Nhiễm HIV làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư

3 năm trước 25

Những tác động của HIV lên hệ miễn dịch sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác, bao gồm cả ung thư.

Mối liên hệ giữa HIV và ung thư

Những tiến bộ trong điều trị đã cải thiện đáng kể triển vọng sống của những người nhiễm HIV. Điều trị đều đặn bằng thuốc kháng virus ARV giúp những người nhiễm HIV có thể sống lâu và khỏe mạnh hơn. Việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị còn giúp làm giảm tải lượng vi-rút xuống mức không thể phát hiện được và giảm nguy cơ lây truyền virus sang người khác.

Tuy nhiên, những tác động của HIV lên hệ miễn dịch sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác, bao gồm cả ung thư. Lý do là bởi HIV làm suy yếu hệ miễn dịch và khiến cơ thể khó chống lại bệnh tật. Nghiên cứu cho thấy những người nhiễm HIV có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cao hơn so với người khỏe mạnh bình thường.

Ngoài ra còn có một số loại ung thư được gọi là "ung thư xác định AIDS", có nghĩa là những bệnh ung thư này là dấu hiệu cho thấy HIV đã chuyển sang giai đoạn cuối, hay còn được gọi là AIDS.

Tuy nhiên, vẫn có cách để giảm nguy cơ mắc ung thư khi nhiễm HIV và nhờ tiến bộ trong y học mà ngày nay đã có nhiều lựa chọn điều trị ung thư khác nhau.

Nguy cơ mắc ung thư khi nhiễm HIV

Từ năm 1996 đến năm 2009, Tổ chức Hợp tác Nghiên cứu và Phòng chống AIDS Bắc Mỹ (NA-ACCORD) đã nghiên cứu khoảng 280.000 người để đánh giá nguy cơ mắc ung thư khi nhiễm HIV, trong đó có 86.000 người dương tính với HIV và gần 200.000 người âm tính với HIV.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine, tỷ lệ mắc một số bệnh ung thư ở hai nhóm này như sau:

Loại ung thư Tỷ lệ mắc ở nhóm nhiễm HIV Tỷ lệ mắc ở nhóm không nhiễm HIV
Ung thư Kaposi 4.4% 0.1%
U lympho không Hodgkin 4.5% 0.7%
Ung thư phổi 3.4% 2.8%
Ung thư hậu môn 1.5% 0.05%
Ung thư đại trực tràng 1.0%

1.5%

Ung thư gan 1.1% 0.4%

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tỷ lệ tử vong do HIV đang giảm 9% mỗi năm. Tuy nhiên, điều này lại làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Các nhà nghiên cứu cho biết liệu pháp kháng virus (ARV) giúp tăng tuổi thọ cho những người nhiễm HIV và khi sống lâu hơn thì nguy cơ mắc ung thư sẽ cao hơn.

Ung thư Kaposi

Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCI), những người sống chung với HIV có nguy cơ mắc ung thư Kaposi (Kaposi sarcoma) cao hơn gấp 500 lần so với người bình thường. Đây là một loại ung thư mạch máu. Ung thư Kaposi có liên quan đến một loại virus có tên là human herpesvirus 8 (HHV-8). Virus này lây lan qua đường tình dục và nước bọt nhưng thường không gây ung thư ở những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Các triệu chứng ban đầu không phải lúc nào cũng biểu hiện rõ. Một số người xuất hiện những đốm sẫm màu trên da hoặc miệng. Các triệu chứng khác gồm có sụt cân và sốt. Ung thư Kaposi có thể ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết, đường tiêu hóa và các cơ quan chính trong cơ thể. Căn bệnh này có thể gây tử vong nhưng có thể chữa khỏi nếu điều trị kịp thời.

Ung thư Kaposi có thể là một dấu hiệu cho thấy HIV đã tiến triển sang giai đoạn cuối hay AIDS. Điều trị bằng thuốc ARV sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư Kaposi và tăng tuổi thọ. Khối u thường sẽ co lại khi hệ miễn dịch khỏe mạnh.

