Biết được sự khác biệt giữa bệnh vảy nến và bệnh ghẻ sẽ giúp nhận biết các dấu hiệu ban đầu và xác định phương pháp điều trị phù hợp.
Thoạt nhìn, bệnh vảy nến và bệnh ghẻ có những biểu hiện khá giống nhau. Tuy nhiên, hai bệnh này có nhiều đặc điểm khác nhau.
Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết ghẻ và vảy nến cũng như điểm khác biệt về nguyên nhân, yếu tố nguy cơ cùng các lựa chọn điều trị của từng bệnh.
Nguyên nhân
Bệnh vảy nến
Vảy nến là một bệnh tự miễn ảnh hưởng đến da. Các tế bào da bình thường trải qua chu kỳ hình thành và bong ra sau khoảng 3 – 4 tuần. Ở những người bị vảy nến, hệ miễn dịch bị rối loạn, làm tăng tốc độ hình thành tế bào da mới lên nhanh hơn nhiều so với bình thường. Thay vì 3 – 4 tuần, chu kỳ thay da chỉ diễn ra trong 3 đến 7 ngày. Kết quả là các tế bào da chồng lên nhau và tạo thành các mảng da khô, dày, đóng vảy và bong tróc.
Có nhiều loại bệnh vảy nến và loại phổ biến nhất là bệnh vảy nến thể mảng.
Bệnh ghẻ
Ghẻ là một bệnh do Sarcoptes scabiei - một loài côn trùng sống ký sinh có kích thước cực nhỏ gây ra, được gọi là cái ghẻ.
Bệnh ghẻ bắt đầu khi một cái ghẻ chui vào lớp thượng bì của da và đào hang, đẻ trứng. Sau vài ngày, trứng nở ra ấu trùng và khi ấu trùng phát triển thành cái ghẻ trưởng thành thì sẽ di chuyển lên bề mặt da, tiếp tục đào hang và lại đẻ trứng.
Khả năng lây lan
Vảy nến
Bệnh vảy nến không lây. Chạm vào những vùng da tổn thương ở người bị vảy nến sẽ không bị nhiễm bệnh.
Bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ dễ dàng lây qua cả sự tiếp xúc da trực tiếp và gián tiếp qua các đồ vật trung gian như quần áo, khăn lau, chăn ga trải giường,…
Các yếu tố nguy cơ
Bệnh vảy nến
Bệnh vảy nến có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, bất kể nam hay nữ nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm có:
- Tiền sử gia đình bị bệnh vảy nến
- Bị các bệnh nghiêm trọng do nhiễm virus, chẳng hạn như HIV/AIDS
- Nhiễm trùng nặng do vi khuẩn
- Căng thẳng mức độ cao
- Thừa cân, béo phì
- Hút thuốc lá
Bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ rất dễ lây lan giữa các thành viên trong gia đình, những người sống cùng nhau hay hai người có quan hệ tình dục. Những người sống ở nơi đông đúc có nguy cơ bị bệnh ghẻ cao nhất.
Do đó, mà ghẻ là bệnh khá phổ biến ở các trường nội trú, viện dưỡng lão, nhà tù hay doanh trại quân đội,…
Những người có hệ miễn dịch suy yếu, mắc các bệnh mãn tính và người lớn tuổi còn có nguy cơ cao bị một dạng ghẻ nghiêm trọng là ghẻ Nauy.
Còn được gọi là ghẻ tăng sừng, ghẻ Nauy gây hình thành những lớp da dày, màu trắng có chứa rất nhiều cái ghẻ và trứng. Cái ghẻ ở bệnh ghẻ Nauy cũng giống như các dạng ghẻ khác nhưng vì tồn tại với số lượng nhiều nên chúng rất dễ lây lan.
