Lộ tuyến cổ tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

3 năm trước 25

Lộ tuyến cổ tử cung là một vấn đề lành tính. Nhiều phụ nữ thậm chí còn không biết mình bị vấn đề này cho đến khi phát hiện ra trong quá trình khám phụ khoa định kỳ vì không phải lúc nào cũng có triệu chứng.

Lộ tuyến cổ tử cung là gì?

Lộ tuyến cổ tử cung xảy ra khi tế bào tuyến (tế bào mềm) – các tế bào nằm ở bề mặt bên trong của cổ tử cung - phát triển ra bề mặt ngoài của bộ phận này. Bên ngoài cổ tử cung bình thường có các tế bào biểu mô (tế bào cứng).

Nơi hai loại tế bào này gặp nhau được gọi là vùng chuyển tiếp (transformation zone). Cổ tử cung là “cổ” của tử cung, nơi mà tử cung nối với âm đạo.

Lộ tuyến cổ tử cung là một vấn đề khá phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Đây là một dạng tổn thương lành tính, không phải là ung thư và không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Trên thực tế, lộ tuyến tử cung cũng không phải là một bệnh. Tuy nhiên, nó có thể gây ra dẫn đến một số vấn đề.

Dưới đây là những điều mà mỗi phụ nữ đều cần biết về lộ tuyến cổ tử cung và khi nào thì cần điều trị.

Các triệu chứng

Trong hầu hết các trường hợp thì lộ tuyến cổ tử cung không có bất kỳ triệu chứng nào cả. Do đó mà nhiều phụ nữ không hề biết mình bị vấn đề này cho đến khi đi khám phụ khoa.

Nhưng đôi khi, lộ tuyến cổ tử cung có triệu chứng, ví dụ như:

  • Khí hư ra nhiều, đôi khi có lẫn máu
  • Chảy máu trong hoặc sau khi quan hệ tình dục
  • Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục
  • Ra máu ngoài kỳ kinh nguyệt

Hiện tượng đau và chảy máu cũng có thể xảy ra trong hoặc sau khi khám phụ khoa.

Khí hư ra nhiều sẽ gây khó chịu và các cơn đau có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Một số phụ nữ bị lộ tuyến cổ tử cung còn gặp phải những triệu chứng rất nghiêm trọng.

Lộ tuyến cổ tử cung là nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy máu trong những tháng cuối của thai kỳ.

Nguyên nhân xảy ra những triệu chứng này là do các tế bào tuyến nhạy cảm hơn các tế bào biểu mô. Chúng tiết ra nhiều dịch nhầy hơn và dễ bị chảy máu.

Khi có các triệu chứng này thì cũng chưa chắc là đã bị lộ tuyến cổ tử cung nhưng cần đi khám để được chẩn đoán chính xác.

Cần đi khám bác sĩ sản phụ khoa nếu bị chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt, khí hư bất thường hoặc đau trong và sau khi quan hệ tình dục. Mặc dù lộ tuyến cổ tử cung không phải vấn đề nguy hiểm nhưng những dấu hiệu và triệu chứng này có thể là của các bệnh lý tiềm ẩn khác cần điều trị, ví dụ như:

  • Nhiễm trùng
  • U xơ hoặc polyp
  • Lạc nội mạc tử cung
  • Sự cố phát sinh khi đặt vòng tránh thai
  • Vấn đề trong thai kỳ
  • Ung thư cổ tử cung, tử cung hoặc bệnh ung thư khác ở cơ quan sinh dục

Nguyên nhân

Không phải lúc nào cũng có thể xác định được nguyên nhân gây lộ tuyến cổ tử cung.

Lộ tuyến cổ tử cung đôi khi còn là vấn đề bẩm sinh. Nguyên nhân cũng có thể là do sự thay đổi nội tiết tố. Đó là lý do tại sao lộ tuyến cổ tử cung thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là ở trẻ em gái ở tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai và những người đang sử dụng thuốc tránh thai hay miếng dán có chứa estrogen.

Nếu có những dấu hiệu lộ tuyến cổ tử cung trong khi dùng các biện pháp tránh thai có chứa estrogen thì cần thông báo cho bác sĩ để chuyển sang biện pháp khác.

Lộ tuyến cổ tử cung rất hiếm khi xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh.

Vấn đề này không liên quan gì đến ung thư cổ tử cung hay các bệnh ung thư khác ở cơ quan sinh dục nữ và cũng không dẫn đến các biến chứng, bệnh lý nghiêm trọng khác.

Biện pháp chẩn đoán

Lộ tuyến cổ tử cung có thể được phát hiện khi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm Pap smear (phết tế bào cổ tử cung). Khi bị vấn đề này, cổ tử cung sẽ có màu đỏ tươi, sần sùi hơn bình thường và có thể còn bị chảy máu trong khi kiểm tra.

