Trong thời kỳ mãn kinh, nồng độ hormone estrogen tăng và giảm thất thường. Khi qua thời kỳ mãn kinh, cơ thể sẽ ngừng sản sinh các hormone này. Sự thay đổi nồng độ estrogen có thể gây ra hiện tượng đánh trống ngực.
Nội dung chính của bài viết:
-
Đánh trống ngực do mãn kinh thường chỉ là hiện tượng tạm thời. Nhịp tim đa phần sẽ trở lại bình thường sau khi kết thúc giai đoạn tiền mãn kinh.
-
Trong giai đoạn tiền mãn kinh, khi quá trình sản sinh estrogen dừng lại thì các mạch máu sẽ không được bảo vệ và nguy cơ xảy ra các vấn đề về tim mạch như nhồi máu cơ tim và đột qụy sẽ tăng lên.
-
Một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và tránh xa khói thuốc sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ này.
-
Đôi khi, đánh trống ngực lại là một dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về tim. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng đánh trống ngực có liên quan đến chứng xơ vữa động mạch, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột qụy.
Mãn kinh và đánh trống ngực
Ở những phụ nữ đang phải trải qua thời kỳ mãn kinh, sự thay đổi nồng độ hormone có thể ảnh hưởng đến hệ tim mạch và gây ra hiện tượng đánh trống ngực dù không hoạt động mạnh. Đánh trống ngực là hiện tượng mà tim đập nhanh, mạnh hơn bình thường, bỏ qua một nhịp hoặc cảm giác tim rung bên trong lồng ngực. Hiện tượng này thường xảy ra trong cơn bốc hỏa - một trong những triệu chứng tiền mãn kinh phổ biến khác.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây đánh trống ngực trong thời kỳ mãn kinh và cách khắc phục.
Các triệu chứng tiền mãn kinh
Đánh trống ngực gây cảm giác như tim đang đập nhanh hơn bình thường rất nhiều, như thể vừa mới chạy bộ. Bạn cũng có thể sẽ cảm nhận thấy tim bỏ qua một nhịp hoặc rung mạnh trong ngực. Cảm giác tim đập thình thịch có thể lan từ ngực lên tận trên cổ.
Bên cạnh đánh trống ngực, phụ nữ còn gặp những dấu hiệu, triệu chứng khác trong giai đoạn tiền mãn kinh như:
- Bốc hỏa - cảm giác nóng bừng đột ngột, đặc biệt là ở nửa thân trên, đi kèm hiện tượng ra mồ hôi và da đỏ lên
- Đổ mồ hôi về đêm
- Khô âm đạo
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều, mất kinh nguyệt và ra máu giữa chu kỳ
- Thay đổi tâm trạng
- Khó ngủ
- Mệt mỏi, uể oải
- Da khô
- Rụng tóc
- Trí nhớ giảm sút
- Giảm ham muốn tình dục
Tìm hiểu thêm: Các triệu chứng và dấu hiệu tiền mãn kinh
Nguyên nhân đánh trống ngực
Trong thời kỳ mãn kinh, nồng độ hormone estrogen tăng và giảm thất thường. Khi qua thời kỳ mãn kinh, cơ thể sẽ ngừng sản sinh các hormone này. Sự thay đổi nồng độ estrogen có thể gây ra hiện tượng đánh trống ngực.
Phụ nữ cũng có thể bị đánh trống ngực vào những thời điểm khác trong cuộc đời khi nồng độ hormone thay đổi, chẳng hạn như trong kỳ kinh nguyệt hoặc trong thời gian mang thai.
Đánh trống ngực trong thời kỳ mãn kinh thường xảy ra vào hiện tượng bốc hỏa. Nhịp tim có thể tăng từ 8 đến 16 nhịp khi ở giữa những cơn bốc hỏa.
Ngoài sự thay đổi hormone ra thì còn có các nguyên nhân khác cũng gây đánh trống ngực gồm có:
- Căng thẳng
- Tập thể dục cường độ cao
- Tiêu thụ caffeine, rượu và nicotine
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc ho, thuốc trị cảm lạnh và thuốc xịt hen suyễn
- Sốt
- Rối loạn nhịp tim, chẳng hạn như rung tâm nhĩ hoặc nhịp tim nhanh trên thất
- Cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức)
- Đang dùng các loại thuốc điều trị suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém)
- Lượng đường trong máu thấp hoặc huyết áp thấp
- Mất nước
Khi nào cần đi khám?
Nếu thi thoảng mới bị đánh trống ngực và mỗi lần chỉ kéo dài một vài giây thì có thể không cần phải can thiệp. Tuy nhiên, cần đi khám nếu tình trạng đánh trống ngực:
- xảy ra thường xuyên
- kéo dài trong một vài phút liên tục
- ngày càng nặng hơn
Đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn về tim cần được điều trị.
