20 năm nữa văn hóa giao thông Việt Nam đạt ngưỡng 'trưởng thành'

2 năm trước 36

Nhìn lại gần 10 năm qua, Việt Nam đã có những thay đổi rất lớn về hạ tầng, đặc biệt tai nạn giao thông (TNGT) liên tục giảm sâu. Đây là nỗ lực chung của cả hệ thống, cũng là thành quả từ những việc làm cụ thể nhất trong thay đổi ý thức tham gia giao thông của từng người dân. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia để thấy rõ hơn hành trình này.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia

M.H

* Ông được giao trọng trách là Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT từ năm 2014. Sau 8 năm, ông đánh giá có thay đổi gì về an toàn giao thông nói chung, TNGT nói riêng?

- Ông Khuất Việt Hùng: Tôi về Ủy ban ATGT Quốc gia tháng 6.2014. Trước năm 2013, TNGT mỗi năm cướp đi hơn 10.000 sinh mạng, năm 2010 khoảng 11.500 người. Nhưng tới năm 2014, lần đầu tiên số người tử vong vì TNGT giảm xuống 9.000 người, đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị với đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, kết cấu hạ tầng, phương tiện, quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác tuyên truyền, xây dựng văn hóa giao thông.

Rõ ràng chúng ta thấy có những chuyển biến tích cực. Không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, ATGT luôn cần những “cú hích”, năm 2014 chúng ta có cú hích về vận tải. Bộ GTVT lần đầu tiên tổ chức 7 thứ trưởng dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra công tác vận tải tại 63 tỉnh thành phố, siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và cũng tạo cơ sở cho sự ra đời của Nghị định 86. Chúng ta đã làm rất mạnh, đồng thời với đầu tư kết cấu hạ tầng mà trọng điểm là QL1. Xét về tổng thể đã thay đổi rất nhiều về môi trường tham gia giao thông, tới đối tượng chính là lái xe, đặc biệt là lái xe kinh doanh vận tải. Minh chứng là từ đó TNGT đã giảm liên tục.

Cần quá trình để hình thành thượng tôn pháp luật

* Còn về sự thay đổi của văn hóa giao thông thì sao, thưa ông?

- Lâu nay nói văn hóa giao thông mọi người chỉ nghĩ đến hành vi của người tham gia giao thông. Nhưng không phải, văn hóa giao thông là khái niệm rất rộng.

Nếu người dân có văn hóa an toàn khi tham gia giao thông, thì người xây dựng pháp luật phải luôn tâm niệm lấy ATGT làm trọng điểm, mà pháp luật đó chưa chắc liên quan trực tiếp đến hành vi của người tham gia giao thông mà có thể là đầu tư, bảo trì bảo dưỡng kết cấu hạ tầng, quy chuẩn, tiêu chuẩn phương tiện. Người thực thi pháp luật như cấp giấy phép, đăng kiểm hay CSGT... cũng luôn tâm niệm thì chúng ta mới có những con đường an toàn, có xe an toàn, có lực lượng tuần tra kiểm soát với tinh thần trách nhiệm. Như thế thì chúng ta mới hy vọng người tham gia giao thông có văn hóa giao thông.

Nói dễ hiểu như không được cấm rẽ trái tại nút giao, thì phải có biển cấm rẽ trái; đi chậm thì phải có biển đi chậm... tức là phải đầy đủ môi trường để người dân thực thi các quy tắc giao thông. Bản chất của văn hóa giao thông là thực thi các quy định chuẩn mực của mọi người trong hoạt động giao thông. Xây dựng văn hóa giao thông theo Chỉ thị 18 của Ban bí thư cũng được thực hiện liên tục trên tiếp cận theo khái niệm rộng như vậy, mới có kết quả như ngày hôm nay.

Tôi đơn cử một ví dụ, trước khi chúng ta hoàn thành QL1 mở rộng, thì mỗi năm chúng ta có khoảng 1.500 - 1.600 người chết do TNGT trên QL1, nhưng ngay năm 2015 khi hoàn thành dự án, chỉ còn 900 người chết, giảm 600 - 700 ca tử vong. Nếu QL1 vẫn 2 làn, không có biển báo hay còn nhiều ổ gà ổ voi, thì rất khó tránh khỏi tai nạn. Làm sao để chúng ta phải tạo môi trường để các quy tắc tham gia giao thông được thực hiện bình thường.

