Bầu ngực và thành ngực được sắp xếp theo các lớp từ ngoài vào trong: bầu ngực, mạc cơ ngực lớn (pectoralis fascia), cơ ngực lớn (pectoralis major muscle) và thành ngực (lồng ngực và cơ gian sườn). Cơ ngực lớn là một cơ hình tam giác có điểm bám rộng dọc xương ức (xương ngực) và phần bên trong của xương sườn gần xương ức, rồi bao phủ toàn bộ ngực và bám vào phần trên của xương cánh tay. Về cơ bản có hai vị trí đặt túi độn là: trên cơ (giữa mô vú và mạc cơ ngực lớn - subglandular) hoặc dưới cơ (giữa cơ ngực và thành ngực - submuscular). Bước tạo khoang chứa túi độn và đặt túi độn có thể được thực hiện qua đường rạch nách, quanh quầng vú hoặc đường rạch ở nếp gấp chân ngực. Mỗi vị trí đặt túi độn đều có những ưu, nhược điểm riêng.
Đặt túi độn trên cơ
- Ưu điểm: Dễ dàng bóc tách tạo khoang chứa túi độn. Nhiều người cho rằng vị trí đặt túi độn trên cơ ít gây đau hơn so với đặt dưới cơ nhưng thực tế, điều này là không đúng.
- Nhược điểm: Có ít mô bên trên túi độn nên khó che phủ gợn sóng và nếp gấp, có thể sờ thấy túi độn từ bên ngoài. Hơn nữa, vị trí đặt này còn làm giảm độ chính xác của phương pháp chụp nhũ ảnh (X-quang tuyến vú). Theo thời gian, sự thiếu mô bao phủ phần trên của túi độn sẽ khiến bộ ngực nhìn không tự nhiên.
Đặt túi độn dưới cơ
- Ưu điểm: Dễ dàng bóc tách tạo khoang chứa túi độn. Nếu sử dụng kỹ thuật bóc tách nhẹ nhàng thì không hề gây đau nhiều hơn so với tạo khoang chứa ở trên cơ. Mặc dù là “dưới cơ” nhưng thực chất, cơ ngực không bao phủ toàn bộ túi độn mà chỉ có một phần tư phía dưới, bên ngoài của cơ là bao phủ lên phần trên của túi độn, phần túi độn còn lại nằm ngoài cơ. Đối với những người có ngực chảy xệ loại II (nhẹ đến vừa) thì vị trí đặt Dual plane II hoặc III (một dạng đặt túi độn dưới cơ) sẽ giúp khắc phục được vấn đề mô vú chảy xệ xuống dưới nếp gấp chân ngực (xem ví dụ bên dưới để thấy ưu điểm của kỹ thuật Dual plane). Dual plane là kỹ thuật tách và đưa bờ dưới của cơ ngực lên trên (xem hình bên dưới) để túi độn có thể lấp vào phần dưới của bầu ngực và điều chỉnh núm vú lên trên vào vị trí cân đối hơn. Điều này giúp tránh được việc phải phẫu thuật treo ngực sa trễ. Với sự ra đời của kỹ thuật Dual plane thì không cần thiết phải đặt túi độn trên cơ nữa. Tuy nhiên, với những trường hợp ngực chảy xệ nặng thì vẫn cần phải treo ngực sa trễ.
- Nhược điểm: Gần như không có. Nếu quá trình bóc tách tạo khoang chứa được thực hiện cẩn thận để giảm tối thiểu tổn thương thì thời gian phục hồi cũng nhanh và ít gây đau giống như tạo khoang chứa trên cơ.
Kỹ thuật Dual plane
Kỹ thuật Dual plane cũng là kỹ thuật tạo khoang chứa túi độn ở bên dưới cơ ngực lớn nhưng còn có thêm một khoang chứa thứ hai, nhỏ hơn được tạo ra giữa cơ và mô vú bên trên. Khoang chứa này thường được mở rộng lên đến ngang núm vú hoặc rìa trên của quầng vú. Mặc dù túi độn sẽ không được đặt trong khoang chứa này nhưng việc tạo ra khoang chứa phụ sẽ giúp tách cơ khỏi lớp mô bên trên để cho phép túi độn dịch chuyển xuống thấp và lấp đầy vào phần dưới của bầu ngực, từ đó ngăn ngừa biến dạng gò ngực kép.
Dual plane có những ưu điểm của cả kỹ thuật đặt trên cơ và dưới cơ. Mặc dù kỹ thuật Dual plane sẽ làm thời gian của quy trình phẫu thuật kéo dài thêm nhưng sẽ cho ra kết quả tự nhiên và đẹp hơn sau nâng ngực bằng túi độn.
Kỹ thuật Dual plane di chuyển bờ dưới của cơ ngực lên trên nên có hiệu quả khôi phục vẻ đầy đặn cho phần dưới của bầu ngực tốt hơn (độ che phủ của cơ lên túi độn ở vùng núm vú ít hơn so với kỹ thuật đặt dưới cơ một phần, có thể thấy trong 2 hình vẽ mô phỏng góc nghiêng ở bên trên).
