Giang mai thứ phát điều trị bằng cách nào?

3 năm trước 30

Nếu không được điều trị, thì bệnh giang mai sẽ tiến triển từ giai đoạn đầu sang giai đoạn 2, đó là giang mai thứ phát.

Giang mai thứ phát là gì?

Giang mai là một bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI). Bệnh này tiến triển qua 4 giai đoạn là giai đoạn nguyên phát, giai đoạn thứ phát, giai đoạn tiềm ẩn và giai đoạn tam phát. Giang mai nguyên phát là giai đoạn đầu của bệnh. Một số biểu hiện ở giai đoạn này là xuất hiện một hoặc nhiều vết loét nhỏ, không đau (được gọi là săng giang mai) ở trên hoặc xung quanh bộ phận sinh dục, hậu môn hoặc miệng.

Nếu không được điều trị, thì bệnh giang mai sẽ tiến triển từ giai đoạn đầu sang giai đoạn 2, đó là giang mai thứ phát. Nếu vẫn không được điều trị thì bệnh giang mai thứ phát sẽ tiến triển sang giai đoạn tiềm ẩn và sau đó sẽ tiếp tục sang giai đoạn tam phát hay giai đoạn 3.

Giai đoạn thứ phát của bệnh giang mai có thể chữa khỏi bằng các loại thuốc. Điều quan trọng nhất là phải điều trị ngay từ sớm để ngăn bệnh tiến triển sang giai đoạn 3 vì ở giai đoạn này, có thể bệnh sẽ không chữa khỏi được nữa và gây tổn hại đến các cơ quan trong cơ thể, dẫn đến một số biến chứng như mất trí nhớ, liệt hoặc thậm chí tử vong.

Con đường lây truyền bệnh giang mai

Bệnh giang mai do một loại xoắn khuẩn (loại vi khuẩn có hình xoắn ốc) có tên là Treponema pallidum gây ra. Vì thế mà loại vi khuẩn này còn được gọi là xoắn khuẩn giang mai. Một người có thể bị nhiễm xoắn khuẩn giang mai qua một trong những con đường như:

  • Tiếp xúc trực tiếp với vết loét (thường là ở âm đạo, hậu môn, trực tràng, trong miệng hoặc trên môi) của người bệnh
  • Quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với người bị bệnh giang mai
  • Qua đường máu, ví dụ như dùng chung bơm kim tiêm hay truyền máu
  • Người mẹ bị bệnh giang mai có thể lây truyền bệnh sang con trong thời gian mang thai hoặc trong quá trình sinh nở. Điều này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho trẻ hoặc thậm chí tử vong.

Ở giai đoạn nguyên phát và thứ phát, bệnh giang mai đặc biệt rất dễ lây lan. Khi nhận được kết quả xét nghiệm dương tính thì cần thông báo với những người đã từng quan hệ tình dục cùng trước đây để họ cũng đi xét nghiệm xem có bị lây bệnh hay không.

Bệnh giang mai không lây qua sự tiếp xúc gián tiếp, ví dụ như tay nắm cửa, bệ xí, bể bơi, quần áo, bồn tắm hay đồ đạc vì vi khuẩn sẽ chết sau một thời gian ngắn ở bên ngoài cơ thể.

Mắc bệnh giang mai sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm HIV vì HIV lây nhiễm qua các vết thương hở, ví dụ như vết loét. Vì con đường lây truyền của bệnh giang mai và HIV giống nhau nên nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh giang mai thì rất có thể cũng đã bị phơi nhiễm với HIV.

Các triệu chứng của giang mai thứ phát

Bệnh giang mai nguyên phát thường có biểu hiện là xuất hiện những vết loét, được gọi là săng giang mai. Vết loét này thường xuất hiện sau khoảng 3 tuần kể từ khi tiếp xúc với xoắn khuẩn giang mai nhưng đôi khi cũng có thể xuất hiện chỉ sau 10 ngày hoặc phải đến 90 ngày sau mới hình thành. Săng giang mai thường có kích thước nhỏ, chắc, tròn và không đau. Chúng xuất hiện tại những vị trí bị nhiễm vi khuẩn, thường là miệng, hậu môn hoặc bộ phận sinh dục. Nhiều người thậm chí còn không phát hiện ra những vết loét này. Kể cả khi không được điều trị thì săng giang mai cũng sẽ tự lành sau khoảng một tháng.

Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời trong khoảng thời gian bệnh mới xuất hiện các dấu hiệu ban đầu thì vi khuẩn gây bệnh giang mai sẽ lây lan qua đường máu và bệnh tiến triển sang giai đoạn thứ phát.

