Viêm quanh khớp vai là tình trạng viêm xảy ra ở những phần mềm cạnh khớp vai như: Bao khớp, túi thanh dịch…, nhất là vùng trên cơ vai và vị trí bó dài gân nhị đầu cánh tay. Tình trạng này không những khiến người bệnh đau đớn, hạn chế sự vận động của khớp mà nó còn có khả năng gây mất hẳn chức năng vận động, teo cơ, tàn phế… Do đó nắm rõ các thông tin về vấn đề này sẽ giúp bệnh nhân chủ động hơn trong việc điều trị và dự phòng viêm quanh khớp vai.
I/ Tổng quan về bệnh viêm quanh khớp vai
Cũng giống như các khớp khác trong cơ thể, khớp vai cũng là một trong những khớp quan trọng. Nó đóng vai trò giúp vận động trong mọi trường hợp, từ những cử chỉ nhẹ nhàng đến các vận động mang tính chất mạnh mẽ như: Lao động, tập thể dục thể thao… Loại khớp này cũng có liên quan đến các loại rễ thần kinh ở vùng cổ và phần trên của lưng. Đặc biệt, nó còn liên quan đến các hạch giao cảm ở cổ. Khi không may có một nguyên nhân nào đó gây viêm thì gây ra các triệu chứng ở khớp vai như viêm co thắt bao khớp, viêm gân…Chúng sẽ làm hạn chế sự vận động của khớp vai. Những thông tin mà chúng tôi cung cấp dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chứng bệnh này.
Quốc dược Phục cốt khang là bài thuốc sở hữu nhiều ưu điểm ĐẦU TIÊN và DUY NHẤT về công thức, thành phần trong điều trị bệnh xương khớp tại Việt Nam. [Tìm hiểu ngay]
Viêm quanh khớp vai là gì?
Viêm quanh khớp vai là một bệnh lý về xương khớp xảy ra ở các khớp vai do tổn thương các phần mềm quanh khớp như cơ, gân, dây chằng, bao khớp, túi thanh dịch… Không giống như các bệnh xương khớp khác, viêm quanh khớp vai không dùng để chỉ các tổn thương ở phần sụn khớp, phần đầu của xương, màng hoạt dịch… Nó chỉ được dùng để chỉ các phần mềm xung quanh khớp đã được liệt kê ở trên.
Nguyên nhân gây bệnh viêm quanh khớp vai
Về nguyên nhân gây bệnh, nền Y học hiện đại và Y học cổ truyền cũng có những cách lý giải khác nhau. Cụ thể như sau:
+ Theo Y học cổ truyền:
Cách lý giải của nền Y học cổ truyền cho rằng viêm quanh khớp vai thuộc kiên ty thống. Đây là hệ quả của việc kết hợp nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm bệnh nội thương, phong hàn thấp, can thận hư tổn. những chứng bệnh này sẽ khiến khí huyết ứ tắc, huyết ứ lâu ngày mới sinh bệnh và gây đau.
+ Theo Y học hiện đại:
Khác với cách lý giải của Đông y, Y học hiện đại lại cho bệnh viêm quanh khớp vai xảy ra do các nguyên nhân sau đây:
- Chấn thương: Ngã ở tư thế chống tay xuống đất, tai nạn, va đập… Đây là nhóm nguyên nhân phổ biến có thể gây viêm quanh khớp vai cho bệnh nhân.
- Tính chất công việc: Nếu làm các công việc cần phải lặp đi lặp lại động tác vai, cánh tay cũng có thể gây tổn thương khớp vai.
- Do bệnh lý: Những người bị các bệnh thoái hóa dây chằng, thoái hóa đĩa đệm cổ, thoát vị hoặc mắc các bệnh thần kinh như: Viêm màng não, sọ não… cũng sẽ gây chèn ép các rễ thần kinh và gây đau tại các vùng khớp vai.
- Thay đổi thời tiết: Nếu thời tiết có sự thay đổi đột ngột từ nóng ẩm sang lạnh khô hoặc ngược lại cũng có thể khiến bệnh nhân bị đau quanh khớp vai.
Triệu chứng bệnh viêm quanh khớp vai
Chứng bệnh này được chia thành 4 thể lâm sàng. Tùy vào từng thể bệnh mà chúng gây ra các biểu hiện khác nhau. Cụ thể như sau:
- Thể đau vai khớp đơn thuần: Những cơn đau này thường xuất hiện một cách cơ học. Nó sẽ đau nặng hơn khi người bệnh thực hiện các vận động quá mức tại các khớp vai. Mặc dù có thể xuất hiện cả ngày, nhưng bệnh nhân sẽ thường thấy đau nặng hơn về ban đêm. Cơn đau sẽ lan xuống cả cánh tay và cẳng tay và làm cho bệnh nhân khó nằm nghiêng khi ngủ.