Khi bờ dưới của cơ ngực được nâng lên khỏi thành ngực để có thể tiếp cận xuống bên dưới cơ thì cơ sẽ tự co lên một vài cm. Đây được gọi là kỹ thuật Dual plane I. Do vậy, khi đặt túi độn bên dưới cơ thì thực chất chỉ có phần trên của túi độn là được che phủ bởi cơ còn phần dưới vẫn được che phủ bởi mô vú. Đây là lý do tại sao mà túi độn, đặc biệt là túi nước muối, thường có thể được sờ thấy ở phần dưới của bầu ngực. Dual plane II hoặc III cũng là những kỹ thuật tương tự, chỉ khác nhau về tỷ lệ túi độn được che phủ bởi cơ và mô vú.
Với kỹ thuật tạo khoang chứa túi độn ở dưới cơ, phần dưới của bầu ngực nằm thấp hơn bờ dưới của cơ ngực nên phần lớn túi độn (không phải toàn bộ) được bao phủ bởi cơ. Nếu như cơ che phủ lên toàn bộ 100% túi độn thì ngực sẽ cứng và trông rất không tự nhiên. Vì vậy, đặt túi độn dưới cơ (hay còn được gọi là sau cơ ngực một phần) thực ra là sự kết hợp của kỹ thuật đặt trên cơ và dưới cơ.
- Khi 80% bên trên của túi độn được che phủ bởi cơ và 20% bên dưới được che phủ bởi mô vú thì đó là kỹ thuật Dual plane I.
- Khi bờ dưới của cơ ngực lớn co lên cao hơn và chỉ che phủ 65% túi độn còn 35% còn lại được che phủ bởi mô vú thì được gọi là Dual plane II.
- Khi bờ dưới của cơ co lên cao hơn một chút nữa và chỉ che phủ 50% bên trên túi độn còn 50% bên dưới được che phủ bởi mô vú thì là kỹ thuật Dual plane III.
Vậy kỹ thuật Dual plane có ưu điểm như thế nào? Trong ví dụ dưới đây, nếu không sử dụng kỹ thuật Dual plane thì mô vú sẽ xệ xuống ở phía trước của túi độn và khiến cho ngực bị biến dạng khi nhìn nghiêng (xem ảnh).
Đặt túi độn dưới mạc cơ ngực (subfascial)
Đặt túi độn dưới mạc cơ ngực là kỹ thuật mà trong đó lớp mô mỏng (dày khoảng 1mm) bao phủ bề mặt phía trước của cơ ngực lớn - gọi là mạc cơ ngực lớn - được tách lên khỏi cơ và đặt túi độn xuống bên dưới.
Vậy nên đặt túi độn trên cơ hay dưới cơ?
Khi túi độn được đặt bên dưới cơ thì sẽ tạo được sự che phủ cao hơn, điều này giúp cho túi độn (nếu là loại vỏ nhám) được hỗ trợ tốt hơn và ít bị sờ thấy hơn. Vị trí đặt này cho cảm giác tự nhiên hơn vì có nhiều mô mềm che phủ túi độn. Đây là điều đặc biệt quan trọng khi nâng ngực bằng túi nước muối, vì loại túi độn này không tự nhiên như túi gel silicone.
Khi đặt túi độn dưới cơ thì mô vú cũng được đẩy về phía trước, kết quả là ít ảnh hưởng đến việc chụp nhũ ảnh hơn. Mặc khác, khi túi độn được đặt trên cơ thì một phần mô vú sẽ không hiển thị trên phim chụp nhũ ảnh, dẫn đến kết quả không chính xác và túi độn có thể bị sờ thấy cũng như là nhìn thấy từ bên ngoài do chỉ được che phủ bởi một lớp mô vú mỏng. Khi chụp nhũ ảnh cho những trường hợp đã nâng ngực bằng túi độn, kỹ thuật viên sẽ phải sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ như kỹ thuật ép ngực Eklund để chụp được mô vú tốt hơn.
Cuối cùng, việc đặt túi độn dưới cơ có thể làm giảm nguy cơ co thắt bao xơ (tình trạng mô sẹo hình thành xung quanh túi độn dày và cứng lại) sau khi phẫu thuật. Nhiều người cho rằng đặt túi độn bên dưới cơ gây đau nhiều hơn và cần đặt ống dẫn lưu do chảy máu trong quá trình phẫu thuật nhưng nếu thực hiện đúng cách thì mức độ đau đớn hay chảy máu của hai vị trí đặt túi độn này là như nhau.
Thực tế là ở phần dưới và hai bên của bầu ngực thì hầu như túi độn không còn được cơ che phủ nên dễ bị sờ thấy hơn và thậm chí có thể nhìn thấy, đặc biệt là ở những người có mô mỏng. Khách hàng cần được cho biết trước về điều này trước khi phẫu thuật. Với những người có mô mỏng thì nên sử dụng túi độn gel silicon thay vì túi nước muối.
