Trong suốt giai đoạn tiền mãn kinh, nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể thay đổi thất thường. Sự dao động hormone này là nguyên nhân gây ra các triệu chứng cả về thể chất và tinh thần.
Nội dung chính của bài viết:
- Các triệu chứng khó chịu trong giai đoạn tiền mãn kinh khiến nhiều phụ nữ mong chờ từng ngày đến giai đoạn hậu mãn kinh. Tuy nhiên, kể cả khi bước sang giai đoạn này thì một số triệu chứng có thể sẽ vẫn tiếp diễn.
- Không có mốc thời gian cụ thể khi nào thì các triệu chứng mãn kinh bắt đầu và kết thúc.
- Thời kỳ mãn kinh ở mỗi phụ nữ là khác nhau. Do đó, hãy chủ động đối phó với các triệu chứng gặp phải để thời kỳ mãn kinh diễn ra một cách thoải mái nhất.
- Duy trì lối sống lành mạnh, bổ sung dưỡng chất, sử dụng hormone thay thế là những cách giúp kiểm soát triệu chứng tiền mãn kinh.
- Nếu những triệu chứng tiền mãn kinh gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày thì cần đi khám để bác sĩ tư vấn và điều trị.
Mãn kinh là giai đoạn đánh dấu sự chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản tự nhiên của phụ nữ. Một phụ nữ được xác định là mãn kinh khi không có kinh nguyệt trong vòng một năm. Độ tuổi bắt đầu mãn kinh trung bình là 51. Tuy nhiên, những thay đổi ở cơ thể đã bắt đầu xuất hiện từ một vài tháng hoặc vài năm trước đó. Giai đoạn này được gọi là tiền mãn kinh – quá trình chuyển tiếp sang mãn kinh.
Trong suốt giai đoạn tiền mãn kinh, nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể thay đổi thất thường. Sự dao động hormone này là nguyên nhân gây ra các triệu chứng phổ biến như:
- Bốc hỏa
- Đổ mồ hôi về đêm
- Thay đổi tâm trạng thất thường
- Xuất hiện những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, lo âu, bồn chồn
- Trằn trọc, khó ngủ
- Người mệt mỏi, uể oải
- Khô âm đạo
- Giảm tập trung
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về những triệu chứng tiền mãn kinh này và cách đối phó để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Các triệu chứng về thể chất
Bốc hỏa
Phytoestrogen là một hormone có nguồn gốc từ thực vật có thể khắc phục một phần sự thay đổi nội tiết tố xảy ra vào giai đoạn tiền mãn kinh. Đậu nành có chứa hàm lượng phytoestrogen rất cao, vì vậy, ăn các loại thực phẩm làm từ đậu nành như đậu phụ hay sữa đậu nành sẽ giúp cải thiện các triệu chứng tiền mãn kinh. Ngoài ra, phytoestrogen còn có trong những loại thực phẩm, thảo dược khác như:
- Thiên ma (black cohosh)
- Khoai lang
- Đương quy
- Cam thảo
- Cỏ ba lá đỏ (red clover)
Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng các loại thảo dược hoặc viên uống bổ sung phytoestrogen. Tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ sản phẩm nào để tránh xảy ra những vấn đề không mong muốn.
Tập thể dục cũng giúp làm giảm các cơn bốc hỏa. Khi vận động thể chất, lượng hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone luteinizing (LH) trong cơ thể sẽ giảm. Nên cố gắng tập luyện ít nhất 3 lần một tuần, mỗi lần ít nhất 20 phút.
Một biện pháp nữa để giảm triệu chứng bốc hỏa là châm cứu. Đây là một phương pháp điều trị trong y học cổ truyền, sử dụng các cây kim mảnh để đâm vào các huyệt đạo trên cơ thể.
Ngoài ra, cần tránh các tác nhân kích hoạt cơn bốc hỏa như đồ uống nóng, thức ăn cay và rượu. Giữ mát cho cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng rãi, mặc nhiều lớp khi trời lạnh để dễ dàng cởi ra khi thấy nóng và uống nhiều nước.
