Trầm cảm và sức khỏe tinh thần trong thời kỳ mãn kinh

4 năm trước 31

Trầm cảm trong thời kỳ mãn kinh là một vấn đề có thể điều trị được. Khi nhận thấy có những thay đổi tâm lý, cảm xúc bất thường thì nên đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn những phương pháp can thiệp, điều trị hiệu quả nhất.

Nội dung chính của bài viết:

  • Đối với một số phụ nữ, mãn kinh là quãng thời gian mà họ phải đối mặt với sự cô đơn. Khi không thể chia sẻ được với ai, những cảm xúc này dồn nén lại và có thể phát triển thành rối loạn lo âu hoặc trầm cảm.
  • Nếu thường xuyên cảm thấy buồn, nhạy cảm quá mức, dễ khóc và tuyệt vọng thì đây có thể là những dấu hiệu trầm cảm.
  • Ngoài ra, người bị trầm cảm còn có cảm giác trống rỗng, mất phương hướng, khó tập trung, trí nhớ giảm sút, uể oải, thiếu năng lượng, ngủ ít hoặc ngủ quá nhiều, chán ăn, xuất hiện những cơn đau không lý giải được.
  • Khi bạn đã bị trầm cảm trước mãn kinh thì sẽ có nhiều nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu hoặc trầm cảm trong thời kỳ mãn kinh.
  • Hãy thay đổi lối sống, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, bỏ thuốc lá để cải thiện tình trạng phiền muộn, lo âu.
  • Nếu đã thử những thay đổi trong lối sống mà tình hình vẫn không khả quan hơn thì bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác, ví dụ như liệu pháp hormone thay thế, thuốc chống trầm cảm hoặc trị liệu tâm lý.

Ảnh hưởng của mãn kinh đến sức khỏe tinh thần

Việc bước vào độ tuổi trung niên sẽ đem đến tâm lý lo âu và sợ hãi cho nhiều phụ nữ. Nguyên nhân dẫn đến điều này một phần là do những thay đổi về thể chất trong giai đoạn tiền mãn kinh, chẳng hạn như giảm nồng độ estrogen và progesterone. Bốc hỏa, đổ mồ hôi và các triệu chứng tiền mãn kinh khác đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý. Bên cạnh đó, khi bước vào độ tuổi này, phụ nữ sẽ có rất nhiều mối lo, ví dụ như lo sợ mình sẽ già và xấu hay bất an về mối quan hệ vợ chồng. Những điều này đều sẽ dẫn đến những cảm xúc tiêu cực và khủng hoảng về tâm lý.

Đối với một số phụ nữ, mãn kinh là quãng thời gian mà họ phải đối mặt với sự cô đơn. Người thân trong gia đình và bạn bè không phải ai cũng hiểu được những gì mà họ đang phải trải qua và sẵn sàng ở bên chia sẻ những lúc cần. Dần dần, những cảm xúc này dồn nén lại và có thể phát triển thành rối loạn lo âu hoặc trầm cảm.

Nhận biết các triệu chứng trầm cảm

Cảm giác buồn bã, lo lắng là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống và ai cũng đã từng phải trải qua ít nhất một vài lần. Tuy nhiên, nếu thường xuyên cảm thấy buồn, nhạy cảm quá mức, dễ khóc và tuyệt vọng thì đây có thể là những dấu hiệu trầm cảm. Ngoài ra, trầm cảm còn có các biểu hiện, triệu chứng khác như:

  • Cáu kỉnh, tức giận vì những lý do nhỏ nhặt
  • Thường xuyên thấy lo lắng, bồn chồn, tim đập nhanh
  • Cảm giác trống rỗng, mất phương hướng trong cuộc sống
  • Không còn hứng thú với những thứ vẫn từng thích và các hoạt động, mối quan hệ thường ngày
  • Khó tập trung và đưa ra quyết định
  • Trí nhớ giảm sút
  • Uể oải, thiếu năng lượng
  • Ngủ quá ít hoặc quá nhiều
  • Chán ăn
  • Xuất hiện những cơn đau không lý giải được trên cơ thể

Yếu tố nguy cơ trầm cảm

Sự thay đổi nồng độ hormone trong thời kỳ mãn kinh có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, sự sụt giảm mức estrogen không phải là nguyên do duy nhất tác động đến tâm trạng. Các yếu tố sau đây đều có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu hoặc trầm cảm trong thời kỳ mãn kinh:

  • Đã bị trầm cảm trước mãn kinh
  • Có suy nghĩ tiêu cực về thời kỳ mãn kinh hoặc sự lão hóa
  • Thường xuyên phải chịu nhiều căng thẳng từ công việc, gia đình hoặc các mối quan hệ cá nhân
  • Không hài lòng về công việc, môi trường sống hoặc tình trạng kinh tế
  • Tự ti về bản thân
  • Không được những người xung quanh quan tâm, chia sẻ
  • Lối sống ít vận động
  • Hút thuốc, uống rượu nhiều

Điều trị trầm cảm bằng cách thay đổi lối sống

Trầm cảm trong thời kỳ mãn kinh cũng có thể được điều trị bằng những cách tương tự như trầm cảm vào bất cứ thời điểm nào khác trong cuộc đời. Khi đi khám, bác sĩ sẽ hướng dẫn một số thay đổi lối sống, kê thuốc, liệu pháp trị liệu tâm lý hoặc kết hợp các phương pháp này với nhau.

