Đau vùng chậu là một vấn đề phổ biến ở phụ nữ và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Các cơn đau có thể là mãn tính hoặc cấp tính.
Vùng chậu là gì?
Vùng chậu ở phụ nữ là khu vực gồm có các cơ quan sinh dục, nằm ở bụng dưới (vùng bụng từ rốn trở xuống). Đau vùng chậu là cơn đau xảy ra ở khu vực này nhưng có thể lan rộng lên trên và khó phân biệt với cơn đau bụng thông thường.
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây đau vùng chậu ở phụ nữ, dấu hiệu cần đi khám và những biện pháp khắc phục tình trạng này.
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây đau vùng chậu cấp tính và mãn tính. Đau vùng chậu cấp tính là những cơn đau xảy đến đột ngột và chấm dứt sau thời gian ngắn. Đau vùng chậu mãn tính là tình trạng đau nhức tiếp diễn trong thời gian dài, có thể âm ỉ liên tục hoặc xảy ra thành từng cơn ngắt quãng.
Bệnh viêm vùng chậu
Viêm vùng chậu là bệnh nhiễm trùng xảy ra ở các cơ quan sinh dục nữ. Nguyên nhân thường là do các bệnh lây truyền qua đường tình dục không được điều trị, chẳng hạn như chlamydia hoặc bệnh lậu. Trong thời gian đầu, viêm vùng chậu thường không biểu hiện triệu chứng. Nhưng sau một thời gian, bệnh này sẽ bắt đầu gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, ví dụ như đau dữ dội, dai dẳng ở vùng chậu hoặc bụng.
Các triệu chứng khác của viêm vùng chậu còn có:
- Kinh nguyệt ra nhiều
- Đau đớn dữ dội khi đến kỳ
- Đau đớn, chảy máu khi quan hệ tình dục
- Sốt
- Dịch tiết âm đạo ra nhiều, có màu bất thường và mùi khó chịu
- Khó tiểu hoặc đau đớn khi đi tiểu
Bệnh viêm vùng chậu cần được điều trị càng sớm càng tốt để tránh xảy ra các biến chứng như:
- Thai ngoài tử cung
- Hình thành sẹo ở cơ quan sinh sản
- Áp-xe
- Vô sinh
Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là một bệnh phụ khoa phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Đây là tình trạng mà mô niêm mạc tử cung phát triển ở bên ngoài cơ quan này. Niêm mạc là lớp mô bao phủ toàn bộ bề mặt bên trong của tử cung. Hàng tháng, lớp mô này dày lên để chuẩn bị cho trứng sau thụ tinh bám vào làm tổ và khi không có sự thụ tinh thì mô niêm mạc sẽ bong ra và bắt đầu kỳ kinh nguyệt. Khi phát triển bên ngoài tử cung thì những mô này vẫn dày lên và bong ra theo chu kỳ như vậy nhưng không thể thoát ra ngoài nên sẽ gây đau.
Lạc nội mạc tử cung gây đau đớn ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Cơn đau thường trở nên dữ dội nhất vào khoảng thời gian ngay trước và vài ngày đầu hành kinh. Bệnh nhân cũng sẽ bị đau khi quan hệ tình dục và khi đi tiểu tiện, đại tiện. Cơn đau thường tập trung ở vùng chậu nhưng có thể lan rộng đến vùng bụng bên trên.
Lạc nội mạc tử cung có thể xảy ra ở bất cứ cơ quan nào trong cơ thể nhưng chủ yếu là ở ống dẫn trứng, buồng trứng, bề mặt ngoài của tử cung và dây chẳng giữ tử cung. Mô lạc nộ mạc tử cung thậm chí còn có thể phát triển cả ruột, phổi và cơ hoành nhưng hiếm gặp hơn.
Ngoài đau, các triệu chứng khác của lạc nội mạc tử cung còn có:
- Kinh nguyệt bất thường và ra nhiều
- Buồn nôn
- Chướng bụng
- Táo bón hoặc tiêu chảy
- Nước tiểu có lẫn máu
Lạc nội mạc tử cung còn có thể dẫn đến vô sinh hiếm muộn.
Các biện pháp để kiểm soát cơn đau do vấn đề này gây ra gồm có dùng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc các thủ thuật phẫu thuật, chẳng hạn như nội soi ổ bụng để loại bỏ mô lạc nội mạc tử cung. Ngoài ra còn có các phương pháp giúp cải thiện khả năng sinh sản cho người bệnh chẳng hạn như thụ tinh trong ống nghiệm. Chẩn đoán và can thiệp điều trị sớm sẽ giúp giảm các triệu chứng đau đớn mãn tính.
