Bạn có bao giờ nhận thấy rằng mình đột nhiên thèm đồ ngọt hay các món ăn vặt ngay trước và trong ngày đèn đỏ không? Thèm ăn và thường xuyên thấy đói khi đến kỳ kinh là hiện tượng mà rất nhiều phụ nữ từng trải qua và khoa học đã tìm ra nguyên nhân đằng sau hiện tượng này.
Nội dung chính của bài viết:
- Thủ phạm gây cảm giác thèm ăn khi đến kỳ kinh nguyệt chính là do các hormone.
- Cảm giác thèm ăn do kinh nguyệt thường xuất hiện từ khoảng 7 đến 10 ngày trước khi bắt đầu hiện tượng ra máu. Cảm giác này thường biến mất ngay khi bắt đầu có kinh nguyệt hoặc một vài ngày sau đó.
- Khi thèm ăn vào trước hoặc trong ngày đèn đỏ thì có thể ăn nhiều hơn bình thường một chút nhưng điều quan trọng là phải lắng nghe cơ thể mình.
- Một số loại thực phẩm bạn ăn sẽ khiến cho cảm giác thèm ăn càng trở nên nặng hơn, nhất là những thực phẩm chứa nhiều đường tinh chế, muối và carb.
- Ăn sinh tố trái cây, trái cây tươi, sữa chua, nước pha mật ong có thể làm giảm cảm giác thèm ăn. Ngoài ra bạn có thể tập thể dục, hay đi chơi cùng bạn bè để tinh thần thư giãn, thoải mái, quên đi cảm giác thèm ăn.
- Thèm ăn và thấy đói thường xuyên là những hiện tượng bình thường, tuy nhiên việc ăn nhiều gây tổn hại đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt thì cần phải đi khám bác sĩ để có sự điều chỉnh phù hợp.
Nguyên nhân gây thèm ăn trước kỳ kinh
Thủ phạm gây cảm giác thèm ăn khi đến kỳ kinh nguyệt chính là do các hormone.
Một nghiên cứu vào năm 2016 đã chỉ ra rằng sự thay đổi nồng độ hormone estrogen và progesterone là nguyên nhân gây ra cảm giác thèm ăn các loại thực phẩm giàu carb và đồ ngọt trước và trong thời gian có kinh nguyệt.
Tuy nhiên, hormone không phải là nguyên nhân duy nhất. Hiện tượng đột nhiên thèm ăn nhiều thứ quanh ngày đèn đỏ còn có liên quan đến nhiều thay đổi khác trong cơ thể vào khoảng thời gian này.
Cơ thể giải phóng ra serotonin khi ăn các loại thực phẩm chứa tinh bột và đồ ngọt. Serotonin là một hóa chất làm tăng cảm giác vui vẻ và hưng phấn. Sự gia tăng cảm xúc tích cực sẽ đặc biệt có lợi khi phải trải qua những triệu chứng về tâm lý của hội chứng tiền kinh nguyệt như buồn bã, lo âu hay nhạy cảm quá mức do thay đổi hormone.
Chứng ăn vô độ (binge eating) và thèm ăn trước khi đến kỳ cũng có thể là dấu hiệu của rối loạn tiền kinh nguyệt (premenstrual dysphoric disorder) - đây là một dạng nghiêm trọng hơn của hội chứng tiền kinh nguyệt.
Theo kết quả nghiên cứu, những người bị rối loạn kinh nguyệt thì sẽ dễ bị chứng ăn vô độ hơn.
Thèm ăn có phải dấu hiệu mang thai không?
Một trong những dấu hiệu mang thai là thèm ăn nhưng thèm ăn không phải lúc nào cũng có nghĩa là mang thai. Hội chứng tiền kinh nguyệt cũng có biểu hiện là tăng cảm giác thèm ăn.
Bên cạnh cảm giác thèm ăn và thường xuyên cảm thấy đói, phụ nữ mang thai còn thường có một dấu hiệu nữa là đột nhiên thay đổi khẩu vị, ví dụ như không còn muốn ăn một số món mà trước đây vẫn thích, thậm chí chỉ cần nhìn thấy hay ngửi mùi thôi là đã cảm thấy buồn nôn. Đây là một biểu hiện phổ biến trong thai kỳ nhưng không nằm trong nhóm những triệu chứng tiền kinh nguyệt.