- Thể đau vai cấp: Khớp vai có cảm giác sưng nóng kèm sốt nhẹ. Với thể đau vai cấp, các cơn đau thường xuất hiện đột ngột, dữ dội. Cơn đau lan dần xuống toàn bộ vai, cánh tay, cổ. Lúc này người bệnh sẽ bị mất ngủ, khó chịu, đồng thời mất vận động khớp vai hoàn toàn.
- Thể giả liệt khớp vai: Lúc này cơn đau vai sẽ diễn ra một cách dữ dội có kèm theo tiếng răng rắc. Những bệnh nhân mắc thể bệnh này sẽ không thể tự nâng vai của mình lên được. Nhưng khi có người khác giúp vận động khớp, họ sẽ cử động được một cách bình thường. Đối với một số người, phần trước trên cánh tay còn có những vết bầm tím.
- Thể đông cứng khớp vai: Các cơn đau của thể bệnh này xuất hiện theo kiểu cơ học thường xuất hiện vào ban đêm. Sau đó, bệnh nhân sẽ có cảm giác bả vai bị đông cứng và không thể cử động. Những người bị thể đông cứng khớp vai cũng sẽ khó cử động ngay cả khi có sự giúp đỡ của người khác.
Ngoài ra, bệnh viêm quanh khớp vai có thể gây ra các biểu hiện khác mà không được chúng tôi đề cập. Trao đổi với các bác sĩ để được cung cấp thêm thông tin.
Ai có nguy cơ cao bị viêm quanh khớp vai?
Mặc dù bất cứ ai cũng có thể bị bệnh viêm quanh khớp vai, tuy nhiên bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu thuộc một trong số các đối tượng sau đây:
- Người có độ tuổi từ 40 – 60
- Nam giới sẽ có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn nữ giới.
- Những người lao động chân tay hoặc thường phải giơ tay cao hơn 90º. Chẳng hạn như chơi tennis, ném lao, xách các vật nặng…
- Người đã từng bị chấn thương ở khớp vai hoặc đã từng bị gãy xương đòn, xương cánh tay, xương bả vai.
- Bệnh nhân bị đột quỵ, giai đoạn phục hồi sau khi điều trị các bệnh nặng, bất động do gãy xương cánh tay phải bất động khớp vai trong thời gian khá dài.
- Có tiền sử phẫu thuật vùng khớp vai, nắn xương hoặc phẫu thuật các xương liên quan đến khớp vai như gãy xương đòn, xương cánh tay, xương bả vai…
- Những người bị các bệnh mạn tính như viêm khớp dạng thấp, bệnh phổi, bệnh đái tháo đường, đột quỵ não, bệnh ở lồng ngực.
Bệnh viêm quanh khớp vai có nguy hiểm không?
Thông thường, viêm quanh khớp vai ít gây ra nguy hiểm cho bệnh nhân nếu được điều trị sớm. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh của nó lại khiến bệnh nhân đau đớn, làm hạn chế khả năng vận động. Nhưng cũng không vì thế mà bệnh nhân chủ quan, không điều trị sớm. Bởi khi không được chữa trị kịp thời, các khớp có thể bị mất hẳn khả năng vận động, teo cơ, biến dạng khớp. Đặc biệt nó có thể khiến bệnh nhân bị tàn phế suốt đời.
II/ Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm quanh khớp vai
Việc chẩn đoán điều trị sớm bệnh sẽ giúp bệnh nhân tránh được những biến chứng nguy hiểm. Đồng thời, nó cũng sẽ khiến việc chữa trị dễ dàng hơn. Với viêm quanh khớp vai, nó sẽ được chẩn đoán và điều trị theo những phương pháp sau đây:
Chẩn đoán bệnh
Bệnh viêm khớp vai thể đơn thuần chủ yếu được chẩn đoán dựa vào lâm sàng và chụp X- quang thường. Những phương pháp này sẽ giúp bác sĩ loại trừ được các thương tổn vùng sụn và ở xương của khớp vai. Để chẩn đoán, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm sau đây:
- Chụp X – quang khớp vai: Khi thực hiện xét nghiệm này cho ra kết quả là trên phim chụp sẽ không có tổn thương xương và khớp vai. Ở một số người còn nhìn thấy cả hình ảnh thoái hóa hoặc calci lắng đọng trên gân khớp vai. Nhưng thấy dưới dạng gián tiếp.
- Siêu âm khớp vai: Đây là một phương tiện dùng để chẩn đoán hình ảnh không xâm nhập. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện các tổn thương trên khớp vai.
- Nội soi khớp vai: Khác với siêu âm khớp vai, nội soi khớp vai là một thủ thuật xâm nhập. Nó vừa có tác dụng trong chẩn đoán, vừa có tác dụng trong điều trị.
- Chụp khớp vai có bơm thuốc cản quang hoặc MRI ghi hình khớp vai có bơm thuốc.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Đây là phương pháp cho phép chẩn đoán một cách chính xác các tổn thương ở bên trong khớp vai.
