Nếu thực hiện đúng cách thì tampon sẽ không gây đau đớn hay bất kỳ cảm giác khó chịu nào khi đặt, tháo hay trong thời gian ở trong cơ thể.
Nội dung chính của bài viết:
- Nếu sử dụng đúng cách thì tampon sẽ không gây đau đớn hay khó chịu. Sau khi đưa vào cơ thể, bạn sẽ hầu như không còn cảm nhận thấy gì nữa.
- Cần nhớ rằng, dù là việc gì thì ban đầu cũng đều sẽ chưa quen và cần phải luyện tập. Sử dụng tampon cũng vậy. Nếu cảm thấy không được thoải mái khi đặt tampon lần đầu tiên thì cũng không sao cả, hãy tháo ra và thử lại.
- Nếu vẫn thấy không ổn thì có thể lựa chọn những sản phẩm khác như băng vệ sinh và khi âm đạo vẫn có cảm giác đau, khó chịu dù không dùng tampon thì cần phải đi khám. Đó có thể triệu chứng của vấn đề bất thường.
Sau khi đặt tampon sẽ cảm thấy như thế nào?
Nếu được đặt một cách chính xác thì bạn sẽ không hề có bất cứ cảm giác nào khi tampon ở bên trong cơ thể hoặc nếu có thì cũng chỉ là cảm giác không đáng kể và vẫn rất thoải mái. Tất nhiên, mỗi người là khác nhau. Với những người nhạy cảm thì sẽ cảm nhận thấy khi có một vật từ bên ngoài được đưa vào cơ thể như tampon nhưng cảm giác này không phải khó chịu hay đau đớn.
Tại sao lại bị đau khi dùng tampon?
Có một số nguyên nhân mà nhiều người cảm thấy bị đau khi sử dụng tampon.
Nguyên nhân số 1 là do tampon được đưa vào không chính xác. Các bước đặt tampon đúng như sau:
- Trước tiên, cần rửa sạch tay, lau khô và tháo vỏ của tampon.
- Tiếp theo, vào tư thế thoải mái (ngồi xổm hoặc đứng gác một chân). Dùng một tay để giữ ống bao ngoài tampon và sử dụng tay kia để kéo môi âm hộ sang hai bên.
- Nhẹ nhàng đặt tampon vào âm đạo và ấn vào đầu của cần đẩy để đẩy tampon vào sâu bên trong.
- Nếu tampon vẫn chưa vào đủ sâu thì có thể dùng ngón tay để đẩy vào thêm một chút nữa.
Khi sử dụng lần đầu và vẫn chưa biết phải làm sao thì nên đặt một chiếc gương ở bên dưới để quan sát quá trình đặt tampon.
Cách lựa chọn kích cỡ tampon phù hợp
Kích cỡ tampon cần sử dụng sẽ phụ thuộc vào mức độ ra máu vào kỳ kinh. Mức độ ra máu của mỗi người là khác nhau và sẽ thay đổi theo từng giai đoạn trong thời gian có kinh nguyệt.
Thông thường, một vài ngày đầu tiên có kinh là khoảng thời gian bị ra máu nhiều nhất và sẽ nhanh phải thay tampon hơn. Trong những ngày này thì nên sử dụng tampon cỡ lớn, có độ thấm hút cao hay siêu thấm hút nếu đã thử tampon loại thường và phải thay quá thường xuyên.
Đến cuối kỳ kinh, khi chỉ còn ra một ít máu thì nên chuyển sang tampon cỡ nhỏ hơn.
Tampon cỡ nhỏ cùng phù hợp cho những người mới bắt đầu dùng vì kích cỡ nhỏ gọn sẽ giúp cho việc đặt vào và tháo ra được dễ dàng hơn.
Nếu vẫn không biết mình nên dùng cỡ tampon hay mức thấm hút nào thì có một cách đơn giản để xác định.
Nếu khi tháo ra sau 4 – 8 tiếng mà tampon vẫn còn nhiều khoảng trắng không dính máu thì nên chuyển sang loại tampon có độ thấm hút thấp hơn.
Mặt khác, nếu chưa đến 4 tiếng mà tampon đã thấm đẫm máu và rỉ máu ra ngoài thì cần sử dụng loại có độ thấm hút cao hơn.
Có thể sẽ phải thử vài lần mới chọn ra được loại tampon phù hợp nhất với mình. Nếu bạn lo lắng về việc bị rỉ máu ra ngoài do chưa quen dùng tampon thì có thể dùng thêm băng vệ sinh để đề phòng.
Làm thế nào để giảm cảm giác khó chịu khi đặt tampon?
Vào thời gian đầu sử dụng, do chưa quen nên thao tác sẽ chưa được thuần thục và có thể sẽ hơi khó chịu trong quá trình đặt tampon. Bạn có thể giảm cảm giác này bằng cách dưới đây.
Trước khi đặt, hãy hít thở sâu để thư giãn và thả lỏng cơ. Khi cơ thể căng thẳng thì cơ sẽ bị siết chặt và điều này sẽ gây khó khăn cho việc đưa tampon vào trong.
