'Vua' Đông Nam Á ngụp lặn ở sân chơi châu Á

1 năm trước 47

(PLO)- Chúng ta chú trọng đến SEA Games để thu hoạch vàng khi những đầu tư trọng điểm, đầu tư chính cho mặt trận ASIAD và xa hơn là Olympic thì đang rất thiếu.

Có gì đó sai sai khi thể thao Việt Nam thắng lớn ở hai kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) liền, đứng đầu khu vực với số HCV vượt trội, thế mà bước vào ASIAD 19 lại thua nhiều quốc gia Đông Nam Á và chỉ tiêu đưa ra chỉ 2-5 HCV…

15_thoiluan_TTVN_tu-SEA-Games-den_ASIAD.jpg Phạm Quang Huy (trái) mang về huy chương vàng bắn súng hiếm hoi
cho đoàn thể thao Việt Nam. Ảnh: QUY LƯỢNG

Chỉ tiêu của đoàn thể thao số 1 Đông Nam Á đưa ra cho thấy mặt trận ở ASIAD được chính người trong cuộc định lượng là nấc thang rất cao so với thành tích thu hoạch được ở SEA Games. Điều mà chỉ vài tháng trước, thể thao Việt Nam (TTVN) đã mừng công rất lớn, thưởng rất nhiều về chiến tích lần đầu leo lên vị trí nhất toàn đoàn ở một kỳ SEA Games mà mình không đăng cai.

Tại sao ở ASIAD 18 - 2018 diễn ra năm năm trước, TTVN thu hoạch 5 HCV, 15 HCB, 18 HCĐ mà đến ASIAD 19 lại chỉ đưa ra chỉ tiêu khiêm tốn 2-5 HCV?

Có thể lý giải rằng môn thu hoạch đậm nhất năm năm trước là pencak silat với 2 HCV, 7 HCB, 3 HCĐ năm nay Trung Quốc không tổ chức nên chỉ tiêu phải rút xuống nhưng rõ ràng vị thế “vua” Đông Nam Á khi bước ra sân chơi châu Á không thể cứ “đếm cua trong lỗ”.

Con số 2-5 HCV ấy đối chiếu với thành tích của “vua” Đông Nam Á với 136 HCV SEA Games 32, hay 205 HCV SEA Games 31 tại Hà Nội lại rất trúng với những lời khen và dự báo của giới chuyên môn Đông Nam Á.

Lời khen TTVN chấp nhận chịu tốn nguồn kinh phí rất lớn để đầu tư dàn trải nhiều môn theo xu hướng SEA Games để “hốt vàng” (tất nhiên sau đó còn là cơn mưa tiền thưởng kỷ lục) không biết là khen thật hay châm biếm nhưng dự báo sự đầu tư dàn trải đấy sẽ gặp khó và thất bại khi bước ra sàn đấu châu lục và thế giới là có thật.

Sau SEA Games 31 tại Hà Nội, anh bạn Som Luck, cây viết thể thao của nhật báo thể thao hàng đầu Thái Lan - Siam Sports, chỉ vào bảng thành tích các đoàn và nói với tôi: “Thể thao Thái Lan từng trên đỉnh Đông Nam Á rất lâu và rất sâu như các bạn hôm nay nhưng Bộ Du lịch, Thể thao Thái Lan sau nhiều lần ngồi lại với những nhà chuyên môn thì đi đến quyết định không đầu tư dàn trải vào quá nhiều môn để ăn thua ở Đông Nam Á nữa mà phải tính trọng điểm ở sân chơi châu lục và hơn hết là Olympic…”.

Khi Trần Quang Hạ khóc vì hạnh phúc với chiến thắng trong trận chung kết taekwondo ở ASIAD 12 - 1994 tại Hiroshima (Nhật Bản) thì Thái Lan mới bắt đầu tìm hiểu và làm quen với taekwondo. Nhưng nay thì Thái Lan đã có nhà vô địch Olympic 2020 và tiếp tục là quán quân ASIAD 19. Chỉ tính HCV taekwondo ở ASIAD 19 thì Thái Lan đã bằng tổng số HCV đoàn TTVN thu hoạch được đến nay.

Hay tại SEA Games 32 ở Campuchia, trong khi TTVN thu hoạch không ít HCV ở những môn không nằm trong hệ thống Olympic thì những nước có bờ biển đều đầu tư môn thuyền buồm (sailing), trừ VN. Kết quả từ SEA Games 32 là cả ba đoàn có HCV môn thuyền buồm là Thái Lan (4), Singapore (3), Malaysia (2) thì tại ASIAD 19 ba đoàn trên đều gặt hái HCV môn thuyền buồm, trong đó riêng Thái Lan và Singapore mỗi đoàn 2 HCV.

Một cán bộ ngành TTVN chia sẻ rằng nhiều VĐV và HLV rất thích SEA Games bởi có những môn rất dễ ăn và thậm chí là sẵn sàng chuyển VĐV môn này sang môn có nội dung tương tự để ăn vàng, ăn thành tích lẫn tiền thưởng… Thế nên, nói hơi nặng nề như một số chuyên gia là chúng ta chú trọng đến SEA Games để thu hoạch vàng thật nhiều, để nhận những cơn mưa tiền thưởng và để báo cáo thành tích trong khi những đầu tư trọng điểm, đầu tư chính cho mặt trận ASIAD và xa hơn là Olympic thì đang rất thiếu.

Hình ảnh “vua” Đông Nam Á ngụp lặn ở sân chơi châu Á cần phải thay đổi từ một tầm nhìn.

NGUYỄN NGUYÊN

Đọc toàn bộ bài viết