Nguyên nhân bị nhiễm nấm âm đạo sau kỳ kinh nguyệt là do sự dao động nồng độ nội tiết tố khiến cho môi trường bên trong âm đạo thay đổi.
Nội dung chính của bài viết
- Bị nhiễm nấm âm đạo sau kỳ kinh nguyệt là do sự dao động nồng độ nội tiết tố khiến cho môi trường bên trong âm đạo thay đổi. Điều này tạo điều kiện cho nấm men phát triển quá mức.
- Nếu như thường xuyên bị nhiễm nấm âm đạo hoặc vấn đề không đáp ứng với các loại thuốc điều trị thì nên đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân chính xác của vấn đề.
- Cần vệ sinh đúng cách, mặc đồ lót rộng rãi, cắt giảm lượng đường trong khẩu phần ăn và hạn chế dùng kháng sinh để giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm nấm âm đạo.
Nhiễm nấm âm đạo là gì?
Nhiễm nấm âm đạo hay còn được gọi là viêm âm đạo do nấm Candida là một bệnh phụ khoa phổ biến. Mặc dù không phải vấn đề nghiêm trọng nhưng vấn đề này sẽ gây khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày. Nhiễm nấm âm đạo có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào, bao gồm cả thời gian sau kỳ kinh nguyệt.
Sự thay đổi nồng độ nội tiết tố, ví dụ như khi mang thai hay trước, trong và sau thời gian hành kinh có thể làm giảm số lượng vi khuẩn có lợi vốn có nhiệm vụ kiểm soát sự sinh sôi của nấm. Điều này khiến cho nấm phát triển và dẫn đến nhiễm nấm âm đạo.
Thủ phạm chính gây nhiễm nấm âm đạo là Candida albicans. Tuy nhiên, các chủng nấm Candida khác cũng có thể gây ra vấn đề, ví dụ như:
- Candida glabrata
- Candida parapsilosis
- Candida tropicalis
- Candida krusei
- Cryptococcus neoformans
Mặc dù nhiễm nấm âm đạo gây khó chịu, đặc biệt là khi có kinh nguyệt nhưng hoàn toàn có thể điều trị được bằng thuốc một cách đơn giản.
Nguyên nhân
Âm đạo có chứa cả vi khuẩn và nấm nhưng bình thường, chúng tồn tại ở trạng thái cân bằng. Những lợi khuẩn như Lactobacillus có vai trò kiểm soát sự sinh sôi của các loại nấm, trong đó có Candida để giữ cho âm đạo luôn khỏe mạnh.
Khi có một tác nhân nào đó khiến vi khuẩn bị tiêu diệt thì số lượng lợi khuẩn sẽ giảm và nấm Candida có thể phát triển vượt tầm kiểm soát. Điều này sẽ gây ra nhiễm nấm âm đạo. Một trong những tác nhân tiêu diệt vi khuẩn và gây nhiễm nấm Candida là thuốc kháng sinh.
Sự mất cân bằng nồng độ nội tiết tố cũng có thể gây nên vấn đề này. Phụ nữ có khả năng cao bị nhiễm nấm Candida trong thời gian mang thai, đang dùng các biện pháp tránh thai nội tiết cũng như là trước, trong và sau thời gian có kinh nguyệt.
Nguyên nhân là do vào những giai đoạn này, sự cân bằng tự nhiên giữa hormone progesterone và estrogen trong cơ thể bị phá vỡ. Nồng độ estrogen cao khiến nấm Candida có thể phát triển quá mức.
Đây chính là nguyên nhân mà nhiều phụ nữ thường bị nhiễm nấm âm đạo sau kỳ kinh nguyệt. Một số người cứ đến kỳ kinh hàng tháng là lại bị nhiễm nấm, tình trạng này được gọi là viêm âm hộ - âm đạo theo chu kỳ.
Nguy cơ bị nhiễm nấm Candida cũng sẽ tăng cao nếu như:
- gần đây mới điều trị bằng thuốc kháng sinh
- mắc một bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch, chẳng hạn như HIV/AIDS
- chịu nhiều căng thẳng, điều này cũng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch
- bị bệnh tiểu đường
Chẩn đoán
Để chẩn đoán nhiễm nấm âm đạo, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và lấy bệnh sử. Sau đó cần kiểm tra bên ngoài và bên trong cơ quan sinh dục để phát hiện các dấu hiệu bất thường.
Bác sĩ dùng tăm bông sạch lấy mẫu dịch tiết bên trong âm đạo và gửi mẫu đến phòng thí nghiệm để phân tích, tìm sự hiện diện các chủng nấm men.