Rụng trứng
Một số phụ nữ gặp phải hiện tượng đau nhói ở bụng dưới mỗi khi rụng trứng (hiện tượng trứng được phóng đi từ buồng trứng). Hiện tượng đau này được gọi là hội chứng Mittelschmerz, thường chỉ kéo dài vài giờ và sẽ hết khi dùng thuốc giảm đau không kê đơn.
Hành kinh
Đau vùng chậu là một hiện tượng phổ biến xảy ra trước và trong kỳ kinh nguyệt. Mức độ đau mà mỗi phụ nữ trải qua là khác nhau và cũng có thể thay đổi theo từng tháng.
Đau trước kỳ kinh là một trong những triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (premenstrual syndrome – PMS). Đây là một dấu hiệu bình thường báo ngày đèn đỏ sắp tới. Tuy nhiên, nếu cơn đau quá dữ dội đến mức ảnh hưởng đến việc sinh hoạt bình thường thì lại là một vấn đề nghiêm trọng gọi là rối loạn tiền kinh nguyệt (premenstrual dysphoric disorder – PMDD). Ngoài đau vùng chậu, hội chứng tiền kinh nguyệt và rối loạn tiền kinh nguyệt thường còn có các triệu chứng như:
- Chướng bụng
- Mỏi thắt lưng
- Dễ cáu gắt
- Khó ngủ
- Bồn chồn, lo âu, buồn bã
- Vú căng đau
- Thay đổi tâm trạng thất thường
- Đau đầu
- Đau nhức xương khớp
Các triệu chứng này thường sẽ biến mất khi bắt đầu có kinh nguyệt hoặc kéo dài trong một vài ngày đầu.
Hiện tượng đau trước và trong thời gian hành kinh được gọi là thống kinh. Cơn đau có thể lan từ bụng dưới đến vùng đùi và thắt lưng. Ngoài ra, ở nhiều phụ nữ, cơn đau còn dữ dội đến mức đi kèm với những hiện tượng khó chịu khác như:
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Đau đầu
- Người mệt mỏi, uể oải
- Tâm trạng bực bội, cáu gắt
Nếu hàng tháng đều bị đau dữ dội thì nên đi khám bác sĩ để được tư vấn về các biện pháp giảm bớt cơn đau, ví dụ như dùng thuốc giảm đau và châm cứu.
Xoắn buồng trứng
Xoắn buồng trứng là hiện tượng mà một trong hai buồng trứng bị xoắn quanh dây chằng. Điều này gây ra cảm giác đau buốt dữ dội và xảy đến đột ngột ở vùng chậu. Cơn đau đôi khi còn đi kèm theo triệu chứng buồn nôn và nôn, sốt và chảy máu âm đạo bất thường.
Xoắn buồng trứng là một vấn đề khẩn cấn cần phải can thiệp ngay lập tức bằng phương pháp phẫu thuật vì tình trạng này sẽ gây gián đoạn lưu thông máu đến buồng trứng. Khi không được cung cấp máu thì buồng trứng cùng với ống dẫn trứng có thể sẽ bị hoại tử. Khi điều này xảy ra thì sẽ cần cắt đi bên buồng trứng bị hỏng. Ngoài ra, xoắn buồng trứng còn có thể dẫn đến một số biến chứng khác như nhiễm trùng và vô sinh.
U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là những túi chứa dịch hình thành ở buồng trứng và thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Nếu u nang có kích thước lớn thì người bệnh sẽ cảm thấy đau âm ỉ hoặc đau nhói ở một bên vùng chậu. Vấn đề này còn gây đau khi quan hệ tình dục, chướng bụng, cảm giác nặng ở bụng dưới, đi tiểu nhiều, khó đại tiện, kinh nguyệt ra nhiều, không đều hoặc ít hơn bình thường, khó thụ thai,…
Nếu u nang bị vỡ thì người bệnh sẽ đột ngột cảm thấy đau nhói ở bên có u nang. Khi có dấu hiệu này thì cần đến bệnh viện ngay. Trong đa số các trường hợp thì u nang buồng trứng thường tự tiêu biến. Tuy nhiên nếu có u nang lớn thì sẽ cần cắt bỏ để tránh bị vỡ.
U xơ tử cung
U xơ tử cung là khối u lành tính hình thành trong tử cung. Tùy theo kích thước và vị trí mà u xơ sẽ gây ra các triệu chứng khác nhau. Cũng có nhiều phụ nữ bị u xơ tử cung mà không hề gặp bất kỳ triệu chứng nào.
Khối u xơ lớn có thể gây ra cảm giác tức hoặc đau âm ỉ ở vùng chậu hay vùng bụng dưới. Ngoài ra còn có những triệu chứng khác như:
- Chảy máu khi quan hệ tình dục
- Kinh nguyệt ra nhiều hoặc kéo dài
- Tiểu khó
- Đau chân
- Táo bón
- Đau mỏi lưng
U xơ tử cung còn có thể gây cản trở việc thụ thai.
