Giống như bất kỳ căn bệnh hay vấn đề sức khỏe nào khác, HIV sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống hàng ngày.
HIV là loại virus gây suy giảm hệ miễn dịch. Ngày nay, nhiễm HIV đã không còn là “bản án tử” như trước đây nữa. Nhờ các loại thuốc điều trị hiện có mà chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người nhiễm HIV đã được cải thiện rất nhiều trong vài chục năm trở lại đây. Những loại thuốc này giúp người có “H” kiểm soát tình trạng bệnh và sống khỏe mạnh, bình thường. Tuy nhiên, giống như bất kỳ căn bệnh hay vấn đề sức khỏe nào khác, HIV vẫn sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống hàng ngày.
Dưới đây là một số hướng dẫn chung về những thay đổi trong cuộc sống và cách bảo vệ sức khỏe khi nhiễm HIV.
Phương pháp điều trị HIV
Hiện nay, HIV có thể được điều trị bằng thuốc kháng virus (thuốc ARV). Tuy rằng không thể chữa khỏi nhưng có thể làm chậm đáng kể sự phát triển của virus. Các loại thuốc này giúp tăng cường hệ miễn dịch và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác xuống mức rất thấp. Thuốc kháng virus điều trị HIV được chia thành 7 nhóm dựa trên cơ chế chống lại HIV. Mỗi phác đồ điều trị thường gồm có nhiều loại thuốc khác nhau, được gọi là liệu pháp kháng virus và người bệnh phải tuân thủ đúng theo phác đồ được chỉ định.
Các tác dụng phụ của thuốc ARV
Tác dụng phụ của hầu hết các loại thuốc điều trị HIV thường chỉ ở mức nhẹ, ví dụ như chóng mặt, ăn không ngon miệng, buồn nôn hoặc mệt mỏi. Nhưng trong một số trường hợp, thuốc ARV có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Nếu tác dụng phụ kéo dài dai dẳng hoặc nghiêm trọng thì cần thông báo cho bác sĩ, không được tự ý ngừng thuốc.
Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị HIV có thể tương tác với các loại thuốc khác hoặc thực phẩm chức năng. Nếu muốn dùng bất kỳ loại thuốc, viên uống bổ sung hay thực phẩm chức năng mới nào thì đều phải hỏi ý kiến bác sĩ trước.
>> Các tác dụng phụ của thuốc điều trị HIV
Cần dùng thuốc điều trị HIV bao lâu một lần?
Điều quan trọng là phải uống thuốc đều đặn hàng ngày và đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ thì phác đồ điều trị mới phát huy hiệu quả. Có thể đặt chuông báo nhắc uống thuốc trên điện thoại để tránh bị quên.
Việc bỏ liều hay thi thoảng mới uống thuốc sẽ làm tăng nguy cơ kháng thuốc. Điều này còn làm giảm hiệu quả của thuốc và khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Cần đi tái khám bao lâu một lần?
Những người sống chung với HIV được khuyến nghị nên đến bệnh viện khám sức khỏe từ 3 đến 6 tháng một lần để làm các xét nghiệm cần thiết nhằm theo dõi tình trạng bệnh. Nhưng cũng có nhiều trường hợp phải tái khám thường xuyên hơn, đặc biệt là trong 2 năm đầu điều trị. Sau 2 năm, nếu như ức chế virus thành công và tải lượng virus luôn ở mức không thể phát hiện được thì hầu hết mọi người sẽ có thể giảm tần suất tái khám xuống 2 lần một năm.
Bác sĩ sẽ hẹn lịch tái khám cụ thể.
Tiên lượng và tuổi thọ
Khi nhận được kết quả chẩn đoán nhiễm HIV, đa số mọi người đều sẽ muốn biết về tiên lượng và tuổi thọ của mình. Một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí The Lancet HIV cho thấy những bệnh nhân bắt đầu điều trị bằng thuốc ARV sau năm 2008 có tuổi thọ cao hơn đáng kể so với những bệnh nhân bắt đầu điều trị trong những năm 1990 và đầu những năm 2000.
Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người nhiễm HIV đang ngày càng gần hơn với tuổi thọ của những người không nhiễm HIV. Nhiều nghiên cứu về các loại thuốc điều trị HIV mới vẫn đang tiếp tục được thực hiện. Nếu như bắt đầu điều trị sớm và tuân thủ đúng phác đồ được chỉ định thì người có “H” vẫn có thể sống khỏe mạnh và lâu dài.
Cần thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục như thế nào?
Một khi bắt đầu dùng thuốc kháng virus, việc duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh và một lối sống năng động sẽ góp phần làm tăng hiệu quả điều trị. Không có chế độ ăn uống đặc biệt cho những người nhiễm HIV. Tuy nhiên, vì hệ miễn dịch đang phải hoạt động tích cực để chống lại virus nên những người nhiễm HIV cần nạp vào cơ thể nhiều calo hơn. Tuy nhiên, những người thừa cân, béo phì nên điều chỉnh thói quen ăn uống để giảm cân.
Nói chung, chế độ ăn uống hàng ngày nên có nhiều protein và ít chất béo. Nên ăn nhiều trái cây, rau xanh và các loại thực phẩm lành mạnh, giàu chất dinh dưỡng.
Bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể về chế độ an uống. Một số người nhiễm HIV bị mất cơ. Để ngăn ngừa và khắc phục vấn đề này thì nên tập thể dục thường xuyên. Nên kết hợp cả tập cardio và tập thể hình, ngoài ra có thể tập thêm các hình thức tập luyện khác như yoga hay pilates.
Tập thể dục sẽ giúp duy trì khối lượng cơ và tăng cường sức khỏe.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị người trưởng thành nên tập cardio cường độ vừa ít nhất 150 phút (2 tiếng rưỡi) mỗi tuần, ví dụ như đi bộ, bơi lội hay đạp xe chậm hoặc tập cardio cường độ cao ít nhất 75 phút mỗi tuần, ví dụ như chạy bộ, nhảy dây,… CDC cũng khuyến nghị nên tập thể hình ít nhất 2 lần một tuần vào những ngày không liên tục. Một số bài tập thể hình là tập tạ, body weight, tập với máy tại phòng gym,…
Cần làm gì để đảm bảo an toàn khi quan hệ tình dục?
Hiện nay, những người nhiễm HIV vẫn hoàn toàn có thể quan hệ tình dục an toàn với bạn tình âm tính với HIV. Các loại thuốc điều trị có thể làm giảm nguy cơ lây truyền virus xuống bằng 0. Nếu tuân thủ tốt phác đồ thì tải lượng virus sẽ được giảm xuống mức không thể phát hiện, có nghĩa là thấp đến mức các xét nghiệm không phát hiện ra virus trong máu. Tái lượng virus không thể phát hiện được định nghĩa là dưới 200 bản sao HIV trong 1ml máu. Một khi không thể phát hiện được virus thì một người sẽ không còn lây truyền HIV sang người khác. Tuy nhiên, vẫn cần thực hiện các biện pháp an toàn như đeo bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục để bảo vệ bạn tình và ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục khác.
Những người âm tính với HIV nhưng sống chung với người nhiễm HIV nên dùng thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) để làm giảm nguy cơ xuống mức thấp hơn nữa. Đây là phương pháp dùng thuốc kháng virus hàng ngày để tránh bị nhiễm HIV khi tiếp xúc với virus.
Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với HIV thì điều quan trọng trước tiên là phải thông báo ngay cho người đã từng quan hệ cùng để người đó cũng đi xét nghiệm kiểm tra.
Tóm tắt bài viết
Nhờ sự tiến bộ trong y học hiện nay mà HIV đã không còn gây xáo trộn nhiều đến cuộc sống của người bệnh nhưng vẫn nên điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện để tăng cường sức khỏe. Điều quan trọng nhất là phải uống thuốc điều trị đều đặn để ngăn chặn sự phát triển của virus và giảm nguy cơ lây truyền. Cho dù tải lượng virus được giảm xuống mức không thể phát hiện thì vẫn phải sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục. bước tiếp theo.