Xuất huyết tiêu hóa do biến chứng bệnh đại tràng

7 tháng trước 43

Người bệnh đi khám do đau bụng âm ỉ kéo dài, phát hiện mắc viêm túi thừa đại tràng, điều trị cải thiện.

xuất huyết tiêu hóa do viêm đại tràng

Ông Lê Hùng (41 tuổi) đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội thăm khám do sốt cao, đau âm ỉ vùng mạn sườn và hố chậu phải nhiều ngày. Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa cho biết, qua thăm khám phát hiện người bệnh có đau và phản ứng thành bụng nhẹ tại vùng mạn sườn phải. Người bệnh được làm xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm trùng, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng. Kết quả cho thấy, đại tràng lên có hình túi thừa lớn 15 mm, thâm nhiễm tổ chức mỡ xung quanh. Trong lòng túi thừa có cấu trúc tăng tỷ trọng tự nhiên dạng máu cục. Bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị viêm túi thừa đại tràng lên.

hình ảnh túi thừa đại tràngHình ảnh túi thừa đại tràng lên và thâm nhiễm mỡ xung quanh. Ảnh BVĐK Tâm Anh

Ông Hùng nhập viện điều trị bằng nuôi dưỡng và dùng kháng sinh đường tĩnh mạch. Sau 3 ngày, người bệnh không sốt, không đau bụng, giảm tình trạng nhiễm trùng, đã tập ăn trở lại. Ngày điều trị thứ 5, người bệnh xuất hiện đại tiện phân máu đỏ tươi do viêm túi thừa đại tràng có biến chứng chảy máu. Qua nội soi cấp cứu cho thấy, đại tràng lên có nhiều túi thừa, trong đó một túi thừa có bờ và niêm mạc xung quanh phù nề, xung huyết đỏ, có mủ trắng chảy ra, có cục máu đông. Bác sĩ tiến hành kẹp 3 clip cầm máu, tiếp tục điều trị theo hướng nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và truyền kháng sinh. Người bệnh cải thiện sức khỏe, ăn ngủ tốt và ra viện sau 7 ngày điều trị.

Theo tiến sĩ Khanh, viêm túi thừa đại tràng là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến, thường gặp ở người lớn tuổi (khoảng 75% người hơn 60 tuổi), có xu hướng gia tăng ở nhóm người bệnh trẻ tuổi. Nguyên nhân hình thành túi thừa là do những điểm yếu trên thành đại tràng khi lớn tuổi, vị trí này dễ gây thoát vị của lớp niêm mạc và dưới niêm mạc quanh lớp cơ của thành đại tràng gây ra túi thừa (thực sự đây là giả túi thừa vì vùng này không có lớp cơ).

ca bệnh xuất huyết tiêu hóaTiến sĩ Vũ Trường Khanh nội soi cho người bệnh. Ảnh BVĐK Tâm Anh.

Bệnh túi thừa thường không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa khác như đau bụng liên tục, kéo dài nhiều ngày, đầy bụng, buồn nôn, sốt nhẹ, thay đổi thói quen đại tiện…Người bệnh dễ gặp các biến chứng nguy hiểm do không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách dẫn đến nhiễm trùng nặng, dễ lan ra ngoài vách đại tràng, hoặc vách túi thừa bị thủng, tạo ổ áp xe hoặc viêm phúc mạc gây nguy hiểm đến tính mạng. Đôi khi tổ chức viêm gây dính các quai ruột non, dẫn đến tắc ruột hoặc tạo lỗ rò tiêu hóa, rò tiết niệu và sinh dục, gây khó khăn cho việc điều trị.

Bệnh viêm túi thừa có thể xuất hiện các đợt tái phát cấp tính lên đến 40%. Tỷ lệ tái phát sau 1 năm là 8%, ở thời điểm 10 năm là 22%. Viêm túi thừa từ cấp tính chuyển thành mạn tính nếu xảy ra nhiều đợt tái phát, đau bụng kéo dài. Người lớn tuổi bị táo bón kinh niên, béo phì, hút thuốc, ít vận động, chế độ ăn nhiều mỡ và ít chất xơ, sử dụng một số loại thuốc tăng nguy cơ viêm túi thừa.

Tiến sĩ Khanh nhấn mạnh, nội soi đại tràng là phương pháp hữu hiệu trong việc phát hiện, kiểm đếm số lượng túi thừa. Tuy nhiên, khi bị viêm túi thừa, nội soi hạn chế áp dụng do tăng nguy cơ làm thủng, vỡ túi thừa. Người bệnh thường được phát hiện và chẩn đoán viêm túi thừa qua xét nghiệm máu và phương tiện chẩn đoán hình ảnh tiên tiến. Các túi thừa không có triệu chứng thường không có chỉ định điều trị. Viêm túi thừa mức độ nhẹ chỉ cần điều trị ngoại trú với kháng sinh, kháng viêm bằng đường uống. Ở mức độ nặng có nhiễm trùng, viêm nhiễm lan tỏa hay tụ dịch quanh túi thừa cần điều trị tiêm truyền tĩnh mạch, xem xét nội soi kẹp clip nếu có biến chứng xuất huyết tiêu hóa.

Để phòng ngừa viêm túi thừa đại tràng, người có nguy cơ cao mắc bệnh nên vận động thường xuyên, thúc đẩy chức năng của ruột, giảm áp lực bên trong ruột kết; ăn nhiều chất xơ và uống đủ nước giúp làm mềm chất thải đi qua ruột già nhanh hơn; tránh thói quen có hại như hút thuốc, lạm dụng rượu bia quá nhiều; uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ… Khi có các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh nên thăm khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tiêu hóa giúp tầm soát, phát hiện và điều trị bệnh hiệu quả ở giai đoạn sớm.
*Đã thay đổi tên người bệnh.

Cập nhật lần cuối: 09:54 03/04/2024

Đọc toàn bộ bài viết