Các khối u xơ tử cung đôi khi còn gây đau buốt dữ dội nếu chúng phát triển quá lớn, vượt quá nguồn máu được cung cấp và bắt đầu bị chết. Cần đến bệnh viện ngay lập tức nếu nhận thấy những biểu hiện như:
- Đau vùng chậu kéo dài dai dẳng
- Buốt ở vùng chậu
- Ra máu nhiều giữa chu kỳ kinh nguyệt
- Tiểu khó
Ung thư phụ khoa
Ung thư có thể xảy ra ở bất kỳ cơ quan nào trong vùng chậu, gồm có:
- Tử cung
- Nội mạc tử cung
- Cổ tử cung
- Buồng trứng
Mỗi bệnh lại có những dấu hiệu, triệu chứng riêng biệt nhưng một số triệu chứng chung thường gặp gồm có đau nhức âm ỉ ở vùng chậu và bụng cùng với cảm giác đau đớn khi quan hệ tình dục, kinh nguyệt và dịch tiết âm đạo thay đổi bất thường.
Phụ nữ nên khám phụ khoa và tầm soát các bệnh ung thư này định kỳ để có thể phát hiện sớm và điều trị ngay từ giai đoạn đầu nếu chẳng may mắc phải.
Đau vùng chậu trong thai kỳ
Đau vùng chậu khi mang thai thường không phải vấn đề đáng lo ngại. Khi cơ thể thay đổi và tử cung to ra theo sự phát triển của thai nhi thì cấu trúc xương sẽ bị tác động và dây chằng sẽ bị kéo căng. Điều đó gây này cảm giác đau, khó chịu ở vùng chậu
Tuy nhiên, nếu lo lắng và cảm thấy cơn đau không bình thường, ngay cả khi chỉ ở mức độ nhẹ, thì cần báo ngay cho bác sĩ, đặc biệt là khi đau còn đi kèm với các triệu chứng khác như chảy máu âm đạo hoặc tiếp diễn trong một thời gian dài mà không đỡ. Một số nguyên nhân có thể gây đau trong thời gian mang thai gồm có:
Cơn gò Braxton-Hicks
Cơn gò Braxton-Hicks hay còn được gọi là cơn gò chuyển dạ giả là những cơn đau, co thắt thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ ba. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này thường là do:
- Người mẹ vận động quá sức
- Chuyển động của thai nhi
- Cơ thể mất nước
Cơn gò Braxton-Hicks gây khó chịu nhưng không dữ dội và cũng không xảy đến đều đặn, tăng dần cường độ như cơn co thắt chuyển dạ thật.
Cơn gò Braxton-Hicks không phải là vấn đề nghiêm trọng cần can thiệp khẩn cấp nhưng vẫn nên cho bác sĩ biết vào lần khám thai tới.
Sảy thai
Sảy thai được định nghĩa là sự mất thai tự nhiên trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Hầu hết các trường hợp sảy thai đều xảy ra trong tam cá nguyệt thứ nhất, tức là trước tuần thai thứ 13. Một số dấu hiệu báo sảy thai gồm có:
- Chảy máu âm đạo, có thể chỉ ra nhỏ giọt, màu nâu cho đến ra nhiều máu và màu đỏ tươi
- Co thắt ở bụng dưới
- Cảm giác đau ở vùng chậu, bụng hoặc thắt lưng
- Dịch hoặc mô đi ra từ âm đạo
Nếu nghi ngờ bị sảy thai thì cần đến bệnh viện ngay lập tức.
Sinh non
Sự chuyển dạ diễn ra trước tuần thứ 37 của thai kỳ được coi là chuyển dạ sinh non. Các dấu hiệu gồm có:
- Đau ở bụng dưới, có cảm giác như những cơn co thắt dữ dội, ngắt quãng hoặc đau tức âm ỉ
- Đau thắt lưng
- Người mệt mỏi
- Dịch tiết âm đạo ra nhiều hơn bình thường
- Đau quặn bụng, có hoặc không kèm theo tiêu chảy
Lúc này, mẹ bầu có thể sẽ nhận thấy nút nhầy cổ tử cung bị bong ra ngoài. Nếu nguyên nhân gây chuyển dạ là do nhiễm trùng thì có thể còn bị sốt.
Chuyển dạ sinh non cần được can thiệp khẩn cấp. Có thể trì hoãn bằng một số loại thuốc để thai nhi được nuôi dưỡng trong bụng người mẹ thêm một thời gian nữa.