Các dấu hiệu, triệu chứng
Bệnh vảy nến
Bệnh vảy nến có nhiều loại khác nhau và mỗi loại có những triệu chứng riêng. Loại phổ biến nhất là bệnh vảy nến thể mảng, có đặc điểm là các mảng da dày, cứng màu đỏ với bề mặt màu trắng. Các mảng da này có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể nhưng phổ biến nhất là ở những khu vực như:
- Khuỷu tay
- Đầu gối
- Da đầu
- Thắt lưng
Các triệu chứng khác còn có:
- Da khô nứt nẻ
- Ngứa ngáy
- Nóng rát
- Đau ở những vùng da tổn thương
- Rỗ móng tay
Bệnh ghẻ
Triệu chứng chính của bệnh ghẻ là ngứa dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm và nổi mụn nước trên da. Ngoài ra còn có đường ngoằn ngoèo mảnh nổi lên trên bề mặt da, trùng màu da hoặc màu trắng xám và ở đầu có mụn nước.
Mụn nước hình thành là do phản ứng của hệ miễn dịch với cái ghẻ. Nếu chưa từng bị ghẻ thì có thể phải sau vài tuần kể từ khi cái ghẻ xâm nhập các triệu chứng mới xuất hiện. Nếu đã bị ghẻ trước đây và bị lại thì các triệu chứng thường xuất hiện chỉ sau vài ngày.
Ghẻ có thể gây nổi mụn nước ở bất cứ đâu trên cơ thể nhưng phổ biến nhất là ở quanh các nếp gấp da, chẳng hạn như:
- Kẽ ngón tay
- Xung quanh eo
- Nách
- Bên trong khuỷu tay
- Cổ tay
- Xung quanh vú ở phụ nữ
- Quanh dương vật ở nam giới
- Bả vai
- Mông
- Đằng sau đầu gối
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, triệu chứng ghẻ thường xuất hiện ở các khu vực như:
- Da đầu
- Cổ
- Mặt
- Lòng bàn tay
- Lòng bàn chân
Phương pháp điều trị
Bệnh vảy nến
Mặc dù bệnh vảy nến không lây nhưng cũng không thể chữa khỏi dứt điểm. Các phương pháp điều trị đều chỉ nhằm mục đích giảm các triệu chứng và phục hồi da.
Tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh vảy nến mà sẽ cần điều trị bằng các phương pháp khác nhau. Một số phương pháp điều trị phổ biến:
- Thuốc uống
- Thuốc bôi, chẳng hạn như steroid
- Nhựa than đá (coal tar)
- Liệu pháp điều trị bằng tia cực tím (UV)
- Tiêm thuốc
- Liệu pháp kết hợp
Bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ khá dễ chữa nhưng vì các triệu chứng xảy ra là do phản ứng của hệ miễn dịch cơ thể với cái ghẻ và chất thải của chúng nên ngay cả sau khi đã tiêu diệt hết cái ghẻ và trứng thì tình trạng ngứa có thể sẽ vẫn tiếp diễn trong vài tuần.
Bệnh ghẻ chủ yếu được điều trị bằng các loại thuốc bôi. Những trường hợp nghiêm trọng sẽ cần bôi thuốc lên toàn thân và để trong vài giờ, thường là qua đêm rồi sáng hôm sau rửa sạch.
Có thể cần phải điều trị nhiều đợt để chữa khỏi hoàn toàn. Thành viên trong gia đình hoặc những người sống chung cũng nên điều trị, cho dù có biểu hiện triệu chứng hay không.
Ngoài dùng thuốc trị ghẻ, một số biện pháp để làm giảm các triệu chứng của bệnh ghẻ gồm có chườm mát, dùng thuốc kháng histamine và đắp lô hội.
Tìm hiểu thêm về các phương pháp trị ghẻ
Khi nào cần đi khám?
Nên đi khám bác sĩ nếu như:
- Nghi ngờ bị ghẻ và đã dùng thuốc không kê đơn nhưng các triệu chứng không thuyên giảm hoặc ngày càng nặng thêm
- Triệu chứng vảy nến bùng phát nghiêm trọng hoặc lan rộng bất thường
- Đã tiếp xúc với người bị ghẻ
Cần đi khám càng sớm càng tốt khi bị ghẻ hoặc vảy nến và bắt đầu có các dấu hiệu nhiễm trùng, ví dụ như:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Buồn nôn
- Tăng đau
- Sưng tấy, nóng đỏ
Biết được sự khác biệt giữa bệnh vảy nến và bệnh ghẻ sẽ giúp nhận biết các dấu hiệu ban đầu và xác định phương pháp điều trị phù hợp.