Đau vú
Vú căng đau, sưng lên và trở nên nhạy cảm cũng là một triệu chứng của thời kỳ mãn kinh. Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen và naproxen có thể giúp giảm triệu chứng này. Nếu tình trạng căng đau quá nghiêm trọng thì có thể cần điều trị bằng liệu pháp thay thế testosterone. Mặc dù có một số tác dụng phụ tiêu cực nhưng phương pháp này có thể làm giảm hiện tượng đau vú.
Khô âm đạo
Khô âm đạo gây đau rát khi quan hệ tình dục. Điều này có thể được khắc phục một cách đơn giản bằng cách dùng gel bôi trơn trước khi quan hệ. Bên cạnh đó cũng có thể dùng thêm các sản phẩm dưỡng ẩm âm đạo hoặc gel bôi trơn dùng hàng ngày.
Kem estrogen và vòng estrogen âm đạo phóng thích chậm đều cung cấp estrogen liều thấp vào bên trong âm đạo một cách từ từ. Estrogen giúp điều trị tình trạng khô nhưng việc sử dụng trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề nguy hiểm, ví dụ như:
- Đột quỵ
- Huyết khối (hình thành cục máu đông)
- Nhồi máu cơ tim
- Ung thư vú
Vì lý do này nên chỉ được sử dụng estrogen liều thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể còn nếu có tiền sử mắc một trong các bệnh này thì hoàn toàn không được điều trị bằng estrogen.
Giảm ham muốn
Vào thời kỳ mãn kinh, cơ thể phụ nữ sẽ giảm sản xuất testosterone. Đây là một loại hormone quan trọng quyết định ham muốn tình dục. Do đó mà khi bước vào tuổi mãn kinh, phụ nữ thường bị giảm ham muốn. Vấn đề này có thể được điều trị bằng liệu pháp thay thế testosterone. Tuy nhiên, phương pháp này cũng đi kèm với một số tác dụng phụ nghiêm trọng giống như liệu pháp estrogen. Do đó, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi điều trị.
Ngoài ra, có thể cải thiện ham muốn bằng một số biện pháp không cần dùng đến hormone như:
- Gel bôi trơn
- Bài tập Kegel
- Trị liệu
Tiểu không tự chủ
Tiểu không tự chủ hay tiểu són cũng là một trong những vấn đề phổ biến của thời kỳ mãn kinh. Bài tập Kegel có thể củng cố cơ sàn chậu và tăng khả năng kiểm soát bàng quang, niệu đạo.
Hạn chế ăn các món quá cay, tránh uống rượu và đồ uống chứa caffeine vì những thứ này có thể kích thích bàng quang và dẫn đến tình trạng tiểu không tự chủ.
Ngoài ra còn một biện pháp nữa để khắc phục tiểu són là dùng vòng nâng pessary. Đây là một dụng cụ có hình vòng tròn làm bằng cao su, nhựa hoặc silicone, được đưa vào bên trong âm đạo để giúp hỗ trợ cho các cơ quan trong khoang chậu và giảm hiện tượng són tiểu. Để điều trị vấn đề một cách hiệu quả nhất thì nên đi khám để bác sĩ kê thuốc.
