Mức hưởng chế độ thai sản năm 2024 của lao động nữ theo quy định mới nhất

9 tháng trước 43

Mức hưởng chế độ thai sản 2024 mới nhất đối với lao động nữ

Hiện nay, mức hưởng chế độ thai sản được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

- Mức hưởng một tháng sẽ bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để hưởng chế độ thai sản, nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì được cộng dồn.

Ví dụ: Chi A sinh con ngày 16/11/2023, có quá trình đóng bảo hiểm xã hội như sau:

Từ tháng 10/2022 đến tháng 04/2023 (07 tháng) đóng bảo hiểm xã hội với mức lương 7.000.000 đồng/tháng;

Từ tháng 08/2023 đến tháng 11/2023 (04 tháng) đóng bảo hiểm xã hội với mức lương 8.050.000 đồng/tháng;

Từ tháng 05/2023 đến tháng 07/2023 chị A thất nghiệp, không đóng bảo hiểm xã hội.

Khi này mức hưởng một tháng của chị A bằng: ((7.000.000 x 2 tháng) + (8.050.000 x 4 tháng)) : 6 = 7.700.000 đồng.

Mức hưởng chế độ thai sản năm 2024 của lao động nữ theo quy định mới nhất- Ảnh 1.

Người lao động được tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: BHXH Việt Nam.

- Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

Ví dụ: Chị B sinh con vào ngày 01/11/2023, chị B tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 09/2023 với mức lương đóng bảo hiểm xã hội là 5.500.000 đồng/tháng. Khi này mức hưởng của chị B bằng: (5.500.000 đồng x 4 tháng) : 4 = 5.500.000 đồng.

- Trường hợp người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật bảo hiểm xã hội 2014 ngay trong tháng đầu thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội thì mức hưởng chế độ thai sản được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của chính tháng đó.

- Đối với trường hợp hưởng chế độ khám thai và trường hợp lao động nam đóng bảo hiểm xã hội hưởng chế độ khi vợ sinh con thì mức hưởng một ngày sẽ bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày (điểm b khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

- Đối với trường hợp hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai, mức hưởng theo ngày sẽ bằng: Mức hưởng theo tháng chia cho 30 ngày (điểm c khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Ngoài ra, tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về mức trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi như sau:

- Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

- Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Trợ cấp một lần khi sinh con = 2 x mức lương cơ sở đối với mỗi con

Mức hưởng thai sản đối với lao động nữ từ ngày 1/7/2024 có thay đổi?

Vào ngày 10/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Nghị quyết nêu rõ, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 104/2023/QH15, từ ngày 01/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được cải cách tổng thể chính sách tiền lương. Từ ngày này, mức lương cơ sở sẽ bị bãi bỏ mà thay vào đó sẽ xây dựng các bảng lương cơ bản mới bằng số tiền cụ thể.

Như vậy, khi cải cách tiền lương từ ngày 01/07/2024, mức hưởng thai sản 2024 đối với lao động nữ cũng sẽ thay đổi.

Theo đó, từ ngày 01/01/2024- đến hết 30/06/2024 một số chế độ thai sản được tính dựa trên lương cơ sở đối với lao động nữ vẫn được tính theo mức lương cơ sở 1.800.000.

Bên cạnh đó, tại Điều 63, Điều 64 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội quy định về mức hưởng chế độ thai sản như sau:

- Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

- Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 56, Điều 57, các khoản 2, 4, 5, 6 Điều 58, Điều 59, Điều 60 và Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội là mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của các tháng đã đóng.

- Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản cũng được quy định cụ thể một ngày bằng 540.000 đồng.

- Mức trợ cấp một lần khi sinh con, nhận nuôi con nuôi cho mỗi con quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 63 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội bằng 3.600.000 đồng (không còn phụ thuộc mức lương cơ sở).

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn chưa có văn bản chính thức quy định, hướng dẫn cụ thể về chế độ thai sản khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/07/2024.

Như vậy, trong trường hợp mức lương cơ sở bị bãi bỏ từ 01/7/2024 khi cải cách tiền lương thì mức hưởng chế độ thai sản có liên quan đến lương cơ sở có thể sẽ thay đổi theo.

Đọc toàn bộ bài viết