Chu kỳ kinh nguyệt thay đổi theo từng tháng nên việc thi thoảng kinh nguyệt ra ít hoặc nhiều hơn bình thường cũng không phải là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu cảm thấy đau dữ dội hoặc ra quá nhiều máu và có đi kèm với các cục máu đông lớn thì cần đi khám ngay.
Nội dung chính của bài viết:
- Trước khi kinh nguyệt chính thức bắt đầu, nhiều phụ nữ phải trải qua những triệu chứng tiền kinh nguyệt, gồm có: đau bụng, đau mỏi thắt lưng, người mệt mỏi, chướng bụng và thay đổi tâm trạng.
- Khi đến kỳ, nhiều phụ nữ còn gặp phải những vấn đề nghiêm trọng hơn thế, ví dụ như kinh nguyệt ra quá nhiều hoặc quá ít hay hoàn toàn không có kinh nguyệt. Những vấn đề này được gọi chung là kinh nguyệt bất thường.
- Chu kỳ kinh nguyệt thay đổi theo từng tháng nên việc thi thoảng kinh nguyệt ra ít hoặc nhiều hơn bình thường cũng không phải là điều đáng lo ngại.
- Tuy nhiên, nếu cảm thấy đau dữ dội hoặc ra quá nhiều máu và có đi kèm với các cục máu đông lớn thì cần đi khám ngay. Ngoài ra, cũng phải đến gặp bác sĩ nếu mỗi lần có kinh cách nhau dưới 21 ngày hoặc trên 35 ngày.
Vấn đề về kinh nguyệt
Trước khi bắt đầu những ngày “đèn đỏ”, đa số phụ nữ đều phải trải qua một loạt các triệu chứng khó chịu cả về thể chất và tinh thần. Những triệu chứng này được gọi chung là hội chứng tiền kinh nguyệt (premenstrual syndrome). Những triệu chứng tiền kinh nguyệt phổ biến nhất gồm có đau bụng, đau mỏi thắt lưng, người mệt mỏi, chướng bụng và thay đổi tâm trạng. Thường thì các triệu chứng này sẽ biến mất khi bắt đầu hiện tượng ra máu.
Khi đến kỳ, nhiều phụ nữ còn gặp phải những vấn đề nghiêm trọng hơn thế, ví dụ như kinh nguyệt ra quá nhiều hoặc quá ít hay hoàn toàn không có kinh nguyệt. Những vấn đề này được gọi chung là kinh nguyệt bất thường.
Tuy nhiên, khái niệm “chu kỳ kinh nguyệt bình thường” ở mỗi người là khác nhau. Những gì được coi là bình thường ở người này có thể là bất thường với người khác. Điều quan trọng nhất vẫn là kinh nguyệt diễn ra đều đặn hàng tháng và phải đi khám bác sĩ ngay khi nhận thấy có bất kỳ thay đổi nào trong chu kỳ kinh nguyệt của mình
Dưới đây là một số vấn đề về kinh nguyệt mà phụ nữ có thể gặp phải.
Hội chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt thường xảy ra từ một đến hai tuần trước khi kinh nguyệt chính thức bắt đầu. Hội chứng tiền kinh nguyệt gồm có các thay đổi cả về thể chất lẫn cảm xúc, tinh thần. Không phải ai cũng phải trải qua những hiện tượng này trước khi hành kinh và nếu có thì các thay đổi mà mỗi người gặp phải là khác nhau nhưng một số thay đổi phổ biến báo kinh nguyệt sắp đến gồm có:
- Đau ở bụng dưới
- Chướng bụng, đầy hơi
- Đau mỏi thắt lưng
- Đau đầu
- Vú căng đau
- Da nhiều dầu, nổi mụn
- Đột nhiên tăng cảm giác thèm ăn
- Người mệt mỏi
- Thân nhiệt tăng
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Phiền muộn, lo âu
- Dễ cáu gắt
- Thay đổi cảm xuc thất thường
- Căng thẳng
- Mất ngủ
Những dấu hiệu này và mức độ nghiêm trọng có thể thay đổi theo từng tháng. Hội chứng tiền kinh nguyệt sẽ gây khó chịu nhưng nhìn chung thì đều là hiện tượng bình thường và không đáng lo ngại trừ khi gây cản trở các hoạt động sinh hoạt thường ngày.
Kinh nguyệt ra nhiều
Một vấn đề về kinh nguyệt phổ biến khác là kinh nguyệt ra nhiều hay còn gọi là cường kinh. Đây là tình trạng máu kinh ra nhiều hơn bình thường. Nếu kỳ kinh kéo dài (quá 5 – 7 ngày) thì được coi là rong kinh.
Nguyên nhân gây rong kinh và cường kinh chủ yếu là do mất cân bằng nồng độ nội tiết tố (hormone), đặc biệt là progesterone và estrogen.
