Nhiễm nấm âm đạo: Dấu hiệu, cách phát hiện và điều trị

4 năm trước 35

Loại nấm phổ biến nhất gây nhiễm trùng nấm men là Candida albicans và rất dễ điều trị. Nếu bị nhiễm loại nấm khác thì việc điều trị có thể sẽ khó khăn hơn.

Nhiễm nấm âm đạo là gì?

Nhiễm nấm âm đạo, còn được gọi là nhiễm nấm candida hay viêm âm đạo do nấm, là một vấn đề phụ khoa phổ biến. Âm đạo là nơi cư trú của nhiều loại vi khuẩn và một số tế bào nấm men. Khi vùng kín ở trạng thái khỏe mạnh, các vi khuẩn và nấm men tồn tại cân bằng nhau. Tuy nhiên, khi sự cân bằng này bị thay đổi thì các tế bào nấm men sẽ sinh sôi quá mức và gây viêm với biểu hiện là tình trạng ngứa ngáy dữ dội, sưng và kích ứng.

Viêm âm đạo do nấm không thuộc nhóm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD). Mặc dù việc quan hệ tình dục sẽ làm lây bệnh nhưng kể cả những phụ nữ không hề quan hệ tình dục cũng có thể gặp phải vấn đề này.

Dấu hiệu nhận biết

Nhiễm nấm âm đạo có các dấu hiệu phổ biến như:

  • Ngứa ngáy vùng kín
  • Sưng đỏ quanh âm đạo
  • Nóng rát khi đi tiểu hoặc khi quan hệ
  • Đau khi quan hệ
  • Nhức
  • Đỏ ở vùng da bên ngoài

Dịch tiết âm đạo màu trắng xám và vón cục cũng là những biểu hiện của nhiễm trùng nấm men âm đạo. Ở một số người, dịch tiết âm đạo vón cục và lợn cợn giống như bã đậu nhưng có người thì dịch tiết lại lỏng như nước.

Thời gian mà tình trạng viêm nhiễm do nấm không được điều trị sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Hay nói cách khác, càng để lâu thì các triệu chứng càng nặng.

Khi tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng hơn thì sẽ có các triệu chứng như: sưng đỏ nặng, ngứa dữ dội và dẫn đến rách, nứt hoặc lở loét.

Khi nào cần đi khám?

Bạn cần đi khám bác sĩ phụ khoa nếu như:

  • Đây là lần đầu tiên bạn có các triệu chứng viêm ở âm đạo
  • Bạn không biết chắc có phải mình bị nhiễm trùng nấm men hay không
  • Các triệu chứng không thuyên giảm sau khi điều trị bằng thuốc bôi hoặc thuốc đặt trị nấm không kê đơn
  • Có các biểu hiện bất thường khác

Nguyên nhân gây nhiễm trùng nấm men

Nấm Candida là một loại vi sinh vật tồn tại tự nhiên trong vùng âm đạo. Bình thường, các vi khuẩn có lợi (Lactobacillus) trong âm đạo thực hiện vai trò giữ cho sự phát triển của loại nấm này luôn ở mức vừa đủ và duy trì sự cân bằng hệ vi sinh vật ở vùng kín.

Tuy nhiên, khi một số tác nhân phá hủy sự cân bằng này, số lượng vi khuẩn có lợi sẽ giảm và nấm candida phát triển quá mức, xâm nhập vào sâu trong âm đạo. Điều này gây ra các triệu chứng viêm âm đạo.

