Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết miền Bắc sẽ chịu tác động của hoàn lưu vùng áp thấp nóng phía tây nên nắng nóng từ hôm nay đến ngày 1.5. Như vậy, nắng nóng diễn ra trên cả nước trong dịp nghỉ lễ dài ngày. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, người dân cần lưu ý đến vấn đề an toàn thực phẩm, tránh ngộ độc.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên cả nước kéo dài đến khoảng ngày 30.4. Từ ngày 1-2.5, nắng nóng trên cả nước có khả năng giảm dần.
Do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp, nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Cụ thể, khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 40-45%.
Tây Bắc Bộ cao nhất phổ biến 36-39 độ C, có nơi trên 40 độ, ngưỡng nắng nóng đặc biệt gay gắt. Đồng bằng và Đông Bắc Bộ 36-38 độ C, có nơi trên 38 độ C.
Từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ lúc 13h phổ biến 37-40 độ C, có nơi trên 40 độ C.
Khu vực Khánh Hòa đến Bình Thuận và Tây Nguyên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 45-50%.
Nắng nóng kéo dài cả thời gian nghỉ lễ, nhiều gia đình đi du lịch rất cần thận trọng trong vấn đề an toàn thực phẩm.
Thông tin từ Bộ Y tế, trong tháng 3.2024, cả nước xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm làm 368 người bị ngộ độc. Tính chung quý I.2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2023) làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong (giảm 4 ca so với cùng kỳ năm 2023).
Có rất nhiều vấn đề liên quan đến ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm có ba nhóm nguyên nhân: Thứ nhất, nhóm vi sinh vật, vi trùng nói chung trong đó phổ biến nhất là các vi khuẩn Ecoli, Salmonella… Phần lớn các vụ ngộ độc thực phẩm tại nước ta cũng do nhóm này gây ra mà nguyên nhân chủ yếu là bảo quản không đúng, chế biến chưa đảm bảo dẫn tới vi sinh vật tấn công vào thực phẩm và con người ăn phải.
Thứ hai, ngộ độc do độc chất, hóa chất trong quá trình nuôi trồng, bảo quản và chế biến. Các hóa chất hay gặp nhất là thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo quản.
Thứ ba, thực phẩm có chứa độc tố. Một số thực phẩm đã chứa độc tố tự nhiên như nấm độc. Một số loại cá ở vùng rạn san hô cũng dễ nhiễm độc.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ thêm, nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm mốc và nhiều tác nhân gây hại khác sinh sôi và phát triển nhanh chóng. Trời nóng còn làm cho thức ăn nhanh hỏng, dễ bị ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách. Ở khoảng 32-40 độ C, vi khuẩn phát triển nhanh nhất, có thể nhân đôi chỉ sau 20 phút.
Trong dịp nghỉ lễ dài, khi đi du lịch, mọi người cần lưu ý:
Lựa chọn những nhà hàng và quán ăn có uy tín và đánh giá cao trên các trang web đánh giá.
Tránh ăn những thực phẩm tươi sống, chín không đầy đủ, không rõ nguồn gốc hoặc không được bảo quản đúng cách.
Bên cạnh đó, nên ăn thực phẩm được nấu chín hoàn toàn và ăn nóng. Điều chỉnh khẩu vị dần dần với thực phẩm địa phương.
Đặc biệt, không nên ăn quá nhiều thực phẩm mới lạ trong một lần. Uống nước đóng chai hoặc nước sôi sạch. Tránh uống nước đá và nước từ vòi hoặc máy lọc nước không đảm bảo vệ sinh.
Ngoài ra, nên tìm hiểu về thực phẩm địa phương và các món ăn đặc trưng của địa phương, đặc biệt là những thực phẩm có thể gây kích ứng cho dạ dày.