Trước khi kết luận trầm cảm thì bác sĩ sẽ cần tiến hành một số phương pháp kiểm tra, chẩn đoán để phát hiện hoặc loại trừ các nguyên nhân về thể chất có thể gây ra các biểu hiện giống như trầm cảm, chẳng hạn như bệnh lý tuyến giáp.

Sau khi xác nhận trầm cảm thì trước tiên, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số thay đổi trong lối sống dưới đây để xem có thể cải thiện tình trạng phiền muộn, lo âu được hay không.

Ngủ đủ giấc

Nhiều phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh gặp phải các vấn đề về giấc ngủ như mất ngủ, ngủ không sâu giấc nên khó có thể ngủ đủ giấc vào ban đêm. Để khắc phục thì nên cố gắng rèn cho mình một thói quen đi ngủ cố định mỗi ngày bằng cách đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi tối và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi sáng. Bên cạnh đó, nên giữ cho phòng ngủ mát mẻ, tối và yên tĩnh để dễ ngủ và ngủ sâu giấc hơn.

Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm căng thẳng, đồng thời tăng mức năng lượng và cải thiện tâm trạng. Cố gắng tập ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày một tuần. Có thể kết hợp nhiều hình thức tập luyện khác nhau ví dụ như đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội, tập thể dục nhịp điệu, đánh cầu lông hay tennis.

Để có hiệu quả tập luyện cao nhất thì nên kết hợp thêm ít nhất hai buổi tập tăng cơ ví dụ như tập tạ trong thói quen tập luyện hàng tuần. Bên cạnh đó cũng có thể thử thêm các phương pháp tập luyện nhẹ nhàng như tập yoga.

Thử các biện pháp thư giãn

Yoga, thái cực quyền, ngồi thiền và mát-xa đều là những biện pháp thư giãn giúp giảm căng thẳng và giúp ngủ ngon giấc hơn vào ban đêm.

Bỏ thuốc lá

Nghiên cứu chỉ ra rằng những phụ nữ mãn kinh và có thói quen hút thuốc lá có nguy cơ trầm cảm cao hơn so với những người không hút thuốc. Do đó, nếu bạn hiện đang hút thuốc thì hãy cố gắng bỏ ngay.

Tham gia nhóm hỗ trợ

Bạn bè và người thân trong gia đình luôn là những nguồn động viên, chia sẻ tốt nhất. Tuy nhiên, đôi khi việc tìm và nói chuyện với những người khác cũng đang gặp phải vấn đề tương tự sẽ giúp ích rất nhiều. Những cảm xúc tiêu cực trong thời kỳ mãn kinh đều rất đáng sợ nhưng hãy nhớ rằng, bạn không đơn độc. Mỗi ngày còn có rất nhiều phụ nữ khác cũng đang phải trải qua giai đoạn khó khăn này.

Điều trị trầm cảm bằng thuốc và trị liệu tâm lý

Nếu đã thử những thay đổi trong lối sống mà tình hình vẫn không khả quan hơn thì bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác, ví dụ như liệu pháp hormone thay thế, thuốc chống trầm cảm hoặc trị liệu tâm lý.

Liệu pháp estrogen liều thấp

Những vấn đề về cảm xúc, tâm lý trong thời kỳ mãn kinh có thể được điều trị bằng liệu pháp estrogen dưới dạng thuốc đường uống hoặc miếng dán ngoài da. Nghiên cứu đã cho thấy liệu pháp estrogen có thể giảm bớt các triệu chứng về thể chất và tinh thần của thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, liệu pháp estrogen lại đi kèm với một số rủi ro như làm tăng nguy cơ ung thư vú và hình thành cục máu đông. Vì thế, cần cân nhắc kỹ trước khi điều trị.

Thuốc chống trầm cảm

Với những trường hợp không thích hợp điều trị bằng liệu pháp hormone thì bác sĩ sẽ kê thuốc chống trầm cảm. Những loại thuốc này có thể được sử dụng trong thời gian ngắn để tạm thời khắc phục vấn đề cho đến khi cơ thể thích nghi với những thay đổi hoặc cũng có thể cần sử dụng trong thời gian dài.

Trị liệu tâm lý

Cảm giác cô đơn hay tâm lý ngại chia sẻ với những người thân quen khiến nhiều phụ nữ âm thầm chịu đựng những cảm xúc tiêu cực thay vì mở lời với những thành viên trong gia đình và bạn bè. Đây là điều dễ hiểu. Nếu cảm thấy vậy thì hãy thử đến gặp bác sĩ tâm lý. Nhiều người nhận thấy việc trò chuyện với bác sĩ dễ dàng và thoải mái hơn nhiều so với chia sẻ cùng người thân. Bác sĩ sẽ tư vấn những biện pháp đối phó với các vấn đề mà bạn đang gặp phải.

Đọc toàn bộ bài viết