Điều trị sưng hạch bạch huyết khi nhiễm HIV

3 năm trước 29

Sưng hạch bạch huyết là một trong những dấu hiệu đầu tiên của nhiễm trùng, bao gồm cả nhiễm HIV.

Các triệu chứng đầu tiên của HIV

Nhiều triệu chứng đầu tiên khi nhiễm HIV cũng tương tự như cảm cúm. Ngoài sốt và mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết cũng là một dấu hiệu thường gặp. Điều trị bằng thuốc kháng virus ARV là cách tốt nhất để giảm bớt các triệu chứng này.

Cùng tìm hiểu tại sao HIV lại gây sưng hạch bạch huyết và làm thế nào để giảm sưng bằng một số phương pháp khắc phục tại nhà.

Hạch bạch huyết là gì?

Các hạch bạch huyết là một phần của hệ bạch huyết - một hệ thống đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể. Bạch huyết là chất dịch lỏng trong suốt lưu thông khắp cơ thể, một phần được tạo ra từ các tế bào bạch cầu – loại tế bào có nhiệm vụ tấn công vi khuẩn và virus.

Các hạch bạch huyết nằm ở một số bộ phận của cơ thể, gồm có cổ, bẹn và nách. Chúng có hình dạng giống như hạt đậu và chiều dài không quá 2.5cm. Các hạch bạch huyết chịu trách nhiệm lọc bạch huyết và sản xuất các tế bào miễn dịch trưởng thành.

Các hạch bạch huyết bảo vệ cả máu và hệ miễn dịch bằng cách:

  • Lọc protein thừa
  • Loại bỏ chất lỏng dư thừa
  • Sản xuất kháng thể
  • Tạo ra các tế bào bạch cầu chuyên biệt
  • Loại bỏ vi khuẩn và virus

Sưng hạch bạch huyết là một trong những dấu hiệu đầu tiên của nhiễm trùng, bao gồm cả nhiễm HIV. Cần đi khám bác sĩ nếu tình trạng sưng hạch bạch huyết kéo dài quá 2 - 4 tuần.

HIV tác động đến các hạch bạch huyết như thế nào?

Nhiễm trùng do vi khuẩn và virus, bao gồm cả nhiễm HIV, có thể gây sưng hạch bạch huyết. Tình trạng sưng xảy ra do nhiễm trùng đi theo dịch bạch huyết và lan đến các hạch.

HIV thường ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết quanh cổ, nách và bẹn. Hiện tượng sưng hạch bạch huyết có thể bắt đầu trong vòng vài ngày sau khi nhiễm HIV. Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào khác trong vài năm kể từ khi nhiễm virus.

Thông thường, chúng ta không thể nhìn thấy được các hạch bạch huyết khỏe mạnh từ bên ngoài. Khi bị nhiễm trùng, những hạch này sẽ sưng lên và trông giống như những cục u có kích thước bằng hạt đậu. Tình trạng nhiễm trùng càng nặng thì càng có nhiều hạch bạch huyết sưng lên trên cơ thể.

Ngoài sưng hạch bạch huyết, các triệu chứng không đặc hiệu của HIV còn có:

  • Sốt
  • Tiêu chảy
  • Người mệt mỏi
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân

Cách điều trị sưng hạch bạch huyết

Để điều trị sưng hạch bạch huyết thì cần phải điều trị nguyên nhân gốc rễ gây sưng. Các loại thuốc kháng sinh có thể điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn. Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng sưng hạch bạch huyết do nhiễm virus sẽ tự hết theo thời gian khi hệ miễn dịch cơ thể tiêu diệt virus. Tuy nhiên, HIV không giống với các loại virus khác.

Mặc dù các triệu chứng có thể không biểu hiện trong suốt nhiều tháng nhưng virus vẫn đang tồn tại trong máu và các mô. Sưng hạch bạch huyết do nhiễm HIV phải được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV). Điều này sẽ làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa sự lây truyền virus.

Các phương pháp khắc phục khác

Ngoài dùng thuốc ARV, một số biện pháp khắc phục khác có thể làm dịu tình trạng sưng hạch bạch huyết. Ví dụ, chườm ấm và nghỉ ngơi sẽ giúp dễ chịu hơn và giảm sưng đau.

Người bệnh cũng có thể dùng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, đây chỉ là những phương pháp hỗ trợ điều trị chứ không thể thay thế được cho thuốc ARV.

Điều trị HIV

Nhiễm HIV là một bệnh mãn tính nhưng không phải lúc nào người bệnh cũng bị sưng hạch bạch huyết. Các triệu chứng HIV sẽ thay đổi tùy thuộc vào tải lượng virus trong cơ thể và các biến chứng khác mà virus gây ra.

Thuốc kháng virus sẽ giúp làm chậm tốc độ suy giảm hệ miễn dịch. Điều quan trọng là phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị được chỉ định, ngay cả khi các triệu chứng đã giảm hoặc không có triệu chứng.

Khi không điều trị, HIV sẽ nhanh chóng làm suy yếu hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng khác, gọi là bệnh nhiễm trùng cơ hội. Những người nhiễm HIV sẽ gặp phải triệu chứng nghiêm trọng khi mắc các bệnh này.

Nếu các hạch bạch huyết sưng lên rõ rệt thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chống lại virus. Ngay cả khi đang dùng thuốc ARV, nếu như bị sưng hạch bạch huyết thì cần thông báo ngay cho bác sĩ.

Đọc toàn bộ bài viết