Một số tác nhân có thể gây mất cân bằng hệ vi sinh vật và dẫn đến viêm âm đạo do nấm gồm có:

  • Dùng thuốc kháng sinh, điều này làm giảm số lượng vi khuẩn Lactobacillus trong âm đạo
  • Mang thai
  • Bệnh tiểu đường không được kiểm soát
  • Hệ miễn dịch suy yếu
  • Thói quen ăn uống không lành mạnh, ví dụ như ăn quá nhiều thực phẩm có đường
  • Mất cân bằng nội tiết tố khi sắp đến kỳ kinh nguyệt
  • Căng thẳng
  • Thiếu ngủ

Loại nấm phổ biến nhất gây nhiễm trùng nấm men là Candida albicans và rất dễ điều trị. Nếu bị nhiễm loại nấm khác thì việc điều trị có thể sẽ khó khăn hơn.

Nếu các triệu chứng của nhiễm trùng nấm men tái phát hoặc điều trị bằng các phương pháp thông thường mà không có hiệu quả thì có khả năng là đã nhiễm một chủng khác của Candida. Khi có những dấu hiệu nhiễm nấm thì cần làm xét nghiệm để xác định đúng chủng candida.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nấm men gồm có:

  • Sử dụng kháng sinh: Nhiễm trùng nấm men là vấn đề khá phổ biến ở những người đang dùng thuốc kháng sinh. Các loại kháng sinh phổ rộng không chỉ tiêu diệt các vi khuẩn gây hại mà còn giết chết cả những vi khuẩn có lợi trong âm đạo, dẫn đến sự phát triển quá mức của nấm men.
  • Tăng nồng độ estrogen: Tình trạng nhiễm trùng nấm men thường phổ biến ở những phụ nữ có nồng độ estrogen cao hơn bình thường, chẳng hạn như phụ nữ mang thai hoặc những người đang dùng thuốc tránh thai estrogen liều cao hoặc liệu pháp estrogen.
  • Bệnh tiểu đường không được kiểm soát: Những phụ nữ bị tiểu đường nhưng lượng đường trong máu không được kiểm soát sẽ có nguy cơ bị nhiễm nấm cao hơn so với những người kiểm soát tốt bệnh tiểu đường.
  • Hệ miễn dịch suy giảm: Những phụ nữ có khả năng miễn dịch kém, chẳng hạn như những người đang điều trị bằng liệu pháp corticoid (corticosteroid) hoặc nhiễm HIV/AIDS thường có nguy cơ bị nhiễm trùng nấm men cao hơn.

Chẩn đoán nhiễm nấm âm đạo bằng cách nào?

Nhiễm nấm âm đạo là một vấn đề rất dễ chẩn đoán. Đầu tiên, bác sĩ sẽ lấy bệnh sử, ví dụ như trước đây đã từng bị viêm âm đạo hay mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục hay chưa.

Bước tiếp theo là kiểm tra vùng chậu. Bác sĩ sẽ kiểm tra bộ phận sinh dục ngoài để tìm dấu hiệu viêm nhiễm. Tiếp theo, bác sĩ đặt một dụng cụ chuyên dụng (mỏ vịt) vào để mở rộng thành âm đạo và quan sát bên trong âm đạo cũng như là cổ tử cung - phần bên dưới, hẹp hơn của tử cung để phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Ngoài ra, để chẩn đoán nhiễm trùng nấm men thì còn phải soi tươi dịch âm đạo. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ lấy một ít dịch tiết âm đạo để xét nghiệm nhằm xác định nguyên nhân gây viêm. Khi xác định được loại nấm, bác sĩ có thể kê thuốc điều trị hiệu quả hơn và ngăn ngừa tình trạng nhiễm nấm tái phát.

Tùy thuộc vào kết quả của các phương pháp trên mà có thể còn cần lấy một số tế bào từ âm đạo và chuyển đến phòng thí nghiệm để phân tích. Phương pháp này thường được sử dụng cho những trường hợp thường xuyên bị viêm âm đạo do nấm hoặc tình trạng viêm không khỏi dù đã điều trị.

