8 lời khuyên kiểm soát triệu chứng mãn kinh khi mắc tiểu đường tuýp 2

4 năm trước 25

Nếu bị mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 thì thường sẽ gặp phải nhiều vấn đề hơn khi bắt đầu bước vào tuổi mãn kinh nhưng có nhiều biện pháp để kiểm soát các triệu chứng.

Nội dung chính của bài viết:

  • Nếu bị mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 thì thường sẽ gặp phải nhiều vấn đề hơn khi bắt đầu bước vào tuổi mãn kinh nhưng có nhiều biện pháp để kiểm soát các triệu chứng.

  • Những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trải qua thời kỳ mãn kinh cần phải: kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên, điều chỉnh thuốc trị tiểu đường, duy trì lối sống lành mạnh, duy trì đời sống tình dục, dùng liệu pháp hormone thay thế, kiểm soát cân nặng, theo dõi bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. 

  • Việc kiểm soát tốt bệnh tiểu đường và các triệu chứng mãn kinh không chỉ giúp nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn ngăn ngừa được các biến chứng như bệnh tim mạch, tổn thương thần kinh và giảm thị lực.

Thời kỳ mãn kinh là một giai đoạn trong cuộc đời người phụ nữ diễn ra khi nồng độ estrogen giảm, buồng trứng ngừng sản xuất trứng và chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng kết thúc. Thông thường, phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh ở độ tuổi 40 hoặc 50. Bệnh tiểu đường tuýp 2 thường bắt đầu sau tuổi 45, như vậy là cùng một khoảng thời gian với thời kỳ mãn kinh.

Khi bắt đầu thời kỳ mãn kinh hay giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ sẽ gặp nhiều dấu hiệu, triệu chứng như bốc hỏa, thay đổi tâm trạng, khó ngủ, người mệt mỏi và khô âm đạo… Nếu như còn mắc bệnh tiểu đường thì sẽ còn gặp thêm các vấn đề khác ngoài những vấn đề mà sự thay đổi nồng độ hormone trong giai đoạn tiền mãn kinh gây ra.

Mãn kinh và tiểu đường

Kể từ khi bước vào độ tuổi 30, cơ thể phụ nữ tạo ra ít hormone estrogen và progesterone hơn. Những hormone này có vai trò điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và ngoài ra còn ảnh hưởng đến cách mà các tế bào trong cơ thể phản ứng với insulin – loại hormone di chuyển glucose (đường) từ máu vào các tế bào.

Khi nồng độ estrogen và progesterone tăng và giảm thất thường trong giai đoạn tiền mãn kinh, lượng đường trong máu (đường huyết) cũng sẽ dao động theo. Mức đường huyết cao không được kiểm soát sẽ gây ra các biến chứng tiểu đường như tổn thương thần kinh và giảm thị lực.

Một số thay đổi xảy ra trong cơ thể vào thời kỳ mãn kinh khiến phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn, ví dụ như:

  • Tốc độ trao đổi chất chậm lại và không còn đốt cháy nhiều calo khi vận động nữa, điều này dẫn đến dễ tăng cân và khó giảm cân
  • Tích nhiều mỡ thừa ở vùng bụng. Có nhiều mỡ bụng khiến cho cơ thể kháng lại tác động của insulin (kháng insulin)
  • Cơ thể giải phóng insulin kém hiệu quả
  • Các tế bào phản ứng kém với insulin

Bệnh tiểu đường có thể làm trầm trọng thêm một số triệu chứng tiền mãn kinh và ngược lại. Ví dụ, bốc hỏa và đổ mồ hôi về đêm sẽ gây khó ngủ và tình trạng thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát lượng đường trong máu.

Đôi khi, mãn kinh và bệnh tiểu đường kết hợp với nhau và gây ra nhiều vấn đề cho phụ nữ. Ví dụ, mãn kinh gây khô âm đạo và khiến cho việc quan hệ tình dục trở nên đau đớn. Bệnh tiểu đường có thể làm hỏng các dây thần kinh trong âm đạo, dẫn đến giảm khoái cảm và khó đạt cực khoái hơn.

Dưới đây là 8 lời khuyên giúp những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trải qua thời kỳ mãn kinh một cách dễ dàng hơn.

1. Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên

Sự dao động nồng độ hormone có thể làm cho lượng đường trong máu tăng giảm thất thường. Do đó, trong thời kỳ mãn kinh thì cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên hơn trước, ghi lại để theo dõi và mang theo để bác sĩ kiểm tra khi đi khám.

