Khi nào cần siêu âm qua đường âm đạo?

3 năm trước 23

Siêu âm qua đường âm đạo là gì?

Siêu âm là phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng âm thanh tần số cao để tạo ra hình ảnh của các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Phương pháp này giúp bác sĩ phát hiện các vấn đề bất thường và đưa ra chẩn đoán tình trạng bệnh.

Siêu âm qua đường âm đạo (endovaginal ultrasound) là một kỹ thuật siêu âm vùng chậu được sử dụng để kiểm tra các cơ quan sinh dục nữ, gồm có tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng, cổ tử cung và âm đạo.

Trong quá trình siêu âm vùng bụng hoặc vùng chậu thông thường, đầu dò siêu âm được đặt ở bên trên bụng. Nhưng khi siêu âm qua đường âm đạo thì đầu dò siêu âm lại đưa vào bên trong ống âm đạo khoảng 5 đến 7cm.

Khi nào cần siêu âm qua đường âm đạo?

Có nhiều lý do cần phải siêu âm qua đường âm đạo, ví dụ như:

  • Cần kiểm tra vùng chậu hoặc bụng khi có những biểu hiện bất thường
  • Chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân
  • Đau vùng chậu
  • Kiểm tra xem có mang thai ngoài tử cung (xảy ra khi phôi thai làm tổ ở bên ngoài tử cung, thường là ở ống dẫn trứng) hay không
  • Tìm nguyên nhân gây vô sinh hay sảy thai liên tiếp
  • Xác định nguyên nhân gây kinh nguyệt bất thường
  • Kiểm tra u nang buồng trứng hoặc u xơ tử cung
  • Kiểm tra xem vòng tránh thai đã vào đúng vị trí hay chưa

Siêu âm qua đường âm đạo cũng thường được thực hiện trong thời gian mang thai để:

  • theo dõi nhịp tim của thai nhi
  • kiểm tra cổ tử cung để phát hiện những thay đổi có thể dẫn đến các biến chứng như sảy thai hoặc sinh non
  • kiểm tra nhau thai xem có gì bất thường hay không
  • xác định nguyên nhân gây chảy máu âm đạo
  • dự đoán khả năng sảy thai
  • xác nhận mang thai sớm

Cần chuẩn bị những gì?

Siêu âm qua đường âm đạo không đòi hỏi phải chuẩn bị gì nhiều.

Sau khi đến bệnh viện hay phòng khám, bệnh nhân phải cởi bỏ đồ từ thắt lưng trở xuống và quấn một chiếc khăn choàng.

Tùy thuộc vào hướng dẫn của bác sĩ và lý do cần siêu âm mà sẽ cần đi tiểu hết hoặc để cho bàng quang đầy. Bàng quang đầy giúp đẩy ruột lên và tạo môi trường lý tưởng cho sự truyền sóng âm thanh, từ đó cho ra hình ảnh rõ nét hơn của các cơ quan trong vùng chậu.

Nếu bác sĩ yêu cầu giữ cho bàng quang đầy thì bệnh nhân nên uống khoảng 1 lít nước lọc hoặc bất kỳ loại nước nào trước khi siêu âm khoảng một tiếng.

Nếu đang trong thời gian có kinh nguyệt hoặc nếu đang bị chảy máu âm đạo bất thường và đang dùng tampon hoặc cốc nguyệt san thì phải tháo ra trước khi siêu âm.

Quy trình thực hiện

Bệnh nhân nằm ngửa trên bàn khám, tách hai chân và co đầu gối lên.

Bác sĩ bôi gel bôi trơn hoặc bọc đầu dò siêu âm bằng bao cao su rồi sau đó đưa vào âm đạo. Trước đó, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử dị ứng cao su. Nếu bệnh nhân bị dị ứng cao su thì sẽ sử dụng loại bọc đầu dò bằng chất liệu khác.