Điều trị nhiễm trùng nấm men

Tùy thuộc vào loại nhiễm trùng nấm men mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất. Phương pháp điều trị cũng được xác định dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Nhiễm nấm mức độ nhẹ

Đối với các trường hợp nhiễm trùng nấm men mức độ nhẹ đến vừa, bác sĩ thường sẽ kê đơn thuốc dùng trong từ 1 đến 3 ngày, gồm có kem bôi, thuốc mỡ, thuốc viên uống hoặc thuốc đặt trị nấm. Những loại thuốc này có thể là dạng kê đơn hoặc không kê đơn.

Các loại thuốc được dùng phổ biến để trị nhiễm trùng nấm men gồm có:

  • butoconazole (Gynazole)
  • clotrimazole (Lotrimin)
  • miconazole (Monistat)
  • terconazole (Terazol)
  • fluconazole (Diflucan)

Sau khi điều trị nên đi tái khám để đảm bảo vấn đề đã được điều trị khỏi.

Ngoài ra, nếu như các triệu chứng quay trở lại trong vòng 2 tháng sau điều trị thì cũng cần tái khám.

Nếu trước đây bạn đã từng bị và điều trị khỏi nhiễm trùng nấm men nhưng lại thấy các triệu chứng xuất hiện thì có thể tự mua thuốc trị nấm điều trị tại nhà.

Nhiễm nấm mức độ nặng

Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng các phương pháp dành cho nhiễm trùng nấm men nghiêm trọng nếu như bạn:

  • bị đỏ, sưng và ngứa ngáy nghiêm trọng dẫn đến lở loét hoặc rách trong âm đạo
  • bị viêm âm đạo do nấm từ 4 lần trở lên trong một năm
  • bị nhiễm các chủng nấm Candida khác không phải Candida albicans
  • đang mang thai
  • bị bệnh tiểu đường không được kiểm soát hoặc hệ miễn dịch bị yếu do dùng thuốc
  • bị nhiễm HIV/AIDS

Các phương pháp điều trị thường được dùng cho các trường hợp nhiễm nấm men nặng gồm có:

  • Dùng kem bôi, thuốc mỡ, thuốc uống hoặc thuốc đặt âm đạo trong 14 ngày
  • Uống 2 đến 3 liều fluconazole (Diflucan)
  • Dùng fluconazole dài hạn, mỗi tuần một lần trong 6 tuần hoặc sử dụng lâu dài một loại thuốc trị nấm dạng bôi.

Nếu có quan hệ tình dục và tình trạng viêm nhiễm cứ tiếp tục tái phát thì nên kiểm tra xem bạn tình của mình có bị nhiễm nấm hay không. Bên cạnh đó, cần sử dụng các biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như mang bao cao su khi quan hệ tình dục nếu nghi ngờ một trong hai người bị nhiễm nấm.

Điều trị bằng tinh dầu

Các loại tinh dầu đã được ứng dụng rất phổ biến trong vài năm trở lại đây và được kết hợp với các phương pháp điều trị thông dụng khác. Những loại dầu được chiết xuất từ thực vật có nhiều công dụng và được sử dụng để trị nhiều loại bệnh khác nhau. Một trong những loại tinh dầu được dùng rất phổ biến hiện nay là tinh dầu tràm trà. Tinh dầu này có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm nên có thể sử dụng để điều trị nhiễm trùng nấm men. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dùng tinh dầu và một vấn đề có thể xảy ra khi sử dụng là dị ứng. Do đó, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng, đặc biệt là khi sử dụng cho những vùng nhạy cảm như âm đạo. Ngoài ra, cần thử trên một vùng da nhỏ trước khi bôi rộng lên vùng da lớn.

Một điều quan trọng nữa là không được bôi trực tiếp mà phải pha loãng tinh dầu trước khi sử dụng. Tốt nhất vẫn nên đi khám để xác nhận chính xác nguyên nhân gây nên các triệu chứng thực sự là do nhiễm nấm trước khi thử điều trị bằng tinh dầu. Bên cạnh tinh dầu tràm trà, bạn có thể hỏi bác sĩ về các loại dầu an toàn hơn, chẳng hạn như dầu dừa, để khắc phục tình trạng nhiễm trùng nấm men.