Mặc dù không có mối liên hệ nào nhưng ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có biểu hiện rất giống với lộ tuyến cổ tử cung. Xét nghiệm Pap sẽ giúp loại trừ hoặc phát hiện ung thư cổ tử cung.

Nếu như không có triệu chứng và xét nghiệm Pap cho kết quả bình thường thì không cần phải làm xét nghiệm thêm.

Nếu như có triệu chứng, chẳng hạn như đau khi quan hệ tình dục hoặc khí hư ra nhiều thì sẽ cần tiếp tục kiểm tra để tìm ra vấn đề tiềm ẩn.

Bước tiếp theo thường là soi cổ tử cung. Đây là phương pháp sử dụng ánh sáng mạnh và thiết bị phóng đại hình ảnh để quan sát cổ tử cung kỹ hơn.

Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ (sinh thiết) để phân tích tìm tế bào ung thư.

Có cần điều trị không?

Không phải trường hợp nào bị lộ tuyến cổ tử cung cũng cần phải điều trị. Thông thường, chỉ cần can thiệp khi có các triệu chứng gây đau đớn, khó chịu. Hầu hết phụ nữ bị lộ tuyến cổ tử cung đều gần như không gặp phải thay đổi bất thường nào. Tình trạng này có thể tự khỏi.

Nếu như liên tục có các triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống, chẳng hạn như tiết dịch nhầy, chảy máu hoặc đau trong và sau khi quan hệ tình dục thì sẽ cần điều trị.

Phương pháp điều trị chính là đốt điện để ngăn chặn tình trạng tiết dịch và chảy máu âm đạo bất thường. Ngoài ra còn có các phương pháp khác là phẫu thuật lạnh (áp lạnh) hoặc bôi bạc nitrat.

Các thủ thuật này thường được thực hiện với phương pháp gây tê tại chỗ và chỉ mất một vài phút.

Bệnh nhân có thể về nhà ngay sau khi hoàn tất và sinh hoạt trở lại bình thường sau một thời gian ngắn. Có thể sẽ hơi đau ở bụng dưới giống như khi đến kỳ trong vài giờ đến vài ngày sau điều trị. Ngoài ra còn có hiện tượng khí hư ra nhiều chảy dịch hoặc ra máu nhỏ giọt kéo dài trong vài tuần.

Sau thủ thuật, cổ tử cung sẽ cần thời gian để lành lại nên không được quan hệ tình dục và không sử dụng tampon hay cốc nguyệt san trong khoảng 4 tuần để tránh bị nhiễm trùng.

Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc sau điều trị và hẹn lịch tái khám. Trong thời gian chờ tái khám, nếu gặp những hiện tượng dưới đây thì cần đến gặp bác sĩ ngay:

  • Dịch tiết âm đạo có mùi hôi
  • Ra máu nhiều (tương đương hoặc nhiều hơn kỳ kinh thông thường)
  • Hiện tượng ra máu kéo dài hơn dự kiến

Đây có thể là những dấu hiệu nhiễm trùng hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác cần can thiệp.

Các vấn đề khác ở cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung không liên quan đến lộ tuyến cổ tử cung. Tuy nhiên, cần đi khám bác sĩ ngay nếu có các triệu chứng như đau ở cổ tử cung và ra máu ngoài kỳ kinh nguyệt.

Chlamydia

Chlamydia là một bệnh lây truyền qua đường tình dục. Mặc dù chlamydia cũng không liên quan đến lộ tuyến cổ tử cung nhưng một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những phụ nữ dưới 30 người bị lộ tuyến cổ tử cung có nguy cơ bị chlamydia cao hơn so với những người không bị vấn đề phụ khoa này.

Nên thường xuyên xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây qua đường tình dục như chlamydia và bệnh lậu vì thường không biểu hiện triệu chứng.

Tóm tắt bài viết

Lộ tuyến cổ tử cung là một vấn đề lành tính. Nhiều phụ nữ thậm chí còn không biết mình bị vấn đề này cho đến khi phát hiện ra trong quá trình khám phụ khoa định kỳ vì không phải lúc nào cũng có triệu chứng.

Lộ tuyến cổ tử cung thường không gây ra biến chứng nghiêm trọng và cũng không gây hại cho thai nhi ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, bất cứ khi nào bị ra máu trong thai kỳ cũng đều là dấu hiệu đáng báo động và phải đi khám.

Không nhất thiết phải điều trị lộ tuyến cổ tử cung trừ khi có các triệu chứng đau đớn, khó chịu hoặc tình trạng này gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Các phương pháp điều trị đều rất nhanh chóng, an toàn và hiệu quả.

Đọc toàn bộ bài viết