Viêm giác mạc là tình trạng khá phổ biến sau khi phẫu thuật mí mắt nói chung và phẫu thuật sụp mí nói riêng.
Giác mạc là lớp mô mỏng trong suốt nằm phía trước nhãn cầu, đây cũng là bộ phận tiếp xúc với ánh sáng đầu tiên, cho phép ánh sáng đi qua giúp mắt nhìn thấy. Quá trình phẫu thuật chỉnh xử lý không chuẩn xác có thể khiến giác mạc bị viêm và nếu không được xử lý đúng cách, kịp thời có thể để lại những di chứng vĩnh viễn như hình thành sẹo giác mạc, thủng nhãn cầu và thậm chí là mất một phần hoặc hoàn toàn thị lực.
Biểu hiện của viêm giác mạc
Các dấu hiệu và triệu chứng viêm giác mạc có thể bao gồm:
- Mắt bị đỏ, khô
- Đau hoặc kích ứng mắt khiến cho việc mở mắt trở nên khó khăn
- Có thể có cảm giác nóng rát, ngứa hoặc khó chịu trong mắt
- Có thể bị sưng quanh mắt
- Có thể có dịch chảy ra từ mắt
- Tầm nhìn bị hạn chế, mờ
- Sợ ánh sáng
Nguyên nhân gây viêm giác mạc sau phẫu thuật sụp mí
Viêm giác mạc sau phẫu thuật sửa sụp mí có thể liên quan đến tình trạng chỉnh sửa sụp mi quá mức – treo cơ nâng mi quá cao hoặc chỉnh sửa sụp mí nhiều lần (cắt bỏ quá nhiều da) gây hở mi khiến giác mạc bị lộ và các cơ chế bảo vệ giác mạc kém (như bị khô mắt, chức năng chớp mắt kém, giảm tiết nước mắt, liệt thần kinh mặt, không có hoặc hiện tượng Bell hoạt động kém (sự chuyển động lên trên của nhãn cầu khi nhắm mắt). Tất cả những yếu tố này góp phần khiến giác mạc bị viêm.
Các biện pháp điều trị viêm giác mạc sau phẫu thuật sụp mí
Nguyên nhân chính dẫn đến viêm giác mạc sau phẫu thuật sụp mí là do chỉnh sửa quá mức, hở mi. Vì thế để điều trị vấn đề này cần xử lý triệt để nguyên nhân cốt lõi của nó và biện pháp điều trị như thế nào sẽ phụ thuộc vào từng triệu chứng và tình trạng viêm giác mạc ở từng người.
Hầu hết với các tình trạng viêm giác mạc do hở mi, điều quan trọng nhất luôn là giữ ẩm cho mắt. Do đó, bệnh nhân cần nhỏ thuốc mắt bôi trơn vào ban ngày, bôi thuốc mỡ vào ban đêm để duy trì dưỡng ẩm, chống khô mắt; tuyệt đối không được để quạt hay gió thổi trực tiếp vào mắt; và có thể đeo kính bảo vệ vào ban ngày để tránh gió, bụi bẩn và che mắt khi ngủ.
Ngoài ra để cải thiện nhanh tình trạng hở mi, bệnh nhân có thể thực hiện matxa mí mắt bằng cách vuốt xuống dưới trong 5 phút, thực hiện một vài lần mỗi ngày để mô giãn ra giúp mắt nhanh khép chặt lại hơn. Hoặc luyện tập mắt: nhắm mắt thật chặt và giữ nguyên như vậy trong 10 giây, lặp lại 10 lần. thực hiện như vậy 3 đến 4 lần một ngày. Cách này giúp luyện cơ vòng mi - cơ có nhiệm vụ nhắm mắt.
Nếu viêm giác mạc tiếp xúc kéo dài sẽ dễ trở thành mãn tính với các triệu chứng khó có thể khắc phục đồng thời. Với những trường hợp này, cần duy trì dán băng che mắt liên tục vào buổi tối, đồng thời kết hợp nhỏ thuốc mắt bôi trơn và thực hiện kỹ thuật khâu treo để nâng mí mắt dưới lên, để mắt dễ dàng nhắm kín hơn.
Nếu áp dụng các biện pháp trên nhưng vẫn không cải thiện, bệnh nhân có thể sẽ cần phẫu thuật lại để hạ thấp mí mắt. Trong quy trình này bác sĩ có thể sẽ chỉnh sửa lại cơ nâng mi hoặc sụn mi, hoặc thậm chí có thể tiến hành ghép da để mí mắt có thể nhắm kín hoàn toàn sau chỉnh sửa và không để lộ giác mạc.
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tâm