Nhiễm trùng nấm men ở nam giới

Mặc dù nhiễm trùng nấm men phổ biến hơn ở phụ nữ nhưng vấn đề này cũng có thể xảy ra ở nam giới và gây nhiễm nấm dương vật.

Cơ thể tất cả mọi người đều có nấm Candida chứ không chỉ riêng phụ nữ và khi loại nấm này phát triển quá mức, nó sẽ gây nên tình trạng nhiễm trùng nấm men. Vùng bẹn đặc biệt dễ bị nhiễm nấm vì có nếp gấp da và ẩm ướt.

Nguyên nhân gây nhiễm nấm dương vật thường là do quan hệ đường âm đạo không mang bao cao su với phụ nữ bị viêm âm đạo do nấm. Do đó, để tránh nhiễm nấm thì cần mang bao cao su khi quan hệ tình dục và vệ sinh sạch sẽ sau khi quan hệ.

Các triệu chứng nhiễm nấm ở nam giới thường không rõ rệt như ở phụ nữ nhưng thường gồm có hiện tượng ửng đỏ, xuất hiện các mảng trắng dọc theo dương vật kèm theo cảm giác nóng rát và ngứa. Nếu nghi ngờ mình bị nhiễm nấm dương vật thì nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.

Nhiễm nấm men ở phụ nữ

Nhiễm trùng nấm men là vấn đề vô cùng phổ biến ở phụ nữ. Trên thực tế, ước tính cứ 4 người lại có 3 người bị nhiễm nấm âm đạo nhiều hơn 2 lần trong đời.

Khi bị nhiễm nấm, điều quan trọng là phải điều trị sớm. Điều này không chỉ làm dịu bớt các triệu chứng khó chịu mà còn làm giảm khả năng tình trạng nhiễm nấm ngày càng lan rộng trong cơ thể.

Nhiễm trùng nấm men rất dễ tái phát, đặc biệt là khi đang mang thai, mắc bệnh tiểu đường hoặc có hệ miễn dịch yếu. Nên đi khám nếu như bị nhiễm nấm quá 4 lần mỗi năm.

Nhiễm nấm men trong thai kỳ

Nhiễm trùng nấm men xảy ra phổ biến ở những phụ nữ mang thai do sự thay đổi nồng độ hormone trong thời gian này. Nếu đang mang thai và nghi ngờ mình bị nhiễm nấm thì nên đi khám để được chẩn đoán đúng vấn đề.

Việc điều trị nhiễm trùng nấm men khi mang thai thường khác với các phương pháp dành cho người không mang thai. Khi mang bầu, bạn không thể dùng thuốc trị nấm đường uống do các loại thuốc này có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi mà chỉ có thể dùng thuốc trị nấm dạng bôi.

Mặc dù nhiễm nấm men không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi nhưng lại có thể truyền sang cho trẻ trong khi sinh. Sau đó, điều này có thể khiến cho bé bị hăm tã và nấm miệng. Do đó, khi bị nhiễm trùng nấm men thì phải điều trị sớm, đặc biệt là khi đang mang thai để ngăn ngừa vấn đề không mong muốn xảy ra cho con sau khi sinh.

Nhiễm nấm men ở trẻ sơ sinh

Mặc dù nhiễm nấm men thường chủ yếu xảy ra ở người lớn nhưng trẻ sơ sinh cũng có thể bị nhiễm nấm.

Ở trẻ sơ sinh, vấn đề phổ biến nhất mà nấm candida gây ra là hăm tã. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp hăm tã đều là do sự phát triển quá mức của loại nấm này gây ra.

Biểu hiện của hăm tã do nấm men là da nổi những mảng mụn nước nhỏ, đỏ ở vùng quấn tã, khi những mụn này vỡ ra sẽ đóng vảy và bong tróc. Nhiễm nấm men cũng có thể xảy ra ở các vị trí khác có nếp gấp trên cơ thể, chẳng hạn như dưới nách.