Các dấu hiệu, triệu chứng của giang mai ở giai đoạn 2 thường xuất biện sau từ 2 đến 8 tuần kể từ khi nhiễm bệnh. Giai đoạn này thường có triệu chứng là nổi những vết phát ban không đau và không ngứa.

Phát ban có thể chỉ xuất hiện giới hạn ở một bộ phận của cơ thể hoặc cũng có thể lan rộng ra nhiều khu vực. Biểu hiện của phát ban ở mỗi người là khác nhau. Một biểu hiện thường gặp là nổi những đốm tròn, thô ráp màu nâu đỏ ở lòng bàn chân và lòng bàn tay.

Đôi khi, phát ban giang mai trông giống như phát ban do các bệnh khác. Điều này gây khó khăn cho việc phát hiện, chẩn đoán bệnh. Ở một số trường hợp, những vết phát ban giang mai chỉ rất mờ nên người bệnh không chú ý đến trong khi có người lại bị nổi những sẩn sần sùi, lớn, màu trắng xám ở bộ phận sinh dục, hậu môn hay những khu vực có nếp gấp da như bẹn.

Các triệu chứng khác của giang mai thứ phát còn có:

  • Đau họng
  • Sốt
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Đau đầu
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Đau nhức cơ
  • Xuất hiện các sẩn giống như mụn cóc ở xung quanh nếp gấp da hoặc bộ phận sinh dục
  • Ăn không ngon miệng
  • Đau khớp
  • Sưng hạch bạch huyết

Các triệu chứng này sẽ biến mất dù không điều trị. Tuy nhiên, không phải bệnh tự khỏi mà chỉ là chuyển sang giai đoạn tiềm ẩn (không bộc lộ triệu chứng). Lúc này, vi khuẩn vẫn tồn tại trong cơ thể.

Sau một thời gian, giang mai tiềm ẩn sẽ chuyển sang giai đoạn 3 hay giai đoạn cuối, gây tổn hại đến nhiều cơ quan và có thể dẫn đến tử vong.

Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh giang mai, trước tiên bác sĩ sẽ khám lâm sàng và hỏi về bệnh sử. Khi có vết loét thì bác sĩ sẽ lấy một mẫu dịch ở đó và gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra dưới kính hiển vi nền đen. Vi khuẩn giang mai sẽ hiện ra dưới kính hiển vi. Kỹ thuật này được gọi là kính hiển vi trường tối.

Một công cụ khác cũng chính xác để phát hiện bệnh giang mai là xét nghiệm RPR hay phản ứng huyết tương nhanh (Rapid Plasma Reagin Test). Cơ thể chúng ta tạo ra các kháng thể để chống lại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và những kẻ xâm lược từ bên ngoài. Xét nghiệm RPR sẽ giúp phát hiện những kháng thể chống lại xoắn khuẩn giang mai trong máu – một dấu hiệu cho thấy đã bị giang mai. Xét nghiệm RPR là một phương pháp rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai, vì nếu không được phát hiện và điều trị, bệnh giang mai sẽ lây truyền sang thai nhi và có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ.

Ngoài ra, trong những trường hợp bị giang mai giai đoạn 3 thì còn phải làm xét nghiệm dịch não tủy.

Điều trị giang mai thứ phát bằng cách nào?

Bệnh giang mai là bệnh cần phải điều trị bằng thuốc kháng sinh kê đơn. Nếu chẩn đoán sớm thì có thể chỉ cần tiêm một mũi penicillin là đủ. Nhưng nếu như đã qua một thời gian dài kể từ khi nhiễm bệnh thì sẽ cần phải tiêm nhiều mũi.

Với những người bị dị ứng với penicillin thì bác sĩ sẽ kê các loại thuốc kháng sinh khác, chẳng hạn như doxycycline hoặc tetracycline. Tuy nhiên, đối với những phụ nữ đang mang thai thì penicillin là lựa chọn tốt nhất vì các loại thuốc kháng sinh khác có thể gây hại cho thai nhi đang phát triển hoặc không có tác dụng ngăn ngừa bệnh lây truyền từ mẹ sang con.

Thuốc kháng sinh sẽ tiêu diệt xoắn khuẩn giang mai và ngăn chặn chúng tiếp tục gây hại thêm cho cơ thể. Tuy nhiên, tất cả những loại thuốc này đều không thể phục hồi được những tổn hại mà bệnh đã gây ra.

Trong thời gian điều trị bệnh giang mai thì không được quan hệ tình dục cho đến khi đã hoàn thành toàn bộ liệu trình kháng sinh và kết quả tái khám cho thấy vi khuẩn đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

Khi có kết quả xét nghiệm dương tính thì cần báo ngay cho bạn tình để cũng đi xét nghiệm và tránh tiếp tục lây truyền. Nếu người đó cũng mắc bệnh thì cả hai đều phải điều trị để tránh lây nhiễm qua lại.

