Vỡ ối bao lâu thì sinh? Có đau bụng không? Khi nào cần nhập viện?

7 tháng trước 64

Vỡ ối là một trong những dấu hiệu báo hiệu thai nhi sắp chào đời ở những tuần cuối thai kỳ. Thế nhưng, mẹ đã biết vỡ ối bao lâu thì sinh để kịp di chuyển đến cơ sở y tế, đảm bảo cuộc “vượt cạn” an toàn? Trong bài viết dưới đây, bác sĩ Dương Việt Bắc Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội chia sẻ những thông tin hữu ích giúp mẹ và gia đình biết cần làm gì khi thấy hiện tượng vỡ ối.

vỡ ối bao lâu thì sinh

Cần biết gì về vỡ ối?

Trong suốt thai kỳ, thai nhi được bao bọc bởi một chiếc túi có màng bên trong chứa đầy chất lỏng gọi là túi ối. Túi ối còn gọi là túi thai đảm nhận nhiệm vụ che chở và bảo vệ thai nhi khỏi các xâm nhập có hại từ môi trường bên ngoài, cũng như là môi trường nuôi dưỡng để thai nhi có thể phát triển, không bị chèn ép bởi các cơ quan nội tạng xung quanh. (1)

Chất lỏng trong túi ối được gọi là nước ối, có màu trong suốt và sẽ xuất hiện từ ngày thứ 12 sau khi quá trình thụ thai diễn ra thành công. Trong nước ối chứa nhiều thành phần quan trọng, chẳng hạn như chất dinh dưỡng, hormone và kháng thể chống nhiễm trùng. Khi đo lượng nước ối trong bụng mẹ, mức cao nhất có thể lên đến 1 lít. Từ tuần thứ 36 trở đi, nước ối sẽ bắt đầu giảm dần để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ diễn ra.

Bác sĩ Việt Bắc chia sẻ, trong giai đoạn đầu thai kỳ nước ối có màu trắng trong, sau đó cùng với sự phát triển của thai nhi nước ối sẽ trở nên đục dần. Ở tuần thứ 38 trở đi có thể thấy nước ối có màu trắng đục như nước vo gạo.

Bước vào giai đoạn chuyển dạ, nước ối giữ nhiều vai trò quan trọng đối với mẹ và thai nhi:

  • Giúp cổ tử cung xóa mở một cách thuận lợi hơn.
  • Nhờ có nước ối, những cơn co thắt tử cung trong quá trình chuyển dạ không gây sang chấn cho thai nhi.
  • Môi trường nước ối vô trùng sẽ đảm bảo sự an toàn cho mẹ và thai nhi khi chuyển dạ, phòng tránh nguy cơ nhiễm khuẩn.
  • Nước ối có tính nhờn nên sẽ giúp bôi trơn đường sinh dục, nhờ đó mẹ sinh nở dễ dàng hơn.

Vỡ ối là hiện tượng túi ối vỡ ra làm rò rỉ nước ối chảy ra ngoài theo đường âm đạo của mẹ. Đây là một trong những dấu hiệu quan trọng báo hiệu mẹ sắp bước vào cuộc “vượt cạn”, thai nhi sắp chào đời. Vì thế, hầu hết mẹ bầu ở những tuần cuối thai kỳ đều lo lắng và hồi hộp không biết khi nào sẽ vỡ ối, cũng như vỡ ối bao lâu thì đẻ? Trước tiên, mẹ cần biết những biểu hiện của vỡ ối để di chuyển đến cơ sở y tế kịp thời. (2)

Xem thêm: Các dấu hiệu sắp sinh điển hình mẹ bầu cần biết

chất lỏng chảy ra từ âm đạoMẹ bầu cần biết những dấu hiệu vỡ ối để di chuyển đến cơ sở y tế kịp thời

Những biểu hiện cho thấy ối bị vỡ

Trước khi vỡ ối, mẹ sẽ thấy xuất hiện những cơn co tử cung với tần suất thường xuyên, khá giống với cơn gò khi chuyển dạ. Khi ối vỡ, mẹ sẽ cảm nhận tiếng “bục” và có chất lỏng chảy ra từ âm đạo.

Cảm giác vỡ ối ở mỗi người là khác nhau. Có mẹ cảm thấy dòng nước chảy đột ngột, nhanh và mạnh tuôn ra từ âm đạo nhưng không hề thấy đau. Nhưng có mẹ chỉ cảm thấy dòng nước nhỏ chảy chầm chậm xuống dưới chân hoặc chỉ ẩm ướt ở quần lót. Điều này khiến nhiều mẹ nhầm lẫn, không phân biệt được đó là nước ối, nước tiểu hay dịch tiết âm đạo.

banner-lhts-30032024-content

Có thể bạn quan tâm: Vỡ ối nhưng chưa đau đẻ có sao không?

