhẹ nhàng.
- Độc giả hãy nằm sấp 20 – 30 phút/ngày, đồng thời massage bụng hàng ngày nhằm nâng cao mức độ đàn hồi của tử cung cũng như giúp sản dịch thoát ra bên ngoài dễ dàng hơn.
- Người mẹ nên cho con bú sớm, bởi động tác cho bú có khả năng tăng cường sự co hồi của tử cung, giảm thiểu tình trạng chảy máu sau khi sinh mổ. Thêm vào đó, nếu được cho bú sớm trong 3 ngày đầu tiên, con trẻ có cơ hội thưởng thức trọn vẹn nguồn sữa non dồi dào dưỡng chất. Sữa non rất giàu kháng thể, giúp em bé hoàn thiện hệ miễn dịch một cách nhanh chóng và toàn diện, ngăn ngừa bệnh tật và hiện tượng dị ứng.
- Phụ nữ sau khi sinh mổ hãy hết sức phòng tránh bệnh cảm cúm bằng cách hạn chế tiếp xúc trực tiếp với những người đang nhiễm bệnh. Nếu không may bị cảm cúm trong thời kỳ này, sức đề kháng của bạn sẽ suy giảm rõ rệt, vết mổ lâu lành và dễ nhiễm trùng hơn.
- Sau khi xuất viện, nếu vết thương sưng viêm, tấy đỏ, mưng mủ hoặc chảy máu thì bạn cần thông báo ngay với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng.
- Muốn vết thương mau lành lại, chị em không nên dùng thêm bất cứ loại thuốc bôi nào nếu chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Sau khi sinh con, thai phụ dễ gặp phải các vấn đề về xương khớp. Do đó, bạn nên mang vớ thường xuyên để giữ ấm cơ thể cũng như bảo vệ đôi chân khỏi sự tiếp xúc trực tiếp với hơi lạnh từ sàn gạch, từ đó hỗ trợ hồi phục sức khỏe và phòng tránh các bệnh lý xương khớp.
- Phụ nữ sau sinh cần kiêng cữ quan hệ vợ chồng trong khoảng 2 – 3 tháng đầu sau sinh vì trong khoảng thời gian này, tầng sinh môn vẫn chưa lành hẳn.
- Một số loại thuốc kháng sinh được chỉ định sau khi sinh mổ có thể tác động tiêu cực đến hệ thống lợi khuẩn đường ruột. Vì vậy, phái đẹp có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng thêm men tiêu hóa (men vi sinh) để cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
- Tránh dùng các loại thực phẩm có khả năng gây viêm nhiễm, lồi sẹo như: thịt đỏ, đồ chiên, bánh mì trắng, gạo nếp, rau muống, hải sản…
- Tuy phương pháp sinh mổ không can thiệp đến vùng âm đạo nhưng trong vòng 1 tháng sau sinh, người mẹ vẫn bị xuất huyết âm đạo. Lúc này, chị em có thể sử dụng băng vệ sinh để thấm hút chất dịch, tránh tự ý thụt rửa hoặc nhét bất cứ vật lạ nào vào âm đạo. Hãy chỉ vệ sinh vùng kín theo sự hướng dẫn cụ thể của bác sĩ chuyên khoa.
- Khi bị sốt, xuất huyết nhiều, sản dịch có mùi hôi, bạn cần đi thăm khám ngay lập tức để được xử lý hiệu quả và kịp thời.
Như vậy, bài viết đã giải đáp cặn kẽ câu hỏi “Vết mổ sau sinh bao lâu thì lành? Làm sao để mau lành?” Nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe và rút ngắn thời gian phục hồi vết thương, chị em cần thực hiện đúng mọi chỉ định/yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời áp dụng những gợi ý hữu ích trên. Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh, vui vẻ, bình an!