Các biện pháp điều trị nhiễm khuẩn âm đạo tại nhà

4 năm trước 29

Bên cạnh các loại thuốc kháng sinh, tình trạng viêm âm đạo do vi khuẩn còn có thể được khắc phục bằng các biện pháp điều trị tại nhà.

Viêm âm đạo do vi khuẩn là gì?

Viêm âm đạo do vi khuẩn hay nhiễm khuẩn âm đạo là một bệnh nhiễm trùng âm đạo do sự phát triển quá mức của vi khuẩn gây nên. Âm đạo vốn là môi trường sinh sống của cả các vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Bình thường, các vi khuẩn này luôn tồn tại ở trạng thái cân bằng nhau nhưng khi sự cân bằng này bị phá vỡ, có nghĩa là vi khuẩn có hại phát triển quá mức và chiếm thế áp đảo so với vi khuẩn có lợi thì sẽ gây viêm âm đạo với các triệu chứng như dịch tiết âm đạo bất thường (lỏng, có màu vàng, xanh hoặc xám và có mùi khó chịu), ngứa ngáy, nóng rát,...

Viêm âm đạo do vi khuẩn là một bệnh lý phụ khoa mà rất nhiều phụ nữ mắc phải, bất kể đã từng quan hệ tình dục hay chưa. Bệnh này thường được điều trị bằng các loại kháng sinh như metronidazole (Flagyl, MetroGel), clindamycin (Cleocin, Clindesse) và tindazole (Tindamaz) để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.

Các thuốc này được dùng dưới dạng viên uống hoặc kem bôi âm đạo. Nhược điểm của các loại kháng sinh là không khắc phục được tận gốc nguyên nhân gây viêm âm đạo đó là sự mất cân bằng vi sinh vật. Do đó mà bệnh tái phát là điều thường xảy ra, cứ 3 trường hợp điều trị bằng kháng sinh thì lại có 1 trường hợp bệnh tái phát, dẫn đến việc lạm dụng kháng sinh. Ngoài ra, kháng sinh còn đi kèm với các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn mửa, nhiễm nấm, loét miệng… nên nhiều người e ngại điều trị bằng phương pháp này.

Bên cạnh các loại thuốc kháng sinh, tình trạng viêm âm đạo do vi khuẩn còn có thể được khắc phục bằng các biện pháp điều trị tại nhà. Mặc dù các phương pháp này không được hiệu quả như các loại thuốc nhưng có ưu điểm là an toàn hơn và không đi kèm các tác dụng phụ không mong muốn.

Dưới đây là 5 cách điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn tại nhà hiệu quả nhất và các cách ngăn ngừa bệnh tái phát.

Các biện pháp điều trị tại nhà

1. Sữa chua và men vi sinh

Sữa chua là một loại thực phẩm có chứa rất nhiều vi khuẩn có lợi cho cơ thể. Khoa học đã chứng minh ăn sữa chua giúp bổ sung lợi khuẩn cho cơ thể, bao gồm cả ở vùng kín. Điều này có tác dụng khôi phục lại môi trường cân bằng vi sinh vật trong âm đạo, tăng số lượng lợi khuẩn để chống lại vi khuẩn có hại. Để có được lợi ích này thì nên ăn một hộp sữa chua mỗi ngày.

Sữa chua có chứa một số loại men vi sinh nhưng ngoài ra còn có nhiều cách khác để bổ sung men vi sinh cho cơ thể. Theo một nghiên cứu vào năm 2014, việc bổ sung men vi sinh hàng ngày giúp điều trị và ngăn ngừa viêm âm đạo do vi khuẩn.

Nếu bạn bị viêm âm đạo do vi khuẩn thì có thể thử uống men vi sinh hàng ngày để điều trị các triệu chứng và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm tiếp tục tái phát trong tương lai. Các loại men vi sinh có cả ở dạng viên và dạng lỏng. Đặc biệt, nếu như bạn đang trong thời gian sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh thì thuốc có thể tiêu diệt cả các vi khuẩn có lợi cũng như là có hại. Vì vậy, việc dùng men vi sinh và sữa chua sẽ giúp tăng cường lượng lợi khuẩn và lấy lại hệ vi sinh vật cân bằng.

2. Tỏi

Tỏi có đặc tính kháng khuẩn rất mạnh nên từ lâu đã được sử dụng như một bài thuốc tự nhiên để điều trị các bệnh do vi khuẩn gây ra, trong đó có cả viêm âm đạo do vi khuẩn. Bạn có thể dùng các sản phẩm viên uống bổ sung chứa tinh chất tỏi nhưng không được đặt tỏi tươi vào âm đạo vì tỏi có dính vi khuẩn nên có thể khiến cho tình trạng viêm nhiễm trong âm đạo thêm trầm trọng hơn.