Các biến chứng khi không điều trị

Nếu không điều trị, bệnh giang mai sẽ tiếp tục tiến triển nặng. Có thể phải sau 10 hoặc 20 năm kể từ khi nhiễm bệnh thì mới xảy ra những biến chứng nghiêm trọng nhất nhưng sẽ gây tổn hại đến nhiều cơ quan trong cơ thể như não, mắt, tim, thần kinh, xương, khớp và gan. Người bệnh cũng có thể bị liệt, mù, mất trí nhớ hoặc mất cảm giác trên cơ thể. Ở phụ nữ mang thai, giang mai có thể khiến thai chết lưu hoặc trẻ sinh ra bị chậm phát triển.

Và ngay cả khi đã chữa khỏi hoàn toàn thì một người vẫn có thể bị lại bệnh này nếu tiếp tục quan hệ tình dục không an toàn.

Những người đang điều trị bệnh giang mai có thể gặp phải phản ứng Jarisch-Herxheimer trong vòng 24 giờ kể từ liều kháng sinh đầu tiên. Đây là phản ứng xảy ra khi cơ thể tiêu diệt vi khuẩn giang mai. Các biểu hiện của phản ứng Jarisch-Herxheimer gồm có:

  • Cảm giác ớn lạnh
  • Phát ban
  • Sốt cao, lên đến 40 độ C
  • Tim đập nhanh
  • Tăng thông khí (thở ra nhiều hơn so với hít vào, dẫn đến giảm mạnh lượng CO2 trong cơ thể)
  • Đau đầu
  • Đau cơ
  • Đau khớp
  • Buồn nôn

Phản ứng Jarisch-Herxheimer xảy ra khá phổ biến và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nếu có các biểu hiện kể trên thì cần đến bệnh viện ngay lập tức.

Ngoài ra, các vết săng giang mai sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục khác. Do đó, nên đi xét nghiệm HIV và các bệnh khác nếu bị giang mai.

Biện pháp phòng ngừa giang mai thứ phát

Có thể ngăn chặn bệnh giang mai tiến triển sang giai đoạn thứ phát bằng cách điều trị ngay ở giai đoạn nguyên phát. Nhưng tốt nhất vẫn nên phòng ngừa bệnh ngay từ đầu bằng cách quan hệ tình dục an toàn, chẳng hạn như sử dụng bao cao su. Nên thường xuyên đi xét nghiệm giang mai và các bệnh lây qua đường tình dục khác nếu như có quan hệ tình dục, đặc biệt là quan hệ tình dục không an toàn và có nhiều bạn tình.

Những người được khuyến nghị nên thường xuyên làm xét nghiệm bệnh giang mai gồm có:

  • Phụ nữ mang thai
  • Những người thuộc nhóm có nguy cơ cao, ví dụ như nam giới quan hệ tình dục đồng tính và người có nhiều bạn tình
  • Người nhiễm HIV/AIDS

Nếu nhận thấy có bất kỳ vết loét hoặc phát ban bất thường nào, đặc biệt là ở quanh bộ phận sinh dục hoặc hậu môn thì hãy ngừng quan hệ tình dục ngay và đi khám càng sớm càng tốt. Bệnh giang mai càng được phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ càng dễ dàng, khả năng chữa khỏi càng cao và mức độ tổn hại đến cơ thể càng thấp. Khi được chẩn đoán bệnh thì cần ngay lập tức thông báo cho tất cả những ai đã từng quan hệ tình dục cùng để họ cũng đi khám và điều trị. Giang mai là một bệnh rất dễ lây lan.

Tóm tắt bài viết

Bệnh giang mai nếu được chẩn đoán và điều trị sớm thì có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Khi được điều trị kịp thời, giang mai ở giai đoạn thứ phát thường khỏi trong vòng vài tuần đến một năm, tùy từng người.

Nếu giang mai thứ phát không được điều trị thì các triệu chứng sẽ tự biến mất nhưng bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn tiềm ẩn. Giai đoạn tiềm ẩn là giai đoạn là bệnh không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào và có thể kéo dài suốt nhiều năm. Ở một số người, các triệu chứng không bao giờ xuất hiện lại nữa.

Tuy nhiên, nếu tiếp tục không điều trị thì bệnh có thể tiến triển sang giai đoạn 3 hay giai đoạn cuối. Ở giai đoạn này, giang mai sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, gồm có tổn thương hệ thần kinh và thậm chí tử vong. Do đó, cần đi khám ngay khi nghi ngờ có thể mình đã bị nhiễm giang mai hoặc có những biểu hiện bất thường để được phát hiện và điều trị ngay từ sớm.

Đọc toàn bộ bài viết