Ngực chảy xệ thì đặt túi độn ở trên hay dưới cơ?
Có hai loại ngực chảy xệ là “chảy xệ giả” (mất đi sự đầy đặn ở nửa trên, mô vú dồn xuống nửa dưới của bầu ngực và xệ xuống thấp hơn nếp gấp chân ngực, núm vú vẫn nằm ngang hoặc bên trên nếp gấp chân ngực) và chảy xệ thật sự (núm vú nằm dưới nếp gấp chân ngực). Giải pháp khắc phục cho mỗi loại này là khác nhau. Những phụ nữ mà ngực bị “chảy xệ giả” phù hợp với cả hai vị trí đặt túi độn: dưới cơ hoặc trên cơ, miễn là còn đủ mô để che phủ lên túi độn.
Ở những phụ nữ này thì quy trình nâng ngực bằng túi độn thường phức tạp hơn. Đây là vấn đề phổ biến ở những phụ nữ đã từng mang thai và cho con bú. Tình trạng mà phần trên mất hoàn toàn sự đầy đặn cũng như là sự dịch chuyển của mô vú và mỡ xuống phần dưới của bầu ngực (tăng khoảng cách từ núm vú đến nếp gấp chân ngực) có thể sẽ gây bất lợi nếu đặt túi độn dưới cơ. Trong những trường hợp này, việc đặt túi độn dưới cơ có thể sẽ gây biến dạng: túi độn và cơ ngực vẫn ở tại vị trí bình thường trong khi mô vú bị xệ xuống ở đằng trước túi độn (snoopy-dog deformity). Do đó mà bác sĩ thường sẽ chọn đặt túi độn trên cơ. Điều này cho phép túi độn lấp đầy vào phần dưới của bầu ngực và dịch chuyển xuống nhiều hơn một chút để tạo vẻ tự nhiên nhưng tất cả các nhược điểm của vị trí đặt túi độn trên cơ đều có thể xảy ra. Hơn nữa, trong những trường hợp này, không gian bên trong ngực thường lớn hơn nên đòi hỏi phải dùng đến túi độn cỡ lớn để có thể lấp đầy bầu ngực. Mặc dù điều này sẽ cho kết quả là bộ ngực đẹp mắt trong thời gian đầu sau phẫu thuật nhưng dần dần, sức nặng của túi độn cộng với tình trạng vốn đã lỏng lẻo của da và mô vú sẽ khiến cho mô mềm càng bị kéo giãn nhiều hơn và túi độn ngày càng tụt thấp.
Do đó, theo tôi thì không nên đặt túi độn trên cơ. Mặc dù sẽ có những lợi ích nhất định nhưng tất cả đều chỉ là tạm thời trong khi những điểm hạn chế về lâu dài là rất lớn. Nếu mức độ ngực “chảy xệ giả” từ nhẹ đến vừa thì có thể sử dụng kỹ thuật Dual plane để khắc phục. Còn nếu ngực thật sự bị chảy xệ hoặc “chảy xệ giả” mức độ nặng thì sẽ cần treo ngực sa trễ. Trước tiên cần kiểm tra và đánh giá kỹ tình trạng ban đầu để có kế hoạch phẫu thuật thích hợp.
Khi nào cần đến kỹ thuật Dual plane?
Hiện nay, tại bệnh viện của chúng tôi, đối với những trường hợp lần đầu đặt túi độn thì đều không sử dụng vị trí đặt trên cơ (trừ những trường hợp cần sửa lại) mà thay vào đó là kỹ thuật Dual plane. Theo tôi, với sự ra đời của kỹ thuật Dual plane thì không còn lý do nào phải đặt túi độn ở trên cơ nữa. Hơn nữa, với kỹ thuật này thì một số trường hợp có ngực chảy xệ còn không cần phải treo ngực sa trễ (tất nhiên, nếu chảy xệ nặng thì đây vẫn là giải pháp cần thiết). Thậm chí, theo tôi thấy thì kỹ thuật Dual plane cho kết quả tự nhiên nhất ở những phụ nữ mà ngực hơi có sự lỏng lẻo sau khi mang thai(“chảy xệ giả” mức độ nhẹ đến vừa). Như đã nói bên trên, kỹ thuật Dual plane có cả những ưu điểm của vị trí đặt túi độn trên cơ và dưới cơ mà hầu như không có nhược điểm. Cả túi độn hình giọt nước và túi độn tròn đều có thể mang lại kết quả cao khi dùng kỹ thuật này nhưng trong những trường hợp ngực chảy xệ thì túi độn hình giọt nước dễ bị xoay hơn túi độn tròn do mô bị lỏng lẻo và khó giữ ổn định túi độn. Vì vậy nên hiện tại tôi chỉ sử dụng túi độn hình tròn để nâng ngực.
Medically reviewed by: Bác sĩ Tâm