Mẹ có thể phân biệt nước ối với nước tiểu và dịch âm đạo thông qua các đặc điểm sau:

  • Nước ối: chất lỏng có màu trắng trong hoặc lẫn chất nhầy hay máu. Nước ối không có mùi.
  • Nước tiểu: có mùi khai đặc trưng và thường có màu vàng nhạt hoặc đậm hơn.
  • Dịch âm đạo: có màu trắng đục hoặc vàng xanh, có thể có mùi tanh.

“Khi gặp tình trạng rò rỉ chất lỏng từ âm đạo ở những tuần cuối thai kỳ nhưng không chắc chắn về khả năng phân biệt của bản thân, thai phụ cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra xem có phải là vỡ ối hay không và có chỉ định, hướng dẫn thích hợp”, bác sĩ Việt Bắc khuyến cáo.

Vỡ ối bao lâu thì sinh?

Sẽ rất khó đưa ra một con số chính xác cho thắc mắc vỡ ối bao lâu thì sinh vì phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể như thời điểm vỡ ối, thời gian chuyển dạ kéo dài ở mỗi thai phụ… Tuy nhiên, đa số thai phụ sẽ chuyển dạ trong vòng 12 giờ hoặc sớm hơn sau khi vỡ ối. (3)

Nếu mẹ vỡ ối sau tuần thứ 37 của thai kỳ thường sẽ chuyển dạ trong vòng 5 giờ sau đó. Nhưng nếu mẹ vỡ ối trước tuần thứ 37 (khoảng 32-34 tuần), thời gian chuyển dạ sẽ từ 4 ngày đến 1 tuần.

Khi bắt đầu chuyển dạ, mẹ sẽ cảm nhận được những cơn gò tử cung nhẹ trong vài giờ hoặc vài ngày. Cơn gò ngày càng mạnh hơn, đều đặn hơn và cổ tử cung dần mở rộng ra.

Ở giai đoạn chuyển dạ tích cực, cổ tử cung sẽ mở rộng tối đa đến khi đạt đỉnh 10cm và mẹ chính thức bước vào giai đoạn sinh con. Thời gian này là khoảng 8-12 giờ đối với những mẹ sinh con so, có thể nhanh hơn khoảng 5 giờ đối với những mẹ sinh con rạ.

Trong trường hợp đã vỡ ối nhưng mẹ không thể chuyển dạ sinh thường, bác sĩ sẽ chỉ định mổ bắt thai ra ngoài để tránh nguy cơ thai nhi bị nhiễm trùng khi ở trong tử cung quá lâu. Tuy nhiên, cũng có trường hợp mẹ đã lên bàn sinh nhưng chưa có hiện tượng vỡ ối. Lúc này bác sĩ sẽ chỉ định bấm ối để rút ngắn thời gian, nước ối chảy ra ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc chuyển dạ.

Cần lưu ý rằng, với những trường hợp ối vỡ sớm trước tuần thứ 37 của thai kỳ, phụ thuộc vào tuổi thai ở thời điểm đó mà bác sĩ sẽ hướng dẫn xử trí phù hợp. Nếu tuổi thai lớn hoàn toàn có thể can thiệp sinh bé ngay, nhưng nếu tuổi thai nhỏ cần được chăm sóc và tiếp tục dưỡng thai.

“Ngay khi phát hiện các dấu hiệu của vỡ ối, thai phụ cần di chuyển ngay đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ kiểm tra. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án can thiệp xử trí tốt nhất, đảm bảo sức khỏe và an toàn cho cả hai mẹ con”, bác sĩ Việt Bắc khuyến cáo.

sự xóa mở của cổ tử cungCổ tử cung xóa mở 10cm sẽ thuận lợi nhất cho quá trình sinh nở

Vỡ ối nhưng không đau bụng có bình thường không?

Bên cạnh thắc mắc vỡ nước ối bao lâu thì sinh, hầu hết mẹ bầu còn lo lắng vỡ ối bao lâu thì đau bụng, nếu không đau bụng thì có sao không?

Thông thường, sau khi vỡ ối thì các cơn co thắt bắt đầu xuất hiện để báo hiệu mẹ chuẩn bị tinh thần cho cuộc “vượt cạn”. Cơn đau bụng được xem là một phản ứng tự nhiên của cơ thể mẹ trước sinh. Nếu mẹ không thấy đau bụng cũng không cần quá lo lắng, có thể do cơ thể chưa kịp thích nghi với phản ứng tự nhiên này.

