Giống như những sản phẩm khác như băng vệ sinh hay tampon, cốc nguyệt san cũng có đi kèm với một số rủi ro nhưng những rủi ro này chỉ ở mức tối thiểu và khả năng xảy ra là rất thấp nếu sử dụng đúng theo hướng dẫn.
Nội dung chính của bài viết:
- Cốc nguyệt san là dụng cụ nhỏ hình phễu, có chất liệu cao su hoặc silicone, được đưa vào bên trong âm đạo trong ngày đèn đỏ để đựng dịch kinh nguyệt.
- Khi dùng cốc nguyệt san, nguy cơ xảy ra hội chứng sốc nhiễm độc và nhiễm trùng sẽ thấp hơn nhiều so với khi dùng tampon. Một vấn đề không mong muốn khác thường gặp hơn đó là kích ứng.
- Cốc nguyệt san rất an toàn miễn là rửa tay sạch trước khi đưa vào hay tháo ra và vệ sinh cốc cẩn thận giữa mỗi lần sử dụng. Cốc nguyệt san thân thiện với môi trường, vẫn có thể quan hệ tình dục, có thể tái sử dụng nhiều lần.
- Nếu bạn thường xuyên bị nhiễm trùng âm đạo và lo ngại về nguy cơ vấn đề tái phát khi dùng cốc nguyệt san thì nên nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng.
- Mặc dù nhiễm trùng là vấn đề hiếm gặp khi dùng cốc nguyệt san nhưng không phải là không thể xảy ra. Ngoài ra, nếu thấy dấu hiệu của hội chứng sốc nhiễm độc thì cần đến bệnh viện khám ngay.
Cốc nguyệt san là gì?
Cốc nguyệt san là dụng cụ nhỏ hình phễu, có chất liệu cao su hoặc silicone, được đưa vào bên trong âm đạo trong ngày đèn đỏ để đựng dịch kinh nguyệt.
Giống như những sản phẩm khác như băng vệ sinh hay tampon, cốc nguyệt san cũng có đi kèm với một số rủi ro nhưng những rủi ro này chỉ ở mức tối thiểu và khả năng xảy ra là rất thấp nếu sử dụng đúng theo hướng dẫn.
Điều quan trọng nhất vẫn là sử dụng những sản phẩm mà bạn cảm thấy an tâm và thoải mái.
Nếu có ý định thử dùng cốc nguyệt san nhưng còn đắn đo thì có thể tham khảo bài viết dưới đây để hiểu thêm về những ưu, nhược điểm của sản phẩm này so với băng vệ sinh và tampon, cách sử dụng cũng như là những rủi ro cần cân nhắc.
Những rủi ro tiềm ẩn khi dùng cốc nguyệt san
Khi dùng cốc nguyệt san, nguy cơ xảy ra hội chứng sốc nhiễm độc và nhiễm trùng sẽ thấp hơn nhiều so với khi dùng tampon. Một vấn đề không mong muốn khác thường gặp hơn đó là kích ứng.
Tuy nhiên, khi hiểu được nguyên nhân gây nên những vấn đề này thì bạn sẽ có thể giảm thiểu được nguy cơ.
Kích ứng
Kích ứng có thể xảy ra do một số nguyên nhân khác nhau và đều có thể ngăn ngừa được.
Ví dụ, việc đặt cốc nguyệt san mà không bôi trơn có thể gây tổn thương vùng mô nhạy cảm trong âm đạo.
Do đó, chỉ cần bôi ít nước hoặc gel bôi trơn gốc nước lên bên ngoài miệng cốc là có thể tránh bị kích ứng.
Kích ứng cũng có thể xảy ra nếu chọn cốc không đúng kích cỡ hoặc nếu cốc không được vệ sinh cẩn thận giữa các lần sử dụng. Cách lựa chọn và vệ sinh cốc nguyệt san sẽ được nói kỹ hơn trong phần sau.
Nhiễm trùng
Nhiễm trùng là một vấn đề hiếm gặp khi sử dụng cốc nguyệt san.
Và trong những trường hợp bị nhiễm trùng thì nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn trên tay xâm nhập vào âm đạo chứ không phải vi khuẩn từ cốc.
Ví dụ, nhiễm trùng nấm men và nhiễm khuẩn âm đạo có thể xảy ra nếu hệ vi sinh vật và độ pH trong âm đạo bị mất cân bằng.
Bạn có thể giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng bằng cách rửa tay kỹ bằng nước ấm và xà phòng kháng khuẩn trước khi đặt hay tháo cốc. Ngoài ra, phải rửa cốc bằng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ, không mùi trước và sau khi sử dụng. Bạn cũng có thể sử dụng các loại sữa tắm không mùi và không chứa dầu dành cho trẻ sơ sinh để vệ sinh cốc nguyệt san.
