Đổ mồ hôi về đêm khi có kinh nguyệt là do nguyên nhân nào?

4 năm trước 29

Đổ mồ hôi về đêm trong thời gian có kinh nguyệt là một hiện tượng bình thường, xảy ra do sự thay đổi nội tiết tố. Nhưng nếu có đi kèm với bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác thì nên đi khám để phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn.

Nội dung chính của bài viết:

  • Trong kỳ kinh nguyệt, nhiều phụ nữ gặp phải hiện tượng đổ mổ hôi khi ngủ vào ban đêm.
  • Hiện tượng này có thể xảy ra từ những năm còn trẻ và nặng hơn khi đến giai đoạn tiền mãn kinh hoặc chỉ bắt đầu xảy ra khi bước vào giữa độ tuổi 30 hoặc 40.
  • Thay đổi nội tiết tố và mãn kinh sớm là những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng đổ mồ hôi vào ban đêm trong thời gian có kinh nguyệt.
  • Bị đổ mồ hôi về đêm ngoài thời gian có kinh nguyệt có thể là một triệu chứng của: chứng ngưng thở khi ngủ; do nhiễm trùng; bệnh trào ngược dạ dạy thực quản; căng thẳng; do uống rượu hay một số yếu tố về lối sống.
  • Một số thay đổi trong lối sống có thể giúp cải thiện tình trạng ra mồ hôi khi ngủ vào ban đêm mà không cần dùng thuốc hoặc các phương pháp điều trị y tế khác. 
  • Nếu tình trạng đổ mồ hôi về đêm kéo dài thường xuyên và gây khó chịu, mất ngủ hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì nên đi khám bác sĩ.

Dưới đây là một số nguyên nhân gây đổ mồ hôi vào ban đêm trong thời gian có kinh nguyệt, cách khắc phục và những dấu hiệu cần đi khám.

Thay đổi nội tiết tố

Đổ mồ hôi về đêm thường xảy ra cùng với các triệu chứng khác của hội chứng tiền kinh nguyệt (premenstrual syndrome) như đau bụng hay ngưởi mệt mỏi nhưng có thể xuất hiện sau khi bắt đầu hiện tượng ra máu. Nồng độ hormone (nội tiết tố) luôn dao động trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Cụ thể, những thay đổi về nồng độ hormone estrogen và progesterone có thể góp phần gây ra các triệu chứng tiền kinh nguyệt, bao gồm cả bốc hỏa và đổ mồ hôi về đêm.

Khi nồng độ progesterone tăng cao, nồng độ estrogen sẽ giảm. Sự sụt giảm này sẽ ảnh hưởng đến vùng dưới đồi - một khu vực của não bộ có vai trò kiểm soát nhiệt độ bên trong cơ thể.

Vì thế nên trong thời gian này, não sẽ dễ phản ứng với những thay đổi nhiệt độ dù chỉ rất nhẹ và gửi tín hiệu báo cho cơ thể bắt đầu cơ chế làm mát bằng cách đổ mồ hôi, ngay cả khi không cần thiết.

Đó có phải dấu hiệu tiền mãn kinh không?

Nếu bạn bị bốc hỏa vào ban đêm nhưng chưa đến tuổi mãn kinh thì có thể là do sắp bước vào giai đoạn tiền mãn kinh – khoảng thời gian trước khi mãn kinh.

Các dấu hiệu tiền mãn kinh thường bắt đầu sau tuổi 40 nhưng đôi khi xuất hiện từ rất sớm, có thể từ cuối độ tuổi 30. Trên thực tế, đổ mồ hôi về đêm thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên của giai đoạn tiền mãn kinh.

Mãn kinh sớm

Suy buồng trứng nguyên phát (primary ovarian insufficiency) là tình trạng mà các triệu chứng mãn kinh xảy ra trước tuổi 40. Tình trạng này còn được gọi là mãn kinh sớm hay suy buồng trứng sớm.

Các chuyên gia đã tìm thấy bằng chứng chỉ ra rằng ở những người bị suy buồng trứng nguyên phát thì buồng trứng vẫn có thể hoạt động nhưng chức năng không còn được như bình thường.

Các triệu chứng của suy buồng trứng nguyên phát gồm có:

  • Kinh nguyệt không diễn ra đều đặn hàng tháng hoặc bị lỡ kinh nguyệt (vô kinh hay mất kinh nguyệt)
  • Đổ mồ hôi vào ban đêm và bốc hỏa
  • Thay đổi tâm trạng thất thường
  • Giảm khả năng tập trung
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Khô âm đạo
  • Đau đớn khi quan hệ

Suy buồng trứng nguyên phát làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và gây loãng xương, khiến xương giòn, dễ gãy.

Tình trạng này cũng thường dẫn đến vô sinh, vì vậy điều quan trọng là phải đi khám ngay khi có các triệu chứng, đặc biệt là nếu vẫn còn có ý định sinh con.

Các nguyên nhân khác

Đổ mồ hôi về đêm có thể là do các nguyên nhân khác gây ra ngoài các vấn đề về nội tiết tố hay mãn kinh sớm.