Nhau bong non
Nhau thai hình thành và tự bám vào thành tử cung trong giai đoạn đầu của thai kỳ với chức năng cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi cho đến khi sinh. Đôi khi, nhau thai tự tách ra khỏi thành tử cung. Nhau thai có thể bong ra một phần hoặc toàn bộ và tình trạng này được gọi là nhau bong non.
Nhau bong non có thể gây chảy máu âm đạo, kèm theo cảm giác đau đột ngột ở bụng dưới hoặc thắt lưng. Hiện tượng này xảy ra phổ biến nhất trong tam cá nguyệt cuối nhưng có thể xảy ra bất cứ lúc nào kể từ sau tuần thứ 20 của thai kỳ.
Nhau bong non cần được can thiệp ngay lập tức.
Thai ngoài tử cung
Mang thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng sau khi được thụ tinh lại làm tổ trong ống dẫn trứng hoặc bộ phận khác của đường sinh dục thay vì trong tử cung. Thai ngoài tử cung không thể phát triển được đủ tháng, có thể gây vỡ ống dẫn trứng và chảy máu ồ ạt.
Các triệu chứng chính của mang thai ngoài tử cung là đau dữ dội và chảy máu âm đạo. Cơn đau thường xảy ra ở bụng dưới hay vùng chậu và cũng có thể lan lên vai hoặc cổ nếu bị chảy máu vào ổ bụng và tụ máu dưới cơ hoành.
Thai ngoài tử cung có thể xử lý được bằng thuốc hoặc cũng có thể phải phẫu thuật.
Các nguyên nhân khác
Đau vùng chậu còn có thể do nhiều vấn đề, bệnh lý khác gây ra, ví dụ như:
- Lá lách phì đại
- Viêm ruột thừa
- Táo bón mãn tính
- Viêm túi thừa đại tràng
- Thoát vị đùi và thoát vị bẹn
- Co thắt cơ sàn chậu
- Viêm loét đại tràng
- Sỏi thận
Phương pháp chẩn đoán
Đầu tiên bác sĩ sẽ lấy bệnh sử để tìm hiểu về loại cơn đau gặp phải và các triệu chứng khác cũng như là tình trạng sức khỏe tổng thể. Đối với những người chưa làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (xét nghiệm Pap) trong vòng ba năm trở lại thì sẽ cần phải thực hiện xét nghiệm này.
Ngoài ra sẽ cần tiến hành một số phương pháp chẩn đoán sau:
- Khám lâm sàng để xác định chính xác những vị trí bị đau ở bụng và vùng chậu.
- Siêu âm vùng chậu (qua đường âm đạo) để kiểm tra tử cung, ống dẫn trứng, âm đạo, buồng trứng và các cơ quan khác trong đường sinh dục. Trong phương pháp chẩn đoán hình ảnh này, đầu dò được đưa vào âm đạo và phát ra sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của các cơ quan nội tạng và hiển thị lên màn hình.
- Xét nghiệm máu và nước tiểu để tìm dấu hiệu nhiễm trùng.
Nếu như vẫn chưa thể phát hiện nguyên nhân gây đau thì sẽ cần tiếp tục thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như:
- Chụp CT
- Cộng hưởng từ (MRI) vùng chậu
- Nội soi vùng chậu
- Nội soi đại tràng
- Nội soi bàng quang
Biện pháp tự khắc phục
Có thể khắc phục tình trạng đau vùng chậu bằng thuốc giảm đau không kê đơn nhưng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào trong thời gian mang thai.
Đôi khi, chỉ cần nghỉ ngơi là sẽ đỡ đau hoặc cũng có thể thử tập thể dục nhẹ nhàng. Vận động cơ thể là một cách hiệu quả để giảm bớt cảm giác khó chịu. Ngoài ra, có thể thử những cách sau:
- Đặt một chai nước nóng lên bụng hoặc tắm nước ấm. Hơi nóng sẽ giúp làm dịu các cơn co thắt và đau đớn.
- Nâng cao chân. Điều này giúp giảm đau ở vùng chậu và vùng thắt lưng hoặc đùi.
- Thử tập yoga và ngồi thiền. Những cách này cũng hữu ích cho việc kiểm soát cảm giác đau.
Tóm tắt bài viết
Đau vùng chậu là một vấn đề phổ biến ở phụ nữ và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Các cơn đau có thể là mãn tính hoặc cấp tính. Thông thường, chỉ cần thực hiện một số biện pháp tự khắc phục và uống thuốc không kê đơn là đủ để làm giảm cảm giác đau đớn. Tuy nhiên, đau vùng chậu có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nên cần đi khám càng sớm càng tốt, đặc biệt là khi bị đau thường xuyên và còn đi kèm với những dấu hiệu khác.