3. Oxy già

Oxy già (hydrogen peroxide) có khả năng kháng khuẩn nên các nghiên cứu đã chứng minh có thể dùng oxy già rửa âm đạo hàng ngày để hỗ trợ trị viêm âm đạo do vi khuẩn bên cạnh các loại thuốc khác. Phương pháp này có ưu điểm là ít tác dụng phụ hơn các loại thuốc kê đơn cũng như là không kê đơn nhưng cần lưu ý, phải pha loãng oxy già trước khi sử dụng. Chọn mua loại oxy già 3% và pha 1 thìa cà phê với 1 cốc nước, rửa 1 lần/ngày cho đến khi không còn triệu chứng.

5. Dầu tràm trà

Dầu tràm trà (tea tree oil) có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm mạnh mẽ nên có thể được sử dụng để điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn và do nấm. Nhiều trường hợp đã điều trị thành công bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn chỉ với dầu tràm trà.

Các loại tinh dầu như dầu tràm trà cần được pha loãng với một loại dầu dẫn như dừa hay dầu ô liu. Hẫy chọn một loại dầu mà bạn không bị dị ứng và trộn từ 5 đến 10 giọt dầu tràm trà với khoảng 2 thìa phở dầu dẫn. Tuyệt đối không được bôi trực tiếp dầu tràm trà mà không dùng dầu dẫn vì loại tinh dầu này có thể gây tổn thương da, đặc biệt là vùng da nhạy cảm ở vùng kín.

Ngoài ra, dầu tràm trà còn có thể gây dị ứng nên trước khi điều trị viêm âm đạo bằng phương pháp tự nhiên này thì nên thử một lượng nhỏ dầu pha loãng trên da và để nguyên trong 24 - 48 tiếng. Nếu không có vấn đề gì thì mới sử dụng cho vùng trong âm đạo.

Có nhiều cách khác nhau để sử dụng dầu tràm trà điều trị viêm âm đạo. Bạn có thể trộn với dầu dừa (hoặc một loại dầu dẫn khác) và ngâm tampon cho đến khi thấm dầu. Sau đó đưa tampon vào âm đạo và để nguyên trong khoảng một tiếng. Tuy nhiên, nếu nhận thấy có dấu hiệu kích ứng, nóng rát hay ngứa thì cần lấy tampon ra ngay. Nếu không có vấn đề gì thì có thể thực hiện lặp lại một vài lần mỗi ngày. Lưu ý không được để tampon có thấm dầu tràm trà trong âm đạo qua đêm. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm mua các loại thuốc đặt âm đạo có chứa tinh dầu tràm trà.

5. Viên đặt âm đạo boric acid

Có thể điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn bằng cách dùng viên đặt boric acid. Cách sử dụng là đưa viên thuốc trực tiếp vào âm đạo mỗi tối và thực hiện trong thời gian 2 tuần.

Boric acid là một chất an toàn cho vùng bên trong âm đạo và đã được chứng minh là có hiệu quả tương đương với một số loại thuốc điều trị viêm âm đạo thông thường. Tuy nhiên, cần lưu ý là boric acid sẽ gây độc hại khi đi vào bên trong cơ thể. Do đó, cần để xa tầm tay trẻ em và vật nuôi trong nhà. Loại thuốc đặt âm đạo này cũng được chống chỉ định cho phụ nữ có thai.

Cách ngăn ngừa viêm âm đạo do vi khuẩn

1. Mặc đồ lót cotton thoáng mát

Để đẩy nhanh tốc độ hết viêm nhiễm và ngăn ngừa bệnh tái phát thì nên chọn các loại đồ lót thoáng mát, rộng rãi bằng chất liệu cotton. Không nên mặc các loại quần lót bằng vải tổng hợp hay lụa vì các chất liệu này khiến cho độ ẩm trong vùng kín không thể thoát ra ngoài, điều này tạo nên một môi trường ẩm ướt lý tưởng cho vi khuẩn tồn tại, sinh sôi và gây viêm nhiễm cũng như là làm cho tình trạng viêm thêm trầm trọng hơn.

Để tình trạng nhiễm khuẩn âm đạo nhanh khỏi và ngăn ngừa nhiễm khuẩn trong tương lai thì cũng không nên mặc quần bó sát.

2. Vệ sinh vùng kín đúng cách

Không dùng xà phòng và sữa tắm để vệ sinh vùng kín vì chất tạo mùi và các hóa chất trong những sản phẩm này sẽ gây kích ứng vùng nhạy cảm. Chỉ cần dùng nước thường để rửa vùng kín là đủ.

Ngoài ra, không nên thụt rửa. Nhiều phụ nữ có thói quen thụt rửa vì nghĩ rằng cách này làm cho âm đạo sạch sẽ hơn. Trên thực tế, âm đạo có khả năng tự làm sạch nên việc thụt rửa là không cần thiết. Thụt rửa sẽ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên bên trong âm đạo, phá vỡ sự cân bằng của hệ vi sinh vật trong âm đạo và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

3. Quan hệ tình dục an toàn

Bất cứ khi nào quan hệ, kể cả khi không phải với người lạ thì cũng cần có biện pháp bảo vệ an toàn bằng cách sử dụng bao cao su. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ bị viêm âm đạo cũng như là các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ngoài ra, quan hệ với nhiều người cũng sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm âm đạo. Vì thế, hãy cố gắng hạn chế điều này.