Các nguyên nhân khác khiến kinh nguyệt ra nhiều hoặc thất thường còn có:
- Tuổi dậy thì
- Nhiễm trùng âm đạo
- Viêm cổ tử cung
- Tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp)
- Có khối u lành trong tử cung (u xơ)
- Thay đổi chế độ ăn uống hoặc tập luyện cường độ quá nặng
Vô kinh
Đôi khi, vì một lý do nào đó mà sẽ có tháng đột nhiên kinh nguyệt không đến. Hiện tượng này được gọi là vô kinh. Có hai dạng vô kinh là vô kinh nguyên phát và vô kinh thứ phát. Vô kinh nguyên phát là tình trạng mà những bé gái đã đến tuổi 16 mà vẫn chưa có kinh nguyệt lần đầu. Nguyên nhân có thể do vấn đề ở tuyến yên, khiếm khuyết bẩm sinh ở hệ sinh dục hoặc tuổi dậy thì đến muộn. Vô kinh thứ phát là tình trạng xảy ra khi ngừng có kinh nguyệt trong 6 tháng trở lên.
Một số nguyên nhân phổ biến gây vô kinh nguyên phát và vô kinh thứ phát ở độ tuổi thiếu niên gồm có:
- Chứng chán ăn
- Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp)
- U nang buồng trứng
- Tăng hoặc giảm cân đột ngột
- Mang thai
Ở phụ nữ trưởng thành, hiện tượng đột nhiên không có kinh nguyệt thường là do các nguyên nhân dưới đây gây nên:
- Suy buồng trứng sớm hay còn gọi là mãn kinh sớm
- Viêm vùng chậu
- Ngừng sử dụng biện pháp tránh thai
- Mang thai
- Cho con bú
- Mãn kinh
Đột nhiên không có kinh nguyệt là một trong những dấu hiệu mang thai. Nếu bạn nghĩ mình có thể đã mang thai thì trước tiên nên mua que thử thai. Đây là cách đơn giản và ít tốn kém để xác nhận có phải mang thai hay không. Để có kết quả chính xác thì nên đợi cho đến khi lỡ kinh nguyệt được 1 ngày mới thử.
Đau đớn khi đến kỳ
Ngoài kinh nguyệt ra ít hoặc nhiều hơn bình thường, tình trạng đau đớn dữ dội khi đến kỳ cũng được coi là bất thường. Đau ở bụng dưới là một hiện tượng rất bình thường trong thời gian trước khi hành kinh. Điều này cũng có thể kéo dài sang vài ngày đầu của kỳ kinh do các cơn co thắt tử cung để đẩy lớp niêm mạc ra ngoài. Tuy nhiên, không ít phụ nữ phải trải qua những cơn đau dữ dội, còn được gọi là thống kinh mỗi khi đến ngày đèn đỏ. Tình trạng đau đớn này cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như:
- U xơ tử cung
- Bệnh viêm vùng chậu
- Lạc nội mạc tử cung, tình trạng mô niêm mạc tử cung phát triển bất thường ở bên ngoài tử cung
Chẩn đoán nguyên nhân bằng cách nào?
Khi nhận thấy bất kỳ vấn đề bất thường nào với chu kỳ kinh nguyệt thì đều nên đi khám bác sĩ. Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về chu kỳ kinh nguyệt (độ dài, mức độ đều đặn,…) cũng như là các triệu chứng mà bạn gặp phải. Bác sĩ sẽ dựa trên những thông tin này để đưa ra chẩn đoán ban đầu.
Trong quá trình thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ còn kiểm tra vùng chậu. Thủ thuật này cho phép bác sĩ kiểm tra các cơ quan sinh dục và phát hiện các dấu hiệu viêm ở âm đạo hoặc cổ tử cung nếu có. Sau đó có thể sẽ cần tiến hành xét nghiệm Pap smear (phết tế bào cổ tử cung) để loại trừ hay xác nhận khả năng ung thư hoặc các vấn đề tiềm ẩn khác.
Phương pháp xét nghiệm máu sẽ giúp đo nồng đồ nội tiết tố trong cơ thể và phát hiện tình trạng mất cân bằng – đây là một nguyên nhân phổ biến gây rối loạn kinh nguyệt. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu làm xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước tiểu để thử thai trong trường hợp nghi ngờ đã mang thai.
Các phương pháp khác cũng có thể được sử dụng để chẩn đoán căn nguyên của các vấn đề về kinh nguyệt gồm có:
- Sinh thiết nội mạc tử cung: lấy một mẫu mô ở niêm mạc tử cung để phân tích
- Nội soi buồng tử cung: đưa ống nội soi vào trong tử cung để quan sát và phát hiện những dấu hiệu bất thường
- Siêu âm: sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh bên trong tử cung
Điều trị các vấn đề về kinh nguyệt
Phương pháp điều trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gốc rễ gây ra vấn đề. Thuốc tránh thai có thể làm giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt cũng như là điều trị tình trạng rong kinh/cường kinh. Nếu nguyên nhân gây kinh nguyệt ra nhiều hoặc ít hơn bình thường là do vấn đề ở tuyến giáp hoặc các dạng rối loạn nội tiết tố khác thì liệu pháp thay thế hormone sẽ giúp kinh nguyệt diễn ra đều đặn hơn.
Tình trạng đau bụng kinh cũng có liên quan đến nồng độ hormone nhưng các cơn đau dữ dội thường là do một vấn đề tiềm ẩn và cần điều trị bằng cả phương pháp khác. Ví dụ như phải dùng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh viêm vùng chậu.