Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng bệnh lậu ở miệng có thể lây khi hôn.
Bệnh lậu có lây khi hôn không?
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nụ hôn là một con đường lây truyền bệnh lậu phổ biến, trong đó hôn sâu (đưa lưỡi vào trong khoang miệng đối phương) là kiểu hôn có nguy cơ lây truyền cao nhất.
Đã có nhiều giả thuyết được đưa ra về lý do tại sao hôn lại làm lan truyền vi khuẩn gây bệnh lậu.
Một trong những giả thuyết đó là khi hôn, nước bọt có chứa vi khuẩn của người bệnh sẽ dính vào khoang miệng của người kia và dẫn đến nhiễm bệnh.
Dưới đây là những con đường lây truyền khác của bệnh lậu, biện pháp giảm thiểu nguy cơ cùng với các phương pháp điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục này.
Bệnh lậu có lây khi dùng chung dụng cụ ăn uống không?
Câu trả lời là không. Chưa có bằng chứng nào cho thấy bệnh lậu có thể lây khi dùng chung dụng cụ ăn uống như thìa, dĩa, cốc, ống hút,… với người mắc bệnh.
Cần làm gì để giảm nguy cơ lây bệnh qua đường miệng?
Không hôn là cách duy nhất để tránh hoàn toàn mọi nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường miệng. Tuy nhiên, có thể giảm nguy cơ bằng cách không hôn khi người kia có những biểu hiện bất thường, ví dụ như vết loét và không nên hôn nhiều người. Càng tiếp xúc thân mật với nhiều người thì nguy cơ bị lây các bệnh này sẽ càng cao.
Vào năm 2019, các nhà nghiên cứu tại Australia đã khảo sát 3.677 nam giới có quan hệ tình dục đồng tính.
Những người tham gia được chia ra làm 3 nhóm dựa trên mức độ tiếp xúc thân mật với bạn tình trong 3 tháng gần nhất, gồm có:
- Những người chỉ hôn
- Những người chỉ quan hệ tình dục
- Đã từng hôn và quan hệ tình dục
Nhóm thứ nhất và thứ ba có nguy cơ cao mắc bệnh lậu ở miệng. Nguy cơ cũng thay đổi theo số lượng bạn tình. Những người có từ 4 bạn tình trở lên có nguy cơ bị bệnh này cao gấp đôi so với những người có ít bạn tình hơn.
Nhóm chỉ quan hệ tình dục (bất kỳ hình thức quan hệ tình dục nào mà không hôn) không có nguy cơ mắc bệnh lậu ở miệng.
Con đường lây truyền phổ biến
Bệnh lậu chủ yếu lây truyền khi chất dịch cơ thể của người bệnh như tinh dịch, dịch tiền xuất tinh và dịch âm đạo dính vào khoang miệng, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn khi quan hệ tình dục mà không có biện pháp bảo vệ.
Bệnh này cũng có thể lây nhiễm vào mắt khi tiếp xúc với chất dịch có chứa vi khuẩn, chẳng hạn như khi tinh dịch bắn vào mắt hay khi người bị bệnh lậu chạm tay lên bộ phận sinh dục rồi lại đưa tay vào mắt mà không rửa tay.
Vi khuẩn lậu cũng có thể truyền từ mẹ sang con trong khi sinh.
Giả thuyết về sự lây truyền bệnh lậu qua đường nước bọt đã được đưa ra từ những năm 1970. Tuy nhiên, việc xác minh điều này lại không hề dễ dàng vì hôn thường đi đôi với các hình thức quan hệ tình dục khác.
Chỉ mới gần đây các nghiên cứu mới cho kết quả chỉ ra rằng nụ hôn có thể là con đường lây truyền bệnh lậu.
Nguy cơ khi quan hệ tình dục
Bất kỳ ai quan hệ tình dục bằng miệng hoặc quan hệ tình dục qua đường âm đạo và hậu môn mà không sử dụng bao cao su hay một biện pháp bảo vệ khác đều có thể bị nhiễm bệnh lậu.
Loại bệnh lậu mắc phải sẽ phụ thuộc vào hình thức quan hệ tình dục cụ thể.
Ví dụ, quan hệ tình dục bằng miệng là con đường chính dẫn đến sự lây nhiễm bệnh lậu ở miệng.
Mặt khác, khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc đường hậu môn thì sẽ có nguy cơ lây nhiễm bệnh lậu ở bộ phận sinh dục hay hậu môn. Bệnh lậu có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của đường sinh dục, nhưng chủ yếu là niệu đạo, âm đạo hoặc cổ tử cung.
Việc quan hệ tình dục qua đường hậu môn sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh lậu ở trực tràng.
Ngoài ra, vi khuẩn lậu ở bộ phận sinh dục cũng có thể lây lan sang hậu môn và trực tràng.
