Phần lớn những người mắc chlamydia đều không có triệu chứng nhưng bệnh sẽ vẫn âm thầm gây tổn hại cho cơ thể.
Chlamydia là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) do vi khuẩn gây ra. Bệnh này lây qua quan hệ bằng miệng, quan hệ qua đường hậu môn và đường âm đạo.
Vì do vi khuẩn gây ra nên bệnh chlamydia có thể điều trị được bằng thuốc kháng sinh và ngăn ngừa bằng cách sử dụng các biện pháp bảo vệ bất cứ khi nào quan hệ tình dục.
Tuy nhiên, rất nhiều người bị nhiễm chlamydia không hề biết mình đã mắc bệnh vì đa phần bệnh này không gây bất kỳ triệu chứng nào.
Và ngay cả khi có thì cũng phải sau từ 1 tuần đến 3 tháng hoặc thậm chí lâu hơn kể từ khi nhiễm bệnh các triệu chứng mới bộc lộ.
Vậy bao lâu thì các phương pháp xét nghiệm chlamydia mới cho kết quả? Có sự khác biệt nào về thời gian biểu hiện triệu chứng giữa nam giới và nữ giới hay không? Và khi xét nghiệm cho kết quả dương tính thì cần điều trị bằng cách nào?
Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Bao lâu thì có kết quả xét nghiệm?
Các phương pháp xét nghiệm được thực hiện để chẩn đoán chlamydia gồm có:
- Xét nghiệm nước tiểu: nhằm kiểm tra xem có vi khuẩn chlamydia trong nước tiểu hay không.
- Xét nghiệm máu: kiểm tra xem có kháng thể kháng vi khuẩn chlamydia trong máu hay không.
- Xét nghiệm dịch cơ thể: dùng tăm bông vô trùng lấy mẫu chất dịch ở vùng bị nhiễm bệnh, có thể là âm đạo, dương vật, hậu môn hoặc miệng rồi sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm để nuôi cấy nhằm tìm sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh.
Thời gian mà các xét nghiệm này cho kết quả sẽ khác nhau:
- Xét nghiệm nước tiểu: thường cho kết quả sau khoảng 2 đến 5 ngày
- Xét nghiệm máu: có thể cho kết quả chỉ sau vài phút nếu máu được phân tích tại chỗ hoặc cũng có thể phải mất từ một tuần trở lên nếu mẫu máu được gửi đến phòng thí nghiệm ở bên ngoài.
- Xét nghiệm mẫu dịch cơ thể: thường sau khoảng 2 đến 3 ngày là sẽ có kết quả
Bao lâu thì triệu chứng xuất hiện?
Ở phụ nữ
Ở phụ nữ, các triệu chứng chlamydia thường xuất hiện sau khoảng 1 đến 3 tuần kể từ thời điểm bị nhiễm bệnh. Nhưng đôi khi, thời gian ủ bệnh (khoảng thời gian từ lúc nhiễm mầm bệnh cho đến khi có triệu chứng) kéo dài lên đến vài tháng. Lý do là bởi vi khuẩn gây chlamydia là những sinh vật sống và phải sau một thời gian thì chúng mới sinh sôi, phát triển đến một số lượng đủ để biểu hiện triệu chứng.
Thời gian ủ bệnh ở mỗi người là khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Số lượng vi khuẩn đã bị nhiễm
- Vị trí trên cơ thể bị nhiễm vi khuẩn, chẳng hạn như bộ phận sinh dục, hậu môn, miệng…
- Tốc độ sinh sản của vi khuẩn
- Khả năng chống lại vi khuẩn của hệ miễn dịch
Ở nam giới?
Thời gian từ lúc nhiễm bệnh cho đến khi các triệu chứng biểu hiện ra ngoài ở nam giới cũng tương tự như ở nữ giới.
Tuy nhiên, khả năng xuất hiện các triệu chứng ở nam và nữ có sự khác nhau.
Theo một nghiên cứu, 90% phụ nữ không bao giờ gặp bất kỳ triệu chứng thể chất nào khi nhiễm chlamydia trong khi tỷ lệ này ở nam giới chỉ là 70%.
Sự khác biệt này có thể là yếu tố ảnh hưởng đến thời gian mà các triệu chứng biểu hiện sau khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào giữa giới tính và thời điểm xuất hiện các triệu chứng chlamydia.
Bao lâu thì chlamydia ở miệng có triệu chứng?
Không chỉ có bộ phận sinh dục, chlamydia còn có thể lây nhiễm vào miệng và cổ họng khi quan hệ tình dục bằng miệng với người bệnh.
So với chlamydia ở bộ phận sinh dục, chlamydia ở miệng còn hiếm khi gây triệu chứng hơn nữa và nếu có thì cũng phải sau khoảng một tuần cho đến vài tháng hoặc thậm chí lâu hơn thì các dấu hiệu, triệu chứng mới xuất hiện.