Khi có những biểu hiện này thì nên đưa con đi khám bác sĩ nhi khoa. Bác sĩ sẽ kê một số loại kem bôi trị nấm để điều trị nhiễm nấm trên da. Nếu như trẻ bị nấm miệng (nhiễm trùng nấm men miệng) thì sẽ còn phải dùng thuốc đường uống. Mặc dù nhiễm trùng nấm men ở trẻ thường vô hại, nhưng đôi khi cũng có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng nếu không được điều trị.

Viêm âm đạo do nấm và kinh nguyệt

Viêm âm đạo do nấm đã là một vấn đề khó chịu và khi bị tình trạng viêm xảy đến vào kỳ kinh nguyệt thì những triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu như tăng nặng lên gấp đôi. Đây là điều không hề hiếm gặp. Trong những ngày gần đến kỳ kinh nguyệt, phụ nữ rất dễ bị nhiễm trùng nấm men.

Sự thay đổi nồng độ hormone là một trong những nguyên nhân làm mất sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi - nấm trong âm đạo và gây viêm trước kỳ kinh nguyệt.

Mặc dù nhiễm nấm âm đạo gây tiết dịch bất thường nhưng nếu gặp hiện tượng dịch tiết âm đạo màu trắng hoặc màu vàng trong khoảng một tuần trước khi có kinh thì đây chưa chắc đã là dấu hiệu nhiễm nấm mà có thể là hiện tượng bình thường xảy ra trước khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, nếu gặp các triệu chứng đặc trưng khác, chẳng hạn như đỏ, nóng rát và ngứa thì cần chú ý.

Nếu điều trị sớm, có thể tình trạng viêm do nhiễm nấm sẽ khỏi trước khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu. Nên đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng viêm không cải thiện sau khi kỳ kinh nguyệt kết thúc hoặc khi tiếp tục bị viêm vào các tháng tiếp theo.

Nhiễm trùng nấm men là một vấn đề phổ biến, nhưng việc điều trị kịp thời và đúng cách sẽ giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu chỉ trong vòng vài ngày. Bằng cách biết được nguyên nhân cũng như là các yếu tố nguy cơ của mình, bạn sẽ ngăn chặn được tình trạng viêm nhiễm tiếp tục tái phát trong tương lai.

Khi tình trạng viêm âm đạo do nấm tái phát và kéo dài quá hai tháng thì cần đi khám bác sĩ phụ khoa.

Con đường lây nhiễm

Mặc dù có thể bị nhiễm trùng nấm men sau khi quan hệ tình dục nhưng bản thân nhiễm nấm men lại không phải là một bệnh STD. Thay vào đó, có những yếu tố khác làm mất sự cân bằng giữa lợi khuẩn và nấm Candida trong âm đạo và gây nên viêm âm đạo do nấm. Quan hệ đường âm đạo, dùng đồ chơi tình dục hay xâm nhập ngón tay đều là những nguyên nhân gây nhiễm nấm candida.

Một khả năng khác là quan hệ đường âm đạo với một nam giới bị nhiễm nấm dương vật. Ngược lại, nam giới cũng có thể bị nhiễm nấm dương vật khi quan hệ với một phụ nữ bị nhiễm nấm âm đạo. Quan hệ tình dục đường miệng cũng là con đường lây truyền nấm miệng, âm đạo và dương vật.

Tuy nhiên, còn nhiều con đường khác lây truyền nhiễm nấm men và quan hệ tình dục chỉ là một trong số đó.

Nấm men cũng có thể lây qua đồ chơi tình dục hoặc khi hôn một người bị nhiễm nấm men ở miệng.