Theo một nghiên cứu vào năm 2014, 35 đến 50% phụ nữ bị viêm cổ tử cung do lậu cầu (hay bệnh lậu ở cổ tử cung) đồng thời cũng bị bệnh lậu ở trực tràng.
Bệnh lậu có làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác không?
Bệnh lậu sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), những người bị bệnh lậu có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn bình thường.
Ở phụ nữ, bệnh lậu còn làm tăng nguy cơ:
- Bệnh viêm vùng chậu
- Mang thai ngoài tử cung
- Vô sinh
Ở nam giới, bệnh lậu sẽ làm tăng nguy cơ viêm mào tinh hoàn (viêm ở ống nằm ở phía sau tinh hoàn, có chức năng lưu trữ và vận chuyển tinh trùng). Nếu không được can thiệp điều trị, viêm mào tinh hoàn sẽ dẫn đến vô sinh.
Trong một số trường hợp, bệnh lậu không được điều trị còn lây lan theo máu đến các bộ phận khác trong cơ thể và gây ra một tình trạng nghiêm trọng gọi là nhiễm lậu cầu toàn thân hay nhiễm lậu cầu lan tỏa.
Dấu hiệu, triệu chứng bệnh lậu
Bệnh lậu không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng. Do đó, cách duy nhất để phát hiện bệnh xã hội này là làm xét nghiệm.
Nếu bị nhiễm vi khuẩn lậu ở miệng do hôn hoặc quan hệ tình dục bằng miệng thì sẽ có biểu hiện khá giống với các bệnh nhiễm trùng thông thường khác xảy ra ở cổ họng, ví dụ như:
- Đau họng
- Sưng đỏ ở cổ họng
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ
- Sốt
Những người mắc bệnh lậu ở miệng cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn lậu ở một bộ phận khác của cơ thể. Dưới đây là một số dấu hiệu, triệu chứng thường gặp của bệnh lậu ở mỗi một bộ phận.
Các triệu chứng của bệnh lậu ở bộ phận sinh dục:
- Đau và nóng rát khi đi tiểu
- Dịch tiết âm đạo, dương vật bất thường
- Sưng hạch bạch huyết ở bẹn
- Đau đớn khi quan hệ tình dục
- Sưng đau tinh hoàn
Các triệu chứng của bệnh lậu ở hậu môn:
- Tiết dịch từ hậu môn
- Chảy máu hậu môn
- Ngứa ngáy
- Đau nhức
- Đau đớn khi đi ngoài
Phương pháp chẩn đoán bệnh lậu
Chỉ có đi khám thì mới có thể chẩn đoán được bệnh lậu.
Phương pháp phát hiện bệnh lậu ở miệng là xét nghiệm dịch ngoáy họng.
Tương tự, để chẩn đoán bệnh lậu ở những bộ phận khác thì sẽ cần làm xét nghiệm mẫu dịch ở hậu môn, dương vật hoặc âm đạo. Ngoài ra, xét nghiệm nước tiểu cũng là một phương pháp để phát hiện bệnh lậu.
Bất kỳ ai có quan hệ tình dục đều được khuyến nghị nên làm xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục hàng năm.
Nếu bạn tình có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh lậu hoặc một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác thì cần phải đến bệnh viện xét nghiệm ngay, kể cả khi chưa có bất kỳ triệu chứng nào. Ngoài ra cũng cần đi xét nghiệm khi quan hệ tình dục với người mới.
Bệnh lậu có chữa khỏi được không?
Khi được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh lậu có thể được chữa trị khỏi.
Tuy nhiên, bệnh lậu ở miệng thường khó chữa hơn so với bệnh lậu ở bộ phận sinh dục và hậu môn.
Phương pháp điều trị
Bệnh lậu ở miệng được điều trị bằng hai loại kháng sinh là kháng sinh tiêm bắp ceftriaxone 250mg và kháng sinh đường uống azithromycin 1g. Cả hai đều dùng một liều duy nhất.
Tuy nhiên, một số trường hơp sẽ cần dùng liều cao hơn hoặc điều trị bằng nhiều liều.
Sau 14 ngày thì cần đến bệnh viện tái khám, kể cả khi không còn triệu chứng, để đảm bảo bệnh đã được chữa khỏi hoàn toàn.
Tóm tắt bài viết
Cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để biết chính xác tại sao bệnh lậu lại lây qua nụ hôn và nguy cơ lây truyền qua con đường này là cao hay thấp. Hiện nay, các tổ chức y tế lớn cũng chưa chính thức công nhận hôn là một con đường lây truyền bệnh lậu.
Mặc dù vậy nhưng căn bệnh này có thể lây qua các con đường khác. Cần ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục nói chung và bảo vệ sức khỏe của bản thân bằng cách thực hiện những biện pháp như:
- Đi xét nghiệm thường xuyên, đặc biệt là trước và sau khi quan hệ với người mới.
- Sử dụng các biện pháp bảo vệ, ví dụ như bao cao su và màng chắn miệng khi quan hệ tình dục.
- Không quan hệ với nhiều người