Ghẻ là một bệnh ngoài da do loại côn trùng sống ký sinh trên cơ thể người có tên là Sarcoptes scabiei gây ra. Chúng cư trú ngay bên dưới bề mặt da, đào đường hầm và đẻ trứng, gây ngứa ngáy.
Bệnh ghẻ vô cùng dễ lây lan, có thể lây cả qua sự tiếp xúc da trực tiếp cũng như là tiếp xúc gián tiếp (với quần áo, khăn hay chăn nệm mà người bị ghẻ đã sử dụng).
Bệnh ghẻ gây ngứa dữ dội và đặc biệt trở nên nặng hơn vào ban đêm. Một số biểu hiện khi bị ghẻ gồm có:
- Nổi mụn nước trên da
- Mẩn đỏ
- Có những vết cắn rất nhỏ trên bề mặt da
- Nổi đường gờ cong màu da hoặc màu xám trắng trên bề mặt da do đường hầm mà cái ghẻ tạo ra
Ở người trưởng thành và trẻ lớn, mụn nước do ghẻ thường có ở kẽ ngón tay hoặc giữa đùi. Ngoài ra, những vị trí khác cũng thường bị ghẻ còn có:
- Bên trong cổ tay
- Thắt lưng
- Cùi chỏ
- Nách
- Nếp gấp dưới vú
- Núm vú
- Mông
- Quanh dương vật
Ở trẻ sơ sinh, người lớn tuổi hoặc người có hệ miễn dịch suy yếu thì triệu chứng thường xuất hiện trên cổ, mặt, đầu, bàn tay và lòng bàn chân.
Tốt nhất, bệnh ghẻ cần phải điều trị bằng các loại thuốc do bác sĩ kê đơn nhưng nếu có các triệu chứng nhẹ thì trước tiên có thể thử các loại thuốc không kê đơn.
Thuốc không kê đơn
Nix
Nix là một loại thuốc bôi không kê đơn chứa thành phần permethrin 1%. Loại thuốc này chủ yếu được dùng để trị chấy nhưng cũng có thể sử dụng được cho các trường hợp bị ghẻ nhẹ. Còn đối với những trường hợp bị ghẻ từ vừa đến nặng thì thuốc thường có tác dụng rất chậm hoặc không có tác dụng vì ghẻ lây lan rất nhanh. Hầu hết bác sĩ đều khuyên nên sử dụng các loại thuốc chứa permethrin ở nồng độ ít nhất 5% để điều trị bệnh ghẻ vì mức nồng độ này mới có thể tiêu diệt được cả cái ghẻ và trứng của chúng.
Thuốc bôi chứa lưu huỳnh
Lưu huỳnh là thành phần có trong nhiều loại thuốc bôi và xà phòng. Các sản phẩm này thường chứa từ 6 đến 10% lưu huỳnh và có thể được sử dụng kèm với các loại thuốc mà bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng để có kết quả tốt nhất và tránh xảy ra tương tác thuốc.
Thuốc calamine lotion
Loại thuốc này chỉ có thể điều trị các triệu chứng chứ không tiêu diệt được cái ghẻ và trứng của chúng.
Thuốc calamine lotion tạo cảm giác mát trên da và giúp làm dịu cảm giác ngứa. Trước tiên, rửa sạch vùng da bị ghẻ bằng xà phòng rồi chờ cho khô. Sau đó dùng bông hoặc khăn mềm thoa thuốc nước lên da. Có thể sử dụng đến 4 lần/ngày.
Thuốc kháng histamine
Thuốc kháng histamine cũng chỉ là phương pháp điều trị triệu chứng của bệnh ghẻ chứ không thể tiêu diệt cái ghẻ và trứng của chúng.
Thuốc kháng histamine không kê đơn giúp làm giảm cảm giác ngứa ngáy. Một số thuốc phổ biến trong nhóm này gồm có Zyrtec, Allegra và Claritin. Thuốc kháng histamine có thể gây một số tác dụng phụ như:
- Uể oải, buồn ngủ
- Khô miệng
- Mắt mờ
- Tiểu khó
Các loại thuốc đời đầu như Benadryl và Chlor-Trimeton gây tác dụng phụ buồn ngủ nặng hơn so với những loại thuốc mới hiện nay.
Thuốc trị ghẻ kê đơn
Các loại thuốc trị ghẻ có tác dụng tiêu diệt cả cái ghẻ và trứng của chúng. Sau một thời gian dùng những loại thuốc không kê đơn kể trên, nếu không tác dụng thì nên đi khám để bác sĩ kiểm tra, xác định chính xác vấn đề và kê thuốc. Nếu đúng là ghẻ thì tốt nhất những người sống cùng cũng nên điều trị. Nếu như bị nhiễm trùng da do gãi nhiều thì sẽ cần dùng thêm cả thuốc kháng sinh.