Tuy nhiên, khi thấy vỡ ối nhưng không đau bụng mẹ cũng cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra, tuyệt đối không chủ quan theo dõi tại nhà đợi xuất hiện cơn đau bụng mới nhập viện. Hậu quả của việc vỡ ối nhưng không can thiệp kịp thời là có thể khiến thai nhi bị ngạt vì thiếu oxy khi còn ở trong tử cung, thai nhi hít phải phân su hoặc một số vấn đề đe dọa sức khỏe hay sự phát triển của trẻ.

Trong quá trình di chuyển đến cơ sở y tế, mẹ cũng cần chú ý đến màu sắc của nước ối. Nếu nước ối có màu nâu đỏ, xanh lục hoặc có mùi hôi, đó là những dấu hiệu cho thấy thai nhi đang gặp nguy hiểm.

Vỡ ối bao lâu thì sinh để chuẩn bị thời gian nhập viện?

Bác sĩ Việt Bắc chia sẻ, trường hợp vỡ ối khi thai bình thường và đủ tháng, mẹ có thể theo dõi ở nhà đến khi xuất hiện những cơn gò chuyển dạ đầu tiên mới nhập viện. Tuy nhiên, không được đợi lâu hơn 24 giờ. Trong trường hợp vỡ ối khi thai kỳ nguy cơ cao hoặc thai chưa đủ tháng, mẹ hãy di chuyển ngay đến cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và hướng dẫn cách xử trí, đảm bảo sự an toàn cho hai mẹ con. (4)

Đặc biệt, mẹ phải nhanh chóng nhập viện nếu nhận thấy nước ối chảy từ âm đạo có những dấu hiệu bất thường như có màu nâu sẫm, màu xanh, có lẫn máu hoặc có mùi hôi. Nước ối có màu xanh là dấu hiệu cho thấy có lẫn phân su, nếu thai nhi hít phải phân su sẽ rất nguy hiểm.

Ngoài ra, mẹ cũng cần nhanh chóng đến cơ sở y tế khi có các triệu chứng sau:

  • Mẹ không khỏe, sốt lạnh hoặc đổ mồ hôi.
  • Mẹ có những cơn đau liên tục và kéo dài ở vùng bụng.
  • Thai nhi giảm hoặc ít cử động hơn so với bình thường.
mẹ cần đếm cử động thaiỞ những tuần cuối thai kỳ mẹ cần đếm cử động thai để đến ngay cơ sở y tế khi thấy thai nhi giảm hoặc ít cử động

Lưu ý khi bị vỡ ối

Khi nhận thấy dấu hiệu của vỡ ối, mẹ cần ghi nhớ những điều sau:

  • Ghi lại thời điểm thấy chất lỏng chảy ra từ âm đạo, màu sắc và các đặc điểm của chất lỏng.
  • Sử dụng băng vệ sinh, tã bỉm cho mẹ bầu và quần lót vô khuẩn để hút thấm bớt chất lỏng.
  • Tuyệt đối không nhét tampon vào trong âm đạo. Không tắm hoặc quan hệ tình dục ở thời điểm này.
  • Kiểm tra lại những đồ dùng cần thiết khi đi sinh, di chuyển ngay đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ tư vấn phương thức sinh nở.
  • Nếu nghi ngờ vỡ ối sớm khi chưa bắt đầu chuyển dạ hoặc khi thai nhi chưa đủ tháng, mẹ cần nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và hướng dẫn cách xử trí phù hợp, đảm bảo an toàn cho hai mẹ con.

Trung tâm Sản Phụ khoa Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia – bác sĩ giỏi chuyên môn giàu kinh nghiệm, sở hữu hệ thống máy móc hiện đại, phác đồ thăm khám và điều trị cá thể hóa, phối hợp chặt chẽ cùng các chuyên khoa tại bệnh viện như khoa Cấp cứu, Trung tâm Sơ sinh, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Xét nghiệm… giúp can thiệp kịp thời các tình huống vỡ ối cấp cứu, đảm bảo cuộc sinh nở an toàn và nhẹ nhàng, mẹ tròn con vuông.

Để tìm hiểu thêm các gói thai sản và gói sinh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, mẹ vui lòng liên hệ đến:

Hy vọng qua bài viết này mẹ đã biết vỡ ối bao lâu thì sinh để di chuyển đến cơ sở y tế kịp thời, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc “vượt cạn” an toàn. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc băn khoăn nào, mẹ có thể liên hệ đến hotline Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được các chuyên gia – bác sĩ Sản Phụ khoa giỏi hỗ trợ!

Đọc toàn bộ bài viết