Có nên dùng tampon khi đi ngủ không?

4 năm trước 32

Tampon được coi là một loại “băng vệ sinh thế hệ mới” với dạng hình trụ, được đưa vào bên trong âm đạo để thấm hút dịch kinh nguyệt từ trước khi chảy ra bên ngoài cơ thể. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc liệu có thể dùng tampon khi đi ngủ giống như băng vệ sinh dạng miếng dẹt truyền thống không?

Nội dung chính của bài viết:

  • Nếu như chỉ ngủ dưới 8 tiếng mỗi đêm thì có thể dùng tampon khi ngủ nhưng nếu ngủ trên 8 tiếng thì nên sử dụng những lựa chọn thay thế khác như băng vệ sinh hay cốc nguyệt san.
  • Vào ban ngày cũng nên thay tampon sau mỗi 4 – 8 tiếng để tránh xảy ra hội chứng sốc nhiễm độc (toxic shock syndrome). Đây là một tình trạng hiếm gặp nhưng có khả năng gây tử vong và cần được can thiệp khẩn cấp.
  • Các biểu hiện của hội chứng sốc nhiễm độc đôi khi khá giống triệu chứng bệnh cúm, như: sốt, đau đầu, đau họng, tụt huyết áp, co giật, buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt...
  • Tốt nhất là nên sử dụng loại tampon có độ thấm hút thấp nhất có thể và phải đến bệnh viện ngay khi có các biểu hiện của hội chứng sốc nhiễm độc.

Có nên dùng tampon khi đi ngủ không?

Nếu như chỉ ngủ từ 6 – 8 mỗi đêm thì có thể dùng tampon khi đi ngủ nhưng nếu ngủ nhiều hơn 8 tiếng thì việc dùng tampon có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra hội chứng sốc nhiễm độc (toxic shock syndrome). Đây là một tình trạng hiếm gặp nhưng có khả năng gây tử vong và cần được can thiệp khẩn cấp.

Để tránh xảy ra hội chứng sốc nhiễm độc thì cần thay tampon sau mỗi 4 đến 8 tiếng và chỉ nên sử dụng tampon có độ thấm hút vừa đủ. Tốt nhất vẫn nên sử dụng băng vệ sinh hoặc cốc nguyệt san thay cho tampon khi đi ngủ.

Hội chứng sốc nhiễm độc

Mặc dù hội chứng sốc nhiễm độc là vấn đề khá hiếm gặp nhưng lại rất nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong. Vấn đề này có thể xảy ra ở bất cứ ai chứ không chỉ những người sử dụng tampon.

Hội chứng sốc nhiễm độc xảy ra khi vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn) xâm nhập vào máu. Đây cũng là loại vi khuẩn gây tụ cầu vàng kháng methicilline (MRSA). Sốc nhiễm độc cũng có thể xảy ra do các chất độc mà liên cầu khuẩn nhóm A (group A streptococcus bacteria) tạo ra.

Staphylococcus aureus luôn có mặt trong mũi và da nhưng khi những vi khuẩn này sinh sôi, phát triển quá mức thì sẽ xảy ra nhiễm trùng. Nhiễm trùng là tình trạng thường xảy ra khi có một vết cắt hoặc vết thương hở trên da.

Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác tại sao tampon có thể gây ra hội chứng sốc nhiễm độc nhưng có khả năng là do tampon ấm và ẩm nên tạo thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi. Vi khuẩn này có thể xâm nhập vào cơ thể qua những vết xước siêu nhỏ trong âm đạo mà các sợi tampon gây ra.

Những loại tampon có độ thấm hút cao lại càng nguy hiểm hơn do hút đi nhiều dịch nhầy tự nhiên của âm đạo, gây khô và tăng nguy cơ hình thành những vết xước nhỏ trên thành âm đạo.

Theo Cơ sở dữ liệu về các bệnh hiếm gặp thì hiện nay, số ca sốc nhiễm độc đã giảm đi đáng kể so với trước đây. Lý do một phần là bởi mọi người đã nhận thức rõ hơn về những nguyên nhân có thể gây ra vấn đề này để biết cách phòng tránh và Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA đã đưa ra quy định cụ thể về việc dán nhãn phân loại tampon.

Hội chứng sốc nhiễm độc được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1978. Đầu những năm 1980, nguyên nhân gây sốc nhiễm độc được cho là do sử dụng tampon siêu thấm. Do vậy nên các nhà sản xuất bắt đầu giảm độ thấm hút của tampon.

Đồng thời, FDA cũng đưa ra khuyến nghị người dùng không nên sử dụng tampon siêu thấm trừ khi thực sự cần thiết. Vào năm 1990, FDA đã quy định việc dán nhãn mức độ thấm hút của tampon, có nghĩa là mỗi sản phẩm phải được ghi cụ thể “độ thấm hút thấp” (low absorbency) hay “siêu thấm hút” (super-absorbent).

Điều này đã thực sự phát huy hiệu quả. Vào năm 1980, có đến 42% người dùng tampon ở Hoa Kỳ sử dụng các sản phẩm có độ thấm hút cao nhưng con số này đã giảm xuống chỉ còn 1% vào năm 1986.