Hội chứng sốc nhiễm độc
Hội chứng sốc nhiễm độc (toxic shock syndrome) cũng là một vấn đề hiếm gặp nhưng nghiêm trọng có thể xảy ra sau khi bị nhiễm khuẩn.
Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là do vi khuẩn Staphylococcus hoặc Streptococcus – những chủng vi khuẩn tồn tại tự nhiên trên da, mũi hoặc miệng – bị đẩy sâu vào bên trong cơ thể.
Hội chứng sốc nhiễm độc thường xảy ra do để tampon quá lâu trong cơ thể hoặc do dùng tampon có độ thấm hút cao hơn mức cần thiết.
Sốc nhiễm độc do dùng tampon là sự cố rất hiếm gặp và khi sử dụng cốc nguyệt san thì khả năng xảy ra còn thấp hơn nữa.
Cho đến nay, mới chỉ có 1 ca duy nhất bị sốc nhiễm độc do cốc nguyệt san được ghi nhận.
Trong trường hợp này, do chưa quen nên người dùng đã gây xước ở thành âm đạo trong quá trình đặt cốc nguyệt san vào lần sử dụng đầu tiên và tạo điều kiện cho vi khuẩn Staphylococcus (tụ cầu khuẩn) xâm nhập vào máu rồi lây lan khắp cơ thể.
Bạn có thể giảm nguy cơ bị sốc nhiễm độc bằng những biện pháp đơn giản sau:
- Rửa tay kỹ bằng nước ấm và xà phòng kháng khuẩn trước khi tháo hoặc đặt cốc
- Vệ sinh cốc theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, thường là bằng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ, không mùi, không dầu sau mỗi lần tháo ra.
- Bôi một ít nước sạch hoặc gel bôi trơn gốc nước (theo hướng dẫn của nhà sản xuất) vào vành cốc để có thể đưa vào trong một cách trơn tru hơn.
So sánh cốc nguyệt san với băng vệ sinh và tampon
Độ an toàn
Cốc nguyệt san rất an toàn miễn là rửa tay sạch trước khi đưa vào hay tháo ra và vệ sinh cốc cẩn thận giữa mỗi lần sử dụng. Tuy nhiên, nếu như không thể vệ sinh theo đúng hướng dẫn thì nên chọn những sản phẩm dùng một lần, như băng vệ sinh hoặc tampon.
Giá thành
Mặc dù cốc nguyệt san có giá cao hơn nhưng bạn sẽ chỉ phải đầu tư một lần là có thể dùng được trong suốt nhiều năm nếu như bảo quản, chăm sóc đúng cách. Mặt khác, băng vệ sinh hay tampon rẻ hơn nhưng chỉ dùng được 1 lần và sẽ phải mua mới hàng tháng. Nếu xét về lâu dài thì khoản tiền bạn phải bỏ ra sẽ cao hơn nhiều so với giá của một chiếc cốc nguyệt san.
Độ thân thiện với môi trường
Đa số các sản phẩm cốc nguyệt san hiện này đều là loại có thể tái sử dụng nên sẽ giảm được đáng kể lượng rác thải ra môi trường hàng tháng, vì thế nên đây là lựa chọn thân thiện hơn với môi trương.
Mức độ dễ sử dụng
Cốc nguyệt san không dễ sử dụng như băng vệ sinh nhưng cũng tương tự như tampon. Có thể ban đầu sẽ hơi khó đặt vào và tháo ra nhưng sau khi sử dụng vài lần thì bạn sẽ thấy rất dễ.
Thời gian cần thay
Mỗi cỡ cốc nguyệt san có thể chứa lượng máu khác nhau và thời gian cần tháo cốc ra để đổ dịch kinh nguyệt cũng phụ thuộc vào mức độ ra máu của từng người. Vào những ngày ra nhiều thì sẽ cần tháo ra thường xuyên hơn.
Tuy nhiên, đa số các loại cốc nguyệt san đều có thể chứa được lượng máu lớn hơn và để được trong cơ thể lâu hơn so với băng vệ sinh hoặc tampon. Bạn có thể để cốc nguyệt san trong cơ thể lên đến 12 tiếng nhưng cần phải thay băng vệ sinh hoặc tampon sau 4 đến 6 một lần.
Sử dụng khi đặt vòng tránh thai
Tất cả các sản phẩm được dùng trong kỳ kinh, bao gồm cả cốc nguyệt san đều an toàn khi sử dụng trong thời gian đặt vòng tránh thai. Không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy quá trình đặt hoặc tháo ra sẽ ảnh hưởng đến vòng tránh thai.
