Tại hội thảo về nông nghiệp thuận thiên do Bộ NN&PTNT tổ chức ở Cà Mau mới đây, "vua tôm" Lê Văn Quang (Chủ tịch Công ty thủy sản Minh Phú) đã khiến nhiều người háo hức khi chia sẻ mô hình nuôi tôm xen kẽ trồng lúa thuận theo tự nhiên tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Mô hình này không chỉ mang tính bền vững về môi trường, mà còn đảm bảo bền vững kinh tế và xã hội cho người dân địa phương.
Theo ông Quang, đặc trưng của mô hình tôm - lúa là sự luân phiên giữa 2 mùa mưa nước ngọt và mùa khô nước mặn sẽ tạo ra điều kiện sinh thái phù hợp cho cả lúa và tôm sinh trưởng.
Vào mùa khô, với nguồn nước mặn từ biển đổ về phía trong đất liền, các vùng đồng bằng ven biển trở thành môi trường lý tưởng để nuôi tôm. Tôm được thả nuôi hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên, tận dụng nguồn thức ăn từ rễ cây lúa làm tơi xốp đất cho động vật thủy sinh phát triển, cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho con tôm.
Khi đến mùa mưa, nguồn nước ngọt về, các vùng đất phì nhiêu này lại thành cánh đồng lúa màu mỡ. Phần dinh dưỡng, phân tôm cũng sẽ bồi đắp lên thửa ruộng, tạo thành phân bón hữu cơ tự nhiên cho cây lúa sinh trưởng.
"Mô hình tôm - lúa có năng suất trung bình mỗi vụ thu hoạch 5-8 tấn lúa và 300kg-1.000kg tôm/ha. Mỗi năm thu nhập từ mô hình này tối thiểu 250 triệu đồng, trung bình 500 triệu đồng và có thể lên tới 1 tỷ đồng/năm/ha nếu canh tác thành công", ông Quang chia sẻ.
Cụ thể, để đạt doanh thu 1 tỷ đồng/ha/năm, nông dân cần phải liên kết hợp tác với nhau để lại thành thửa ruộng lớn 7-10ha, cánh đồng tôm - lúa lớn 1.000-10.000ha.
"Vua tôm" nhận định, thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm trên một ha đất sẽ giúp người nông dân có thể ổn định cuộc sống và làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình, không phải rời bỏ nghề nông để đi làm công nhân ở thành thị.
Đồng thời, mô hình này cũng sẽ giữ gìn bản sắc làng quê, gìn giữ nghề truyền thống lâu đời của vùng đất phương Nam.
Ông Quang kỳ vọng, với tiềm năng to lớn, sự bền vững về mọi mặt, cùng cam kết đầy đủ nguồn lực, công nghệ tiên tiến, miền Tây hoàn toàn có thể thu hút nguồn vốn đầu tư để phát triển mô hình tôm - lúa theo hướng sản xuất quy mô công nghiệp. Từ đó, giải quyết được thách thức về năng suất và tiếp cận nguồn vốn một cách hiệu quả, bền vững.