Quy trình xét nghiệm chlamydia tiêu chuẩn không có bước lấy mẫu dịch ở cổ họng vì đây là khu vực rất ít khi bị nhiễm bệnh. Nếu đã quan hệ tình dục bằng miệng và bạn tình có kết quả dương tính với chlamydia hoặc có những biểu hiện bệnh lây truyền qua đường tình dục thì hãy đến bệnh viện yêu cầu xét nghiệm dịch ngoáy họng và các phương pháp xét nghiệm khác nếu còn quan hệ tình dục qua đường âm đạo và hậu môn.
Các dấu hiệu, triệu chứng
Dưới đây là các dấu hiệu, triệu chứng phổ biến nhất của chlamydia ở cả nam giới và nữ giới.
Triệu chứng ở nam giới
- Đau đớn khi đi tiểu
- Tiết dịch bất thường từ dương vật
- Ngứa ngáy hoặc cảm giác nóng rát ở niệu đạo (ống dẫn nước tiểu)
- Đau tinh hoàn
- Sưng tấy quanh tinh hoàn do viêm mào tinh hoàn
Triệu chứng ở phụ nữ
- Đau rát khi đi tiểu
- Tiết dịch có màu, mùi bất thường từ âm đạo
- Đau ở bụng dưới hoặc xung quanh hông
- Đau đớn khi quan hệ tình dục
- Chảy máu sau khi quan hệ tình dục
- Chảy máu bất thường ngoài kỳ kinh nguyệt
- Đau xung quanh hậu môn
Biện pháp điều trị
Chlamydia là một bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể chữa khỏi và vì bệnh này do vi khuẩn gây ra nên phương pháp điều trị là dùng thuốc kháng sinh do bác sĩ kê đơn.
Một số loại kháng sinh được dùng để điều trị chlamydia gồm có:
- Azithromycin: dùng một liều duy nhất
- Doxycycline: uống 2 lần/ngày trong vòng một tuần
- Erythromycin: liều dùng 4 viên/ngày, uống trong một tuần
- Levofloxacin: uống 1 lần/ngày trong một tuần
- Ofloxacin: uống 2 lần/ngày trong một tuần
Khi được kê bất cứ loại thuốc kháng sinh nào thì cũng phải tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian dùng thuốc. Có thể phải sau 2 tuần thì các loại thuốc kháng sinh mới tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn trong cơ thể và chấm dứt các triệu chứng.
Thuốc kháng sinh sẽ không thể phát huy hiệu quả tối đa nếu không dùng đúng liều lượng và không đủ thời gian được chỉ định. Điều này cũng sẽ khiến vi khuẩn có khả năng kháng thuốc và khó điều trị hơn sau này.
Không được quan hệ tình dục cho đến khi liệu trình điều trị hoàn thành và bác sĩ xác nhận tình trạng nhiễm trùng đã được chữa khỏi hoàn toàn khi đi tái khám. Trong quá trình điều trị, nếu như vẫn tiếp tục quan hệ tình dục thì sẽ có thể lây truyền vi khuẩn sang bạn tình. Ngay cả quan hệ tình dục có sử dụng biện pháp bảo vệ cũng vẫn có thể lây truyền bệnh.
Các biện pháp khắc phục triệu chứng chlamydia
Người bệnh vẫn có thể sẽ gặp phải các triệu chứng đau đớn, khó chịu trong thời gian dùng thuốc kháng sinh điều trị chlamydia.
Dưới đây là một số biện pháp để giảm đau và các triệu chứng khác trong thời gian đang đợi thuốc kháng sinh phát huy tác dụng:
- Dùng thuốc giảm đau, chẳng hạn như ibuprofen
- Chườm lạnh để làm giảm sưng và viêm
- Dùng tinh bột nghệ: nghệ có chứa chất curcumin có tác dụng giảm viêm và làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ít
- Uống nhiều nước, ăn uống đủ chất và ngủ đủ giấc để tăng cường hệ miễn dịch, giúp chống lại vi khuẩn tốt hơn.
Tuy nhiên, không có bất cứ biện pháp khắc phục hay loại thuốc nào khác có thể thay thế được cho thuốc kháng sinh trong điều trị chlamydia. Các biện pháp kể trên chỉ nhằm hỗ trợ làm giảm bớt các triệu chứng bệnh trong thời gian dùng kháng sinh. Khi nghi ngờ bị nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc có những biểu hiện bất thường của một trong những bệnh này thì cần đi khám để bác sĩ kê thuốc điều trị.
Tóm tắt bài viết
Chlamydia là bệnh lây truyền qua đường tình dục rất dễ chữa và không gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu được phát hiện và điều trị sớm.
Phần lớn những người mắc bệnh đều không có triệu chứng nhưng bệnh sẽ vẫn âm thầm gây tổn hại cho cơ thể. Điều trị sớm sẽ ngăn ngừa được các biến chứng về sau này, chẳng hạn như vô sinh hoặc các bệnh lý khác như viêm vùng chậu.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa chlamydia và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác là sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su khi quan hệ tình dục. Ngoài ra, nên thường xuyên đi xét nghiệm các bệnh này, đặc biệt là khi quan hệ tình dục với người mới hoặc quan hệ với nhiều người.