Các loại thuốc kê đơn được dùng phổ biến để trị ghẻ gồm có:
Elimite
Là một loại thuốc bôi chứa permethrin 5%. Đây là một trong những loại thuốc trị ghẻ được dùng phổ biến, có tác dụng tiêu diệt cái ghẻ, trứng ghẻ và ngăn chúng tiếp tục lan sang những vùng da xung quanh. Elimite an toàn cho trẻ em từ 2 tháng tuổi trở lên.
Một số tác dụng phụ gồm có:
- Châm chích, ngứa, mẩn đỏ hoặc nóng rát nhẹ
- Tê ở vị trí bôi thuốc
- Nhức đầu, chóng mặt
- Sốt
- Đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy
Eurax
Là một loại thuốc bôi ngoài da chứa crotamiton 10%, chỉ sử dụng được cho người lớn vì có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm khi dùng cho trẻ em. Thuốc này có công dụng giảm ngứa, ức chế phản ứng viêm ở vùng da bị ghẻ và giảm nguy cơ bị nhiễm trùng. Eurax có khả năng thẩm thấu nhanh qua da.
Một số tác dụng phụ là ngứa, rát hoặc châm chích khi bôi.
Thuốc mỡ chứa lưu huỳnh (nồng độ 5 đến 10%)
Là phương pháp điều trị an toàn cho mọi lứa tuổi – kể cả trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi. Tuy nhiên, thuốc này có mùi khó chịu và có thể để lại vết ố trên quần áo.
Thuốc lindane (1%)
Là loại thuốc có tác dụng mạnh và thường được kê cho những trường hợp nghiêm trọng, không đáp ứng với những loại thuốc khác. Lindane có thể gây nguy hiểm cho một số đối tượng nhất định, chẳng hạn như:
- Phụ nữ mang thai, dự định mang thai và đang cho con bú
- Trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non
- Trẻ dưới 10 tuổi
- Người có tiền sử động kinh
- Người có cân nặng dưới 50kg
Stromectol (ivermectin)
Là một loại thuốc uống trị ký sinh trùng đôi khi được kê đơn để điều trị ghẻ cho những trường hợp không đáp ứng với các loại thuốc khác. Mặc dù chưa được chính thức phê chuẩn sử dụng cho bệnh ghẻ nhưng thuốc này vẫn được bác sĩ kê dưới hình thức “ngoài chỉ định” (off-label) và có hiệu quả trong nhiều trường hợp.
Một số tác dụng phụ:
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Đau cơ
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
- Sưng phù bàn tay, mắt cá chân và bàn chân
- Sưng đau các hạch bạch huyết
- Ngứa
Benzyl benzoate (25%)
Là một loại thuốc dạng bôi ngoài da có thể được sử dụng thay thế cho permethrin và một số sản phẩm còn có chứa thêm tinh dầu tràm trà. Benzyl benzoate có hiệu quả cao trong tiêu diệt cái ghẻ và chấy rận do khả năng thẩm thấu sâu vào da. Có thể sử dụng benzyl benzoat cho cả trẻ nhỏ nhưng phải giảm liều lượng.
Một số tác dụng phụ:
- Kích ứng da
- Cảm giác châm chích trên da
- Phản ứng dị ứng
- Ngứa
- Viêm da
Thuốc bôi Keratolytic
Có thể dùng kết hợp với Benzyl benzoate để tăng hiệu quả điều trị.
Vệ sinh môi trường xung quanh
Vì bệnh ghẻ có thể lây lan qua cả sự tiếp xúc với những đồ vật xung quanh nên cần phải vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để loại bỏ cái ghẻ hoàn toàn và tránh tái nhiễm hoặc lây truyền bệnh.
- Sử dụng thuốc xịt khử trùng, ví dụ như những loại có chứa permethrin, trên bề mặt đồ vật và quần áo
- Lau những bề mặt cứng bằng cồn hoặc Lysol để diệt cái ghẻ
- Giặt quần áo và khăn ga trải giường trong nước nóng và phơi nắng hoặc sấy khô bằng nhiệt độ cao
- Cho những vật dụng không thể giặt vào túi nhựa và cất gọn trong 5 đến 7 ngày
- Tắm cho chó, mèo bằng sữa tắm đặc trị ve rận dành riêng cho vật nuôi
- Rắc bột borax lên thảm và hút bụi sau khoảng một giờ
- Thay nệm mới và bọc nệm cũ vào trong túi, để trong ít nhất vài tuần mới dùng lại
Phòng ngừa bệnh ghẻ
Để tránh bị ghẻ, ngăn bệnh lây sang người khác hoặc ngăn ngừa tái nhiễm sau khi điều trị khỏi thì cần:
- Không tiếp xúc da với người bị ghẻ hoặc có dấu hiệu bị ghẻ
- Không chạm vào các vật dụng như quần áo, khăn tắm và nằm chung giường với người bị ghẻ
- Điều trị khi trong nhà có người bị ghẻ, cho dù có triệu chứng hay không
- Vệ sinh nhà cửa theo như hướng dẫn nêu trên