U lympho không Hodgkin

Giống như ung thư Kaposi, u lympho không Hodgkin hay ung thư hạch không Hodgkin (non-Hodgkin’s lymphoma) là một bệnh ung thư khác báo hiệu sự tiến triển sang giai đoạn cuối của HIV. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm khi tuân thủ liệu pháp kháng virus. U lympho không Hodgkin là bệnh ung thư phổ biến thứ hai liên quan đến HIV giai đoạn cuối. NCI ước tính những người sống chung với HIV có nguy cơ mắc u lympho không Hodgkin cao gấp 12 lần người khỏe mạnh.

Có nhiều loại u lympho không Hodgkin khác nhau. Bệnh này bắt đầu từ mô bạch huyết và lan sang các cơ quan khác. U lympho hệ thần kinh trung ương nguyên phát (primary central nervous system lymphoma) bắt đầu ở tủy sống hoặc não. Theo một đánh giá vào năm 2005, khoảng 8% các trường hợp này ảnh hưởng đến não và dịch tủy sống. Virus Epstein-Barr (EBV) là nguyên nhân gây ra một số loại u lympho không Hodgkin.

Một số triệu chứng của u lympho không Hodgkin:

  • Lú lẫn
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Liệt mặt
  • Co giật

Phương pháp điều trị u lympho không Hodgkin là bằng hóa trị liệu. Tiên lượng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có số lượng tế bào máu, giai đoạn bệnh và chức năng hệ miễn dịch.

Ung thư cổ tử cung xâm lấn

Theo NCI, những phụ nữ nhiễm HIV có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao gấp 3 lần so với những phụ nữ khỏe mạnh. Phần lớn các trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm HPV (virus u nhú ở người) - một virus lây truyền qua đường tình dục. Những phụ nữ có hệ miễn dịch bình thường sẽ có tiên lượng cao hơn nhưng cũng còn phụ thuộc vào giai đoạn ung thư tại thời điểm bắt đầu điều trị, số lượng tế bào CD4 và phương pháp điều trị.

Những phụ nữ sống chung với HIV cũng có nguy cơ bị tân sinh trong biểu mô cổ tử cung (CIN) cao hơn. Đây là các tế bào tiền ung thư phát triển trong cổ tử cung. Mặc dù thường không có triệu chứng nhưng CIN có thể tiến triển thành ung thư cổ tử cung. Việc điều trị CIN sẽ khó khăn hơn ở những phụ nữ nhiễm HIV nhưng không phải là không thể.

Một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ nhiễm HIV có tỷ lệ nhận được kết quả bất thường khi làm xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung) cao hơn so với người bình thường. Tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Các bệnh ung thư khác liên quan đến HIV

Nhiễm HPV là một yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở những người nhiễm HIV. Virus này có thể gây ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác, gồm có:

  • Ung thư hậu môn
  • Ung thư khoang miệng
  • Ung thư dương vật
  • Ung thư âm đạo
  • Ung thư đầu cổ
  • Ung thư vòm họng

NCI ước tính những người sống chung với HIV có nguy cơ mắc ung thư hậu môn cao hơn gấp 19 lần bình thường. Nguy cơ càng tăng cao ở những nam giới nhiễm HIV và quan hệ tình dục đồng giới. Những người có nguy cơ ung thư hậu môn cao nên làm xét nghiệm Pap hậu môn định kỳ và điều trị các tổn thương tiền ung thư ngay khi phát hiện.

Những người sống chung với HIV có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp đôi so với người âm tính với HIV. Nguy cơ này sẽ càng tăng ở những người hút thuốc lá.

Virus viêm gan B và C (HBV, HCV) có thể gây ung thư gan. NCI ước tính những người nhiễm HIV có nguy cơ bị chẩn đoán ung thư gan cao gấp 3 lần. Uống quá nhiều rượu sẽ càng làm tăng nguy cơ.

Việc điều trị viêm gan B và C ở người nhiễm HIV sẽ khác so với người không nhiễm HIV.