Câu hỏi bao giờ có văn hóa giao thông bền vững, thì thực tế các nước phát triển cũng chưa bao giờ dừng lại trong câu chuyện giao thông. Khái niệm mới hiện nay là “con đường thân thiện” (forgiving road). Con người nào cũng có lúc sai sót, vậy khi sai sót xảy ra thì làm sao để giảm thiểu tối đa rủi ro đến tai nạn thương vong. Văn hóa giao thông không phải là khái niệm đứng yên, mà liên tục và cả quá trình, không thể dừng lại.

Chúng ta phải thay đổi văn hóa không chỉ của người tham gia giao thông, mà là tất cả người trong hệ thống, từ người làm quản lý, xây dựng hạ tầng, bảo trì bảo dưỡng, tuần tra kiểm soát... đều phải có văn hóa giao thông an toàn, tạo môi trường để người tham gia giao thông mong muốn và phải tham gia an toàn.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

* Chúng ta hay so sánh câu chuyện xây dựng văn hóa giao thông của người Nhật. Nếu xem đó là chuẩn mực thì khoảng cách của chúng ta còn xa không?

- Nếu nhìn vào Nhật Bản ở giai đoạn đang phát triển tương tự như chúng ta, một năm cũng chết 20.000 người vì TNGT. Nhưng hiện nay tại Nhật, những khu vực xa xôi nhất hạ tầng cũng đã ổn định, có vạch sơn, biển báo... Nói một cách hình ảnh thì văn hóa an toàn thấm đến từng viên gạch lát hè. Từ mẫu giáo người Nhật đã giáo dục ATGT, người Nhật rất coi trọng giáo dục ý thức giao thông, xem đây là một trong những điểm tốt nhất để xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật cho công dân. Bởi hoạt động giao thông và giáo dục ATGT rất trực quan và có thể thực hành ngay: đèn đỏ phải dừng, đi trên vỉa hè, trên phương tiện công cộng..., giúp việc thực thi pháp luật trở thành thói quen.

Người Nhật đã xây dựng văn hóa giao thông hàng chục năm, từ những năm 1960 cho đến nay là gần 60 năm, nhưng họ vẫn tiếp tục duy trì chứ không phải đạt ngưỡng thì dừng lại. Học sinh mẫu giáo cũng tiếp tục được giáo dục như thế cho đến trung học, đến khi lấy bằng lái xe... Còn một vụ TNGT, còn một người chết, bị thương thì vẫn phải làm, vì nếu không làm thì ngày mai, ngày kia sẽ là 5 - 10, hay 100 người.

Nếu chúng ta làm tốt, đặc biệt phải hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật, tôi nghĩ rằng khoảng 20 năm nữa chúng ta sẽ có ngưỡng trưởng thành về văn hóa giao thông như các nước phát triển. 20 năm cũng là cái nhìn khá tích cực, nếu lấy mốc 2045 Việt Nam sẽ là quốc gia phát triển.

* Trở lại câu chuyện xây dựng ý thức, Ủy ban ATGT vài năm trở lại đây đã phối hợp với các trường học để tổ chức các chương trình đào tạo cho lứa tuổi từ học sinh tiểu học, nhưng hiệu quả thực tế có vẻ chưa cao?

- Tôi đánh giá chúng ta đã làm được rất nhiều việc, nhưng cái chưa làm được là chương trình ATGT không phải là chính khóa bắt buộc. Giáo dục pháp luật về trật tự ATGT nói riêng và giáo dục pháp luật nói chung với học sinh thực tế chưa được coi trọng. Như ở Nhật, giáo dục không chỉ là nhà trường mà phụ huynh phải đến cùng nhà trường, để nghe học cùng các con, chứ không khoán trắng cho nhà trường.

