Xét nghiệm Pap có phát hiện được HIV không?

4 năm trước 40

Có nhiều phương pháp xét nghiệm sàng lọc HIV khác nhau, gồm có các phương pháp thực hiện tại nhà và tại bệnh viện.

Nội dung chính của bài viết

  • Xét nghiệm Pap thường được thực hiện cùng lúc với phương pháp xét nghiệm phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, chẳng hạn như HIV.
  • Tuy nhiên, xét nghiệm Pap không thể phát hiện được HIV.
  • Có nhiều phương pháp xét nghiệm sàng lọc HIV khác nhau, gồm có các phương pháp thực hiện tại nhà và tại bệnh viện.
  • Trong trường hợp nhiễm HIV, càng làm phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ càng hiệu quả.

Xét nghiệm Pap có thể phát hiện HIV không?

Xét nghiệm Pap (Pap smear) sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng cách phát hiện những bất thường trong các tế bào cổ tử cung. Kể từ khi được ứng dụng tại Hoa Kỳ vào năm 1941, phương pháp xét nghiệm này đã làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung.

Mặc dù ung thư cổ tử cung có thể gây tử vong nếu không được điều trị nhưng đây là một bệnh ung thư tiến triển chậm. Khi phát hiện sớm nhờ phương pháp xét nghiệm Pap và can thiệp ngay thì sẽ có thể chữa khỏi được ung thư cổ tử cung.

Phụ nữ từ 21 đến 65 tuổi được khuyến nghị nên làm xét nghiệm Pap 3 năm một lần. Phụ nữ trong độ tuổi 30 đến 65 có thể thực hiện đồng thời cả xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV 5 năm một lần. HPV (virus u nhú ở người) là loại virus lây truyền qua đường tình dục và có thể gây ung thư cổ tử cung.

Xét nghiệm Pap thường được thực hiện cùng lúc với phương pháp xét nghiệm phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, chẳng hạn như HIV. Tuy nhiên, xét nghiệm Pap không thể phát hiện được HIV.

Kết quả xét nghiệm Pap bất thường có nghĩa là gì?

Nếu xét nghiệm Pap cho thấy sự hiện diện của các tế bào bất thường ở cổ tử cung thì sẽ cần soi cổ tử cung.

Soi cổ tử cung là phương pháp sử dụng thiết bị phóng đại hình ảnh cổ tử cung để bác sĩ có thể quan sát những dấu hiệu bất thường ở cổ tử cung cũng như là khu vực xung quanh. Trong quá trình soi cổ tử cung, bác sĩ cũng có thể lấy mẫu mô và gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra. Thủ thuật này được gọi là sinh thiết.

Trong những năm gần đây đã có phương pháp để kiểm tra sự hiện diện của HPV-DNA một cách trực tiếp. Quy trình lấy mẫu mô để xét nghiệm HPV-DNA cũng tương tự như xét nghiệm Pap và có thể được thực hiện trong cùng một lần khám.

Có những phương pháp xét nghiệm HIV nào?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh CDC, những người trong độ tuổi từ 13 đến 64 nên làm xét nghiệm HIV ít nhất một lần.

Có nhiều phương pháp xét nghiệm sàng lọc HIV khác nhau, gồm có các phương pháp thực hiện tại nhà và tại bệnh viện. Khi muốn sàng lọc HIV thì nên hỏi bác sĩ để được tư vấn về những bước cần thực hiện dựa trên tình trạng sức khỏe, trạng thái hoạt động tình dục và tuổi tác.

Những phương pháp xét nghiệm tại bệnh viện

Khi sàng lọc HIV tại bệnh viện, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một trong ba phương pháp xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm kháng thể: sử dụng mẫu máu hoặc nước bọt để phát hiện các protein được hình thành bởi hệ miễn dịch do đáp ứng với HIV
  • Xét nghiệm kháng thể và kháng nguyên: xét nghiệm máu để tìm các protein liên quan đến HIV
  • Xét nghiệm RNA: xét nghiệm máu xem có vật liệu di truyền liên quan đến HIV hay không

Ba phương pháp này đều được thực hiện trong phòng thí nghiệm. Gần đây đã có các phương pháp xét nghiệm nhanh không cần phân tích kết quả trong phòng thí nghiệm. Các phương pháp này tìm kháng thể và có thể trả kết quả trong vòng 30 phút hoặc nhanh hơn.

Ban đầu thường cần phải phải làm xét nghiệm kháng thể hoặc kháng thể và kháng nguyên. Xét nghiệm máu có thể phát hiện được mức kháng thể thấp hơn so với xét nghiệm nước bọt. Điều này có nghĩa là xét nghiệm máu có thể phát hiện HIV sớm hơn.

Nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính với HIV thì sẽ cần tiến hành thêm các phương pháp xét nghiệm khác để xác định chủng virus là HIV-1 hay HIV-2, thường là bằng phương pháp Western blot (immunoblot).

Xét nghiệm HIV tại nhà

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép cho hai bộ xét nghiệm sàng lọc HIV tại nhà, đó là Home Access HIV-1 Test System và OraQuick In-Home HIV Test (que thử OraQuick).

Với bộ xét nghiệm Home Access HIV-1 Test System, người dùng tự lấy máu và gửi đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm. Sau 1 – 2 ngày thì có thể gọi đến phòng thí nghiệm để nhận kết quả. Nếu có kết quả dương tính thì sẽ cần làm xét nghiệm lại để đảm bảo kết quả là chính xác.

Phương pháp xét nghiệm này có độ nhạy thấp hơn so với xét nghiệm mẫu máu lấy từ tĩnh mạch được thực hiện tại bệnh viện nhưng lại cao hơn so với phương pháp xét nghiệm mẫu dịch miệng (OraQuick).

Que thử OraQuick sử dụng mẫu dịch được lấy từ miệng (nước bọt). Kết quả sẽ có sau khoảng 20 phút. Nếu kết quả dương tính thì cần đến bệnh viện làm xét nghiệm để xác nhận kết quả.

Ai nên làm xét nghiệm HIV?

Các chuyên gia khuyến nghị mọi người nên làm xét nghiệm HIV ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, những người trong nhóm có nguy cơ cao thì sẽ cần làm xét nghiệm thường xuyên hơn. Nhóm này gồm có những người:

  • Nam giới quan hệ tình dục đồng tính
  • Quan hệ tình dục với người bị nhiễm HIV
  • Quan hệ tình dục với người lạ
  • Quan hệ với hai người trở lên
  • Tiêm chích ma túy và dùng chung bơm kim tiêm hoặc các dụng cụ y tế như bông băng với người khác
  • Đã hoặc đang mắc một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác

Trong trường hợp nhiễm HIV, càng làm phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ càng hiệu quả. Mặc dù hiện nay chưa có cách chữa khỏi HIV nhưng nếu phát hiện, điều trị kịp thời và tuân thủ tốt phác đồ điều trị thì sẽ có thể kiểm soát được sự phát triển của virus và duy trì hệ miễn dịch cơ thể.

Những người có các yếu tố nguy cơ HIV nên đến bệnh viện làm xét nghiệm sàng lọc thường xuyên hoặc mua bộ xét nghiệm tại nhà.

Khi xét nghiệm tại nhà và có kết quả dương tính thì nên đến bệnh viện làm xét nghiệm lại để xác nhận kết quả và nghe bác sĩ tư vấn các bước cần thực hiện tiếp theo nếu kết quả cũng dương tính.

Đọc toàn bộ bài viết