Các phương pháp điều trị viêm quanh khớp vai
Điều trị viêm quanh khớp vai thường bao gồm 2 dạng là điều trị đợt cấp và điều trị duy trì. Để mang đến tác dụng tốt, trong quá trình chữa bệnh, bệnh nhân cũng sẽ được các bác sĩ chỉ định sử dụng kết hợp nhiều phương pháp như: Điều trị nội khoa, vật lý trị liệu, ngoại khoa và phục hồi chức năng. Cụ thể như sau:
+ Điều trị nội khoa:
Khi áp dụng biện pháp này, mục tiêu mà nó hướng đến là giúp giảm những cơn đau, kháng viêm, duy trì tầm vận động của các khớp. Vì một trong những triệu chứng chính của bệnh viêm quanh khớp vai ở thể đơn thuần là tình trạng đau khớp vai. Do đó, biện pháp điều trị nội khoa rất phù hợp để chữa trị. Thang điểm VAS – thang điểm nhìn lượng giá mức độ đau chính là công cụ để đánh giá mức độ những cơn đau cho bệnh nhân.
Điều trị nội khoa thường được chỉ định bằng thuốc, đồng thời kết hợp với điều chỉnh độ sinh hoạt và vận động. Cụ thể:
- Để giảm đau, bệnh nhân sẽ được chỉ định những loại thuốc giảm đau thông thường như acetaminophen
- Các loại thuốc kháng viêm không steroid sẽ được sử dụng để kháng viêm.
- Tiêm corticoid tại chỗ: Phương pháp này sẽ được chỉ định cho những bệnh nhân bị bệnh thể đơn thuần, thể đau khớp vai cấp tính. Thuốc được tiêm tại chỗ 1 lần duy nhất, có thể là vào bao gân hoặc bao thanh dịch dưới cơ delta. Nếu tái phát, bệnh nhân có thể tiêm nhắc lại sau khoảng 3 – 6 tháng.
Ngoài việc dùng thuốc, bệnh nhân cần phải điều chỉnh chế độ vận động và sinh hoạt. Tốt nhất là nên bất động tương đối khớp vai trong quá trình điều trị. Có nghĩa bệnh nhân vẫn có thể vận động, sinh hoạt với khớp vai bị đau. Nhưng tuyệt đối không được vận động những động tác đột ngột, vận động nặng. Đồng thời cần dừng vận động khi cảm thấy cơn đau xuất hiện trên khớp. Bệnh nhân không nên bất động tuyệt đối khớp vai. Vì điều này có thể gây hạn chế vận động khớp.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể kết hợp với các phương pháp vật lý trị liệu. Nó sẽ giúp tăng cường tuần hoàn máu, kích thích quá trình cung cấp chất dinh dưỡng cho khớp vai diễn ra được tốt hơn. So với dùng thuốc, điều trị bằng vật lý trị liệu cần được ưu tiên hơn.
+ Điều trị can thiệp:
Phương pháp điều trị can thiệp bằng nội soi để chữa viêm quanh khớp vai được chỉ định cho các trường hợp bị rách đứt hoàn toàn gân cơ chóp xoay. Nếu gân cơ này bị rách hoặc đứt không hoàn toàn, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện điều trị nội khoa mà không cần can thiệp. Trong trường hợp áp dụng phương pháp này bị thất bại, điều trị can thiệp nội soi với mục đích khâu phục hồi gân sẽ được cân nhắc.
+ Chữa viêm quanh khớp vai bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP):
PRP là một chế phẩm được sản xuất từ máu. Đặc điểm của loại chế phẩm này là chứa tiểu cầu với hàm lượng cao các chất tăng trưởng và những phân tử sinh học. Chính vì vậy, huyết tương giàu tiểu cầu có tác dụng kích thích khả năng hồi tự nhiên của cơ, làm cho quá trình phục hồi các tế bào bị thương diễn ra nhanh hơn. Điều này sẽ giúp các cơn đau bị đẩy lùi nhanh chóng. Đây được cho là phương pháp an toàn, có khả năng giảm đau nhanh chóng và bền vững. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của máy siêu âm sẽ cho phép xác định chính xác vị trí bị tổn thương. Hiệu quả điều trị cũng vì vậy mà càng được chắc chắn.
Ngoài cách điều trị trên, áp dụng các bài thuốc Y học cổ truyền chữa viêm quanh khớp vai cũng là phương pháp được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, khi áp dụng cách chữa trị nào cũng có những ưu và hạn chế riêng. Do đó, bệnh nhân nên tham khảo kỹ những phương pháp này và tìm ra biện pháp phù hợp nhất cho bản thân.
Thông tin thêm: Các phương pháp điều trị bệnh viêm quanh khớp vai theo Y học cổ truyền
Trên đây là những thông tin cần biết về bệnh viêm quanh khớp vai và các phương pháp điều trị. Nếu tình trạng này kéo dài mà không được điều trị, bệnh còn có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khác. Vì thế, để tránh gặp những vấn đề không mong muốn, hãy đi khám và điều trị sớm khi thấy cơ thể có các biểu hiện bất thường.
ThuocDanToc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.