Bệnh lậu có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu như không được điều trị nên cần phải phát hiện bệnh và điều trị càng sớm càng tốt.
Bệnh lậu là bệnh gì?
Bệnh lậu là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra. Bệnh lây từ người này sang người khác khi quan hệ tình dục không an toàn qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng. Bệnh có thể ảnh hưởng đến dương vật, âm đạo hoặc cổ họng và một số bộ phận khác của cơ thể.
Bệnh lậu có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu như không được điều trị nên cần phải phát hiện bệnh và điều trị càng sớm càng tốt. Hầu hết các trường hợp bệnh lậu đều có thể được chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh nếu điều trị kịp thời.
Phương pháp điều trị bệnh lậu
Thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn lậu và chấm dứt các triệu chứng, miễn là dùng theo đúng theo chỉ định. Điều quan trọng là cần bắt đầu điều trị ngay sau khi được chẩn đoán.
Điều trị bệnh lậu sinh dục
Đối với những phụ nữ không mang thai thì có thể điều trị bệnh lậu bằng cách dùng kết hợp hai loại thuốc kháng sinh là:
- ceftriaxone, 250miligam (mg), tiêm bắp một liều duy nhất
- azithromycin (Zithromax), 1g, uống một liều duy nhất
Với những trường hợp không thể dùng ceftriaxone (ví dụ như do dị ứng) thì phương pháp điều trị thay thế là:
- cefixime (Suprax), 400mg, uống một liều duy nhất
- azithromycin (Zithromax), 1g, uống một liều duy nhất
Ceftriaxone và cefixime đều thuộc nhóm thuốc kháng sinh cephalosporin.
Một số loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm fluoroquinolone, chẳng hạn như ciprofloxacin (Cipro) và ofloxacin (Floxin), đã không còn được khuyến nghị để điều trị bệnh lậu. Spectinomycin, một loại kháng sinh khác từng được kê để điều trị bệnh lậu, hiện cũng đã không còn được sử dụng ở nhiều quốc gia trên Thế giới.
Điều trị bệnh lậu ở miệng
Bệnh lậu ở miệng và cổ họng khó điều trị hơn so với bệnh lậu ở bộ phận sinh dục. Mặc dù cũng có thể điều trị bệnh lậu ở miệng bằng các loại thuốc kháng sinh kể trên nhưng hiệu quả thường kém hơn.
Bệnh nhân sẽ cần đến tái khám sau từ 5 đến 7 ngày kể từ lúc bắt đầu điều trị để làm xét nghiệm cấy dịch họng xác định xem vi khuẩn có bị tiêu diệt hay không. Nếu tình trạng bệnh không khỏi sau khi kết thúc đợt kháng sinh thì sẽ cần phải điều trị kéo dài.
Điều trị nhiễm lậu cầu lan tỏa
Nhiễm lậu cầu lan tỏa hay nhiễm lậu cầu toàn thân là một biến chứng xảy ra khi vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae lây nhiễm qua đường máu đến nhiều bộ phận khác của cơ thể. Những người gặp phải biến chứng này sẽ cần phải nhập viện trong giai đoạn đầu điều trị. Dưới đây là phương pháp điều trị một số vấn đề do nhiễm lậu cầu lan tỏa.
Viêm khớp do lậu cầu
Trong những trường hợp bị viêm khớp do lậu cầu thì phác đồ điều trị ban đầu gồm có:
- ceftriaxone, 1g, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch cách 24 tiếng một lần
- azithromycin (Zithromax), 1g, uống một liều duy nhất
Đối với những người không thể sử dụng ceftriaxone thì phương pháp điều trị thay thế là:
- cefotaxime, 1g, tiêm tĩnh mạch 8 tiếng một lần
- ceftizoxime, 1g, tiêm tĩnh mạch 8 tiếng một lần
Giai đoạn đầu tiên sẽ kéo dài cho đến khi tình trạng bệnh có dấu hiệu cải thiện trong ít nhất 24 đến 48 tiếng liên tục. Trong giai đoạn thứ hai, nếu tình trạng bệnh vẫn tiếp tục thuyên giảm thì người bệnh sẽ được chuyển sang dùng thuốc kháng sinh đường uống. Tổng thời gian điều trị thường kéo dài ít nhất 1 tuần.
Viêm màng não và viêm nội tâm mạc do lậu cầu
Ở những trường hợp bị viêm màng não và viêm nội tâm mạc do lậu cầu thì phác đồ điều trị ban đầu gồm có:
- ceftriaxone, 1 - 2g, tiêm tĩnh mạch cách 12 - 24 tiếng một lần
- azithromycin (Zithromax), 1g, uống một liều duy nhất
Tổng thời gian điều trị viêm màng não do lậu cầu thường kéo dài ít nhất 10 ngày trong khi tổng thời gian điều trị viêm nội tâm mạc do lậu cầu thường kéo dài ít nhất 4 tuần.