2. Điều chỉnh thuốc trị tiểu đường

Nếu lượng đường trong máu tăng lên do sự thay đổi hormone hoặc tăng cân thì cần đến gặp bác sĩ để điều chỉnh đơn thuốc. Có thể sẽ cần tăng liều thuốc hoặc thêm một loại thuốc khác để giữ cho lượng đường trong máu ở mức ổn định.

3. Duy trì lối sống lành mạnh

Khi bị mắc bệnh tiểu đường thì chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học và duy trì thói quen tập thể dục là điều rất quan trọng để kiểm soát tình trạng bệnh. Điều này lại càng cần thiết trong thời kỳ mãn kinh. Những thay đổi nội tiết tố và sự trao đổi chất chậm lại trong thời gian này sẽ dẫn đến dễ tăng cân và thừa cân sẽ khiến cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường trở nên khó khăn hơn.

Nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên cám, protein nạc và sữa ít béo. Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để tránh bị tăng cân và ngăn bệnh tiểu đường trở nên nặng hơn.

4. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn bình thường. Sau khi mãn kinh, nguy cơ này lại càng tăng cao hơn nữa.

Do đó, cần có những biện pháp để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch ví dụ như ăn theo một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, giảm cân nếu bị thừa cân hoặc nếu bác sĩ khuyên giảm cân và bỏ thuốc lá nếu hút.

Ngoài ra, cần đo huyết áp thường xuyên. Nếu huyết áp cao thì sẽ cần dùng thuốc đều đặn và thay đổi lối sống để giữ cho huyết áp ở mức ổn định.

Nên đi xét nghiệm máu định kỳ để kiểm tra chỉ số cholesterol. Nếu được bác sĩ kê thuốc giảm cholesterol thì cần uống đều đặn để giữ cho mức cholesterol ở phạm vi bình thường.

5. Liệu pháp hormone thay thế

Liệu pháp hormone thay thế (HRT) có thể kiểm soát các triệu chứng tiền mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm và khô âm đạo. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng liệu pháp hormone thay thế còn có tác dụng cải thiện độ nhạy insulin hay phản ứng của cơ thể với insulin ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Tuy nhiên, liệu pháp hormone lại đi kèm với một số rủi ro, ví dụ như làm tăng nguy cơ đột quỵ, huyết khối, ung thư tử cung và ung thư vú. Do đó, cần nói chuyện kỹ với bác sĩ và cân nhắc giữa những lợi ích và rủi ro khi điều trị bằng liệu pháp hormone. Báo cho bác sĩ nếu có tiền sử cá nhân và gia đình mắc bệnh tim mạch hoặc ung thư.

Nếu như có thể điều trị bằng phương pháp này thì nên bắt đầu càng sớm càng tốt. Việc thực hiện liệu pháp hormone thay thế ngay từ giai đoạn đầu của thời kỳ mãn kinh sẽ an toàn hơn và giảm thiểu được tối đa rủi ro.

6. Duy trì đời sống tình dục

Dù đang ở trong thời kỳ mãn kinh thì cũng đừng bỏ bê “chuyện ấy”. Nếu bị đau rát khi quan hệ do khô âm đạo thì có thể dùng gel bôi trơn và điều trị bằng estrogen để khắc phục. Nếu đời sống tình dục bị gián đoạn do triệu chứng mệt mỏi, giảm ham muốn của bệnh tiểu đường thì cần dùng thuốc đều đặn để cải thiện các triệu chứng. Nếu bác sĩ xác nhận an toàn thì có thể điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế.

7. Kiểm soát cân nặng

Có nhiều cách để ngăn ngừa tăng cân trong thời kỳ mãn kinh. Cách hiệu quả nhất là điều chỉnh lượng calo nạp vào sao cho thấp hơn lượng calo đốt cháy và tập thể dục đều đặn. Nếu bị béo phì thì nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn biện pháp giảm cân hiệu quả, an toàn.

Lượng đường trong máu cao khi mắc bệnh tiểu đường tạo ra môi trường lý tưởng cho vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu sinh sôi, phát triển. Sự sụt giảm mức estrogen trong thời kỳ mãn kinh cũng làm tăng thêm nguy cơ mắc phải vấn đề này.

Nếu có các triệu chứng như thường xuyên buồn tiểu gấp, nóng rát khi đi tiểu hoặc nước tiểu có mùi hôi khó chịu thì nên đi khám để làm xét nghiệm kiểm tra xem có phải bị nhiễm trùng đường tiết niệu hay không. Nếu đúng thì sẽ cần điều trị bằng kháng sinh.

Đọc toàn bộ bài viết