U xơ tử cung là một vấn đề thường xảy ra chủ yếu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nhưng cũng có thể hình thành trong thời kỳ mãn kinh.
Nội dung chính của bài viết:
- U xơ tử cung là loại u lành tính phổ biến nhất ở phụ nữ, chủ yếu hình thành ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nhưng cũng có thể hình thành trong thời kỳ mãn kinh.
- Khi bước vào thời kỳ mãn kinh, cơ thể phụ nữ sản sinh ít estrogen và progesterone hơn so với độ tuổi sinh sản. Do đó mà nguy cơ bị u xơ tử cung sẽ giảm trong giai đoạn này.
- Một số triệu chứng chung của u xơ tử cung đó là: ra máu bất thường, thiếu máu, đau bụng dưới, chướng bụng, bụng phình to, đau mỏi thắt lưng, đi tiểu thường xuyên, sốt, buồn nôn, đau đầu...
- Khi có những triệu chứng u xơ thì cần đi khám để được chẩn đoán và tư vấn các biện pháp kiểm soát triệu chứng hoặc phẫu thuật nếu cần thiết.
- Nếu u xơ tử cung không gây ra bất kỳ triệu chứng nào thì có thể không cần điều trị.
U xơ tử cung là gì?
U xơ tử cung là những khối u nhỏ hình thành trên thành của tử cung. Đây là những khối u lành, có nghĩa là chúng không phải ung thư. Tuy nhiên, u xơ có thể gây đau cũng như là các triệu chứng khó chịu khác.
U xơ tử cung là loại u lành tính phổ biến nhất ở phụ nữ, chủ yếu hình thành ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên những khối u này sẽ tiếp tục tồn tại trong và sau khi mãn kinh hoặc cũng có không ít trường hợp khi sang đến thời kỳ mãn kinh mới hình thành u xơ tử cung.
Vậy mãn kinh có ảnh hưởng thế nào u xơ tử cung và cần điều trị bằng cách nào?
Nội tiết tố ảnh hưởng đến u xơ tử cung như thế nào?
Nội tiết tố (hormone) estrogen và progesterone có thể làm tăng nguy cơ hình thành u xơ tử cung nên vấn đề này chủ yếu xảy ra khi còn ở trong độ tuổi sinh sản – khoảng thời gian mà nồng độ hai hormone này vẫn ở mức cao. Khi bước vào thời kỳ mãn kinh, cơ thể phụ nữ sản sinh ít estrogen và progesterone hơn so với độ tuổi sinh sản. Do đó mà nguy cơ bị u xơ tử cung sẽ giảm trong giai đoạn này.
Sự sụt giảm nồng độ nội tiết tố còn có thể làm cho khối u xơ hình thành trước đó nhỏ lại.
Các yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hình thành u xơ tử cung gồm có:
- Cao huyết áp cao (tăng huyết áp)
- Thiếu hụt vitamin D
- Tiền sử gia đình bị u xơ tử cung
- Thừa cân, béo phì
- Chưa từng mang thai
- Căng thẳng quá mức trong thời gian dài
Ngoài ra, những phụ nữ trên 40 tuổi có nguy cơ bị u xơ tử cung cao hơn so với những người dưới 40 tuổi.
Triệu chứng
Ở phụ nữ còn trong độ tuổi sinh sản và phụ nữ đã mãn kinh thì u xơ tử cung sẽ biểu hiện những triệu chứng khác nhau. Nhìn chung, phụ nữ chưa mãn kinh thường có các triệu chứng nặng hơn.
Nhưng cũng có trường hợp mà u xơ tử cung không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào mà chỉ được phát hiện khi đi khám phụ khoa định kỳ.
Một số triệu chứng chung của u xơ tử cung ở cả phụ nữ chưa mãn kinh và đã mãn kinh gồm có:
- Ra máu bất thường (kinh nguyệt ra nhiều hoặc ra máu giữa chu kỳ ở phụ nữ vẫn còn kinh nguyệt và ra máu âm đạo sau mãn kinh)
- Thiếu máu do mất một lượng máu lớn
- Đau bụng dưới giống như các cơn đau bụng kinh
- Chướng bụng
- Bụng phình to
- Đau mỏi thắt lưng
- Đi tiểu thường xuyên
- Tiểu són hoặc rò rỉ nước tiểu
- Đau khi quan hệ tình dục
- Sốt
- Buồn nôn
- Đau đầu
Các khối u xơ sẽ đẩy vào thành tử cung và trực tiếp gây ra nhiều triệu chứng trong số này. Ví dụ, sự chèn ép của khối u xơ lên bàng quang sẽ gây ra triệu chứng đi tiểu liên tục.
Điều trị u xơ tử cung sau mãn kinh
Thuốc tránh thai hiện đang là phương pháp được sử dụng phổ biến để điều trị u xơ tử cung. Tuy nhiên cũng có những trường hợp cần phẫu thuật cắt u xơ hoặc cắt tử cung.
