Ngành nghề nào ít xét nét trình độ, sức khỏe, nhân cách? Xin thưa: Nghề tài xế! Bằng cấp nào dễ học và tỷ lệ đậu cao nhất? Đó là: Bằng lái xe!
Không ít người quanh tôi đang rỉ tai nhau về những lầm tưởng đáng tiếc như thế đó. Xuất phát từ quan niệm thiển cận của người dân cùng “lỗ hổng” trong công tác đào tạo và cấp bằng lái xe mà nghề tài xế được xem là một lựa chọn “đường cùng” của rất nhiều người.
Dù nghề chọn người hay người chọn nghề, hãy đặt vào đó niềm say mê và ý thức trách nhiệm cao |
Trần Hoàng |
Bao nhiêu người đến với “vô lăng” bằng sở thích, năng khiếu và có ý thức trách nhiệm cao với nghề? Có lẽ là kha khá. Còn lại muôn kiểu chọn nghề với vô vàn lý do “cứu rỗi” tương lai.
Gần nhà tôi là một gia đình khá giả có cậu con trai ngót nghét ba mươi tuổi vẫn vô công rỗi nghề suốt ngày cà phê tán dóc. Muốn con trai học nghề và lập gia đình, vậy là đẩy đi học nghề tài xế. Cùng với tấm bằng lái xe mới tinh là một chiếc xe du lịch mới cóng nhanh chóng được tậu về để “hoàn thiện hồ sơ” sang thưa chuyện cưới hỏi với nhà gái.
Một học sinh cấp ba lười học nhanh chóng được phép nghỉ chuyển sang học nghề. Học sửa xe chuyển sang gò hàn rồi cuối cùng chọn nghề tài xế. Nhờ quen biết nên dễ dàng xin vào một doanh nghiệp vận tải. Và chiếc xe bon bon trên đường với người cầm lái ít tuổi đời, non tuổi nghề.
Một thanh niên có hai tiền án nghiện hút sau cai nghiện trở về hòa nhập cuộc sống cũng lựa chọn nghề lái. Hành trình bôn ba muôn dặm đường dài nhiều cạm bẫy, ai dám bảo sẽ không có lần thứ ba tái nghiện?
Thế đó, nhiều người đã chọn nghề tài xế như thể đây là một lựa chọn cuối cùng, buộc phải chọn, miễn cưỡng chọn. Và bất kỳ công việc nào thiếu hụt niềm yêu thích thì đâu có động lực nội tại để sống vì nghề, trân quý nghề!
Xét về kinh nghiệm, có lẽ nghề lái xe là cần nhiều nhất. Những bác tài cầm lái hai, ba chục năm vẫn không thể nào dám khẳng định mình thông thuộc mọi cung đường, làm chủ được mọi tình huống. Bất trắc, trở ngại không lường trước được nhưng chắc chắn người lái xe lâu năm có thể xoay chuyển tình thế phần nào để giảm thiểu tối đa rủi ro.
Xét về ý thức, cần lắm những bác tài có “tâm”. Mỗi khi khởi động xe đồng nghĩa với nắm trong tay hàng chục sinh mạng, người lái xe nhận thức rõ điều đó sẽ biết quý tính mạng con người, làm chủ được tốc độ, tuân thủ luật giao thông. Khi “tâm” tĩnh tại, họ biết vượt qua áp lực của thời gian, tránh chạy đua tăng tuyến, biết điều tiết lòng tham trước ma lực của đồng tiền…
Bao nhiêu vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra với xe khách, container, taxi. Bên cạnh các lý do về cơ sở hạ tầng đường bộ bất cập và những tình huống khách quan không thể kiểm soát thì có một phần nguyên nhân xuất phát từ các bác tài thích phóng nhanh vượt ẩu và thường xuyên sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện.
Hiện nay đội ngũ tài xế lái xe khách, taxi, xe vận tải ở nước ta khá đông nhưng sự quản lý của cơ quan chủ quản còn khá lỏng lẻo trong khâu đào tạo, tuyển dụng, giám sát. Cần siết chặt hơn nữa kỷ cương của công tác đào tạo và cấp bằng lái xe, tránh hiện tượng ồ ạt như hiện nay. Thêm vào đó, các doanh nghiệp vận tải cần chấn chỉnh khâu tuyển dụng, giám sát nhân viên để tránh tối đa các bác tài có lý lịch “đen” và bị tha hóa nhân cách trà trộn vào.
Hơn tất cả, hãy xóa bỏ định kiến xem nghề lái xe như là một lựa chọn cuối cùng. Dù nghề chọn người hay người chọn nghề, hãy đặt vào đó niềm say mê và ý thức trách nhiệm cao!
Để hưởng ứng và lan tỏa tinh thần của Hội nghị văn hóa toàn quốc, từ ngày 4.1, Báo Thanh Niên mở "Diễn đàn văn hóa giao thông" với mục tiêu góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh. Chúng tôi rất mong quý độc giả, bạn đọc trên toàn quốc tham gia đóng góp bằng cách gởi bài, hình ảnh đẹp, tích cực cũng như những mặt hạn chế, tiêu cực diễn ra xung quanh cuộc sống hằng ngày về các sự việc, hiện tượng, vấn đề liên quan đến việc chấp hành pháp luật về giao thông cũng như các hành vi, thói quen, văn hóa giao thông để cùng chung tay xây dựng một nền văn minh giao thông tại Việt Nam.
Địa chỉ email của Diễn đàn: vanhoagiaothong@thanhnien.vn
Xin chân thành cảm ơn quý độc giả.
Thanh Niên