Ngoài những thay đổi trong cách sản xuất và dán nhãn tampon, mọi người cũng đã có sự nhận thức rõ hơn về hội chứng sốc nhiễm độc. Ngày nay nhiều người đã hiểu được tầm quan trọng của việc thay tampon thường xuyên. Những điều này đã làm cho số ca sốc nhiễm độc ngày càng giảm.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh CDC, vào năm 1980 có 890 ca sốc nhiễm độc được ghi nhận ở Hoa Kỳ và đến 812 trong số đó là có liên quan đến các sản phẩm mà phụ nữ sử dụng trong kỳ kinh nguyệt.

Vào năm 1989, có 61 ca sốc nhiễm độc được ghi nhận và 45 ca trong số đó có liên quan đến các sản phẩm được dùng trong kỳ kinh. Kể từ đó, số ca bị hội chứng sốc nhiễm độc mỗi năm đều liên tục giảm.

Biểu hiện

Các biểu hiện của hội chứng sốc nhiễm độc đôi khi khá giống triệu chứng bệnh cúm. Những biểu hiện này gồm có:

  • Sốt
  • Đau đầu
  • Đau nhức cơ
  • Buồn nôn và nôn ói
  • Tiêu chảy
  • Chóng mặt và mất phương hướng
  • Đau họng
  • Xuất hiện những mảng da đỏ giống cháy nắng
  • Tụt huyết áp
  • Tròng trắng mắt chuyển màu đỏ, giống viêm kết mạc
  • Đỏ và viêm trong miệng và cổ họng
  • Bong tróc da ở lòng bàn chân và lòng bàn tay
  • Co giật

Hội chứng sốc nhiễm độc là một vấn đề cần can thiệp khẩn cấp. Nếu xảy ra thì người bệnh sẽ cần nhập viện điều trị trong vài ngày. Các phương pháp điều trị hội chứng sốc nhiễm độc thường gồm có truyền kháng sinh và dùng một đợt thuốc kháng sinh đường uống tại nhà.

Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ kê những loại thuốc để điều trị các biến chứng của hội chứng sốc nhiễm độc, chẳng hạn như truyền dịch để điều trị tình trạng mất nước.

Các yếu tố nguy cơ

Mặc dù một trong những nguyên nhân dẫn đến hội chứng sốc nhiễm độc là sử dụng tampon trong thời gian dài nhưng vấn đề này vẫn có thể xảy ra ngay cả khi không sử dụng tampon. Hội chứng sốc nhiễm độc có thể xảy ra ở cả nam và nữ ở mọi độ tuổi. Theo ước tính, trong tổng số trường hợp bị sốc nhiễm độc thì có đến một nửa là không liên quan đến các sản phẩm được dùng trong kỳ kinh nguyệt.

Nguy cơ xảy ra hội chứng sốc nhiễm độc sẽ tăng cao nếu như:

  • có vết cắt, vết loét hoặc vết thương hở
  • bị nhiễm trùng da
  • gần đây mới phẫu thuật
  • vừa mới sinh nở
  • sử dụng màng ngăn âm đạo hoặc miếng xốp tránh thai để tránh mang thai ngoài ý muốn
  • đang hoặc gần đây mới mắc các bệnh lý viêm, chẳng hạn như viêm khí quản hoặc viêm xoang
  • đang hoặc gần đây mới bị cúm

Băng vệ sinh và cốc nguyệt san?

Nếu như mỗi đêm bạn ngủ nhiều hơn 8 tiếng và không thể thức dậy giữa chừng để thay tampon thì tốt nhất là nên sử dụng băng vệ sinh hoặc cốc nguyệt san khi đi ngủ vào ban đêm.

Nếu sử dụng cốc nguyệt san thì cần nhớ rửa thật kỹ giữa các lần sử dụng. Theo một nghiên cứu vào năm 2015, đã có ít nhất một trường hợp bị hội chứng sốc nhiễm độc do dùng cốc nguyệt san. Ngoài ra, cần rửa tay sạch sẽ trước khi đặt cốc vào và tháo cốc ra.

Biện pháp phòng ngừa

Hội chứng sốc nhiễm độc là một vấn đề nghiêm trọng nhưng có một số biện pháp để phòng ngừa. Bạn có thể thực hiện những cách sau đây để tránh xảy ra tình trạng nhiễm trùng nguy hiểm này:

  • Thay tampon sau từ 4 đến 8 tiếng một lần
  • Rửa tay kỹ trước khi đặt và tháo tampon
  • Chỉ sử dụng tampon có độ thấm hút vừa phải
  • Sử dụng băng vệ sinh thay cho tampon
  • Nếu không muốn dùng băng vệ sinh thì có thể thay bằng cốc nguyệt san nhưng cũng phải rửa sạch tay và cốc nguyệt san khi đặt và tháo cốc
  • Rửa tay thường xuyên

Nếu gần đây mới phẫu thuật hoặc có vết thương hở thì cần phải vệ sinh và thay băng thường xuyên. Những vùng nhiễm trùng da cũng phải được vệ sinh cẩn thận.

Khi nào cần đến bệnh viện?

Nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao bị hội chứng sốc nhiễm độc và gặp bất kỳ triệu chứng nào nêu trên thì cần gọi cấp cứu đến khoa cấp cứu của bệnh viện ngay lập tức. Mặc dù hội chứng sốc nhiễm độc có thể gây tử vong nhưng hoàn toàn có thể điều trị được nếu can thiệp kịp thời. Vì vậy nên cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Đọc toàn bộ bài viết