Liệu pháp hormone
Uống thuốc tránh thai là một biện pháp có thể để kiểm soát các triệu chứng như đau và chảy máu âm đạo khi bị u xơ tử cung. Tuy nhiên, các loại thuốc này không thể thu nhỏ hoặc loại bỏ khối u.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng phương pháp sử dụng cùng lúc thuốc tránh thai kết hợp (có chứa cả estrogen và progestin) và thuốc tránh thai chỉ có progestin có thể điều trị được u xơ tử cung. Progestin cũng có thể làm giảm bớt các triệu chứng khác của thời kỳ mãn kinh và giúp nâng cao hiệu quả của liệu pháp hormone thay thế.
Các phương pháp điều trị bằng nội tiết tố khác cũng giúp giảm triệu chứng đau và ra máu của u xơ tử cung gồm có tiêm progestin và dùng vòng tránh thai nội tiết có chứa progestin.
Phẫu thuật cắt u xơ
Trong những trường hợp đã dùng thuốc mà vẫn không cải thiện được các triệu chứng nhưng chưa đến mức phải cắt bỏ tử cung thì có thể tiến hành phương pháp phẫu thuật cắt u xơ tử cung. Đây là thủ thuật chỉ cắt bỏ khối u và giữ lại tử cung. Quy trình cắt u xơ tử cung có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào vị trí của khối u, ví dụ như phẫu thuật nội soi thông thường, nội soi bằng robot hay mổ mở.
Nếu phần lớn khối u xơ nằm trong buồng tử cung thì có thể phẫu thuật nội soi qua đường âm đạo, trong đó ống nội soi và dụng cụ phẫu thuật được đưa vào qua âm đạo để loại bỏ khối u.
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ phải rạch một đường ở vùng bụng dưới. Kích thước và vị trí của đường mổ này cũng tương tự như đường mổ lấy thai. Quá trình để phục hồi hoàn toàn sau phẫu thuật thường mất từ 4 đến 6 tuần. Đây là phương pháp mổ mở và đã không còn được sử dụng phổ biến như những phương pháp khác do có nhiều điểm hạn chế.
Đôi khi bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật nội soi ổ bụng. Trong quá trình này, một đường mổ nhỏ được tạo ở vùng bụng dưới. Đường mổ này ngắn hơn đường mổ của phương pháp mổ mở và thời gian phục hồi sau phẫu thuật cũng nhanh hơn nhưng phẫu thuật nội soi ổ bụng thường chỉ được sử dụng cho những trường hợp có u xơ cỡ nhỏ.
Nếu u xơ phát triển trở lại sau phẫu thuật thì có thể sẽ phải cắt bỏ tử cung.
Cắt tử cung
Đối với những trường hợp có khối u xơ cỡ lớn, tái phát và và gây các triệu chứng nghiêm trọng thì phẫu thuật cắt tử cung là phương án tối ưu. Trong quy trình phẫu thuật này, bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tử cung.
Phương pháp này cũng được khuyến nghị cho những phụ nữ:
- gần đến tuổi mãn kinh
- đã mãn kinh
- có nhiều u xơ
- đã thử nhiều phương pháp mà không hiệu quả, muốn điều trị dứt điểm và không còn kế hoạch sinh con trong tương lai
Có ba loại cắt tử cung là:
- Cắt tử cung toàn phần: Trong quy trình phẫu thuật này, bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ tử cung cũng như là cổ tử cung. Một số trường hợp còn phải cắt cả ống dẫn trứng. Đây là giải pháp tốt nhất cho những trường hợp có các cụm u xơ lớn, lan rộng.
- Cắt tử cung bán phần: Đây là thủ thuật chỉ cắt đi phần trên của tử cung, thường được chỉ định khi u xơ tái phát ở khu vực này. Bác sĩ sẽ xác nhận bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh.
- Cắt tử cung triệt căn: Đây là thủ thuật cắt bỏ đi tử cung, phần trên của âm đạo, cổ tử cung và mô cận tử cung (các mô xung quanh tử cung và âm đạo). Quy trình phẫu thuật này hiếm khi được sử dụng trong điều trị u xơ tử cung mà thường được chỉ định cho một số bệnh ung thư phụ khoa.
Cắt tử cung là cách duy nhất để chữa khỏi hoàn toàn u xơ tử cung.
Khi đi khám, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp dựa trên tình hình cụ thể.
Các phương pháp điều trị khác
Ngoài ra, hiện nay còn có các phương pháp khác với mức độ xâm lấn tối thiểu để điều trị u xơ tử cung như:
- Phá hủy khối u xơ và mạch máu của chúng bằng nhiệt hoặc dòng điện
- Điều trị bằn công nghệ FUS-MRI: sử dụng sóng âm thanh cao tần cường độ mạnh để tiêu diệt u xơ
- Đốt nội mạc tử cung: sử dụng nhiệt, dòng điện hoặc nước nóng để phá hủy lớp niêm mạc (nội mạc) tử cung.
- Nút mạch u xơ tử cung: tiêm vật liệu chứa các hạt siêu nhỏ vào mạch máu đến khối u để cắt đứt nguồn cung cấp máu, từ đó khiến cho khối u xơ teo nhỏ lại.