Quan hệ tình dục
Nếu quan hệ tình dục đường âm đạo trong khi đang sử dụng tampon thì tampon có thể bị đẩy sâu hơn vào bên trong và bị kẹt. Càng bị kẹt lâu thì nguy cơ xảy ra những vấn đề nguy hiểm như sốc nhiễm độc sẽ càng cao.
Mặc dù cốc nguyệt san sẽ không bị xê dịch giống như tampon nhưng việc thâm nhập khi đang có cốc nguyệt san ở bên trong sẽ không được thoải mái nên thường sẽ phải tháo cốc ra trước.
Tuy nhiên hiện nay trên thị trường có một số loại cốc được thiết kể để có thể sử dụng cả khi quan hệ tình dục.
Lợi ích so với rủi ro
Các chuyên gia y tế đều đã kiểm nghiệm tính an toàn của cốc nguyệt san. Miễn là bạn sử dụng cốc theo đúng chỉ dẫn thì nguy cơ xảy ra những vấn đề không mong muốn là rất thấp.
Ngày càng có nhiều phụ nữ chuyển từ băng vệ sinh hay tampon sang cốc nguyệt san vì nhưng ưu điểm lớn như không phải thay thường xuyên và có thể tái sử dụng được nhiều lần.
Tất nhiên, hãy cứ sử dụng sản phẩm mà bạn cảm thấy thoải mái nhất.
Nếu bạn thường xuyên bị nhiễm trùng âm đạo và lo ngại về nguy cơ vấn đề tái phát khi dùng cốc nguyệt san thì nên nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng.
Khi nào thì không nên sử dụng cốc nguyệt san?
Mặc dù cốc nguyệt san được quảng cáo là sản phẩm phù hợp cho mọi lứa tuổi nhưng trên thực tế, không phải ai cũng dùng được.
Tốt nhất là nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nếu bạn có một trong những vấn đề dưới đây:
- Co thắt âm đạo: Vấn đề này sẽ gây khó khăn khi đưa bất kỳ vật gì từ bên ngoài vào âm đạo, bao gôm cả cốc nguyệt san
- U xơ tử cung: gây kinh nguyệt ra nhiều và đau vùng chậu
- Lạc nội mạc tử cung: gây đau đớn dữ dội khi có kinh nguyệt và khi thâm nhập vào bên trong âm đạo
- Vị trí tử cung bất thường, ví dụ như tử cung ngả sau: có thể ảnh hưởng đến vị trí đặt cốc nguyệt san
Việc có một trong số các vấn đề này không có nghĩa là bạn không thể dùng cốc nguyệt san nhưng có thể sẽ gặp khó khăn và đau đớn hơn bình thường trong quá trình sử dụng.
Cách chọn cốc nguyệt san phù hợp
Cốc nguyệt san có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau nên sẽ hơi khó khăn khi lựa chọn. Nếu vẫn đang chưa biết phải chọn loại nào cho phù hợp thì dưới đây là một vài lời khuyên dành cho bạn:
Kích cỡ
Hầu hết các nhà sản xuất đều có hai mức kích cỡ cốc nguyệt san là cỡ nhỏ (small) và cỡ lớn (large).
Cốc nhỏ thường có đường kính miệng từ 35 đến 43mm còn cốc lớn thường có đường kính miệng là 43 đến 48mm.
Nên chọn cốc dựa trên độ tuổi và lịch sử sinh nở thay vì ước lượng theo mức độ ra máu vào kỳ kinh.
Mặc dù thể tích cốc là điều quan trọng nhưng phải chọn được được sản phẩm có đường kính vừa với thành âm đạo, không quá to và không quá nhỏ để tránh gây khó chịu hay rò rỉ máu ra ngoài.
Nếu bạn chưa bao giờ làm “chuyện ấy” thì nên dùng cốc cỡ nhỏ. Còn nếu đã từng sinh thường hoặc có sàn chậu suy yếu thì nên chọn cốc nguyệt san cỡ lớn.
Đôi khi sẽ phải thử qua 2 – 3 loại mới có thể tìm ra được sản phẩm phù hợn nhất với mình.
Chất liệu
Hầu hết cốc nguyệt san đều được làm từ silicone. Tuy nhiên, một số loại được làm từ cao su hoặc chứa thành phần cao su.
Nếu bạn bị dị ứng với mủ cao su (latex) thì những loại cốc nguyệt san bằng chất liệu này có thể gây kích ứng âm đạo.
Do đó, luôn phải đọc kỹ nhãn sản phẩm trước khi sử dụng để tránh xảy ra vấn đề không mong muốn.
