Còn đâu hình ảnh người lớn làm gương cho trẻ em?

2 năm trước 35

Mỗi ngày tôi chở con đi học, đến trường tiểu học tầm 6 giờ 50 - 7 giờ 15. Đến đoạn đường cách cổng trường tiểu học khoảng 100 m thường bị ùn tắc, xe đi sớm thì dừng sát lề, xe đi sau dừng kế bên, cứ thế chiếm dụng gần hết mặt đường. Cùng lúc các phụ huynh khác chở con đi học hướng từ các tuyến đường khác đổ về bị chắn ngang bởi dòng phương tiện đang dừng đậu gây ra cảnh kẹt xe.

Việc "phân luồng đón con" ở cổng trường phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của phụ huynh

VĂN HUYỀN

Một số phụ huynh có lẽ sợ con trễ học nên bấm còi inh ỏi, chen lấn hết cỡ để đến gần cổng trường nhưng lắm khi cũng không thể nào đi được nữa vì phía trước đã chật cứng như nem chặt. Gần cổng trường khoảng vài chục mét, nhiều phụ huynh thả những đứa trẻ xuống đi bộ vào trường.

Nguy hiểm hơn, có người dừng xe máy trước đầu xe ô tô đang lưu thông, dừng xe ngay giữa ngã tư đường gây xung đột trực tiếp với các phương tiện trên đường cắt ngang qua. Tài xế xe ô tô thắng gấp, hạ cửa kính ló đầu ra ngoài hét lên “Thả con nhỏ giữa đường như vậy muốn chết à”, phụ huynh này cũng không vừa và trả lời “Tiến không được, lùi cũng không được, không thả ở đây thì thả ở đâu?”. Các xe khác nhích từng tí, rồ máy, bấm còi tạo ra một bầu không khí càng thêm ngợp ngạt và căng thẳng.

Những đứa trẻ bị phụ huynh thả xuống tái mét mặt mày vì lo sợ, mang cặp xách luồn lách qua các phương tiện lưu thông để đến trường trông thấy rất tội nghiệp và mất an toàn giao thông. Thậm chí, lúc đến cổng trường, nhiều phụ huynh không đậu xe trên lề hoặc theo hướng dẫn của nhà trường mà đứng ngay dưới lòng đường, gây ra một bức tranh hỗn độn trước cổng trường học.

Buổi chiều từ 16 giờ 30, phụ huynh “bày binh bố trận” đậu xe gần kín mặt đường chờ đón con. Khi các học sinh ùa ra, nhiều người tranh thủ quay đầu xe chờ trước nhưng không theo hàng lối, chen lấn vượt lên, có phụ huynh vội vàng tới nỗi quên đội mũ bảo hiểm cho con, không ít trường hợp chở trên một xe máy tới 3 - 4 học sinh, có những vụ chỉ va quẹt nhẹ lắm khi thiếu kiềm chế dẫn đến chửi thề với nhau trước mặt con trẻ. Có phụ huynh dừng xe, đút cho con ăn xong, tiện tay vứt luôn hộp xốp và bao ni lông dưới mặt đường. Có phụ huynh dừng xe lấy thuốc lá ra đốt hút, phà khói ra ảnh hưởng xung quanh.

Trước cổng trường phổ biến những hình ảnh xấu xí của phụ huynh, chứng kiến hoài sẽ thấy quen tưởng bình thường nhưng tác động không tốt đến học sinh. Lúc này, còn đâu hình ảnh người lớn làm gương cho trẻ em? “Cổng trường em sạch đẹp, an toàn”? Con trẻ sẽ cảm nhận thế nào khi được dạy về an toàn giao thông trong lớp học, bước ra cổng trường đã thấy cảnh người lớn vi phạm, trong đó có cha mẹ mình, hình ảnh ấy cứ tái diễn.

Giáo dục học sinh, nhất là ở lứa tuổi trẻ em, ngoài nhà trường, người lớn phải làm gương, nếu không sẽ phản tác dụng

ngọc thọ

Trong lần họp phụ huynh tôi có nêu chuyện xếp hàng giữ trật tự chờ đón học sinh, có người lý giải chỉ muốn đón con về cho nhanh, còn nhiều việc phải làm chứ không rảnh.

Một số phụ huynh cho rằng như thế chỉ là chuyện nhỏ, không đáng quan tâm. Nếu xét kỹ sẽ thấy hậu quả lớn ảnh hưởng đến việc giáo dục trẻ em, học sinh trong hình thành ý thức tôn trọng pháp luật và thói quen tốt với quan hệ cộng đồng. Giáo dục học sinh, nhất là ở lứa tuổi trẻ em, ngoài nhà trường, người lớn phải làm gương, nếu không sẽ phản tác dụng.

Về phía nhà trường, có thể linh động điều chỉnh lệch giờ vào học, giờ về ở một số lớp để hạn chế kẹt xe trước cổng trường. Cơ quan chức năng nên rà soát vị trí từng trường học, trường nào có mặt bằng rộng có thể dành một khoảnh sân cho phụ huynh đưa xe máy vào một cách trật tự, nếu có thể thì đề xuất chuyển cổng trường sang vị trí ít cản trở giao thông, tránh sát mặt đường.

Để hưởng ứng và lan tỏa tinh thần của Hội nghị văn hóa toàn quốc, từ ngày 4.1, Báo Thanh Niên mở "Diễn đàn văn hóa giao thông" với mục tiêu góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh.

Chúng tôi rất mong quý độc giả, bạn đọc trên toàn quốc tham gia đóng góp bằng cách gởi bài, hình ảnh đẹp, tích cực cũng như những mặt hạn chế, tiêu cực diễn ra xung quanh cuộc sống hằng ngày về các sự việc, hiện tượng, vấn đề liên quan đến việc chấp hành pháp luật về giao thông cũng như các hành vi, thói quen, văn hóa giao thông để cùng chung tay xây dựng một nền văn minh giao thông tại Việt Nam.

Địa chỉ email của Diễn đàn: vanhoagiaothong@thanhnien.vn

Xin chân thành cảm ơn quý độc giả.

Thanh Niên

Đọc toàn bộ bài viết