Bạn cần tìm một tư thế thoải mái nhất để đặt tampon, có thể là ngồi xổm, ngồi trên bồn cầu hoặc đứng gác một chân trên ghế. Những tư thế này giúp âm đạo được mở rộng và có thể đặt tampon vào bên trong một cách dễ dàng hơn.
Bạn cũng có thể giảm thiểu cảm giác khó chịu bằng cách thử các loại tampon khác nhau.
Một số người cảm thấy loại tampon có ống bao ngoài bằng bìa cứng gây khó chịu khi đặt và loại có ống bao ngoài bằng nhựa thoải mái, dễ dàng hơn do có bề mặt trơn nhẵn.
Nếu bạn muốn dùng tay để đặt tampon thì có thể chọn tampon trần (không đi kèm ống bao ngoài và pít tông).
Cho dù chọn loại nào thì cũng phải rửa tay sạch trước và sau khi đặt tampon.
Còn khi lấy tampon ra thì sao?
Mặc dù lấy tampon ra sẽ dễ dàng hơn so với khi đặt vào nhưng nếu cũng cảm thấy khó khăn và không thoải mái thì hãy hít thở sâu để thả lỏng cơ thể và thư giãn cơ.
Để tháo tampon thì chỉ cần vào tư thế như lúc đặt và nắm lấy sợi dây rồi kéo xuống. Đừng vội vàng mà hãy cứ thư giãn, thở đều và kéo hết sức nhẹ nhàng.
Nếu tampon chưa thấm hút nhiều máu hoặc mới ở trong cơ thể được một thời gian ngắn thì sẽ khó tháo hơn và có thể sẽ hơi khó chịu vì máu giúp bôi trơn tampon.
Nếu vẫn không thoải mái thì sao?
Đừng lo lắng nếu cảm thấy không thoải mái vào lần dùng đầu tiên. Thường sẽ phải tập luyện một vài lần thì mới quen và thực hành thuần thục hơn.
Sau khi vào cơ thể, tampon sẽ dần dần được đẩy vào vị trí thoải mái hơn khi đi bộ và vận động, vì vậy nếu cảm thấy hơi cộm vướng, khó chịu thì có thể đi bộ xung quanh là sẽ cảm thấy đỡ hơn.
Những lựa chọn thay thế
Nếu đã thử nhiều lần nhưng vẫn thấy tampon không thoải mái thì có nhiều lựa chọn khác mà bạn có thể sử dụng cho kỳ kinh nguyệt.
Đơn giản và phổ biến nhất là băng vệ sinh truyền thống, có dạng miếng dẹt hình chữ nhật với một mặt dính để đặt vào đáy quần lót. Băng vệ sinh có hai loại là loại không cánh và loại có cánh để ôm lấy mép quần lót và giữ băng không bị xô lệch.
Hầu hết các loại băng vệ sinh hiện nay là loại dùng một lần nhưng cũng có loại được làm từ chất liệu bông hữu cơ có thể được giặt và tái sử dụng nhiều lần. Loại băng vệ sinh này thường không có mặt dính và thay vào đó là có các nút bấm hoặc khuy cài.
Ngoài ra còn có quần lót nguyệt san, loại quần lót được làm bằng chất liệu siêu thấm hút để giữ máu trong kỳ kinh nguyệt.
Và lựa chọn cuối cùng là cốc nguyệt san. Đây là dụng cụ nhỏ hình phễu làm từ silicone hoặc nhựa dẻo, được đưa vào bên trong âm đạo để đựng máu kinh, ngăn máu chảy ra bên ngoài. Cốc nguyệt san có thể được giữ bên trong cơ thể lên đến 12 tiếng liên tục và sau đó chỉ cần lấy ra, rửa sạch là có thể dùng lại được rất nhiều lần.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Nếu cảm giác đau hoặc khó chịu ở vùng kín vẫn kéo dài dai dẳng thì nên đi khám bác sĩ phụ khoa.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến nghị nên đi khám nếu có hiện tượng âm đạo tiết dịch bất thường khi dùng tampon.
Ngoài ra, phải ngừng dùng tampon và đến gặp bác sĩ ngay lập tức khi có những hiện tượng như:
- Sốt cao từ 39 độ C trở lên
- Buồn nôn, nôn ói
- Các triệu chứng giống cúm như đau đầu, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, đau họng và ho
- Tiêu chảy
- Môi, lưỡi và lòng trắng mặt chuyển màu đỏ
- Chóng mặt
- Ngất xỉu
- Khó thở
- Đầu óc không tỉnh táo
Đây có thể là những dấu hiệu của hội chứng sốc nhiễm độc.
Tình trạng đau dai dẳng, cảm giác châm chích hoặc khó chịu khi đưa tampon vào hoặc trong thời gian tampon ở bên trong cơ thể cũng có thể là dấu hiệu chỉ ra những vấn đề như:
- Các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục
- Viêm cổ tử cung
- Chứng đau âm hộ
- U nang âm đạo
- Lạc nội mạc tử cung
Cần đi khám để bác sĩ tiến hành các phương pháp kiểm tra cần thiết nhằm chẩn đoán nguyên nhân chính xác của các triệu chứng.
>>>Bài viết cùng chủ đề: Tất tần tật những điều bạn cần biết về tampon