Thi thoảng bị đổ mồ hôi về đêm ngoài thời gian có kinh nguyệt có thể là một triệu chứng của:

  • Chứng ngưng thở khi ngủ
  • Các bệnh nhiễm trùng, từ những bệnh nhiễm trùng nhẹ và phổ biến cho đến những bệnh nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như bệnh lao hay viêm nội tâm mạc
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
  • Lo âu và căng thẳng
  • Uống rượu, đặc biệt là uống nhiều rượu hoặc uống rượu vào buổi tối
  • Một số yếu tố về lối sống, ví dụ như tập thể dục cường độ cao, uống đồ uống nóng hoặc thức ăn cay ngay trước khi đi ngủ
  • Chăn đệm quá dày hoặc nhiệt độ trong phòng ngủ quá cao

Đổ mồ hôi về đêm đôi khi cũng xảy ra do tác dụng phụ của một số loại thuốc. Các loại thuốc phổ biến thường gây hiện tượng này gồm có:

  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng
  • Thuốc chống loạn thần phenothiazine
  • Thuốc trị tiểu đường
  • Thuốc trong liệu pháp hormone
  • Các loại steroid, chẳng hạn như cortisone và prednisone
  • Thuốc giảm đau, chẳng hạn như acetaminophen và aspirin

Ung thư đôi khi cũng có triệu chứng là ra mồ hôi vào ban đêm nhưng đây không phải là nguyên nhân phổ biến. Nếu bị ung thư thì người bệnh thường có cả các triệu chứng khác, ví dụ như sụt cân không rõ nguyên nhân và người mệt mỏi.

Biện pháp khắc phục

Tình trạng đổ mồ hôi về đêm thường xuyên sẽ gây khó chịu và thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ nhưng có nhiều biện pháp để khắc phục vấn đề này. Một số thay đổi trong lối sống có thể giúp cải thiện tình trạng ra mồ hôi khi ngủ vào ban đêm mà không cần dùng thuốc hoặc các phương pháp điều trị y tế khác.

Bạn có thể thử những cách sau:

  • Hạ nhiệt độ trong phòng ngủ, ví dụ như để cửa sổ mở vào ban đêm hoặc bật điều hòa.
  • Thay chăn đệm mỏng hơn: Khi thời tiết không quá lạnh thì chỉ nên dùng chăn đệm mỏng và nhẹ. Bạn cũng nên chọn mua chăn đệm được làm từ chất liệu nhanh khô và thoát ẩm tốt.
  • Đặt một túi chườm lạnh ở dưới gối: Đặt một túi gel chườm lạnh ở bên dưới gối sẽ giúp làm mát trong khi ngủ. Khi phải thức dậy vào ban đêm thì có thể lật gối lại để làm mát cho khuôn mặt.
  • Để nước mát cạnh giường: Nên để một bình giữ nhiệt đựng nước lạnh ở bên cạnh giường để khi phải tỉnh giấc do ra mồ hôi trong khi ngủ thì có thể uống một vài ngụm để làm mát cơ thể.
  • Tập luyện đêu đặn: Tập thể dục thường xuyên có rất nhiều lợi ích cho cơ thể, gồm có giảm căng thẳng và từ đó cải thiện tình trạng đổ mồ hôi vào ban đêm. Tuy nhiên, không tập thể dục nặng ngay trước khi đi ngủ và nên tắm nước mát sau khi tập.
  • Tránh các tác nhân gây đổ mồ hôi: Các tác nhân phổ biến gây ra hiện tượng vã mồ hôi vào ban đêm gồm có thức ăn cay, rượu, hút thuốc lá và caffeine. Tránh những thứ này trong khoảng vài tiếng trước khi đi ngủ hoặc tránh hoàn toàn sẽ giúp giảm tình trạng đổ mồ hôi về đêm. Việc hạn chế tiêu thụ caffeine còn giúp cải thiện các triệu chứng tiền kinh nguyệt.
  • Uống nhiều nước: Uống đủ nước trong suốt cả ngày là điều rất quan trọng đối với nhiều chức năng của cơ thể. Điều này còn giúp giữ cho cơ thể mát mẻ và từ đó làm giảm tình trạng bị ra mồ hôi nhiều vào ban đêm.

Khi nào cần đi khám?

Nếu tình trạng đổ mồ hôi về đêm kéo dài thường xuyên và gây khó chịu, mất ngủ hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì nên đi khám bác sĩ.

Đổ mồ hôi về đêm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường xảy ra thường xuyên hơn vào giai đoạn cuối độ tuổi 30 đến đầu độ tuổi 40.

Nếu chỉ bị đổ mồ hôi về đêm ngay trước hoặc trong thời gian có kinh nguyệt thì đây là hiện tượng bình thường do thay đổi nội tiết tố và không cần phải lo lắng, đặc biệt là khi không có bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác.

Nhưng nếu bắt đầu có các dấu hiệu mãn kinh trước tuổi 30 thì nên đi khám bác sĩ để loại trừ khả năng suy buồng trứng nguyên phát – vấn đề này có thể dẫn đến vô sinh, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và loãng xương.

Đôi khi, đổ mồ hôi về đêm có thể là dấu hiệu chỉ ra một vấn đề nghiêm trọng hơn. Cần đi khám ngay khi tình trạng này tiếp diễn trong thời gian dài và đi kèm các triệu chứng khác như:

  • Khó ngủ
  • Sốt
  • Thèm ăn nhiều hơn bình thường hoặc đột nhiên chán ăn
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Da nổi mẩn đỏ không rõ nguyên nhân
  • Sưng hạch bạch huyết

Nếu tình trạng vã mồ hôi vào ban đêm ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống thì đừng nên trì hoãn mà hãy đến gặp bác sĩ ngay. Tùy thuộc vào nguyên nhân sau khi thăm khám mà bác sĩ sẽ đưa ra các giải pháp thích hợp để điều trị vấn đề.

Trong một số trường hợp, triệu chứng đổ mồ hôi về đêm không thể tự hết mà bắt buộc phải dùng thuốc, kể cả những trường hợp tiền mãn kinh hoặc mãn kinh. Các loại thuốc thường được sử dụng để giúp kiểm soát tình trạng này thường là liệu pháp hormone hoặc thuốc chống trầm cảm liều thấp.

Đọc toàn bộ bài viết