Cần đến bệnh viện ngay lập tức nếu đánh trống ngực đi kèm với những hiện tượng sau:
- Hụt hơi
- Đau tức ngực
- Chóng mặt
- Ngất xỉu
Chẩn đoán
Để chẩn đoán nguyên nhân gây đánh trống ngực thì cần đến khoa Tim mạch của bệnh viện. Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi về tình trạng sức khỏe tổng thể và tất cả các loại thuốc mà bạn đang dùng. Sau đó, bạn sẽ được hỏi chi tiết về tình trạng đánh trống ngực, chẳng hạn như:
- Hiện tượng đánh trống ngực bắt đầu khi nào? Từ trước hay khi bắt đầu mãn kinh mới bị?
- Hiện tượng này thường xảy ra vào những thời điểm nào, ví dụ như sau khi vận động, căng thẳng hoặc dùng một số loại thuốc.
- Mỗi lần thường kéo dài bao lâu?
- Có các triệu chứng khác, ví dụ như đau tức ngực hoặc chóng mặt không?
Sau đó, bác sĩ sẽ nghe tim và tiến hành các phương pháp kiểm tra dưới đây:
- Đo điện tâm đồ: đặt các điện cực lên trên ngực để theo dõi hoạt động điện của tim.
- Siêu âm tim: sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của tim và đánh giá hoạt động của tim.
- Kiểm tra tim gắng sức: bạn sẽ chạy trên máy chạy bộ hoặc vận động mạnh để làm cho tim đập nhanh hơn. Phương pháp này giúp kiểm tra xem việc vận động thể chất có gây đánh trống ngực hay không.
- Holter điện tâm đồ: bạn cần đeo một thiết bị chuyên dụng trong từ 1 đến 3 ngày. Nhịp tim sẽ liên tục được theo dõi trong thời gian này để giúp bác sĩ phát hiện ra các vấn đề bất thường.
- Máy ghi nhịp tim: thiết bị này theo dõi nhịp tim trong khoảng một tháng. Khi cảm thấy tim đập nhanh thì ấn nút trên thiết bị để bắt đầu ghi lại.
Bạn cũng nên đi khám bác sĩ phụ khoa nếu có các triệu chứng tiền mãn kinh khác. Bác sĩ sẽ tiến hành làm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone và xác định xem có đúng là bạn đã bắt đầu giai đoạn tiền mãn kinh hay không.
Biện pháp phòng ngừa
Để ngăn ngừa đánh trống ngực thì cần tránh những tác nhân khiến tim đập nhanh, chẳng hạn như:
- Cà phê, chocolate, nước ngọt có ga, nước tăng lực và các sản phẩm có chứa caffeine khác
- Thức ăn cay
- Đồ uống có cồn, nicotine và các chất kích thích như cocaine
- Thuốc trị cảm lạnh có chứa pseudoephedrine – một loại chất kích thích
Nếu tim bị đập nhanh mỗi khi bị căng thẳng thì cần thực hiện những biện pháp thư giãn, giảm căng thẳng như như:
- Hít thở sâu
- Tập yoga
- Ngồi thiền
- Mát-xa
Đôi khi đánh trống ngực báo hiệu một vấn đề về tim. Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc như thuốc chẹn beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi để giữ cho nhịp tim bình thường.
Một số phụ nữ nhận thấy rằng khi điều trị các triệu chứng khác của thời kỳ mãn kinh như bốc hỏa và khô âm đạo bằng liệu pháp hormone thay thế thì tình trạng đánh trống ngực cũng có sự cải thiện. Tuy nhiên, phương pháp này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch như đột quỵ và hình thành cục máu đông cũng như là ung thư vú. Hơn nữa, không phải ai cũng phù hợp với phương pháp này. Do đó, nên đi khám và hỏi ý kiến bác sĩ xem liệu pháp hormone thay thế có phù hợp với bạn hay không.
Trong thời kỳ mãn kinh và sau đó, phụ nữ cần quan tâm hơn đến sức khỏe tim mạch và xây dựng cho mình một lối sống gồm các thói quen lành mạnh để ngăn ngừa bệnh tật:
- Tập thể dục 30 phút trở lên mỗi ngày, ít nhất 5 ngày một tuần.
- Ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, cá và thực phẩm từ sữa ít béo. Cắt giảm lượng đường, muối, cholesterol và chất béo bão hòa trong bữa ăn hàng ngày.
- Kiểm soát huyết áp, lượng đường trong máu và mức cholesterol. Nếu những chỉ số này ở mức cao thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để giữ ở mức ổn định.
- Giảm cân nếu thừa cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Bỏ thuốc là nếu hút.