Tại sao lại bị đau bụng khi đến ngày đèn đỏ?

4 năm trước 28

Mặc dù các cơn đau bụng hay cảm giác khó chịu trong thời gian có kinh nguyệt là điều bình thường và có thể khắc phục được bằng thuốc không kê đơn hoặc các biện pháp tại nhà nhưng nếu đau đớn dữ dội và gây cản trở cuộc sống cũng như là các hoạt động hàng ngày thì lại là điều không bình thường và cần phải đi khám.

Nội dung chính của bài viết:

  • Triệu chứng đau phổ biến nhất trong thời gian hành kinh là đau bụng, được gọi là đau bụng kinh hay thống kinh. 
  • Nguyên nhân gây nên những cơn đau này là do một chất có tên là prostaglandin.
  • Mặc dù các cơn đau hay cảm giác khó chịu trong thời gian có kinh nguyệt là điều bình thường và có thể khắc phục được bằng thuốc không kê đơn hoặc các biện pháp tại nhà.
  • Nếu đau đớn dữ dội và gây cản trở cuộc sống cũng như là các hoạt động hàng ngày thì lại là điều không bình thường và cần phải đi khám. 
  • Đừng nên cố chịu đựng tình trạng đau đớn mỗi khi đến kỳ. Bất kể nguyên nhân gây đau là gì thì cũng đều có phương pháp điều trị.
  • Hãy bắt đầu theo dõi các cơn đau mà mình gặp phải và ghi lại thời điểm xảy ra, có những biểu hiện như thế nào, mức độ nặng nhẹ ra sao và thời gian kéo dài. Những thông tin này cũng giúp bác sĩ dễ dàng chẩn đoán vấn đề hơn.

Đau bụng kinh là như thế nào?

Gần như tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đều phải trải qua hiện tượng ra máu âm đạo hàng tháng gọi là hành kinh hay kinh nguyệt. Đây là hiện tượng mà niêm mạc tử cung bong ra khi trứng không được thụ tinh và đi ra ngoài cùng với máu. Trong khoảng thời gian này, cơ thể sẽ diễn ra nhiều thay đổi do sự dao động nồng độ hormone, trong đó có các triệu chứng như đau đớn, nhức mỏi cơ, chóng mặt, buồn nôn, nổi mụn, thay đổi tâm trạng thất thường,… Những cơn đau đớn hay cảm giác khó chịu trong những ngày này là điều hết sức bình thường mà rất nhiều phụ nữ gặp phải nhưng nếu các cơn đau dữ dội đến mức gây cản trở cuộc sống hàng ngày thì lại là điều không bình thường.

Triệu chứng đau phổ biến nhất trong thời gian hành kinh là đau bụng, được gọi là đau bụng kinh hay thống kinh. Hơn một nửa số phụ nữ có kinh nguyệt đều phải trải qua các cơn đau như vậy ít nhất một hoặc hai ngày mỗi tháng.

Đau bụng kinh được chia thành hai loại là:

  • Đau bụng kinh nguyên phát (hay thống kinh nguyên phát): thường bắt đầu ngay từ kỳ kinh đầu tiên. Nguyên nhân gây đau bụng kinh nguyên phát là do prostaglandin – một chất được tạo ra tự nhiên trong cơ thể.
  • Đau bụng kinh thứ phát (hay thống kinh thứ phát) thường xảy ra trong độ tuổi trưởng thành và bắt nguồn từ một vấn đề, bệnh lý ở hệ sinh dục.

Cho dù là triệu chứng đau ở mức độ nào và ở bất cứ đâu thì cũng đều có cách để giải quyết và giảm bớt các cơn đau.

Nguyên nhân gây đau bụng kinh

Mức độ của các cơn đau bụng kinh và thời gian bị đau mà mỗi phụ nữ gặp phải là khác nhau nhưng thường thì sẽ xuất hiện từ khoảng vài ngày trước khi bắt đầu hành kinh và có thể kéo dài trong vài ngày đầu tiên của kỳ kinh, sau đó tự giảm dần và biến mất. Nguyên nhân gây nên những cơn đau này là do một chất có tên là prostaglandin.

Prostaglandin là một nhóm các lipid giống như hormone, làm cho tử cung co thắt vào kỳ kinh để đẩy lớp mô niêm mạc ra ngoài.

Prostaglandin còn tham gia vào phản ứng viêm và đau trong cơ thể. Chất này được tạo ra và giải phóng từ niêm mạc tử cung.

Sau khi được giải phóng ra, prostaglandin làm tăng lực co thắt cơ tử cung trong vài ngày đầu của kỳ kinh. Nồng độ prostaglandin càng cao thì tình trạng đau bụng kinh càng dữ dội.