Điều trị bệnh lậu cho phụ nữ mang thai
Các loại thuốc điều trị bệnh lậu cho phụ nữ có thai về cơ bản cũng giống như thuốc được sử dụng cho những người không mang thai.
Cần phải điều trị sớm để ngăn bệnh lây truyền và gây ra các biến chứng cho trẻ sơ sinh.
Vi khuẩn lậu ở trẻ sơ sinh thường gây viêm kết mạc hay đau mắt đỏ. Tại một số quốc gia, tất cả trẻ sơ sinh đều được bôi thuốc kháng sinh tra mắt, chẳng hạn như erythromycin, để phòng ngừa bệnh lậu.
Những phụ nữ mang thai được chẩn đoán mắc bệnh lậu cũng nên làm xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, gồm có HIV.
Vi khuẩn lậu kháng thuốc
Trong những năm gần đây, vi khuẩn lậu Neisseria gonorrhoeae đã có khả năng đề kháng với một số loại thuốc kháng sinh vẫn được sử dụng để điều trị bệnh lậu, gồm có cả penicillin và tetracycline. Như vậy có nghĩa là những loại thuốc này sẽ kém hiệu quả hơn hay thậm chí là không có hiệu quả.
Do đó mà hiện nay, những người bị bệnh lậu thường được bác sĩ kê cùng lúc hai loại thuốc kháng sinh, ví dụ như ceftriaxone và azithromycin.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sau một thời gian nữa, vi khuẩn lậu sẽ tiếp tục phát triển khả năng đề kháng với nhiều loại thuốc kháng sinh khác.
Các tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh lậu
Tác dụng phụ là một mối quan tâm lớn khi điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh. Tất cả các loại thuốc kháng sinh đều có thể gây mất cân bằng hệ vi sinh vật trong đường ruột hoặc âm đạo.
Điều này khiến cho người bệnh dễ gặp phải những vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy hoặc nhiễm trùng nấm men. Rối loạn tiêu hóa là một tác dụng phụ phổ biến của thuốc kháng sinh.
Ngoài ra tùy thuộc vào loại kháng sinh được sử dụng mà sẽ còn có các tác dụng phụ khác.
Ví dụ, cephalosporin có thể gây ra các tác dụng phụ như:
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Nhiễm nấm men
- Phát ban
- Phản ứng dị ứng
- Buồn nôn, nôn
- Chóng mặt
- Tổn hại thận
Azithromycin có các tác dụng phụ như:
- Đau bụng
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
- Nôn mửa
- Táo bón
- Chóng mặt
- Mệt mỏi
Biên pháp phòng ngừa bệnh lậu
Có nhiều biện pháp để tránh mắc bệnh lậu và ngăn ngừa bệnh lây truyền khi đã mắc. Một số biện pháp hiệu quả nhất là quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su khi quan hệ, dù là qua đường âm đạo, đường miệng hay hậu môn và không quan hệ tình dục với nhiều người.
Vì bệnh lậu thường không biểu hiện triệu chứng nên tất cả những người có quan hệ tình dục đều nên đi xét nghiệm thường xuyên. Ngoài ra, cần đi xét nghiệm khi quan hệ với người mới và khi bạn tình đã được chẩn đoán mắc bệnh lậu.
Hỏi ý kiến bác sĩ về tần suất xét nghiệm bệnh lậu và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Ngăn ngừa lây truyền
Để giảm nguy cơ lây truyền bệnh lậu cho người khác thì cần ngừng quan hệ tình dục ít nhất 7 ngày sau khi hoàn thành quá trình điều trị. Ngoài ra, khi có kết quả dương tính thì cần báo với người đã quan hệ tình dục cùng trong vòng 60 ngày trở lại để đi xét nghiệm và điều trị.
Nếu cả hai đều có kết quả dương tính thì phải cùng điều trị. Cả hai sẽ cần ngừng quan hệ tình dục cho đến khi hoàn thành đợt kháng sinh và bác sĩ xác nhận đã khỏi bệnh khi đi tái khám.
Kể cả khi đã điều trị khỏi thì vẫn có thể bị bệnh lậu trở lại nếu tiếp tục quan hệ tình dục với người bệnh.
Biến chứng khi không điều trị
Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách thì bệnh lậu sẽ dẫn đến bệnh viêm vùng chậu ở phụ nữ hoặc viêm mào tình hoàn, hẹp niệu đạo do sẹo ở nam giới.
Những người gần đây được chẩn đoán mắc bệnh lậu cũng nên làm xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, ví dụ như bệnh giang mai, chlamydia, mụn rộp (herpes), HPV, HIV vì bệnh lậu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh này.