Với người làm cha mẹ, cái gì quý báu nhất? Chính là con cái. Thế nhưng các bậc cha mẹ, kể cả tôi đã dành thời gian để rèn cho con mình kỹ năng sống an toàn, ý thức thượng tôn pháp luật, để con mình có thói quen chấp hành pháp luật, để rủi ro phạm pháp là rất thấp hay không? Ngay cả nhà trường hệ thống giáo dục đã quan tâm hay chưa?

Làm an toàn giao thông đừng nói 3 - 5 năm thậm chí 10 năm, chúng ta sẽ làm liên tục khi vẫn còn TNGT, tức là không dừng lại.

* Có câu chuyện thực tế là nhiều cháu bé nhắc cha mẹ đội mũ bảo hiểm, nhưng cha mẹ tặc lưỡi “thôi, đi có tí”. Hay nhiều cha mẹ cho con cái mới học cấp 2, cấp 3 đi xe máy với lý do “đi cho nhanh”. Giáo dục ý thức cho con cái nhưng bản thân nhiều bậc cha mẹ lại đang quên việc tuân thủ?

- Đó là lý do chúng ta vẫn đang xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật cho tất cả mọi người. Nhiều người chỉ quan tâm đến vi phạm hình sự tù tội, còn những pháp luật dân sự, hành chính như vi phạm luật giao thông thì lại hay bị né. Điều đó dẫn đến những câu chuyện thực tế như trên. Hoặc đơn giản uống rượu bia vẫn chở con cái đi, hoặc bố mẹ đội mũ bảo hiểm con không đội. Hỏi có thương con không thì quá thương con, nhưng thói quen là không thượng tôn pháp luật.

Không chỉ Việt Nam mà các nước khác cũng thế, cần một quá trình “trưởng thành” để có văn hóa thượng tôn pháp luật.

* Gần đây nổi lên vấn nạn đua xe của thanh thiếu niên, nhiều cha mẹ không hề hay biết con cái tham gia các hội nhóm, độ xe, đua xe?

- Thời gian cha mẹ dành cho con cái trong cuộc sống hiện nay ít đi, trong khi các cháu tiếp cận thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau. Khoảng cách giữa bố mẹ và con cái về vật lý, tâm lý ngày càng xa, dẫn đến con cái làm gì cha mẹ không biết. Điều này dẫn đến câu chuyện các bậc cha mẹ thường nói “con nhà tôi ở nhà rất ngoan”. Cha mẹ phải thực sự dành thời gian, tìm hiểu thế giới của con mình, tránh tình trạng như trên.

Giáo dục pháp luật về trật tự ATGT nói riêng và giáo dục pháp luật nói chung với học sinh cần được coi trọng

M.H

"Nếu đường tốt hơn, tuần tra nhiều hơn, tai nạn sẽ giảm đi"

* Trở lại câu chuyện về an toàn giao thông, vừa qua đã xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng, trong đó ngoài lỗi của lái xe thì có lỗi của chủ phương tiện và cả tuần tra kiểm soát, ví dụ như xe không đủ điều kiện vẫn lưu hành, hay lái xe không có bằng lái vẫn lái. Ông đánh giá thế nào về tình trạng này?

- Ở xã hội nào cũng thế, “kẻ trộm” vẫn là kẻ trộm, ví dụ như xe không đủ điều kiện vẫn lái ra đường, hay không có bằng lái vẫn lái tức là lái trộm, đi trộm. Nguyên nhân trực tiếp là lái xe - người thực hiện hành vi, nhưng có lỗi hệ thống từ hạ tầng đến lực lượng tuần tra kiểm soát. Nếu chúng ta không đủ camera giám sát thì phải tăng cường tuần tra, kiểm soát để nhiều người thấy sợ mà không vi phạm.

Đó cũng là lý do chúng tôi chọn năm 2021 là năm nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về ATGT, vì các cơ quan chức năng luôn xác định trách nhiệm nếu để xảy ra TNGT. Nếu chúng ta tuyên truyền tốt hơn, làm đường tốt hơn, tuần tra, xử lý nghiêm minh hơn... thì chắc chắn số vi phạm sẽ ít đi và TNGT sẽ giảm đi.