Khi mức prostaglandin tăng quá cao thì còn có thể gây nên những triệu chứng khó chịu khác như buồn nôn và tiêu chảy. Khi lớp niêm mạc tử cung bị bong ra, nồng độ prostaglandin trong cơ thể sẽ giảm xuống. Đây là lý do tại sao các cơn đau bụng kinh thường giảm sau vài ngày đầu tiên của kỳ kinh.

Tuy nhiên, hiện tượng đau bụng khi đến kỳ còn có thể là dấu hiệu của các vấn đề bất thường. Các vấn đề này gồm có:

Phương pháp điều trị đau bụng kinh

Các loại thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen (Advil) có thể làm dịu các cơn đau bụng kinh. Bắt đầu dùng thuốc khi bắt đầu hiện tượng ra máu hoặc ngay khi cảm thấy đau và tiếp tục dùng trong hai đến ba ngày đầu tiên hoặc cho đến không còn có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu cơn đau vẫn không giảm dù đã dùng thuốc giảm đau thì cần đi khám bác sĩ để được thăm khám tìm ra nguyên nhân gốc rễ và có những biện pháp điều trị khác, ví dụ như dùng thuốc tránh thai.

Thuốc tránh thai có chứa hormone ngăn chặn sự rụng trứng và giảm mức độ nghiêm trọng của chứng đau bụng kinh. Những hormone này còn có thể được đưa vào cơ thể dưới những dạng khác như thuốc tiêm, miếng dán, que cấy dưới da, vòng tránh thai được đặt vào âm đạo hoặc tử cung.
Nếu nguyên nhân gây đau bụng dữ dội khi đến kỳ là do các bệnh lý như lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung thì sẽ cần phẫu thuật để giải quyết vấn đề. Đôi khi, nếu các phương pháp khác đều không có tác dụng và không còn kế hoạch sinh con thì sẽ phải cân nhắc đến phương pháp phẫu thuật cắt bỏ tử cung.

Khi cơn đau không quá nghiêm trọng thì có thể thử những biện pháp khắc phục tại nhà như:

  • Tập luyện đều đặn: Vận động thể chất sẽ giúp giảm bớt chứng đau bụng kinh và ngoài ra còn cải thiện tâm trạng.
  • Chườm ấm: Ngâm mình trong bồn nước nóng, sử dụng túi chườm, miếng dán nhiệt hay chai đựng nước nóng áp lên vùng bụng dưới sẽ giúp làm dịu các cơn đau bụng kinh.
  • Bổ sung chất dinh dưỡng: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin E, axit béo omega-3, vitamin B1 (thiamin), vitamin B6 và magiê có thể làm giảm triệu chứng đau bụng do kinh nguyệt.
  • Giảm căng thẳng: Căng thẳng tâm lý có thể làm tăng nguy cơ bị đau bụng kinh và mức độ nghiêm trọng của cơn đau.

Nguyên nhân gây những triệu chứng đau khác

Estrogen và progesterone là những hormone giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và còn ảnh hưởng đến các hóa chất trong não bộ có liên quan đến triệu chứng đau đầu trong kỳ kinh. Ngay trước khi kinh nguyệt bắt đầu, nồng độ estrogen trong cơ thể giảm thấp và gây ra hiện tượng đau nhức đầu.

Ngay khi cảm thấy đau đầu thì nên có biện pháp can thiệp ngay. Điều trị càng sớm thì sẽ càng dễ đẩy lùi cơn đau và nhanh chóng cảm thấy dễ chịu hơn. Ngoài ra, cần phải uống đủ nước và nếu có thể thì nên nằm nghỉ càng nhiều càng tốt, tránh vận động nhiều.

Bạn cũng có thể chườm một chiếc khăn lạnh lên đầu và hít thở sâu để thư giãn. Các loại thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen, naproxen và các thuốc chống viêm không steroid khác cũng có tác dụng làm dịu các cơn đau đầu.

Sự dao động nồng độ hormone còn có thể khiến cho vú căng đau và trở nên nhạy cảm trong những ngày đèn đỏ. Estrogen làm cho các ống dẫn sữa giãn ra và progesterone làm cho các tuyến vú sưng lên. Điều này dẫn đến triệu chứng đau và nhạy cảm ở vú.

Trong khoảng thời gian này, bộ ngực cũng sẽ có cảm giác nặng nề. Các triệu chứng này đều có thể được khắc phục bằng thuốc chống viêm không steroid. Nhưng nếu cơn đau quá nghiêm trọng thì sẽ cần đến các phương pháp điều trị bằng nội tiết tố kê đơn, ví dụ như thuốc tránh thai.

Đọc toàn bộ bài viết