4. Giữ vệ sinh vùng kín

Hậu môn và âm đạo nằm gần nhau nên vi khuẩn ở hậu môn có thể dễ dàng xâm nhập vào trong âm đạo. Để tăng tốc độ điều trị và ngăn ngừa viêm âm đạo tái phát thì cần chú ý giữ vệ sinh vùng kín bằng các cách như:

  • Lau từ trước ra sau khi đi tiểu tiện hay đại tiện.
  • Thay băng vệ sinh hoặc tampon liên tục hàng ngày khi đến kỳ kinh nguyệt.
  • Luôn làm sạch đồ chơi tình dục bằng xà phòng và nước nóng trước và sau khi sử dụng.
  • Thấm khô sau khi rửa vùng kín
  • Thay đồ lót ngay sau khi bơi và sau khi vận động ra nhiều mồ hối

Nếu đã từng quan hệ tình dục thì cả bạn tình của bạn cũng cần điều trị để tiêu diệt vi khuẩn ở bộ phận sinh dục nhằm tránh lây nhiễm chéo.

5. Không dùng vòng tránh thai

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng vòng tránh thai (intrauterine device – IUD) làm tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn âm đạo. Nếu bạn có tiền sử bị vấn đề này thì nên cân nhắc sử dụng các phương pháp tránh thai khác:

Bao cao su là cách hiệu quả và an toàn để tránh mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây qua đường tình dục và ngăn ngừa nhiễm khuẩn âm đạo.

Các biện pháp tránh thai khác mà bạn có thể chọn là uống thuốc tránh thai, miếng dán tránh thai, màng ngăn âm đạo, tiêm thuốc tránh thai hay mũ chụp cổ tử cung.

Biến chứng của nhiễm khuẩn âm đạo

Nếu các biện pháp điều trị tại nhà không có tác dụng và không có biện pháp can thiệp khác thì bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn sẽ tiếp diễn và ngày càng nặng hơn. Viêm âm đạo sẽ gây nên những vùng tổn thương ở cả trong cũng như là xung quanh âm đạo và làm tăng một số nguy cơ như:

  • Nguy cơ nhiễm HIV khi tiếp xúc với vi-rút
  • Nguy cơ sinh non ở phụ nữ mang thai
  • Nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục
  • Nguy cơ bị bệnh viêm vùng chậu (PID)

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Khi nghi ngờ mình bị viêm âm đạo do vi khuẩn thì nên đi khám bác sĩ nếu như:

Đang mang thai: Viêm âm đạo do vi khuẩn có thể gây sinh non, sảy thai, con sinh ra bị nhẹ cân và các biến chứng trong thai kỳ khác. Do đó, nếu mang thai và phát hiện những dấu hiệu viêm âm đạo thì cần đi khám bác sĩ để điều trị kịp thời và giảm thiểu rủi ro. Hơn nữa, một số biện pháp điều trị nhiễm khuẩn âm đạo tại nhà, chẳng hạn như sử dụng tinh dầu, có thể không an toàn cho phụ nữ có bầu.

Có các triệu chứng khác: Cảm giác nóng rát khi đi tiểu, đau, ngứa dữ dội, chảy máu hoặc các triệu chứng nghiêm trọng khác như lên cơn sốt có thể là dấu hiệu của những vấn đề, bệnh lý khác không phải viêm âm đạo.

Các biện pháp điều trị tại nhà không hiệu quả: Một số bệnh nhiễm trùng khác cũng có triệu chứng giống như viêm âm đạo do vi khuẩn nhưng không thể điều trị được bằng các biện pháp kể trên. Nếu không được điều trị đúng cách, những bệnh này sẽ càng trở nên nặng hơn và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Khi các triệu chứng không hết hoặc không thuyên giảm sau một tuần điều trị tại nhà thì cần đi khám bác sĩ phụ khoa để chẩn đoán đúng vấn đề. Nếu đã điều trị khỏi nhưng triệu chứng viêm âm đạo lại tái phát thì cũng cần đi khám.

Không chắc có phải là nhiễm khuẩn âm đạo hay không: Nhiễm khuẩn âm đạo và nhiễm trùng nấm men có một số triệu chứng giống nhau nên nếu chưa từng gặp những hiện tượng bất thường này trước đây thì nên đi khám bác sĩ trước khi bắt đầu điều trị tại nhà. Nhiễm trùng nấm men cần được điều trị bằng các phương pháp khác với nhiễm khuẩn âm đạo.

Nên cố gắng sắp xếp đi khám vào ngày không có kinh nguyệt để bác sĩ có thể dễ dàng lấy mẫu dịch tiết âm đạo làm xét nghiệm.

Đọc toàn bộ bài viết