Lưu ý về cách sử dụng cốc nguyệt san
Mọi cốc nguyệt san đều có đi kèm với hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất nhưng dưới đây là một số hướng dẫn chung để bạn tham khảo:
Làm sạch trước khi dùng
Cần phải khử trùng cốc nguyệt san trước khi sử dụng lần đầu tiên.
Cách thực hiện như sau:
- Ngâm toàn bộ cốc vào nồi nước đun sôi trong 5 đến 10 phút.
- Lấy cốc ra và để nguội về nhiệt độ phòng.
- Rửa tay bằng nước ấm và xà phòng kháng khuẩn dịu nhẹ
- Rửa cốc bằng xà phòng dịu nhẹ, không chứa dầu và rửa kỹ lại bằng nước
- Lau khô cốc bằng khăn sạch.
Cách đặt cốc
Luôn nhớ phải rửa tay sạch trước khi đưa cốc vào cơ thể.
Vào một vài lần đầu tiên thì có thể bôi một ít gel bôi trơn gốc nước hoặc nước sạch ở bên ngoài cốc để làm giảm ma sát và dễ đưa cốc vào bên trong hơn.
Tuy nhiên, cần đọc kỹ chỉ dẫn ghi trên sản phẩm trước khi sử dụng gel bôi trơn. Nguyên tắc chung là chỉ dùng gel bôi trơn gốc nước vì gel bôi trơn gốc silicone và gốc dầu có thể làm hỏng cốc.
Khi đã chuẩn bị xong thì bắt đầu đưa cốc vào bằng các bước sau:
- Chọn tư thế mà bạn cảm thấy thoải mái nhất, có thể ngồi xổm, đứng thẳng và gác một chân lên ghế hoặc ngồi trên bồn cầu.
- Bóp chặt miệng cốc, giữ bằng một tay với phần vành hướng lên trên.
- Từ từ đưa cốc vào trong âm đạo
- Khi cốc đã vào bên trong thì thả tay để miệng cốc tự mở ra, tạo lực hút khít lấy thành âm đạo để ngăn máu rò rỉ ra ngoài. Khi miệng cốc bật ra, bạn sẽ nghe thấy tiếng hoặc cảm nhận thấy. Nếu cảm thấy miệng cốc vẫn chưa mở thì dùng tay xoay nhẹ.
- Có thể sẽ phải điều chỉnh một chút cho thoải mái.
Tháo cốc
Tùy thuộc vào mức độ ra máu kinh mà có thể để cốc nguyệt san trong thời gian từ 6 – 12 tiếng nhưng không được để quá 12 tiếng để ngăn ngừa sự tích tụ vi khuẩn. Trước khi tháo cốc thì cũng phải rửa tay bằng xà phòng kháng khuẩn. Sau đó:
- Đưa ngón trỏ và ngón cái vào âm đạo.
- Bóp nhẹ đáy của cốc để loại bỏ lực hút và nhẹ nhàng kéo cốc ra ngoài. Không nên kéo phần cuống cốc vì chất dịch bên trong sẽ dễ bị đổ.
- Sau khi lấy được cốc ra ngoài, đổ hết chất dịch trong cốc vào bồn vệ sinh.
- Rửa cốc dưới vòi nước, lau khô và đặt lại.
- Rửa tay kỹ sau khi xong.
Sau khi kết thúc kỳ kinh, khử trùng cốc bằng cách ngâm trong nước sôi từ 5 đến 10 phút để tránh vi khuẩn sinh sôi trong thời gian bảo quản.
Bảo quản cốc nguyệt san
Không nên để cốc nguyệt san trong hộp kín vì điều này sẽ khiến hơi ẩm tích tụ và tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển.
Nên bảo quản cốc nguyệt san trong túi bông hoặc túi để mở.
Nếu sau thời gian bảo quản mà bạn phát hiện ra cốc có nhưng chỗ bị hỏng, mỏng đi, có mùi hôi hoặc bị đổi màu thì phải vứt đi, không được sử dụng nữa. Việc sử dụng tiếp cốc ở tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Mặc dù nhiễm trùng là vấn đề hiếm gặp khi dùng cốc nguyệt san nhưng không phải là không thể xảy ra. Cần đi khám bác sĩ nếu có những dấu hiệu như:
- Dịch tiết âm đạo (khí hư) có màu bất thường
- Đau rát, ngứa ngáy trong âm đạo
- Nóng rát khi đi tiểu hoặc khi quan hệ tình dục
- Vùng kín có mùi hôi tanh khó chịu
Và phải đến bệnh viện ngay lập tức nếu bị:
- sốt cao
- chóng mặt
- nôn mửa
- xuất hiện những vùng da đỏ như cháy nắng
Đây có thể là những dấu hiệu của hội chứng sốc nhiễm độc – một dạng nhiễm khuẩn nghiêm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không can thiệp kịp thời.