Nếu không được điều trị, nhiễm nấm âm đạo có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác.
Nội dung chính của bài viết
-
Nhiễm nấm âm đạo cần được chẩn đoán và điều trị đúng.
-
Nếu không được điều trị, tình trạng nhiễm nấm có thể dẫn đến các vấn đề khác, như: nhiễm trùng da, mệt mỏi, nấm miệng, vấn đề về dạ dày - ruột và bị nhiễm nấm Candida xâm lấn.
-
Chẩn đoán chính xác là một bước rất quan trọng vì các triệu chứng của nhiễm nấm âm đạo cũng tương tự như nhiều vấn đề khác như viêm âm đạo do vi khuẩn, bệnh lậu.
Nhiễm nấm âm đạo hay nấm Candida âm đạo là một dạng nhiễm trùng nấm men phổ biến với triệu chứng là khí hư màu trắng đục, đặc, vón cục và ngứa ngáy, sưng đỏ ở âm đạo cũng như là khu vực âm hộ (vùng xung quanh âm đạo).
Nếu không được điều trị, nhiễm nấm âm đạo có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác.
Dưới đây là một số hậu quả của việc bỏ qua tình trạng này mà không điều trị.
Mức độ phổ biến
Theo thống kê, 75% phụ nữ từng bị nhiễm nấm âm đạo ít nhất một lần trong đời.
Có khoảng 5% phụ nữ bị nấm Candida âm đạo tái phát, có nghĩa là bị nhiễm nấm từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm.
Nấm Candida âm đạo tái phát có thể xảy ra ở cả phụ nữ khỏe mạnh nhưng thường phổ biến hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường hoặc bị các bệnh gây suy yếu hệ miễn dịch như HIV/AIDS.
Hậu quả khi không điều trị
Nếu không được điều trị, nấm Candida âm đạo sẽ ngày càng trở nên nặng hơn, gây ngứa ngáy, sưng đỏ và viêm ở khu vực xung quanh âm đạo. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng da nếu có vết nứt, xước ở vùng bị viêm hoặc hành động gãi do ngứa tạo ra các vết thương hở.
Ngoài ra, một số vấn đề khác có thể phát sinh nếu không điều trị nhiễm nấm âm đạo còn có:
- Mệt mỏi
- Nấm miệng
- Các vấn đề về dạ dày - ruột
Nhiễm nấm Candida xâm lấn
Nhiễm nấm Candida xâm lấn là vấn đề xảy ra khi tình trạng nhiễm nấm ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như:
- máu
- tim
- não
- xương
- mắt
Nhiễm nấm Candida xâm lấn thường xảy ra khi có vết thương hở tiếp xúc với vùng bị nhiễm nấm và có thể gây ra các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng nếu không được can thiệp kịp thời.
Candida huyết
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Candida huyết là một trong những dạng nhiễm nấm Candida xâm lấn phổ biến nhất hiện nay ở Mỹ. Đây cũng là một trong những bệnh nhiễm trùng máu phổ biến nhất ở quốc gia này.
Nhiễm nấm âm đạo trong thai kỳ
Nhiễm trùng nấm men nói chung và nhiễm nấm âm đạo nói riêng là một vấn đề mà nhiều phụ nữ gặp phải khi mang thai vì đây là khoảng thời gian mà nồng độ nội tiết tố (hormone) trong cơ thể có sự dao động. Khi đang mang thai và nhận thấy những triệu chứng nhiễm nấm âm đạo thì cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán đúng vấn đề và có biện pháp điều trị kịp thời.
Có thể sử dụng các loại thuốc trị nấm tại chỗ trong thời gian mang thai nhưng không được dùng các loại thuốc trị nấm đường uống.
Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), việc dùng fluconazole đường uống (Diflucan) trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây dị tật bẩm sinh. Một nghiên cứu vào năm 2016 cũng đã chỉ ra rằng việc sử dụng fluconazole đường uống trong khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai.
Nhiễm nấm âm đạo bao lâu thì khỏi?
Nhiễm nấm âm đạo nhẹ thường khỏi trong vòng vài ngày đến một tuần. Những trường hợp mức độ từ vừa đến nặng có thể phải sau từ 2 đến 3 tuần mới khỏi hẳn.
Nhiễm nấm âm đạo có thể tự khỏi không?
Đôi khi, nhiễm nấm âm đạo có thể tự khỏi nhưng điều này còn tùy từng người.
Tuy nhiên, nếu như không dùng thuốc điều trị thì tình trạng có thể trở nên ngày càng nặng hơn. Cũng có khả năng không phải là nhiễm nấm mà là một vấn đề khác nghiêm trọng hơn với những triệu chứng tương tự như nhiễm nấm âm đạo và cần phải điều trị.
Vấn đề có triệu chứng tương tự nhiễm nấm âm đạo
Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Con người Hoa Kỳ (Department of Health and Human Services - HHS), khoảng 66% phụ nữ tìm mua thuốc trị nấm âm đạo thực ra không phải bị vấn đề này.
Các triệu chứng khi bị nhiễm nấm Candida âm đạo thường tương tự với triệu chứng của nhiều vấn đề khác, ví dụ như phản ứng dị ứng hoặc kích ứng do tiếp xúc với tampon, xà phòng, bột giặt hay nước hoa vùng kín. Hoặc cũng có thể là các dạng viêm âm đạo khác, chẳng hạn như:
- Nhiễm khuẩn âm đạo hay viêm âm đạo do vi khuẩn
- Chlamydia
- Bệnh lậu
- Nhiễm trichomonas
- Mụn rộp sinh dục
Khi nào cần đi khám?
Cần đi khám bác sĩ nếu có những dấu hiệu nhiễm nấm âm đạo để được kiểm tra và xác định đúng vấn đề.
Nếu đang tự dùng thuốc trị nấm không kê đơn mà các triệu chứng vẫn không cải thiện sau 1 – 2 tuần thì cũng cần đi khám. Các loại thuốc đang dùng có thể không đủ mạnh hoặc có khả năng vấn đề không phải là nhiễm nấm âm đạo nên không đáp ứng với thuốc.
Ngoài ra, cũng cần đến gặp bác sĩ sản phụ khoa nếu các triệu chứng nhiễm nấm quay trở lại sau vài tháng. Việc bị nhiễm nấm âm đạo nhiều lần trong một năm có thể là một dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn.
Cần đi khám ngay khi có những biểu hiện sau:
- Sốt
- Khí hư có mùi hôi tanh khó chịu hoặc màu vàng xanh
- Khí hư có lẫn máu
- Đau lưng hoặc đau bụng bất thường
- Nôn mửa
- Đi tiểu nhiều