Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát: 4 cựu lãnh đạo SCB bị đề nghị cách ly vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội

8 tháng trước 27

 4 cựu lãnh đạo SCB bị đề nghị cách ly vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội

Theo VKS, 4 bị cáo là cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB giữ vai trò đồng phạm tích cực cho Trương Mỹ Lan, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn của Ngân hàng SCB.

Ngày 19/3, TAND thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên toà xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.

Trong phần đề phát biểu quan điểm luận tội của đại diện VKS, liên quan đến các sai phạm và 4 cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB, đại diện VKS cho rằng, quá trình công tác tại Ngân hàng SCB, nhóm 4 bị cáo gồm: Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng SCB); Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB); Bùi Anh Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) và Tạ Chiêu Trung (Tổng giám đốc Công ty CP Tài chính Việt Vĩnh Phú, nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng SCB) đã có nhiều sai phạm, đồng phạm với Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.

Nhóm 4 bị cáo nêu trên đều bị truy tố về tội Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Đối với bị cáo Đinh Văn Thành, từng giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đệ Nhất. Từ ngày 28/6/2012 đến ngày 06/12/2020, Đinh Văn Thành được Trương Mỹ Lan sắp xếp làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB.

Năm 2020, Đinh Văn Thành xin nghỉ, ra nước ngoài và giới thiệu Bùi Anh Dũng thay thế vị trí Chủ tịch HĐQT. Trong quá trình làm việc tại SCB, Đinh Văn Thành đã ký Quyết định thành lập 3 đơn vị mới chuyên chỉ thực hiện các hồ sơ vay trái pháp luật của Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Trong thời gian từ ngày 28/6/2012 đến ngày 06/12/2020, Đinh Văn Thành đã ký 273 Nghị quyết đồng ý cho 269 khách hàng vay 479 khoản vay để Trương Mỹ Lan sử dụng không đúng mục đích, phương án vay vốn. Hành vi của Đinh Văn Thành đã giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền hơn 189.103 tỷ đồng, và gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số nợ lãi phát sinh là hơn 99.677 tỷ đồng.

Đối với Bùi Anh Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, sau khi hợp nhất 3 ngân hàng, Dũng công tác ở nhiều vị trí khác nhau tại Ngân hàng SCB. Sau khi được Đinh Văn Thành giới thiệu, Bùi Anh Dũng được Trương Mỹ Lan bổ nhiệm là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB từ tháng 12/2020.

Quá trình giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, Bùi Anh Dũng biết rõ khoản vay nào là khoản vay của Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ký hợp thức hồ sơ, thủ tục cho vay để giải ngân, rút tiền của Ngân hàng SCB theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.

Từ ngày 10/4/2013 đến ngày 04/12/2020, Bùi Anh Dũng đã ký hợp thức hồ sơ 404 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền 187.607.411.985.964 đồng. Từ ngày 09/12/2020 đến ngày 22/9/2022, Bùi Anh Dũng đã ký hợp thức hồ sơ 207 khoản vay, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền 104.259.251.533.389 đồng và gây thiệt hại số tiền 26.331.115.549.969 đồng.

Đối với Võ Tấn Hoàng Văn, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, tháng 12/2013, sau khi Lê Khánh Hiền nghỉ việc, Trương Mỹ Lan đồng ý cho Võ Tấn Hoàng Văn làm Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, Thành viên Hội đồng Kinh doanh và Đầu tư Hội sở, đến tháng 7/2020 thì nghỉ việc.

Mỗi khi cần tiền để sử dụng, Trương Mỹ Lan sẽ gọi điện trao đổi với Văn về việc rút tiền SCB thông qua khoản vay và Lan đã có chủ trương, chỉ đạo để SCB giải ngân khoản vay nào đó cho Lan sử dụng.

Văn biết số tiền sau khi giải ngân các khoản vay đứng tên các cá nhân, công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát là để trả nợ cũ tại Ngân hàng SCB, trả khoản vay ở ngân hàng khác, mua dự án mới, đầu tư vào dự án và sử dụng vào các mục đích khác của Trương Mỹ Lan, việc sử dụng tiền đều không đúng với phương án vay vốn trong hồ sơ vay.

Từ ngày 18/11/2013 đến ngày 11/12/2017, Võ Tấn Hoàng Văn đã ký hợp thức hồ sơ cho 290 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền 60.502.828.919.850 đồng.

Từ ngày 09/02/2018 đến ngày 25/7/2020, Võ Tấn Hoàng Văn đã ký hợp thức hồ sơ 348 khoản vay, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền 192.434.674.843.029 đồng và gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh 101.247.189.799.951 đồng.

Với bị cáo Tạ Chiêu Trung, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, Trung là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tài chính Việt Vĩnh Phú thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát từ năm 2005 đến khi bị bắt, đồng thời làm việc tại Ngân hàng SCB từ tháng 3/2014 đến tháng 4/2019, với các vị trí: Thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT.

Bị cáo Trung đã giúp sức tích cực để Trương Mỹ Lan lập các hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của Ngân hàng SCB theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.

Trong đó, từ ngày 27/6/2014 đến ngày 19/10/2017, Tạ Chiêu Trung đã ký hợp thức hồ sơ của 97 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền 37.407.393.257.108 đồng.

Từ ngày 09/02/2018 đến ngày 29/3/2018, Tạ Chiêu Trung đã ký hợp thức hồ sơ 09 khoản vay, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền 4.400.366.621.404 đồng và gây thiệt hại số tiền 4.773.572.739.437 đồng.

Theo đại diện VKS, bị cáo Đinh Văn Thành đã bỏ trốn trước khi bị khởi tố, đang bị truy nã và vẫn bị truy tố, xét xử với Trương Mỹ Lan và đồng phạm trong vụ án này.

Đối với 3 bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, Bùi Anh Dũng và Tạ Chiêu Trung, quá trình điều tra và tại tòa đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tác động người thân khắc phục một phần hậu quả của vụ án, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ vụ án…

Tuy nhiên, hành vi phạm tội của Đinh Văn Thành, Võ Tấn Hoàng Văn, Bùi Anh Dũng và Tạ Chiêu Trung là đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt lớn, phạm từ 2 tội, thực hiện hành vi phạm tội trong một thời gian dài, phạm tội nhiều lần. Đây là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.

Từ đó, đại diện VKS cho rằng cần có mức án tương xứng, cách ly cả 4 bị cáo vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội mới đủ tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.

       
    Đọc toàn bộ bài viết