Các bệnh ung thư khác ít phổ biến hơn có thể xảy ra ở người nhiễm HIV gồm có:

  • U lympho hodgkin
  • Ung thư tinh hoàn
  • Ung thư da

Nghiên cứu đã phát hiện ra sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư đại trực tràng ở những người nhiễm HIV, đặc biệt là HIV giai đoạn cuối/AIDS. Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện vẫn đang tìm hiểu mối liên hệ giữa hai bệnh này.

Theo một nghiên cứu trên 298 người, không có sự khác biệt về tỷ lệ hình thành polyp ở những người dương tính và âm tính với HIV. Nhưng các nhà nghiên cứu lại phát hiện ra rằng những người nhiễm HIV, đặc biệt là AIDS có nguy cơ bị u tân sinh tiến triển cao hơn.

Điều gì làm tăng nguy cơ mắc ung thư?

Hệ miễn dịch bị tổn hại do HIV sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư và khiến cho các tế bào ung thư lây lan nhanh hơn so với những người không nhiễm HIV. Ngoài ra, một số yếu tố về lối sống cũng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc ung thư, ví dụ như:

  • Nghiện rượu nặng: lạm dụng rượu bia có thể dẫn đến những thay đổi tế bào và làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, điển hình là ung thư gan.
  • Dùng chung bơm kim tiêm: dùng chung bơm kim tiêm có thể làm tăng khả năng lây nhiễm virus viêm gan B và C. Viêm gan B và viêm gan C sẽ làm suy giảm chức năng gan và tăng nguy cơ ung thư gan.
  • Hút thuốc lá: hút thuốc là một trong các yếu tố nguy cơ hàng đầu góp phần dẫn đến ung thư phổi.

Làm thế nào để giảm nguy cơ mắc ung thư?

Liệu pháp kháng virus

Điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) sẽ làm giảm số lượng HIV trong máu (tải lượng virus) và đồng thời tăng cường khả năng hệ miễn dịch để chống lại virus. Mặc dù tỷ lệ mắc ung thư Kaposi và u lympho không Hodgkin đã giảm nhưng nguy cơ mắc các bệnh ung thư này vẫn ở mức khá cao ở những người nhiễm HIV.

Phát hiện sớm

Phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp cải thiện tiên lượng khi mắc một số bệnh ung thư:

  • Ung thư gan: xét nghiệm viêm gan thường xuyên sẽ giúp chẩn đoán sớm. Khi bị viêm gan thì cần bắt đầu điều trị ngay lập tức và bỏ rượu bia để giảm nguy cơ ung thư gan.
  • Ung thư cổ tử cung: xét nghiệm Pap thường xuyên là cách để phát hiện sớm những bất thường có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung.
  • Ung thư hậu môn: xét nghiệm Pap hậu môn có thể phát hiện ung thư hậu môn ở giai đoạn đầu.
  • Ung thư phổi: không hút thuốc lá. Thay đổi lối sống này có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư phổi.

Nói chuyện với bác sĩ để tìm hiểu thêm về cách phát hiện sớm các bệnh ung thư liên quan đến HIV.

Điều trị ung thư khi nhiễm HIV

Phác đồ điều trị ung thư khi nhiễm HIV sẽ phụ thuộc vào:

Nói chung, ở những người nhiễm HIV/AIDS thì phác đồ điều trị ung thư cũng giống như những người không nhiễm HIV. Các phương pháp điều trị ung thư chính gồm có:

  • Hóa trị
  • Xạ trị
  • Liệu pháp miễn dịch
  • Liệu pháp nhắm trúng đích
  • Phẫu thuật

Tiên lượng của người bệnh sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hệ miễn dịch bị tổn hại do nhiễm HIV có thể làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị. Với những người nhiễm HIV, phác đồ điều trị ung thư có thể cần được điều chỉnh.

Trong những trường hợp mà ung thư đã di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể thì tỷ lệ điều trị thành công sẽ thấp hơn và người bệnh có thể đăng ký tham gia các thử nghiệm lâm sàng. Đây là những thử nghiệm được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của những loại thuốc và phương pháp điều trị mới.

Đọc toàn bộ bài viết