Nói rộng hơn xây dựng văn hóa ATGT không chỉ với người tham gia giao thông, mà với tất cả mọi người. Ví dụ hết thời gian tuần tra, nhưng nếu cố gắng thêm chút nữa biết đâu bóng dáng của lực lượng CSGT sẽ khiến người tham gia chấp hành hơn, bớt đi một vụ va chạm hay một vụ tai nạn. Hay chỗ này có ổ gà thì vá nhanh hoặc cắm biển cảnh báo... Văn hóa đó phải ở trong tất cả người có liên quan, kể cả người dân sống hai bên đường không bán hàng tràn ra lề đường, hè thông đường thoáng thì người dân sẽ được tham gia giao thông an toàn.

* Tựu chung lại, chúng ta cần phải hiểu và xây dựng văn hóa giao thông là tổng hòa ở tất cả các lĩnh vực liên quan như ông nói?

- Đầu tiên là phải giáo dục, trong gia đình, trong nhà trường. Thầy cô phải thấy áy náy khi mình dạy chưa hết một kỹ năng an toàn, cha mẹ phải thấy áy náy khi mình vô ý không đội mũ bảo hiểm cho con khi đi xe máy. Khi đến một trường tiểu học tại Kỳ Anh (Nghệ An), khi hỏi cha mẹ uống rượu chở con, không đội mũ cho con thì có lỗi không, tất cả học sinh đều nói là cha mẹ có lỗi. Nhưng khi hỏi bao nhiêu người được cha mẹ xin lỗi, thì chỉ có 3 em trong 1.580 em giơ tay. Tại sao trẻ em có lỗi thì cha mẹ bắt xin lỗi, mà cha mẹ mắc lỗi thì không? Chưa nói đến thầy cô, chúng ta phải có văn hóa ai có lỗi thì phải biết nhận lỗi, nhưng chúng ta lâu nay vẫn một chiều.

Nhiều người vẫn hay chặc lưỡi thôi cứ đi, “đen thì bị bắt”. Chúng ta cứ thích để mình rơi vào trạng thái vi phạm pháp luật, ví dụ như uống rượu lái xe chẳng hạn. Ví dụ như vụ tai nạn gây chết 2 cô gái tại hầm Kim Liên 2 năm trước, lái xe là một người tốt, nhưng rõ ràng anh uống rượu lái xe gây tai nạn chết người thì anh trở thành tội phạm. Đó không còn là rủi ro nữa mà là phạm pháp.

Chúng ta phải thay đổi văn hóa không chỉ của người tham gia giao thông, mà là tất cả người trong hệ thống, từ người làm quản lý, xây dựng hạ tầng, bảo trì bảo dưỡng, tuần tra kiểm soát... đều phải có văn hóa giao thông an toàn, tạo môi trường để người tham gia giao thông mong muốn và phải tham gia an toàn.

Nếu chúng ta làm tốt, đặc biệt phải hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật, tôi nghĩ rằng khoảng 20 năm nữa chúng ta sẽ có ngưỡng trưởng thành về văn hóa giao thông như các nước phát triển. 20 năm cũng là cái nhìn khá tích cực, nếu lấy mốc 2045 Việt Nam sẽ là quốc gia phát triển.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

Để hưởng ứng và lan tỏa tinh thần của Hội nghị văn hóa toàn quốc, từ ngày 4.1, Báo Thanh Niên mở "Diễn đàn văn hóa giao thông" với mục tiêu góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh. Chúng tôi rất mong quý độc giả, bạn đọc trên toàn quốc tham gia đóng góp bằng cách gởi bài, hình ảnh đẹp, tích cực cũng như những mặt hạn chế, tiêu cực diễn ra xung quanh cuộc sống hằng ngày về các sự việc, hiện tượng, vấn đề liên quan đến việc chấp hành pháp luật về giao thông cũng như các hành vi, thói quen, văn hóa giao thông để cùng chung tay xây dựng một nền văn minh giao thông tại Việt Nam.

Địa chỉ email của Diễn đàn: vanhoagiaothong@thanhnien.vn

Xin chân thành cảm ơn quý độc giả.

Thanh Niên

Đọc toàn bộ bài viết