Bệnh nhân có thể sẽ cảm thấy hơi khó chịu khi bác sĩ đưa đầu dò vào trong cơ thể. Cảm giác này tương tự như cảm giác trong quá trình xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung khi mỏ vịt được đưa vào âm đạo.

Khi đã ở bên trong cơ thể, đầu dò sẽ phát ra sóng âm thanh cao tần, sau đó thu các sóng dội lại từ cơ quan nội tạng và tạo ra hình ảnh hiển thị trên màn hình.

Trong quá trình, kỹ thuật viên hoặc bác sĩ sẽ từ từ xoay đầu dò để thu hình ảnh toàn diện của các cơ quan.

Đôi khi sẽ cần thực hiện kỹ thuật siêu âm truyền nước muối (SIS). Đây là một kỹ thuật siêu âm qua đường âm đạo đặc biệt, trong đó dung dịch nước muối vô trùng được bơm vào buồng tử cung trước khi siêu âm để giúp xác định những dấu hiệu bất thường ở bên trong cơ quan này.

Dung dịch nước muối làm cho tử cung hơi phình lên và điều này sẽ cho hình ảnh rõ nét hơn so với siêu âm thông thường.

Khi đầu dò được đưa vào âm đạo, bệnh nhân sẽ cảm thấy hơi khó chịu một chút nhưng cảm giác này chỉ rất nhẹ và sẽ nhanh chóng qua đi ngay sau khi quy trình kiểm tra hoàn tất.

Nếu cảm thấy quá khó chịu hay đau đớn trong khi kiểm tra thì hãy nói với bác sĩ hoặc kỹ thuật viên để điều chỉnh.

Nếu không thể chịu đựng được hoặc cảm thấy ngại thì có thể chỉ siêu âm ổ bụng. Trong đó, bác sĩ sẽ thoa gel lên da bụng và sau đó di đầu dò lên để kiểm tra các cơ quan bên trong. Phương pháp siêu âm này cũng thường được thực hiện cho trẻ nhỏ khi cần lấy hình ảnh vùng chậu.

Toàn bộ quá trình siêu âm qua đường âm đạo thường mất khoảng 30 đến 60 phút và kết quả sẽ có ngay lập tức hoặc sau khoảng 24 giờ.

Siêu âm qua đường âm đạo thông thường có thể được thực hiện ở phụ nữ mang thai và những người đang bị viêm nhiễm ở âm đạo nhưng siêu âm truyền nước muối không thể thực hiện được cho những đối tượng này.

Các rủi ro

Siêu âm qua đường âm đạo là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh rất an toàn và không có rủi ro, mặc dù bệnh nhân có thể sẽ cảm thấy hơi khó chịu.

Phương pháp này còn an toàn cho cả phụ nữ mang thai và không hề gây hại cho thai nhi vì không sử dụng bức xạ giống như chụp X-quang hay chụp cắt lớp vi tính (chụp CT).

Kết quả cho thấy điều gì?

Sau khi siêu âm, bệnh nhân sẽ nhận được kết quả ngay lập tức hoặc sau khi bác sĩ phân tích và đưa ra chẩn đoán.

Siêu âm qua đường âm đạo giúp phát hiện nhiều vấn đề khác nhau, gồm có:

  • Ung thư ở các cơ quan sinh dục
  • U nang buồng trứng
  • U xơ tử cung
  • Nhiễm trùng vùng chậu
  • Thai ngoài tử cung
  • Sảy thai
  • Nhau tiền đạo (nhau thai bám ở vị trí thấp trong tử cung và có thể cần phải can thiệp)

Ngoài ra, siêu âm qua đường âm đạo còn được thực hiện trong những buổi khám thai định kỳ.

Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ giải thích cụ thể.

Nếu như hình ảnh thu được chưa đủ rõ ràng thì có thể sẽ cần siêu âm lại. Tùy thuộc vào các dấu hiệu, triệu chứng gặp phải mà có thể sẽ cần siêu âm vùng chậu hoặc siêu âm ổ bụng trước khi siêu âm qua đường âm đạo.

Đọc toàn bộ bài viết