Cuối tuần, tôi có chuyến công tác ở Hà Nội, khi hết giờ tôi rủ người bạn là công an làm chầu bia hơi. Người bạn kéo ra quán cà phê và nói: “Bây giờ tổ chức làm nghiêm, nay nhậu mai đi làm vẫn dính nồng độ cồn; nếu đã uống thì mai tôi phải xin nghỉ nhưng mai là đầu tuần nhiều việc lắm...”.
Những người bạn làm trong ngành công an cho hay thời gian qua ngành công an làm rất nghiêm vụ đo nồng độ cồn, không chỉ “bên ngoài” mà nghiêm ngay trong nội bộ ngành.
1.
Còn nhớ tháng 4-2023, Thủ tướng ra chỉ thị yêu cầu trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đặc biệt, nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông; nghiêm cấm lực lượng chức năng xuê xoa, bỏ qua xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.
Có một thực tế mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận là việc CSGT ở địa bàn khi xử lý cán bộ ở địa phương vi phạm giao thông (nhất là về nồng độ cồn) sẽ khó tránh khỏi xảy ra sự cả nể, tạo nên sự ngoại lệ.Để giải quyết vấn đề này, gần đây Cục CSGT (C08) đã bố trí sáu tổ công tác để cùng với CSGT các địa phương thực hiện kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm giao thông, trong đó đặc biệt chú trọng tới vi phạm nồng độ cồn, ma túy.
Kết quả qua 25 ngày thực hiện (từ ngày 30-8), các tổ công tác đã phát hiện, lập biên bản hơn 3.000 người vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, bước đầu xác định 160 người điều khiển là công chức, công an, bộ đội đang công tác hoặc đã nghỉ hưu…
Theo C08, ngoài xử phạt hành chính, lực lượng CSGT còn gửi thông báo về đơn vị công tác đối với các cá nhân vi phạm là cán bộ, đảng viên để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, của cơ quan (như chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 19-4-2023).
2.
Có ý kiến cho rằng một hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần và đặt câu hỏi: Nếu đã xử phạt vi phạm hành chính rồi sao còn báo về đơn vị công tác để xử lý theo quy định của cơ quan, của Đảng?
Ở đây chúng ta cần xác định việc người có hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông và bị xử phạt đó là chịu trách nhiệm hành chính với tư cách một công dân. Còn nếu hành vi tới mức bị xử lý theo quy định của Đảng, của cơ quan thì người có hành vi vi phạm còn phải chịu trách nhiệm với tư cách là một chủ thể “đặc biệt” - một đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trước tổ chức quản lý mình.
Nguyên tắc của xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (Nghị định 112/2020) là không áp dụng hình thức xử phạt hành chính hoặc hình thức kỷ luật Đảng thay cho hình thức kỷ luật hành chính; xử lý kỷ luật hành chính không thay cho truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi vi phạm đến mức bị xử lý hình sự. Tức việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có thể áp dụng đồng thời với các dạng trách nhiệm pháp lý khác như trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính…
Ngoài ra, nguyên tắc xử lý kỷ luật Đảng theo Quy định 69-QĐ/TW là kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử phạt của pháp luật.
3.
Có thể thấy chiến dịch tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn có sự tham gia trực tiếp của các tổ công tác C08 đã giải quyết được nhiều vấn đề, bước đầu đem lại kết quả tích cực.
Thứ nhất là thực hiện đúng tinh thần thượng tôn pháp luật, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm giao thông như người dân bình thường, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Sự bình đẳng trong xử lý sai phạm sẽ củng cố hơn nữa lòng tin của người dân đối với lực lượng CSGT nói riêng và Nhà nước nói chung. Đồng thời, nó góp phần lập lại kỷ cương, chấn chỉnh lối sống của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên.
Thứ hai là tổ công tác của C08 về cơ sở vừa là “chỗ dựa” của lực lượng CSGT tại địa phương khi phải đối diện với tình huống xử lý cả lãnh đạo, người thân quen…, vừa là người giám sát để CSGT địa phương phải ý thức thực hiện nghiêm công vụ.
Thứ ba là việc siết chặt công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn, trong đó có đối tượng cán bộ, công chức… cũng tác động tích cực đến ý thức tham gia giao thông của người dân. Còn nhớ thời điểm lực lượng CSGT một số địa phương thực hiện lập chốt chặn trước các quán nhậu đã tạo nên những cuộc tranh luận sôi nổi, từ báo chí đến mạng xã hội, ủng hộ có, phản đối có. Thế nhưng công bằng mà nói thì việc CSGT lập chốt chặn trước các quán nhậu đã khiến cho dân nhậu cũng phải thay đổi thói quen. Dần dần hình thành ý thức, nếu đã nhậu thì tự ý thức việc chọn di chuyển bằng Grab, taxi…
Mong rằng việc tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn sẽ đạt kết quả tốt đẹp góp phần kéo giảm tai nạn giao thông và xây dựng nên ý thức thượng tôn pháp luật, “đã nhậu thì nhất định đừng lái xe” trong đại bộ phận người dân và cán bộ.
NGUYỄN QUÝ