Nếu bị nhiễm nấm thường xuyên hoặc nếu các triệu chứng không hết sau khi dùng thuốc thì sẽ cần tiến hành các phương pháp kiểm tra khác để tìm ra nguyên nhân.
Phương pháp điều trị
Nhiễm nấm âm đạo thường có thể điều trị được tại nhà bằng thuốc trị nấm không kê đơn.
Hầu hết các loại thuốc trị nấm âm đạo không kê đơn đều có tác dụng diệt nấm Candida albicans - loại nấm men phổ biến nhất trong âm đạo. Vì vậy nên nếu là do một chủng nấm khác gây ra thì có thể thuốc sẽ không có tác dụng.
Chỉ khi làm xét nghiệm thì mới có thể xác định được chủng nấm cụ thể. Do đó, cần đi khám khi tình trạng nhiễm nấm âm đạo tái đi tái lại hoặc đã dùng các loại thuốc không kê đơn nhưng không thấy hiệu quả.
Phương pháp xét nghiệm mẫu dịch tiết âm đạo sẽ giúp bác sĩ xác định đúng chủng nấm men đang gây nhiễm trùng và dựa vào đó để chỉ định dùng thuốc cho phù hợp.
Các loại thuốc trị nấm có dạng bôi, viên đặt hoặc thuốc uống và thường được dùng trong thời gian lên đến 14 ngày. Một số loại thuốc phổ biến gồm có:
- butoconazole
- clotrimazole
- fluconazole
- miconazole
- terconazole
Nên đi tái khám sau khi hết triệu chứng để đảm bảo bệnh đã khỏi hoàn toàn.
Biện pháp điều trị tự nhiên
Ngoài dùng thuốc, phụ nữ cũng có thể thử ăn sữa chua chứa men sống (loại không đường) và uống men vi sinh để khôi phục sự cân bằng hệ vi sinh vật trong âm đạo.
Hầu hết các biện pháp này đều phải sau một vài ngày đến một tuần mới phát huy hiệu quả và cũng có đôi khi không hiệu quả. Chỉ nên sử dụng những biện pháp nêu trên kết hợp với các loại thuốc chứ không nên thay thế cho thuốc. Nếu các triệu chứng vẫn còn sau 1 tuần thì nên đi khám bác sĩ.
Phòng ngừa
Sau khi điều trị khỏi nhiễm nấm âm đạo, phụ nữ có thể ngăn ngừa vấn đề tái phát bằng những biện pháp dưới đây:
- Tránh dùng kháng sinh trừ khi thực sự cần thiết vì kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn trong âm đạo. Nếu bắt buộc phải dùng thuốc kháng sinh thì nên uống bổ sung men vi sinh và ăn các loại thực phẩm chứa men vi sinh ví dụ như sữa chua, kim chi và trà kombucha để tăng số lượng lợi khuẩn cho cơ thể.
- Mặc đồ lót bằng vải cotton và quần rộng rãi.
- Thay đồ ngay sau khi đi bơi, sau khi tập thể dục hoặc bất cứ khi nào quần bị ướt vì nấm men phát triển mạnh trong môi trường ấm áp, ẩm ướt.
- Không dùng xà phòng để rửa vùng kín vì xà phòng có thể gây kích ứng, làm mất cân bằng độ pH và tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong âm đạo, dẫn đến nhiễm nấm.
- Không thụt rửa: âm đạo có khả năng tự làm sạch nên không cần phải thụt rửa. Việc thụt rửa sẽ loại bỏ lợi khuẩn ra khỏi âm đạo. Hàng ngày chỉ cần rửa vùng bên ngoài bằng nước sạch là đủ.
- Cắt giảm tối đa lượng đường trong chế độ ăn uống. Nấm men sinh sôi, phát triển nhờ đường nên chế độ ăn nhiều đường sẽ làm tăng lượng đường trong máu và tạo điều kiện cho nấm men phát triển mạnh.
Khi nào cần đi khám?
Tốt nhất nên đi khám khi có những dấu hiệu nhiễm nấm âm đạo.
Nếu nhiễm nấm âm đạo tái đi tái lại nhiều lần (trên 4 lần/năm) hoặc đã dùng các loại thuốc không kê đơn mà không có hiệu quả thì cũng nên đi khám bác sĩ sản phụ khoa, đặc biệt là khi còn bị tiểu đường, HIV/AIDS hoặc các bệnh khác làm suy yếu hệ miễn dịch.