Trẻ sơ sinh có thể bị hăm tã do nấm men nếu người mẹ bị nhiễm nấm âm đạo tại thời điểm sinh con. Ngoài ra, trẻ có thể bị nấm miệng nếu như nấm candida phát triển quá mức ở vùng vú của người mẹ.

Mặc dù nhiễm trùng nấm men có thể lây từ người sang người nhưng cơ chế lây truyền lại không giống như các bệnh nhiễm trùng khác.

Viêm âm đạo do nấm và viêm âm đạo do vi khuẩn

Viêm âm đạo do vi khuẩn (Bacterial vaginosis) là loại viêm âm đạo phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 44. Nguyên nhân chính gây nên vấn đề này là sự mất cân bằng vi khuẩn do thói quen thụt rửa và quan hệ tình dục trong khi viêm âm đạo do nấm là do sự phát triển quá mức của nấm candida trong âm đạo. Viêm âm đạo do vi khuẩn cũng có các biểu hiện tương tự như viêm âm đạo do nấm, gồm có dịch tiết âm đạo có mùi tanh, nóng rát và ngứa. Điều này khiến cho việc phân biệt giữa hai loại viêm trở nên khó khăn. Viêm âm đạo do nấm thường không gây ra các vấn đề nghiêm trọng về lâu dài nhưng nếu không được điều trị thì viêm âm đạo do vi khuẩn lại có thể dẫn đến biến chứng.

Biến chứng của viêm âm đạo do vi khuẩn gồm có các vấn đề về sinh sản hoặc sinh non (nếu bị bệnh trong khi mang thai) và nguy cơ cao mắc các bệnh lây qua đường tình dục.

Không giống như viêm âm đạo do nấm, khi nguyên nhân gây viêm âm đạo là do vi khuẩn thì sẽ cần điều trị bằng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Khi có các triệu chứng viêm âm đạo thì nên đi khám để xác định nguyên nhân và điều trị đúng cách.

Nhiễm nấm men và nhiễm trùng đường tiết niệu

Một dạng nhiễm trùng phổ biến khác ở phụ nữ là nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Đây là một vấn đề hoàn toàn khác với nhiễm trùng nấm men. Một người có thể bị một trong hai hoặc thậm chí bị cả hai cùng một lúc.

Nhiễm trùng đường tiết niệu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra ở hệ tiết niệu. Hệ tiết niệu gồm có niệu đạo, niệu quản, bàng quang và thận. Quan hệ tình dục, các bệnh lây qua đường tình dục và không đi tiểu thường xuyên đều là những nguyên nhân có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu.

Các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu khác với nhiễm trùng nấm men. Nhiễm trùng đường tiết niệu không gây dịch tiết âm đạo bất thường mà thường có biểu hiện là lẫn máu trong nước tiểu, đi tiểu thường xuyên kèm theo đau vùng chậu và bụng dưới.

Nếu không điều trị, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng ở thận. Vì thế, cần đi khám ngay khi phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường để được kê kháng sinh điều trị kịp thời.

Ngăn ngừa nhiễm trùng nấm men

Dưới đây là một số thói quen bạn nên thực hiện và nên tránh để tránh bị viêm âm đạo do nấm cũng như là ngăn vấn đề tái phát sau khi đã điều trị khỏi.

Nên:

  • Có chế độ ăn uống cân bằng
  • Thường xuyên ăn sữa chua hoặc uống men vi sinh có chứa lactobacillus
  • Mặc quần bằng vải tự nhiên như cotton, lanh hoặc lụa
  • Giặt đồ lót trong nước nóng
  • Thay băng vệ sinh thường xuyên

Tránh:

  • Mặc quần bó, chật
  • Dùng các chất khử mùi vùng kín, băng vệ sinh hoặc tampon có mùi thơm
  • Mặc quần ẩm, đặc biệt là đồ bơi
  • Ngâm mình trong nước nóng quá lâu và quá thường xuyên
  • Thụt rửa
Đọc toàn bộ bài viết