Các triệu chứng khác
Thay đổi tâm lý
Sự thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn tiền mãn kinh không chỉ gây ra những triệu chứng về thể chất mà còn tác động đến cả cảm xúc, tâm trạng. Buồn rầu, lo âu, bồn chồn và hay cáu gắt là những triệu chứng về tâm lý phổ biến nhất trong giai đoạn này. Có thể khắc phục bằng những biện pháp như:
- Tập thể dục đều đặn hàng ngày nhưng không tập quá gần giờ đi ngủ để tránh mất ngủ
- Thiền hoặc tập yoga
- Không uống rượu trước lúc đi ngủ
- Chỉ uống trà, cà phê vào buổi sáng, không uống sau bữa trưa
- Duy trì chế độ ăn lành mạnh gồm có nhiều trái cây và rau xanh
Một số loại thảo dược cũng có tác dụng cải thiện những triệu chứng về cảm xúc, tinh thần, ví dụ như:
- St. John's Wort
- Cây xô thơm (garden sage)
- Nhân sâm
- Thiên ma (black cohosh)
- Đương quy
Giảm tập trung và trí nhớ
Các vấn đề về trí nhớ khi mãn kinh thường được cho là do sự lão hóa nhưng trên thực tế, nguyên nhân có thể là do sự thay đổi nội tiết tố. Dưới đây là một số biện pháp để cải thiện sự tập trung và trí nhớ trong thời kỳ mãn kinh:
- Bạch quả (ginkgo biloba): loại thảo dược này đã được sử dụng trong y học từ hàng ngàn năm trước. Khoa học hiện đại đã chỉ ra rằng bạch quả có thể cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ và sa sút trí tuệ. Một số loại thảo dược khác cũng có công dụng tương tự gồm có cây xô thơm và nhân sâm
- Thường xuyên rèn luyện trí não bằng những trò chơi trí tuệ, đọc sách báo, học một điều mới ví dụ như ngoại ngữ, vẽ tranh…
- Thay đổi lối sống, chẳng hạn như giảm lượng rượu và caffeine, ăn nhiều trái cây và rau xanh cũng như là tập thể dục thường xuyên
- Ngủ đủ giấc để cải thiện trí nhớ ngắn hạn
Mất ngủ và khó ngủ
Trong giai đoạn tiền mãn kinh, nhiều phụ nữ gặp tình trạng cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, thiếu năng lượng. Ngoài ra, các cơn bốc hỏa và hiện tượng đổ mồ hôi về đêm còn gây trằn trọc, khó ngủ và càng gây mệt mỏi hơn nữa vào ban ngày. Nếu gặp phải tình trạng này thì có thể thử những cách sau để cải thiện chất lượng giấc ngủ:
- Tập thể dục thường xuyên nhưng không tập vào buổi tối.
- Không ngủ trưa
- Uống trà hoa cúc trước khi đi ngủ
- Tắm nước ấm và uống sữa ấm trước khi ngủ
- Giữ cho phòng ngủ mát mẻ
- Giảm bớt chăn đệm trên giường
Ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe sau mãn kinh
Cholesterol cao
Tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn ít chất béo, ít calo là những biện pháp tốt nhất để kiểm soát nồng độ cholesterol trong máu. Nên cắt giảm hoặc loại bỏ hẳn các loại thực phẩm chứa nhiều mỡ động vật ra khỏi chế độ ăn uống hàng ngày và cố gắng tập thể dục ít nhất ba lần một tuần, mỗi lần từ 20 đến 30 phút.
Ngoài ra, có thể ngăn ngừa cholesterol tăng cao do thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh bằng phytoestrogen.
Loãng xương
Bước đầu tiên để giảm nguy cơ loãng xương do mãn kinh là tăng lượng canxi và vitamin D trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Ngoài ra cũng có thể dùng thêm viên uống bổ sung hoặc các loại thuốc ngăn ngừa loãng xương. Bisphosphonate là một nhóm thuốc không sử dụng nội tiết tố có tác dụng làm chậm quá trình giảm mật độ xương. Calcitonin là một loại hormone cũng được sử dụng để ngăn cản quá trình mất xương.
Một số loại thuốc điều biến thụ thể estrogen có chọn lọc (SERM) đã được chứng minh là có hiệu quả điều trị loãng xương do mãn kinh. Nên đi khám để được bác sĩ tư vấn loại thuốc phù hợp.
Liệu pháp hormone thay thế
Liệu pháp hormone thay thế (HRT) là một phương pháp để điều trị nhiều vấn đề xảy ra do mãn kinh. Phương pháp này cung cấp hormone dạng tổng hợp để thay thế lượng hormone tự nhiên bị thiếu hụt trong cơ thể. Thông thường, liệu pháp hormone có chứa cả estrogen và progestin – dạng tổng hợp của progesterone. Vì các triệu chứng mãn kinh xảy ra là do nồng độ hormone dao động nên liệu pháp hormone thay thế có hiệu quả giảm gần như tất cả các triệu chứng này.
Tuy nhiên, liệu pháp hormone làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như ung thư vú, bệnh tim mạch và đột quỵ. Do đó, nếu có nhu cầu điều trị thì nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra xem phương pháp này có phù hợp và an toàn hay không.