Khi mang thai, mẹ bầu cũng có thể sẽ gặp các dấu hiệu khác từ trước khi cơn thèm ăn xuất hiện, ví du như:
- Lỡ kinh nguyệt
- Buồn nôn
- Núm vú trở nên nhạy cảm hay quầng vú sẫm màu và to lên
Mặc dù vậy nhưng hội chứng tiền kinh nguyệt và mang thai có chung rất nhiều biểu hiện, triệu chứng. Nếu đã quan hệ tình dục mà không sử dụng biện pháp tránh thai thì thử thai tại nhà hoặc làm xét nghiệm tại bệnh viện là cách duy nhất để biết chắc chắn.
Cảm giác thèm ăn bắt đầu khi nào?
Cảm giác thèm ăn do kinh nguyệt thường xuất hiện từ khoảng 7 đến 10 ngày trước khi bắt đầu hiện tượng ra máu. Đây cũng là khi các triệu chứng tiền kinh nguyệt khác xảy ra, ví dụ như thay đổi về đường tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón hay xì hơi), nhức đầu, nổi mụn trứng cá, chướng bụng, đầy hơi, đau bụng hay đau mỏi thắt lưng.
Cảm giác thèm ăn thường biến mất ngay khi bắt đầu có kinh nguyệt hoặc một vài ngày sau đó.
Có nên ăn nhiều không?
Khi thèm ăn vào trước hoặc trong ngày đèn đỏ thì có thể ăn nhiều hơn bình thường một chút nhưng điều quan trọng là phải lắng nghe cơ thể mình.
Đôi khi, cơn thèm ăn xuất hiện vì một lý do không liên quan đến những thay đổi khi có kinh. Ví dụ, đây có thể là dấu hiệu cho biết cơ thể đang cần nhiều calo hơn.
Tất nhiên, không thể cứ ăn bao nhiêu tùy thích mỗi khi thèm ăn nhưng khi đến ngày đèn đỏ thì có thể phá lệ và nuông chiều bản thân hơn bình thường một chút. Khi không còn kinh nguyệt thì cần có biện pháp hạn chế cơn thèm ăn và lượng thực phẩm nạp vào để tránh tiêu thụ quá nhiều calo và dẫn đến tăng cân không kiểm soát.
Thực phẩm nên tránh khi thèm ăn
Một số loại thực phẩm bạn ăn sẽ khiến cho cảm giác thèm ăn càng trở nên nặng hơn, nhất là những thực phẩm chứa nhiều đường tinh chế, muối và carb.
Để khắc phục tình trạng này thì nên lựa chọn những món lành mạnh hơn hoặc chỉ ăn các loại thực phẩm kể trên một cách hạn chế để đỡ cơn thèm thay vì ăn quá nhiều.
Dưới đây là một số giải pháp giúp bạn có thể thỏa mãn cơn thèm một số loại thực phẩm nhất định mà không gây hại nhiều cho sức khỏe.
Thèm thực phẩm giàu carb
Việc ăn các loại thực phẩm có chứa carb đơn giản (simple carb) khi cảm tháy mệt mỏi hay buồn bã, chán nản sẽ giúp cải thiện vấn đề vì carb kích thích cơ thể tăng sản sinh serotonin – loại hormone giúp tâm trạng phấn chấn hơn nhưng hiệu quả này chỉ duy trì được trong thời gian ngắn. Nếu nạp vào quá nhiều thực phẩm giàu carb thì cuối cùng sẽ khiến cho tâm trạng càng trở nên tệ hơn.
Thay vì các loại thực phẩm có hàm lượng carb đơn giản cao như khoai tây chiên, kẹo, nước ngọt hay bánh mì thì nên chọn các nguồn thực phẩm chứa carb phức tạp như các loại đậu, gạo lức, khoai lang hay yến mạch. Carb phức tạp cũng giúp làm tăng mức serotonin nhưng hiệu quả sẽ duy trì được trong thời gian lâu hơn.
Thèm đồ ngọt
Khi đến ngày đèn đỏ, nhiều chị em có cảm giác một mình có thể ăn hết hộp kem hay một túi bánh quy. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều đường sẽ gây giảm mức năng lượng cơ thể và có thể khiến các triệu chứng khó chịu khác trong thời gian có kinh nguyệt trở nên trầm trọng hơn.
Khi cảm thấy thèm ngọt thì bạn có thể ăn một đến hai chiếc bánh quy nhưng có nhiều cách khác lành mạnh hơn để thỏa mãn cơn thèm đồ ngọt. Một số lựa chọn thay thế lành mạnh hơn cho các loại bánh kẹo gồm có:
- Sinh tố trái cây
- Trái cây tươi
- Sữa chua
- Nước pha mật ong
Nếu cảm giác thèm vẫn không đỡ thì có thể cân nhắc 19 loại thực phẩm giúp chống lại cảm giác thèm ngọt trong bài viết này.
Thèm chocolate
Chocolate là một trong những thực phẩm mà nhiều phụ nữ thèm ăn nhất khi đến tháng. Khác với các loại thực phẩm kể trên, may mắn là chocolate mang lại khá nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Chocolate đen chứa nhiều chất chống oxy hóa và khoáng chất. Chỉ cần một hoặc hai miếng chocolate đen là đủ để cải thiện cảm giác thèm thuồng mà lại cung cấp một lượng khá lớn các chất này cho cơ thể. Tuy nhiên, cần chọn đúng loại chocolate có chứa hàm lượng cacao cao và không nên ăn chocolate sữa do có chứa nhiều đường và sữa.
Biện pháp cải thiện tâm trạng khi đến kỳ
Không chỉ có những vấn đề về thể chất, sự thay đổi nồng độ hormone còn gây ra những biến động về cảm xúc, tinh thần trong thời gian trước và vài ngày đầu có kinh nguyệt. Buồn bã, chán nản, nhạy cảm quá mức, thay đổi tâm trạng thất thường hay thậm chí tuyệt vọng là những triệu chứng về tinh thần phổ biến mà rất nhiều chị em phụ nữ phải trải qua trong những ngày ấy.
Thay vì cố gắng cải thiện tâm trạng bằng cách ăn uống thì hoàn toàn có thể thử những biện pháp khác để làm tăng nồng độ endorphin, serotonin, oxytocin và dopamine - các hormone tạo cảm giác hưng phấn.
Một số biện pháp đã được khoa học chứng minh là có thể cải thiện tâm trạng và tăng mức năng lượng cơ thể gồm có:
- Tập thể dục, ví dụ như đi bộ hay chạy bộ
- Hoạt động tình dục, có thể là quan hệ hoặc “tự sướng”
- Xem một bộ phim vui
- Ra ngoài cùng bạn bè, người thân
- Dành thời gian cho sở thích cá nhân
Khi nào cần đi khám?
Thèm ăn và thấy đói thường xuyên là những hiện tượng bình thường, phổ biến trong ngày đèn đỏ và không có gì phải lo lắng cả.
Tuy nhiên, đôi khi thì đây có thể lại là dấu hiệu chỉ ra một vấn đề tiềm ẩn.
Cần đi khám bác sĩ nếu như:
- Tình trạng thèm ăn kéo dài suốt cả tháng
- Bạn thường xuyên cảm thấy thèm ăn và phải tìm đến ăn uống như một cách để đối phó với tình trạng chán nản, lo âu hoặc căng thẳng kéo dài
- Ăn nhiều và dẫn đến tăng cân không kiểm soát
- Các cơn thèm ăn can thiệp vào quá trình điều trị chứng rối loạn ăn uống
- Cảm giác thèm ăn ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc hoặc học tập
Cũng nên đi khám nếu bạn thèm những thứ không phải đồ ăn, chẳng hạn như đất sét, bụi bẩn, vữa tường, tóc, kim loại hoặc giấy. Đây được gọi là hội chứng pica.
Hội chứng này thường gặp hơn ở phụ nữ mang thai và trẻ em nhưng cũng có thể xảy ra ở những người mắc một số bệnh lý.
Thèm ăn những món đồ không phải thực phẩm ví dụ như kim loại có thể là biểu hiện của tình trạng thiếu sắt – một vấn đề đặc biệt phổ biến ở những phụ nữ bị rong kinh. Khi có biểu hiện này thì cần đi khám bác sĩ ngay để can thiệp kịp thời.
Kết luận
Nếu mỗi khi đến kỳ là bạn lại thèm ăn khi đến tháng và ăn nhiều hơn bình thường thì đừng lo, bạn không phải người duy nhất trải qua hiện tượng này đâu. Trong thời gian này, thay vì cố nhịn ăn thì nên hãy lắng nghe cơ thể mình và cung cấp những gì mà cơ thể cần, miễn là ở mức độ vừa phải.